Viêm da cơ địa là một trong những vấn đề da thường gặp, dễ tái phát, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và tâm lý người bệnh. Viêm da cơ địa có lây không và điều trị như thế nào là thắc mắc của nhiều người. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ về căn bệnh này.
Trước khi giải đáp “viêm da cơ địa có lây không”, hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân và triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa.
Nguyên nhân gây viêm da cơ địa
Thực tế, các chuyên gia chưa xác định được đầy đủ và chính xác nguyên nhân gây viêm da cơ địa. Khiếm khuyết di truyền trong filaggrin (một loại protein) được cho là một phần nguyên nhân gây viêm da cơ địa. Vì vậy, nếu người thân của bạn mắc viêm da cơ địa, thì nguy cơ cao bạn hoặc con bạn cũng sẽ mắc bệnh này.
Ngoài ra, tình trạng suy giảm hàng rào miễn dịch, điều kiện môi trường sống cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh viêm da cơ địa.
Một số yếu tố nguy cơ khiến bạn mắc viêm da cơ địa hoặc khiến bệnh bùng phát mạnh mẽ hơn, như:
- Mắc phải một số bệnh lý khác: Hen, viêm mũi dị ứng, các bệnh về gan,…
- Tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng da: Thắt lưng, trang sức, phụ kiện, hóa chất, mỹ phẩm,…
- Cơ thể dị ứng: Dị ứng thời tiết, dị ứng với thức ăn lạ, trứng, hải sản, trứng,…
- Môi trường: Môi trường ô nhiễm, nhiều chất độc hại như thuốc lá, khí thải công nghiệp, phương tiện giao thông,…
- Sức đề kháng cơ thể kém: Không thể chống lại tác nhân gây bệnh.
Triệu chứng viêm da cơ địa
- Ban đỏ, nổi mụn nước rải rác hoặc tập trung từng mảng.
- Da khô, sần, nứt nẻ, bong vảy, chảy máu.
- Da dày sừng, xuất hiện các mảng da dày bị liken hóa.
- Da xây xước, chảy máu do gãi nhiều, dễ nhiễm trùng.
- Rất ngứa, đặc biệt là về đêm.
Bệnh viêm da cơ địa có lây không?
Bệnh viêm da cơ địa KHÔNG LÂY. Nguyên nhân gây bệnh viêm da cơ địa không phải là do nhiễm vi-rút, vi khuẩn hay mầm bệnh khác nên không thể lây.
Bạn không thể bị lây viêm da cơ địa khi bắt tay, ôm, hôn, quan hệ tình dục hay dùng chung đồ vật với người bệnh. Bạn cũng không thể bị lây nếu người bệnh viêm da cơ địa hắt hơi hay nói chuyện với bạn.
Tuy nhiên, bệnh viêm da cơ địa có khả năng di truyền. Thực tế ghi nhận, tỷ lệ con cái mắc viêm da cơ địa là trên 80% nếu bố mẹ cùng mắc và khoảng 50% nếu có bố hoặc mẹ mắc bệnh.
LƯU Ý: Viêm da cơ địa không lây nhiễm, nhưng nhiễm trùng da – một biến chứng của bệnh viêm da cơ địa, lại có thể lây nhiễm thông qua vết thương hở. Các tổn thương do cào gãi trên da nếu không được vệ sinh sạch có khả năng gây nhiễm trùng. Khi vi khuẩn, virus gây bệnh tiếp xúc với vết thương hở của người khác, bệnh nhiễm trùng có khả năng lây lan.
Vậy làm thế nào để nhận biết nhiễm trùng? Dưới đây là một số dấu hiệu điển hình:
- Có chất lỏng chảy ra từ da.
- Có một lớp vảy màu vàng trên bề mặt da hoặc những đốm nhỏ màu trắng vàng xuất hiện trên vùng da bị bệnh.
- Da trở nên sưng và đau.
- Cảm thấy da nóng hơn.
Người bệnh cần được thăm khám và điều trị kịp thời nếu nhận thấy các dấu hiệu trên. Nếu chậm trễ có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Cách phòng ngừa viêm da cơ địa
Bệnh viêm da cơ địa tuy không lây lan nhưng rất dễ tái phát. Bởi vậy phòng ngừa viêm da cơ địa, giảm khả năng bệnh tái phát là cần thiết.
Để phòng ngừa bệnh viêm da cơ địa, nên lưu ý:
- Mặc quần áo khô thoáng, mềm mại và tắm sau khi tập thể dục đổ nhiều mồ hôi.
- Hạn chế sử dụng chất tẩy rửa, sữa tắm, mỹ phẩm chứa nhiều hoá chất hoặc hương liệu.
- Thường xuyên cắt móng tay để tránh gãi nhiều gây trầy xước, nhiễm trùng.
- Thoa kem dưỡng ẩm dành riêng cho người viêm da cơ địa để đảm bảo da luôn đủ ẩm, hạn chế kích ứng da.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm để giúp da không bị khô.
- Đảm bảo môi trường sống đạt vệ sinh, thông thoáng, khô ráo.
- Giữ ấm cơ thể, nhất là vào mùa đông và thời điểm giao mùa.
- Để tránh da bị khô thì không tắm bằng nước quá nóng hoặc quá lạnh, không nên tắm quá 15 phút.
- Không sử dụng các sản phẩm, thực phẩm mà cơ thể dị ứng.
Viêm da cơ địa có chữa được không?
Viêm da cơ địa là một tình trạng mãn tính, kéo dài dai dẳng. Không có cách chữa dứt điểm bệnh viêm da cơ địa nhưng có thể kiểm soát bệnh hiệu quả nếu áp dụng đúng cách.
Tùy từng giai đoạn bệnh, mức độ bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp. Nếu áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà và dùng kem dưỡng ẩm không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp dưới đây:
Sử dụng thuốc Tây
Thuốc giúp giảm ngứa và phục hồi da:
- Thuốc chứa corticoid: Dạng kem hoặc mỡ, bôi trực tiếp lên da sau khi dưỡng ẩm.
- Thuốc ức chế calcineurin (như tacrolimus và pimecrolimus): Chỉ dùng cho trẻ trên 2 tuổi. Bôi trực tiếp lên da sau dưỡng ẩm, tránh ánh nắng trực tiếp.
Thuốc chống nhiễm trùng: Là thuốc kháng sinh dạng kem bôi, sử dụng khi bệnh nhân gặp biến chứng nhiễm khuẩn.
Thuốc kháng viêm: Trường hợp viêm da cơ địa nặng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc corticosteroid đường uống. Nhóm thuốc này có hiệu quả cao nhưng không được sử dụng kéo dài vì có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
Thuốc sinh học dupilumab: Là thuốc điều trị viêm da cơ địa nặng, được chỉ định khi bệnh nhân không đáp ứng với cách điều trị thông thường khác. Thuốc có giá thành khá cao và chưa có báo cáo về cơ chế tác dụng vì mới được đưa vào sử dụng.
Dùng mẹo dân gian
Phương pháp này được đánh giá là an toàn, tiết kiệm chi phí và khá hiệu quả với viêm da cơ địa thể nhẹ.
- Sử dụng lá lốt: Chuẩn bị 10 lá lốt tươi, rửa sạch rồi đun cùng với 2 lít nước. Đun sôi trong 15 phút, lấy nước để tắm. Phần bã có thể dùng xoa nhẹ lên vùng da bị bệnh.
- Sử dụng lá đu đủ: Chuẩn bị lá đu đủ, lá đinh lăng, khoai tây. Đem giã nhuyễn rồi đắp lên vùng da bị viêm da cơ địa.
- Sử dụng lá khế: Có thể nấu nước tắm hoặc chườm nóng để cải thiện triệu chứng mẩn đỏ, sưng phù,…
Một số phương pháp khác
- Liệu pháp ánh sáng: Áp dụng cho những bệnh nhân không đáp ứng với phương pháp điều trị tại chỗ hoặc hay tái phát bệnh. Phương pháp này sử dụng tia cực tím UVA, UVB để điều trị viêm da cơ địa.
- Băng ướt: Sau khi đã bôi corticoid, dùng băng ướt quấn quanh vết thương. Sử dụng khi bệnh nhân bị viêm da cơ địa lan rộng và được thực hiện bởi bác sĩ có kinh nghiệm.
Với viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ, có thể hỗ trợ điều trị bệnh bằng cách:
- Xác định và tránh tác nhân gây kích thích da.
- Tránh để da tiếp xúc môi trường quá lạnh hoặc quá nóng.
- Dưỡng ẩm da cho trẻ bằng dầu, kem dưỡng ẩm, thuốc mỡ,…
Câu hỏi thường gặp
Bệnh viêm da cơ địa có thể tự khỏi ngay cả khi không chữa trị, nhưng rất dễ tái phát. Nếu không chăm sóc y tế đúng cách, viêm da cơ địa dễ tiến triển thành mãn tính, triệu chứng dai dẳng và trầm trọng hơn.
Ngoài ra, có 60-90% người bị viêm da cơ địa có vi khuẩn tụ cầu (Staphylococcus) trên da. Tình trạng nhiễm trùng khiến bệnh trở nên nguy hiểm hơn. Vì vậy nếu xuất hiện dấu hiệu bất thường bạn nên tìm gặp bác sĩ để được tư vấn.
Bệnh viêm da cơ địa có thể là một tình trạng dai dẳng suốt đời. Bệnh thường khởi phát ở trẻ, sớm nhất là 3 tháng tuổi. Hầu hết trẻ mắc viêm da cơ địa sẽ khỏi sau 18-24 tháng tuổi.
Tuy nhiên ở một số người bệnh có thể bắt đầu từ khi còn nhỏ và tiếp tục cho đến khi trưởng thành. Hoặc khởi phát tuổi ở độ tuổi trưởng thành. Bệnh dễ dàng tái lại nếu người bệnh tiếp xúc với tác nhân gây kích thích da.
Với bệnh nhân viêm da cơ địa, vấn đề tâm lý đôi khi là điều khó khắc phục nhất. Người bệnh có thể cảm thấy mọi người đang chú ý và đánh giá bản thân nhiều hơn thực tế. Có người thậm chí còn bắt đầu cô lập bản thân, trở nên chán nản, lo lắng.
Nếu bạn cảm thấy rất tự ti về các triệu chứng trên da của mình, hãy tìm kiếm sự tư vấn của bác sĩ. Đồng thời chia sẻ với mọi người thông tin về bệnh viêm da cơ địa. Bằng cách nói chuyện với mọi người, bạn có thể giải quyết mọi mối quan ngại của họ.
Tóm lại, bệnh viêm da cơ địa không lây, không thể truyền từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc da. Kiểm soát bệnh là cần thiết để giảm triệu chứng và tăng chất lượng cuộc sống. Áp dụng các biện pháp chăm sóc da, kem dưỡng ẩm, thuốc chống viêm,… và tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu có thể giúp điều trị bệnh một cách hiệu quả.
DÀNH CHO BẠN