Cơn đau đầu có thể kéo dài hàng giờ khiến người bệnh cảm thấy đau đớn, khó chịu. Nhiều người lựa chọn sử dụng thuốc giảm đau trong trường hợp này. Tuy nhiên, dùng thuốc giảm đau thường xuyên có thể gây ra nhiều mối nguy hại cho sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ giúp bạn những cách trị đau đầu tại nhà hiệu quả, an toàn.
Đau đầu là bệnh gì? Nguyên nhân gây tình trạng đau đầu
Đau đầu là căn bệnh phổ biến xảy ra ở mọi lứa tuổi. Đau đầu được chia làm 2 nhóm là đau đầu nguyên phát và thứ phát. Cơn đau có thể âm ỉ, hoặc dữ dội, có thể kéo dài từ vài phút, thậm chí đến vài ngày, với các vị trí không giống nhau ở mỗi người như: Đau một bên đầu, đau cả 2 bên, đau khắp đầu, hoặc chỉ vị trí nhất định. Ngoài ra cơn đau cũng có thể lan xuống phần cổ, mặt.
Có rất nhiều nguyên nhân gây đau đầu, bao gồm:
Đau đầu nguyên phát:
- Do lối sống không lành mạnh như: Thức khuya, uống nhiều rượu bia, thiếu ngủ, ăn uống thiếu chất…
- Do đứng, ngồi sai tư thế ảnh hưởng lên mắt, cổ hoặc lưng.
- Do căng thẳng lo lắng.
- Do hoạt động, tập luyện quá sức…
- Do tác dụng phụ từ thuốc
- Do di truyền.
- Do tuổi tác
Đau đầu thứ phát:
- Do bệnh thần kinh (u não, hội chứng tăng áp lực nội sọ, chấn thương sọ não, bệnh màng não – mạch máu não,…).
- Do thiếu máu.
- Do nhiễm khuẩn toàn thân cấp tính.
- Do bệnh nha khoa.
- Do các bệnh lý khác như bệnh cơ xương khớp, bệnh về mắt, bệnh tai mũi họng, bệnh nội tiết,…
Cách trị đau đầu tại nhà an toàn, hiệu quả
Trong một số trường hợp, người bệnh có thể sử dụng một số những cách đơn giản giúp trị đau đầu tại nhà hiệu quả mà không cần dùng thuốc như:
1. Sử dụng tinh dầu
Đây là liệu pháp sử dụng mùi hương từ các loại tinh dầu như: Tinh dầu hoa oải hương, tinh dầu cam thảo, tinh dầu chanh sả…
Mùi hương nhẹ nhàng toát ra từ các loại tinh dầu sẽ giúp người bệnh cảm thấy thư giãn, giảm cơn đau đầu và hỗ trợ dễ đi vào giấc ngủ.
2. Phương pháp chườm lạnh
Chườm lạnh giúp tác động lên các mạch máu trên đầu, làm co lại rồi giãn mạch xung huyết, tăng khả năng lưu thông máu và giảm đau đầu hiệu quả.
Cách chườm lạnh: Cho đá vào miếng vải sạch hoặc túi chườm đá và chườm lên vị trí đau khoảng 2 – 3 phút thì dừng lại khoảng 1 – 2 phút. Có thể thực hiện lặp lại khoảng 4 – 5 lần.
3. Chườm nóng
Nước nóng có tác dụng làm các mao mạch, động mạch nhỏ được giãn nở ra, hỗ trợ giảm đau hiệu quả.
Bạn có thể cho nước nóng vào túi chườm rồi đặt vào vị trí đau.
4. Massage
Bạn có thể dùng tay massage nhẹ nhàng lên phần đầu và mặt. Phương pháp này giúp khí huyết lưu thông và mang lại cho bạn cảm giác thư giãn, từ đó giảm đau đầu mà không cần dùng thuốc.
5. Bấm huyệt
Người bệnh có thể bấm huyệt nhẹ nhàng ở vùng đầu và toàn bộ khuôn mặt. Việc này sẽ giúp tác động lực lên các huyệt ở vùng đầu như chóng mặt, buồn nôn, hoa mắt… Những huyệt đạo có thể bấm để giảm đau đầu nhanh như: Huyệt hợp cốc, huyệt ấn đường, huyệt tán trúc, huyệt quyền liêu, huyệt phong trì, huyệt thái xung, huyệt phong phú, huyệt đại trữ.
Vị trí và cách bấm một số huyệt vị:
Huyệt hợp cốc:
- Vị trí: Nằm ngay trên hai mu bàn tay, thuộc vào vùng Hổ Khẩu. Đây được coi là vị trí giao nhau của các miệng hang nên được gọi là huyệt Hợp Cốc. Để xác định huyệt vị này, bạn có thể khép chặt các ngón tay cái và ngón trỏ. Vị trí huyệt sẽ nằm ngay điểm cao nhất của phần cơ nối giữa ngón trỏ và ngón cái.
- Cách bấm:
+ Bước 1: Xác định chính xác vị trí huyệt Hợp Cốc rồi cố định bằng cách ấn chặt ngón tay trỏ hoặc ngón cái.
+ Bước 2: Giữ huyệt trong khoảng 2 giây rồi thả lỏng. Sau đó, tiếp tục bấm và lặp lại từ 2 – 3 lần. Ngoài ra, bạn cũng có thể day huyệt với một lực vừa phải theo chiều kim đồng hồ.
Huyệt Ấn đường:
- Vị trí: Là nơi giao nhau của 2 đường thẳng: đường nối 2 bên lông mày và đường dóng thẳng theo sống mũi lên trên.
- Cách bấm: Dùng ngón tay cái day ấn huyệt ấn đường trong 1-3 phút. Sau đó dùng 2 ngón tay cái ấn huyệt và vuốt từ từ sang hai bên thái dương trong khoảng 30 lần. Tiếp theo, dùng ngón trỏ và ngón cái tay bấu lên vùng da ở vị trí huyệt Ấn Đường, nhéo mạnh lên khoảng 50 cái, mỗi ngày 2 lần. Cuối cùng, đưa tay ra trước mũi, nghiêng đầu ra phía trước và dùng ngón tay giữa day ấn huyệt Ấn Đường, giữ nguyên tư thế trong 5 phút.
Huyệt Quyền liêu:
- Vị trí: Nằm trên xương gò má, là giao điểm của hai đường thẳng: Đường kéo từ đuôi mắt xuống dưới và đường thẳng chạy ngang qua chóp mũi.
- Cách bấm: Sử dụng các đầu ngón tay xoa và ấn nhẹ lên huyệt 3-5 phút. Việc xoa bóp này có tác dụng đả thông kinh mạch và giảm đau đầu.
6. Xông lá
Đây là mẹo dân gian từ xa xưa. Tinh dầu trong lá xông sẽ khiến tinh thần dễ chịu, trí não được thư giãn, cơn đau giảm xuống. Các loại lá có cây có thể dùng để xông như: lá bưởi, lá sả, chanh, hương nhu…
Cách thực hiện:
- Bước 1: Sử dụng các loại lá cây như lá bưởi, lá sả, lá chanh, lá hương nhu,… rửa sạch và cho vào nồi xông.
- Bước 2: Đổ nước ngập lá, đậy nắp nồi và đun sôi khoảng 15 phút.
- Bước 3: Bắc nồi xuống bếp sau đó trùm kín người trong chăn và từ từ mở hé vung để tránh bị bỏng.
- Bước 4: Thực hiện việc xông thuốc cho đến khi nồi xông bay hết hơi nóng.
7. Tập yoga
Các bài tập yoga rất tốt cho cải thiện sức khỏe tinh thần và cơn đau đầu, giúp cải thiện lưu thông máu trong cơ thể, thư giãn cơ bắp và trí não. Một số bài tập yoga có thể áp dụng như:
Tư thế nằm im:
- Bước 1: Nằm trên thảm tập, chân dạng rộng, tay cách xa thân.
- Bước 2: Nhắm mắt, tập trung vào hơi thở.
- Bước 3: Giữ tư thế này trong khoảng 4-5 phút, để tâm trí thư giãn hoàn toàn.
- Bước 4: Ngồi dậy từ từ, mắt nhắm chặt và lắc nhẹ các ngón tay, ngón chân.
Tư thế cây cầu:
- Bước 1: Nằm ngửa trên thảm tập, đầu gối cong và chân đặt sát mông. Đảm bảo tay nằm dọc theo cơ thể, lòng bàn tay hướng xuống.
- Bước 2: Đặt bàn chân chắc chắn trên mặt thảm, khoảng cách giữa bàn chân tương đương với chiều rộng của vai. Chân thẳng và song song với thảm.
- Bước 3: Nhấn chặt lòng bàn chân và bắt đầu nâng hông lên khỏi mặt đất.
- Bước 4: Kéo cằm gần với ngực để bảo vệ cổ. Tiếp tục nâng cơ thể lên đến khi mông, lưng dưới và đùi tạo thành một đường thẳng từ vai đến chân.
- Bước 5: Giữ tư thế này trong khoảng 30 giây đến 1 phút, thở đều và sâu.
- Bước 6: Từ từ hạ cơ thể xuống mặt đất, từng phần, bắt đầu từ lưng dưới và kết thúc ở mông.
Tư thế hoa sen:
- Bước 1: Ngồi trên sàn với hai chân duỗi thẳng.
- Bước 2: Từ từ uốn cong đầu gối và đưa cẳng chân vào bên trong.
- Bước 3: Đặt chân trái lên đùi phải và chân phải lên đùi trái. 2 tay đặt lên gối.
- Bước 4: Ngồi với tư thế này 10 phút và tập trung vào hơi thở.
8. Uống đủ nước
Với người trưởng thành nên uống trung bình khoảng 2 lít nước mỗi ngày để giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước, nguyên nhân phổ biến gây ra các cơn đau đầu, đau nửa đầu.
9. Nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc
Làm việc quá sức, mất ngủ, thiếu ngủ là nguyên nhân phổ biến dẫn tới các cơn đau đầu. Vì vậy, cách giảm đau đầu tại nhà mà bạn có thể áp dụng là nằm xuống và nghỉ ngơi, cố gắng đảm bảo thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ.
Mỗi ngày, nên cố gắng để ngủ từ 7-8 tiếng và ngủ sâu giấc, hạn chế tình trạng thức giấc giữa đêm.
10. Ăn một lát gừng
Gừng giảm đau đầu rất tốt. Bạn có thể ngậm một lát gừng mỏng trong miệng hoặc uống trà gừng ấm đều được. Lúc này, cơn đau đầu được giảm đi, đồng thời các triệu chứng khác đi kèm như chóng mặt, buồn nôn,… cũng được cải thiện.
11. Đến nơi có không gian yên tĩnh
Với một số người ồn ào cũng là nguyên nhân dẫn tới bệnh đau đầu. Vì vậy, tốt nhất bạn hãy nghỉ ngơi ở những môi trường thật sự yên tĩnh, tránh đến những nơi công cộng hoặc các sân khấu, lễ hội, hội thảo,… khi đang bị đau đầu.
12. Chữa đau đầu tại nhà bằng bài thuốc Đông y
Theo Đông y, đầu là nơi hội tụ dương khí, khí thăng dương của lục phủ, tinh hoa của huyết ở ngũ tạng. Do đó, bất kì yếu tố tà khí, ngoại cảm hoặc các chứng nội thương bất túc, ứ đọng đường kinh lạc đều có thể làm khí thanh dương không được thư thái và sinh ra chứng nhức đầu.
Để chữa đau đầu hiệu quả, Đông y dựa theo nguyên tắc: Bình can tức phong, tiềm dương, bổ can huyết và thận âm. Kết hợp dưỡng huyết, tức phong, hóa đàm và trừ thấp.
Một số vị thuốc thường được sử dụng trong điều trị đau đầu bằng Đông y như: Sài hồ, Mạn kinh tử, Bạch truật, Thục địa, Bạch linh, Đương quy… Có tác dụng hoạt huyết dưỡng não, tăng cường tuần hoàn não, lưu thông khí huyết, ngăn ngừa sản sinh quá mức chất giãn mạch, giảm viêm, bồi bổ can thận và điều hòa cơ thể ngăn ngừa cơn đau nhức.
Chữa đau đầu bằng Đông y là phương pháp an toàn, lành tính phù hợp sử dụng điều trị trong thời gian dài với các tình trạng bệnh mãn tính.
Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này khá chậm. Do đó, người bệnh cần kiên trì sử dụng trong thời gian dài, nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất.
Những lưu ý trong điều trị bệnh đau đầu
Ngoài việc sử dụng các phương pháp chữa đau đầu đơn giản tại nhà như trên, người bệnh cần lưu ý một số các vấn đề sau:
- Không tự mua thuốc về nhà sử dụng, uống thuốc cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ bởi các loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn ảnh hưởng tới sức khỏe.
- Những người mắc bệnh nền như: Suy gan, suy tim, suy thận, sức đề kháng yếu, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ… nên thăm khám để được tư vấn những biện pháp điều trị phù hợp.
- Làm việc và nghỉ ngơi điều độ để giảm căng thẳng, mệt mỏi, ngăn ngừa đau đầu.
- Tập luyện thể dục thường xuyên giúp thư giãn cơ bắp và đầu óc.
- Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn.
Khi nào đau đầu cần đi gặp bác sĩ?
- Đau đầu thường xuyên tái diễn, kéo dài, đã điều trị bằng nhiều cách nhưng không thuyên giảm.
- Người trên 50 tuổi bị đau đầu thường xuyên
- Đau đầu kèm co giật, buồn nôn, sốt cao, nhìn kém.
- Bị hôn mê, mất ý thức, lú lẫn.
- Bị đau đầu sau khi va đập, chấn thương ở vùng đầu.
- Đau đầu nghiêm trọng hơn khi ho, hắt hơi, hoạt động mạnh, cúi người xuống.
- Đã uống thuốc giảm đau nhưng không khỏi.
Trên đây là thông tin chi tiết về các biện pháp tự nhiên điều trị đau đầu tại nhà hiệu quả. Trong trường hợp đau đầu kéo dài, không có dấu hiệu thuyên giảm, người bệnh cần gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và có phương án điều trị kịp thời.
Cập nhật lúc: 7:52 AM , 04/04/2024