Thoái hóa khớp vai là bệnh lý xương khớp gây đau nhức ảnh hưởng đến chuyển động của cánh tay, bả vai. Lâu dần sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các triệu chứng và những cách điều trị bệnh hiệu quả nhất.
Thoái hóa khớp vai là bệnh gì?
Thoái hóa khớp vai là tình trạng bị tổn thương phần sụn khớp và các mô xương dưới sụn. Bộ phận khớp vai bao gồm hai khớp chính tạo thành, đó là Acromioclavicular (hay còn gọi là khớp AC) và Glenohumeral (khớp GH). Khớp AC là phần nối giữa xương bả vai và xương đòn. Khớp GH là điểm nối xương bả vai và đỉnh xương cánh tay.
Trong đó khớp AC phải hoạt động thường xuyên và chịu nhiều lực tác động lên tay và cơ thể. Những tác động diễn ra trong thời gian dài dễ dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp AC và suy giảm chức năng vai.
Đối tượng nguy cơ
Một số nghiên cứu cho thấy người cao tuổi là nhóm đối tượng dễ mắc các bệnh về xương khớp nói chung và thoái hóa xương khớp nói riêng nhất. Còn có ý kiến cho rằng, phụ nữ thường có xu hướng mắc bệnh thoái hóa khớp vai hơn so với đàn ông. Song nguyên nhân vẫn đang được tìm hiểu và chứng minh.
Bên cạnh đó, chứng thoái hóa khớp vai thường xuất hiện ở những người tham gia hoạt động thể lực mạnh và thường xuyên thực hiện các động tác gây áp lực cho cơ như đánh tennis, kéo đẩy vật nặng, hoặc những người làm việc trong các ngành nghề đòi hỏi sức lao động nặng như công nhân, nông dân sử dụng các dụng cụ như quai búa, cuốc đất, hoặc thậm chí là công việc quét dọn.
Đối tượng thường gặp chứng thoái hóa khớp vai còn là những người thường xuyên ngủ ở tư thế không đúng, tạo áp lực lên khớp vai. Dần dần, sự chèn ép lên dây thần kinh và sự tắc nghẽn mạch máu có thể dẫn đến cảm giác đau và sưng.
Dấu hiệu nhận biết bệnh
Bệnh thoái hóa khớp vai có thể khởi phát âm thầm trong vài tháng đến vài năm trước khi người bệnh phát hiện ra các dấu hiệu rõ ràng. Tùy vào thể trạng và mức độ, người bệnh có thể sẽ gặp những triệu chứng như:
- Đau nhức khớp vai: Người bệnh có cảm giác đau nhức âm ỉ, nhiều lúc là dữ dội ở khớp vai, bả vai, ức và cổ.
- Sưng khớp vai: Có thể dễ dàng nhận thấy khi lấy tay ấn nhẹ vào vùng bị sưng. Lúc này bộ phận gân khớp vai sẽ bị viêm, dần dẫn đến sưng nóng rát ở các mô xung quanh.
- Cứng khớp vai: Vai có cảm giác tê cứng, đau nhức, hoạt động kém linh hoạt. Trường hợp nặng hơn sẽ khiến vai không thể cử động, không tự xoay bả vai hay vòng tay ra sau,…
- Khớp phát ra tiếng: Xuất hiện khi dịch ổ khớp suy giảm, hết ma sát và sụn khớp vai bị bào mòn. Dễ nhận thấy nhất là khi người bệnh thoái hóa khớp vai xoay bả vai có tiếng lục cục hoặc lạo xạo.
- Vai yếu và teo cơ: Khớp vai yếu so với bình thường, các cơ teo lại, mất độ rắn chắc do tác động xấu của bệnh.
Hình ảnh về bệnh thoái hóa khớp vai
Nguyên nhân gây bệnh
Để có phương pháp điều trị bệnh thoái hóa khớp vai hiệu quả, người bệnh cần hiểu rõ về nguyên nhân trực tiếp gây bệnh. Những nguyên nhân có thể dẫn đến thoái hóa khớp vai phải hoặc vai trái là:
- Yếu tố di truyền: Bạn sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp vai hơn nếu trong gia đình đã từng có người mắc bệnh này.
- Có dị tật bẩm sinh: Một nghiên cứu đã chỉ ra việc có khiếm khuyết bất thường bẩm sinh ở vai sẽ khiến một số người dễ bị trật khớp vai và tổn thương hơn.
- Lớn tuổi: Bệnh thoái hóa khớp vai có mối liên hệ chặt chẽ với yếu tố độ tuổi. Bệnh thường xuất hiện ở những người trên độ tuổi 45. Khi càng lớn tuổi, bộ phận khớp vai do hoạt động nhiều nên thường bị tổn thương, kém linh hoạt hơn, sụn bị hao mòn đáng kể.
- Mắc bệnh về khớp: Các bệnh có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh thoái hóa khớp vai như viêm khớp tự miễn, gout, rối loạn chuyển hóa, viêm khớp nhiễm trùng,…
- Chấn thương khớp vai hoặc căng khớp vai mãn tính: Bệnh thường do chấn thương vai, tai nạn, bê vác nặng, chuyển động vai quá mức, có tư thế ngồi sai,… dẫn đến tổn thương vai. Tổn thương kéo dài và không được chăm sóc đúng cách chính là yếu tố khởi phát bệnh.
- Béo phì: Người thừa cân, béo phì có nguy cơ bị thoái hóa khớp vai cao hơn người bình thường. Vì béo phì làm tăng nguy cơ viêm toàn thân cấp thấp, cũng là một trong những yếu tố dẫn đến thoái hóa khớp vai.
- Ăn uống không đủ chất: Nhiều người không biết rằng việc ăn uống thiếu chất, không khoa học, dùng chất kích thích có tác động mạnh mẽ đến quá trình thoái hóa khớp vai.
Các giai đoạn thoái hóa khớp vai
Trong nhiều trường hợp, các giai đoạn của bệnh thoái hóa khớp vai sẽ không giống nhau. Tốc độ thoái hóa có thể thay đổi phụ thuộc rất nhiều vào mức độ, tình trạng bị bào mòn của sụn và thể trạng của người bệnh.
Chứng thoái hóa khớp vai là một quá trình diễn ra theo thời gian, phân chia thành các giai đoạn khác nhau. Dưới đây là mô tả chi tiết về 4 giai đoạn của chứng thoái hóa khớp vai:
Giai đoạn 1: Thường không đau đớn rõ ràng, người bệnh có cảm giác mệt mỏi hoặc sưng nhẹ ở vùng vai. Đau xuất hiện sau các hoạt động nặng. Các xét nghiệm hình ảnh như X-quang có thể chỉ ra sự mất chất lượng của sụn khớp, nhưng những thay đổi này không rõ ràng.
Giai đoạn 2: Người bệnh có thể đau khi di chuyển cánh tay hoặc khi đưa cánh tay ra xa. Tình trạng đau rõ ràng hơn và kéo dài hơn. Tổn thương tăng cường, có thể bao gồm các nang bị viêm.
Giai đoạn 3: Ở giai đoạn này, sự giảm chức năng của khớp vai trở nên rõ ràng. Cơn đau gia tăng, đặc biệt là khi thực hiện các động tác như nâng vật nặng hoặc đưa tay qua đầu, cảm giác bị kẹt và giảm linh hoạt.
Giai đoạn 4: Hạn chế linh hoạt trong khớp vai, sưng và đau vùng vai có thể trở thành vấn đề hàng ngày, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh.
Việc nhận biết giai đoạn cụ thể của chứng thoái hóa khớp vai giúp bác sĩ xác định phác đồ điều trị phù hợp và cung cấp hỗ trợ tối ưu cho bệnh nhân.
Chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp vai
Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ đánh giá sơ bộ tình trạng bệnh, xác định nguyên nhân gây bệnh thông qua và mức độ tiến triển bệnh qua các bước:
- Kiểm tra tiền sử bản thân và gia đình: Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tiền sử gia đình, bệnh lý chấn thương, dị tật bẩm sinh, cân nặng,… của người bệnh. Bên cạnh đó là giả lập nguyên nhân gây bệnh dựa trên kết quả của phần kiểm tra trước đó.
- Khám sức khỏe: Người bệnh cần mô tả cụ thể triệu chứng, thời điểm cơn đau diễn ra, mức độ đau như thế nào và các triệu chứng khác nếu có. Bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng sưng viêm, cứng khớp, chuyển động của 2 tay và vai, lưng, cổ tay, khuỷu tay,… Sau khi khám xong, bác sĩ có thể phân biệt bệnh thoái khớp vai với bệnh đông cứng vai, viêm bao hoạt dịch vai, viêm khớp dạng thấp, gout,…
Chẩn đoán hình ảnh
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện nay gồm:
- Chụp X-quang thoái hóa khớp vai: Ảnh chụp X-quang của người bệnh thoái hóa khớp vai xuất hiện khoảng trống giữa ổ khớp và đầu xương cánh tay, dị tật đầu xương, gai xương,…
- Chụp CT: Ảnh chụp CT thể hiện hình ảnh 3 chiều bên trong với mặt cắt ngang, mặt phẳng dọc và mặt phẳng coronal. Bác sĩ có thể dễ dàng quan sát rõ được cấu trúc xương, dị tật và tình trạng tổn thương ở xương vai.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Ảnh chụp cộng hưởng từ thể hiện rõ nét hơn những tổn thương dù là nhỏ nhất. Bác sĩ sẽ phân tích cấu trúc xương, khớp, mô mềm vai chi tiết hơn và phân biệt thoái hóa khớp vai với rách sụn viền cổ chảo.
- Siêu âm: Siêu âm vai ở nhiều tư thế khác nhau theo chuyển động sẽ thấy được tổn thương rõ nét hơn. Phương pháp này giúp bác sĩ nhanh chóng chẩn đoán sơ bộ hơn so với chụp MRI.
- Xét nghiệm máu, chọc hút dịch khớp: Bác sĩ chỉ định người bệnh thực hiện phương pháp này để thu thập thêm thông tin phân biệt bệnh với các tình trạng gây đau khác như gout, nhiễm trùng, viêm cột sống dính khớp,…
Biến chứng bệnh
Người mắc bệnh thoái hoá khớp vai nếu không đượcđiều trị kịp thời có thể gặp nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống như:
- Phá hủy hoàn toàn lớp sụn khớp vai: Lớp sụn khớp vai khá mỏng và đóng vai trò bảo vệ xương khỏi ma sát lẫn nhau ở mỗi khi vai cử động. Khi gặp thoái hóa khớp vai, các đầu xương cọ xát với nhau khiến người bệnh đau nhức, lâu dần sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng vai.
- Tổn thương xương: Khi phần sụn khớp vai bị mòn, các đầu xương bên dưới sẽ bị thương tổn. Mô xương khỏe mạnh có thể bị thay thế bởi các mô xương bất thường và dần dần hình thành khối u. Những khối u này là một trong số những tác nhân gây đau nhức xương khớp.
- Gai xương: Sự xuất hiện của những phần xương thừa khiến các đầu xương ma sát với nhau nhiều hơn, đồng thời hạn chế khả năng vận động của khớp vai. Gai xương phát triển quá mức bình thường có thể làm tổn thương đến mô mềm và các dây thần kinh xung quanh, dẫn đến tê liệt cánh tay.
- Yếu và teo cơ: Bệnh nhân bị thoái hóa khớp vai thường hạn chế thực hiện các động tác cần dùng đến vai do hay bị đau nhức và cứng khớp. Vai bất động trong thời gian quá lâu có thể gây suy yếu hoặc teo cơ.
- Một số hệ lụy khác có thể gặp là: Tê liệt cổ, biến dạng khớp vai, viêm gân, cơ, dây chằng và bao hoạt dịch, biến dạng xương, vôi hoá khớp vai, rối loạn giấc ngủ,…
Cách điều trị thoái hóa khớp vai
Thoái hóa khớp vai là bệnh mãn tính, hiện tại vẫn chưa có cách chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Mục đích trong điều trị là giúp bệnh nhân giảm đau nhức, kiểm soát bệnh, đồng thời duy trì chức năng vận động của sụn khớp.
Dưới đây là một số phương pháp hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp vai hiệu quả:
Cách điều trị thoái hóa khớp vai tại nhà
- Bạn có thể chườm nóng, massage nhẹ nhàng để cải thiện tình trạng cứng khớp.
- Khi vai bị sưng nóng, chườm lạnh và nghỉ ngơi để cải thiện triệu chứng hiệu quả.
- Tránh vận động mạnh, nên tập luyện nhẹ nhàng hàng ngày để duy trì chức năng linh hoạt của khớp vai.
Vật lý trị liệu
Châm cứu
Trong điều trị thoái hóa khớp vai, châm cứu có thể giúp giảm đau và sưng, cũng như cải thiện chức năng của khớp vai. Bằng cách kích thích các điểm châm cứu liên quan đến khớp vai và cảm biến đau, có thể giúp giảm căng thẳng cơ bắp xung quanh và tăng cường dòng máu đến vùng bị ảnh hưởng.
Bấm huyệt
Bấm huyệt có thể giúp giảm đau, cải thiện tuần hoàn máu và giảm căng thẳng cơ bắp xung quanh khớp vai. Phương thức này cũng có thể được sử dụng như một kỹ thuật tự chăm sóc tại nhà để giảm đau và kích thích sự thoải mái.
Lưu ý: Hiệu quả của phương pháp châm cứu, bấm huyệt có thể khác nhau đối với từng người và cần được thực hiện bởi người có chuyên môn. Người bệnh nên thảo luận với bác sĩ để đảm bảo tính phù hợp và an toàn cho tình trạng sức khỏe.
Thuốc điều trị thoái hóa khớp vai
Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị thoái hóa khớp vai tùy thuộc vào mức độ diễn tiến của bệnh và thể trạng của từng người. Cụ thể như:
- Thuốc kháng viêm: Aspirin, Ibuprofen, Indomethacin, Naproxen có công dụng giúp hạn chế sự phát triển và ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm khớp.
- Thuốc giảm đau: Co-codamol, Paracetamol,…
- Thuốc giãn cơ: Mydocalm, Myonal hỗ trợ giải tỏa cơ bắp, hiện tượng co cứng khớp, điều trị thoái hóa khớp vai cho bệnh nhân cấp tính.
- Thuốc Glucosamin: Giúp tăng cường sự thu nhận canxi vào xương.
- Thuốc tiêm: Steroid, Axit Hyaluronic với tác dụng giảm đau sưng và cứng vai, tăng cường vận động của khớp vai. Bác sĩ có thể kê đơn tiêm ngoài trong trường hợp bệnh nhân dùng thuốc uống, bôi ngoài da không có cải thiện.
Lưu ý: Một số loại thuốc trên nếu dùng trong thời gian dài có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ. Vì vậy, người bệnh không được tự ý mua, sử dụng các loại thuốc trên nếu không có chỉ định từ bác sĩ.
Phẫu thuật
Trong trường hợp khớp vai bị thoái hóa ở mức độ nặng và việc điều trị bằng phương pháp khác không thể kiểm soát được các cơn đau, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Một số phương pháp điều trị phẫu thuật phổ biến là: Thay khớp vai nhân tạo, cắt bỏ xương vai, tái tạo sụn,…
Tuy nhiên, thủ thuật phẫu thuật rất phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Phương pháp này có thể thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào tuổi tác và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Trong thời gian điều trị, người bệnh nên hạn chế vận động mạnh, cần nghỉ ngơi để quá trình phục hồi khớp vai nhanh chóng hơn.
Lời khuyên cho người thoái hóa khớp vai
- Nên tập luyện đúng tư thế để giảm áp lực đè nặng lên khớp, đặc biệt là phần vai.
- Duy trì cân nặng phù hợp.
- Kiểm soát lượng đường huyết đều đặn.
- Có chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết.
- Nghỉ ngơi đúng giờ, hạn chế căng thẳng, ngủ đủ giấc.
- Chú ý vận động trong sinh hoạt hàng ngày, cẩn thận gặp chấn thương.
- Khi gặp các dấu hiệu bất thường của cơ thể cần đến các cơ sở y tế y tế khám kịp thời.
Thoái hóa khớp vai là vấn đề thường gặp, đặc biệt là ở những người thường xuyên hoạt động thể lực cường độ cao hoặc có tư thế không đúng. Mong rằng, bài viết trên đã giúp người bệnh nhận biết triệu chứng, nguyên nhân và các biện pháp điều trị phù hợp
Nguồn tham khảo
https://tamanhhospital.vn/thoai-hoa-khop-nen-an-gi-kieng-gi/
Câu hỏi thường gặp
Nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh thoái hóa khớp vai hoàn toàn có thể cải thiện được. Người bệnh cần nghỉ ngơi và hạn chế bê vác nặng hay tác động lên khớp vai nhiều để tránh làm tăng nặng vùng tổn thương. Bên cạnh đó là tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ để có hiệu quả điều trị cao nhất.
Nếu nguyên nhân gây bệnh thoái hoá khớp vai bắt nguồn từ yếu tố tuổi tác, tính di truyền… thì không thể phòng ngừa được. Đối với trường hợp thoái hóa do gặp chấn thương hay bệnh lý liên quan… người bệnh có thể phòng tránh bằng cách:
- Tập luyện, bê vác đồ vừa sức.
- Hạn chế tác động mạnh và tần suất cao lên vai.
- Massage vai nhẹ nhàng khi cảm thấy đau nhức.
- Hạn chế làm việc quá sức, cần nghỉ ngơi điều độ.
- Tiêu thụ các thực phẩm tốt cho xương khớp, đủ dinh dưỡng.
- Không dùng chất kích thích như thuốc lá, bia, rượu,...
Đối với bệnh thoái hóa khớp vai, việc vận động và thực hiện đều đặn các bài tập chuyên biệt sẽ giúp cải thiện tình trạng đáng kể. Bạn nên bắt đầu tập luyện với cường độ từ thấp đến cao để cho cơ thể có thời gian thích nghi dần. Dưới đây là các bài tập vật lý trị liệu được chuyên gia khuyến nghị:
Bài tập xoay cổ tay
- Người bệnh ngồi hoặc đứng, giữ một đồ vật nhẹ trong tay.
- Xoay cổ tay mà không di chuyển cánh tay. Thực hiện 10-15 lần và sau đó chuyển sang tay kia.
Bài tập giữa vai
- Người bệnh ngồi thẳng hoặc đứng, nâng cánh tay lên sao cho chúng ở ngang với mặt đất.
- Dùng một đối tượng nhẹ, như găng tay hoặc nắp chai, giữ giữa tay và áp dụng áp lực nhẹ để mở rộng vai.
- Giữ tư thế trong vài giây và sau đó nâng cánh tay lên cao hơn nếu có thể.
Cánh tay uốn cong
- Dùng một chiếc găng tay hoặc bóng nhỏ, uốn cong cánh tay ở mức khuỷu tay và sau đó duỗi ra.
- Thực hiện lặp lại quy định để củng cố cơ bắp xung quanh khớp vai.
Bài tập xoay cánh tay
- Sử dụng một đồ vật nhẹ như găng tay hoặc chai nước.
- Duy trì cánh tay uốn góc 90 độ và xoay cánh tay từ trong ra ngoài và ngược lại.
Bài tập kéo vai lên
- Dùng một dây đàn hồi hoặc thiết bị tương tự.
- Kéo cánh tay về phía trên, giữ tư thế trong vài giây và sau đó trở về tư thế ban đầu.
- Thực phẩm nên ăn: Cá hồi, cá trích, cá thu, cá cơm, hàu, hạt chia, hạnh nhân, hạt óc chó, cam, quýt, bưởi, dâu, kiwi, bông cải xoăn, cà chua, ớt chuông, rau cải, dầu oliu, đậu hũ, ngũ cốc, đậu phộng, nghệ, cà rốt, khoai lang, tỏi,...
- Thực phẩm nên kiêng ăn: Thực phẩm nhiều đường và muối, thức ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp, lúa mì, lúa mạch, rượu bia, đồ nhiều dầu mỡ, đồ ngọt,...
Lưu ý: Đối với người bệnh thoái hóa khớp vai cần tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng dùng mỗi ngày.
Quyết định phẫu thuật thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm mức độ nghiêm trọng của bệnh, mức độ đau đớn và ảnh hưởng đối với chất lượng cuộc sống người bệnh.
- Mức độ thoái hóa: Trong những trường hợp nặng, khi thoái hóa gây ra hạn chế lớn về sự linh hoạt và đau đớn không kiểm soát bằng phương pháp điều trị bình thường.
- Đau đớn không kiểm soát: Nếu đau đớn từ thoái hóa khớp vai làm giảm chất lượng cuộc sống và không thể kiểm soát bằng thuốc hoặc liệu pháp vật lý.
- Không đảm bảo bởi các phương pháp điều trị khác: Khi các phương pháp điều trị không phẫu thuật không mang lại hiệu quả, và tình trạng thoái hóa tiếp tục diễn tiến, bác sĩ có thể đề xuất phẫu thuật để cải thiện tình trạng.
- Yếu tố tình trạng sức khỏe khác: Tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân cũng được xem xét để đảm bảo an toàn trong quá trình phẫu thuật và phục hồi sau đó.