Thoái hóa khớp cổ chân thường gặp ở người lớn tuổi nhưng cũng có thể xuất hiện ở đối tượng người trẻ. Bệnh gây đau nhức, hạn chế vận động và nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến tàn phế. Theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu phương pháp điều trị bệnh hiệu quả, hạn chế tối đa các biến chứng.
Cấu tạo và chức năng của khớp cổ chân
Khớp cổ chân là bộ phận quan trọng tạo nên khả năng liên kết linh hoạt giữa xương chày, xương mác, và xương sên. Khớp này có cấu trúc tự nhiên, kết hợp với xương mắt cá trong và xương mắt cá ngoài tạo thành một ổ sâu cho ròng rọc xương sên.
Chức năng của khớp cổ chân là bảo vệ các dây chằng, gân cơ ở bên ngoài cổ chân, giúp ngăn chúng bị lệch trụ ra ngoài khi cử động. Mặc dù diện tích của mặt khớp nhỏ, khoảng 350mm, và sụn khớp cổ chân mỏng, nhưng phải chịu áp lực lớn từ trọng lượng cơ thể khi đứng.
Sự yếu đi của khớp cổ chân có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đi lại và vận động hàng ngày của người bệnh, gây nên nhiều bất tiện trong sinh hoạt thường ngày.
Thoái hóa khớp cổ chân là gì?
Thoái hóa khớp cổ chân là hiện tượng sụn đệm bị hư hỏng, bào mòn theo thời gian, làm cho các xương cọ vào nhau mỗi khi di chuyển. Đi kèm với đó là tình trạng viêm, giảm sút lượng dịch nhầy giúp bôi trơn, gây đau, cứng khớp cho người bệnh. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng và gây tổn thương xương, dây chằng, gân xung quanh khớp.
Theo một nghiên cứu, bệnh thoái hóa khớp cổ chân có xu hướng tăng cao ở các nước phát triển. Tỉ lệ tăng cao vào những năm gần đây, khi thế giới đang có dấu hiệu già hóa.
Ước tính có trên 29% người trên 40 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người trẻ tuổi. Tỉ lệ này tăng cao hơn đối với nhóm đối tượng trên 60 tuổi.
Triệu chứng thoái hóa khớp cổ chân
Ở giai đoạn đầu, thoái hóa khớp cổ chân thường không xuất hiện các triệu chứng rõ ràng hoặc ít nghiêm trọng và không diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên người bệnh không nên xem nhẹ bệnh khi gặp các dấu hiệu nhận biết này.
Các triệu chứng của bệnh có thể thay đổi tùy theo giai đoạn. Một số dấu hiệu nhận biết khi bị thoái hóa khớp cổ chân đó là:
- Đỏ da, sưng, nóng, đau ở các khớp, thấy đau hơn khi ấn vào.
- Cảm thấy nhói đau, nhức mỏi ở bàn chân khi vận động mạnh hoặc đi giày cao gót. Một số trường hợp bị đau nhức vào ban đêm.
- Cứng khớp, khớp kém linh hoạt khi không di chuyển trong một thời gian.
- Khớp phát ra tiếng kêu lục cục hoặc lạo xạo khi cử động bàn chân, mắt cá chân.
- Dây chằng dần yếu đi, sụn chịu nhiều áp lực hơn.
- Xuất hiện các gai ở rìa xương và thay đổi hình dạng khớp, thường có kích thước lớn hơn bình thường.
- Cơn đau dao động tử nhẹ đến nặng, cảm nhận rõ khi đi bộ hoặc dồn trọng lực lên mắt cá chân và gây mất trọng tâm khi di chuyển.
- Cơn đau thuyên giảm đáng kể khi nghỉ ngơi, không sử dụng phần cổ chân.
Hình ảnh thoái hóa khớp cổ chân
Nguyên nhân gây bệnh
Tuy chịu nhiều áp lực nhưng lực bẻ gãy và độ cứng của sụn cổ chân cao gấp nhiều lần so với gối và háng. Do đó khớp cổ chân ít bị thoái hóa nguyên phát hơn so với khớp gối và khớp háng. Khớp cổ chân bị thoái hóa chủ yếu là do nguyên nhân thứ phát sau chấn thương.
Các chuyên gia nghiên cứu chỉ ra có một số yếu tố liên quan đến bệnh là:
Yếu tố tuổi tác
Thoái hóa khớp cổ chân có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời, nhưng thường gặp nhất ở người lớn tuổi. Càng lớn tuổi các lớp sụn khớp bị bào mòn, mất độ nhờn, mỏng dần, kém linh hoạt và dễ bị thoái hóa.
Chấn thương cổ chân, bàn chân, mắt cá chân
Theo thống kê cho thấy, có tới 70 – 80% trường hợp khớp cổ chân bị thoái hóa xảy ra ở người từng bị chấn thương mắt cá chân. Thông thường các khớp tổn thương sẽ lành lại và các chức năng được phục hồi sau khi được điều trị.
Tuy nhiên, chấn thương có thể dẫn đến sự thay đổi ở khớp và là nhân tố đẩy nhanh tốc độ thoái hóa. Các triệu chứng thoái hóa khớp cổ chân thường xuất hiện trong 2 năm sau chấn thương hoặc có thể sau hàng chục năm.
Thoái hóa do bệnh lý khác
Trong một vài trường hợp thoái hóa khớp cổ chân có liên hệ với tình trạng bệnh lý có từ trước. Các bệnh lý có nguy cơ phát triển bệnh thoái hóa khớp cổ chân bao gồm:
- Các bệnh khớp toàn thân như viêm khớp phản ứng và viêm khớp dạng thấp.
- Các bệnh viêm khớp mãn tính hủy hoại sụn như các bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn, bệnh gout.
- Bệnh huyết học như bệnh huyết sắc tố hay máu khó đông.
- Khiếm khuyết bẩm sinh như bàn chân khoèo, khớp biến dạng hoặc các dị tật bẩm sinh ở chân khác.
- Chứng thoái hóa xương hoặc bệnh hoại tử vô mạch.
Trong một số trường hợp, người bệnh không xác định được nguyên nhân cụ thể (chiếm khoảng 10%). Người bị thoái hóa cổ chân này có xu hướng ít bị đau và có phạm vi cũng như khả năng vận động tốt hơn.
Yếu tố nguy cơ
Tuy không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thoái hóa khớp cổ chân nhưng những yếu tố dưới đây có vai trò gián tiếp gây tăng nặng bệnh:
- Di truyền: Thoái hóa khớp cổ chân có liên quan nhiều đến yếu tố do di truyền. Vì vậy, người nào có người thân bị thoái hóa khớp sẽ có khả năng mắc bệnh cao hơn.
- Căng khớp và chấn thương nhỏ: Xuất hiện ở những người phải vận động thường xuyên, tạo nhiều áp lực cho cổ chân, mắt cá chân hay bàn chân.
- Thừa cân, béo phì: Khớp cổ chân phải chịu đựng khối lượng gấp 5 lần trọng lượng cơ thể khi chúng ta đứng, đi bộ. Do đó, khi cân nặng càng lớn, khớp cổ chân càng dễ bị tổn thương.
Đối tượng dễ mắc bệnh: Người lớn tuổi, thường xuất hiện ở người trên 40 tuổi, người thường xuyên chơi thể thao, vận động với tần suất cao. Vận động viên điền kinh, cầu thủ bóng đá, tennis, bóng chuyền, diễn viên múa ba lê, nhảy,…
Chẩn đoán thoái hóa khớp cổ chân
Để chẩn đoán đúng và xác định mức độ bệnh, bác sĩ sẽ thông qua các bước dưới đây:
- Bác sĩ hỏi kỹ tình trạng sức khỏe, bệnh sử bản thân và gia đình.
- Thăm khám lâm sàng, kiểm tra triệu chứng ở cổ chân người bệnh
- Bác sĩ yêu cầu người bệnh đi lại để kiểm tra dáng đi và mức độ của tình trạng thoái hóa khớp.
- Chụp X-quang để có thêm thông tin về mức độ bệnh và loại trừ các nguyên nhân khác cũng gây đau cổ chân. Hình ảnh X-quang thể hiện tình trạng khớp cổ chân, mất sụn ở mắt cá chân và các khung gai xương.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy hình ảnh của mô mềm (gân, cơ và dây chằng) và xương cổ chân. Từ hình ảnh đó có thể dễ dàng loại trừ nguyên nhân viêm xương khớp, tổn thương dây chằng hoặc gân ở mắt cá chân.
- Siêu âm để xác nhận có phải tình trạng hẹp khe khớp và tràn dịch khớp không.
- Nội soi khớp cổ chân giúp nhận định chính xác nhất tình trạng bất thường tại cổ chân. Ví dụ như: định vị tổn thương của sụn, dây chằng, bao hoạt dịch,…
- Xét nghiệm máu để loại trừ nguyên nhân viêm xương khớp, tổn thương cổ chân vì những lý do khác.
Biến chứng của bệnh
Bệnh thoái hóa khớp cổ chân nếu không được quan tâm và điều trị đúng, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng như:
- Sưng nóng đỏ ở khớp cổ chân, teo cơ.
- Tràn dịch khớp cổ chân: Vùng khớp cổ chân sẽ bị sưng tấy và đau nhức kéo dài ngày đêm.
- Hội chứng khớp (Hallux Hardus): Tình trạng này sẽ khiến xương bàn chân dính lại với nhau, sau đó là tê cứng ngón chân cái. Gây rất nhiều khó khăn trong việc đi lại và sinh hoạt.
- Chứng cứng khớp biến dạng ngón chân cái: Ngón chân cái bị nghiêng về phía các ngón chân khác, sưng đỏ và mất thăng bằng khi đứng, đi bộ.
- Hình thành các nốt chai ở bàn chân, thay đổi dáng đi.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bệnh thoái hóa khớp cổ chân có thể được điều trị nhằm làm chậm quá trình tiến triển, không thể hồi phục khớp như ban đầu. Không giống như khớp gối hay khớp háng, các vấn đề về thoái hóa khớp cổ chân có rất ít khi được chỉ định thay khớp.
Ngay khi gặp những dấu hiệu đau nhức, hạn chế vận động tại vùng cổ chân, người bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Cách điều trị thoái hóa khớp cổ chân
Dưới đây là một số phương pháp điều trị phổ biến hiện nay, trước khi thực hiện, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Chữa thoái hóa khớp cổ chân tại nhà
Xoa bóp bằng dầu, đắp nước lạnh hoặc chườm nước nóng là phương pháp giảm tức thời các triệu chứng đau nhức. Khi cảm thấy đau nhức, bạn dùng khăn hoặc túi lạnh để chườm lên cổ chân, sau đó chườm lại bằng nước nóng.
Người bệnh có thể kết hợp xoa bóp nhẹ nhàng, dùng dầu nóng để cho khớp nóng lên. Phương pháp xoa bóp cẳng chân, cổ chân, bàn chân và ngón chân có tác dụng tăng cường tuần hoàn máu và hạn chế tình trạng teo cơ.
Người bệnh có thể chủ động sử dụng nẹp hoặc đi giày chuyên dụng dành cho cổ chân. Khi thấy khớp cổ chân cứng hơn bình thường, nên tập co duỗi khớp để làm chân vận động linh hoạt trở lại.
Điều trị bệnh bằng thuốc
Nếu đã thực hiện phương pháp trên tình trạng bệnh không được cải thiện thì người bệnh nên đến gặp bác sĩ. Tùy từng trường hợp bệnh, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau nhức, cứng khớp như:
- Thuốc bôi ngoài da dạng kem hoặc gel: NSAID (Voltaren), Lidocain (Aspercreme), Salicyat,…
- Thuốc giảm đau: Thuốc tiêm Glucocorticoid.
- Thuốc chống viêm: Advil, NSAIDS, Aleve.
- Thuốc chuyên dùng cho bệnh nhân xương khớp: Glucosamine.
Lưu ý: Tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng thuốc uống hoặc thuốc tiêm mà không có hướng dẫn của bác sĩ vì có thể gặp nhiều tác dụng phụ không mong muốn.
Phẫu thuật
Nếu các phương pháp trên không đem lại hiệu quả cao, tình trạng bệnh vẫn không thuyên giảm, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh thực hiện mổ.
- Phẫu thuật tạo hình khớp để thay thế toàn bộ vùng sụn, xương của cổ chân đã bị hư hỏng bằng các khớp nhân tạo.
- Phẫu thuật hợp nhất khớp giúp cố định xương cổ chân, giảm các cơn đau hiệu quả.
Lời khuyên dành cho người bệnh thoái hóa khớp cổ chân
- Thay đổi thói quen vận động để không làm tổn thương đến xương khớp.
- Điều chỉnh cân nặng để giảm áp lực lên cổ chân.
- Vận động đều đặn, phù hợp với thể lực.
- Nghỉ ngơi sau khi cổ chân có dấu hiệu đau nhức, sưng.
- Lựa chọn giày dép vừa chân, không quá cứng, tránh đứng trên giày cao gót lâu.
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin, dưỡng chất, tốt cho xương khớp, phòng ngừa bệnh loãng xương.
- Ngâm chân, massage cổ chân với nước muối ấm, đặc biệt vào những ngày phải di chuyển nhiều.
- Tránh bê vác những vật dụng quá nặng.
- Hạn chế vận động cường độ cao khi không mang đồ bảo hộ.
Câu hỏi thường gặp
Thoái hóa khớp cổ chân có nguy hiểm không?
Tuy không gây ảnh hưởng đến trực tiếp đến tính mạng người bệnh nhưng thoái hóa khớp cổ chân nói riêng và bệnh thoái hóa khớp nói chung vẫn được đưa vào danh sách các nhóm bệnh nguy hiểm cần được điều trị càng sớm càng tốt.
Nếu không được điều trị đúng cách, khớp cổ chân có thể bị cứng hoặc teo cơ,…. Những vấn đề này gây cản trở trực tiếp tới khả năng vận động của người bệnh. Sau một thời gian dài có thể bị biến dạng khớp, dáng đi thay đổi do ảnh hưởng của bệnh.
Bệnh thoái hóa khớp cổ chân có chữa được không?
Thoái hóa nói chung là quá trình biến đổi tự nhiên của cơ thể. Thoái hóa khớp cổ chân là bệnh mãn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn. Nhưng nếu được chăm sóc đúng cách và nghỉ ngơi hợp lý, bệnh có thể thuyên giảm theo đợt trong vài tuần đến vài tháng.
Thoái hóa khớp cổ chân có nên đi bộ không?
Trong nhiều trường hợp thoái hóa khớp cổ chân, việc đi bộ có thể là một phương pháp tốt để duy trì sự linh hoạt và tăng cường cơ bắp xung quanh khớp. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải điều chỉnh lối đi và hoạt động theo sự thoải mái và khả năng của từng người.
Một số lưu ý khi đi bộ trong trường hợp thoái hóa khớp cổ chân:
- Chọn giày đi bộ chất lượng, có độ đàn hồi và hỗ trợ tốt để giảm áp lực lên khớp cổ chân. Đảm bảo giày vừa vặn chân và không chật.
- Bắt đầu với quãng đường ngắn và tăng dần khoảng cách nếu cảm thấy thoải mái. Điều này giúp cơ thể và khớp thích nghi dần dần với hoạt động.
- Đảm bảo duy trì tư thế đứng thẳng khi đi bộ để giảm áp lực lên cổ chân và cột sống.
- Thực hiện bài tập giãn cơ trước và sau khi đi bộ để cải thiện linh hoạt và giảm căng thẳng trên khớp.
- Nếu cảm thấy đau hoặc không thoải mái, ngừng lại và nghỉ. Điều này giúp tránh tình trạng làm tổn thương thêm khớp.
- Tránh đi bộ trên đường bề mặt cứng như đá hay bê tông. Nên chọn địa hình mềm mại như đất, cỏ, hoặc đường chạy để giảm áp lực lên khớp.
Thoái hóa khớp cổ chân nên ăn gì thì tốt?
Người bệnh thoái hóa khớp cổ chân nên bổ sung vào trong thực đơn của mình các thực phẩm giúp sụn chắc khỏe như: Các món hầm từ xương ống, sụn bò và bê, cá ngừ, cá hồi, cá mòi, cá trích, cá trống, tôm, cua, đậu phụ, sữa, các loại nấm, rau bina, cải xanh, bắp cải, cải xoăn, chuối, đu đủ, bưởi, chanh,…
Trên đây là tổng hợp những thông tin về bệnh và cách điều trị bệnh thoái hóa khớp cổ chân. Kể cả khi không có dấu hiệu của bệnh, bạn cũng nên đi kiểm tra định kỳ đều đặn để biết tình trạng khớp của mình và có cách phòng tránh bệnh kịp thời.
Nguồn tham khảo
https://www.physio-pedia.com/Ankle_Osteoarthritis?utm_source=physiopedia&utm_medium=search&utm_campaign=ongoing_internal
https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/pilon-fracture-of-the-ankle
https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases–conditions/rheumatoid-arthritis-of-the-foot-and-ankle/
https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases–conditions/ankle-fractures-in-children/