Mất ngủ đang ngày càng trở nên phổ biến khi bất cứ ai cũng có thể gặp. Dùng thuốc trị mất ngủ là một trong những cách để cải thiện bệnh, giúp mọi người có giấc ngủ. Vậy nên uống thuốc gì để loại bỏ mất ngủ?
Các nhóm thuốc trị mất ngủ điển hình
Bạn có thể tham khảo, tìm hiểu thuốc trị mất ngủ theo các nhóm chính dưới đây. Sở dĩ chúng tôi không kê tên thuốc và cách dùng cụ thể vì thuốc mất ngủ không nên tự ý dùng, cần được chỉ dẫn bởi bác sĩ. Do đó, thông tin chỉ giúp người bệnh tham khảo loại thuốc phổ biến.
Nhóm thuốc bình thần
Trong nhóm này có các thuốc phổ biến là Clonazepam, Rotunda, Diazepam, Bromazepam…
Các thuốc này giúp người bệnh đi vào giấc ngủ nhanh hơn. Phù hợp với người mới bị bệnh và mất ngủ ngắn.
Liều dùng an toàn là không quá 3 ngày. Nếu lạm dụng có thể làm nhờn thuốc và không cho tác dụng kể cả khi tăng liều.
Nhóm thuốc ngủ
Một số thuốc ngủ phổ biến là Zolpidem, Phenobarbital…
Thuốc ngủ thường cho tác dụng mạnh, giúp người bệnh ngủ được ngay sau khi uống thuốc. Tuy nhiên lại dễ gây nhờn thuốc. Nếu lạm dụng có các tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, nhức đầu, chóng mặt,…
Nhóm thuốc kháng histamin
Một số thuốc kháng histamin tốt cho người mất ngủ là Clorpheniramin, Dimedrol, Promethazine…
Thuốc giúp chống dị ứng và gây ngủ mạnh. Vì vậy, nó phù hợp với người bị mất ngủ do bị ngứa ngáy, mề đay, eczema, hắc lào,…
Người bệnh nên dùng thuốc kháng histamin theo chỉ định của bác sĩ, không nên lạm dụng.
Nhóm thuốc an thần kinh mới
Thuốc trị mất ngủ thuộc nhóm thuốc an thần kinh mới có các thuốc điển hình là Amisulpride, Quetiapine, Olanzapine…
Nhóm thuốc này giúp gây buồn ngủ mạnh cho người bệnh. Nhưng lại dễ gây béo phì nếu lạm dụng bởi khả năng kích thích ăn uống ngon miệng hơn.
Thuốc thường được bác sĩ chỉ định khi người bệnh bị lo âu lan tỏa, trầm cảm, chán ăn tâm lý,… Người bệnh nên kiêng chất béo, chất ngọt và chất bột đường khi dùng nhóm thuốc này để hạn chế bị tăng cân.
Nhóm thuốc chống trầm cảm
Người bị mất ngủ do trầm cảm sẽ được chỉ định loại thuốc trong nhóm chống trầm cảm như Mirtazapine, Clomipramine…
Nhóm thuốc này tác động vào hệ serotonin bên trong não, thường không có tác dụng ngay lập tức. Người bệnh cần phải mất khoảng 3 – 4 tuần mới bắt đầu thấy giấc ngủ được cải thiện.
Nhóm thuốc điều trị bệnh lý
Với người bị mất ngủ do yếu tố bệnh lý như tim mạch, dạ dày, viêm khớp, dị ứng,… sẽ được kê loại thuốc phù hợp. Đẩy lùi được bệnh lý, giấc ngủ sẽ có cơ hội được khắc phục tốt hơn.
Tác dụng phụ của thuốc mất ngủ
Khi dùng thuốc trị mất ngủ, người bệnh có thể sẽ gặp một số tác dụng phụ như:
- Choáng, chóng mặt và buồn nôn, tiêu chảy.
- Tình trạng buồn ngủ kéo dài.
- Dị ứng.
- Hành vì và suy nghĩ thay đổi như suy giảm trí nhớ, kích động, ảo giác,…
- Mệt mỏi, giảm hiệu suất công việc ban ngày.
Lưu ý khi dùng thuốc trị mất ngủ
- Thuốc ngủ thường không an toàn với mẹ bầu, phụ nữ đang cho con bú hoặc người lớn tuổi.
- Dùng thuốc thời gian dài dễ gây tác dụng phụ hoặc bị nhờn thuốc, không cho hiệu quả kể cả khi tăng liều.
- Người bị huyết áp thấp, có bệnh về thận, tim mạch,… cần cẩn trọng khi dùng thuốc mất ngủ. Tốt nhất nên được thăm khám trước bởi bác sĩ chuyên khoa.
- Cách dùng thuốc ngủ an toàn nhất là: Được thăm khám đánh giá từ bác sĩ, dùng thuốc được bác sĩ kê đơn và chỉ uống khi bạn sẵn sàng đi ngủ. Đồng thời, phải theo dõi tác dụng phụ và không uống rượu bia.
- Kết hợp xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học như ngủ đúng giờ, không dùng điện thoại trước khi đi ngủ, tập luyện thể dục thể thao,…
Bài viết trên đã thông tin về các thuốc trị mất ngủ phổ biến hiện nay. Hy vọng sẽ là kiến thức bổ ích giúp bạn tìm lại được giấc ngủ ngon, cải thiện chất lượng sức khỏe và đời sống tinh thần.
Cập nhật lúc: 8:35 AM , 09/04/2024