Bệnh Vảy Nến Là Gì? Dấu Hiệu Nhận Biết Và Cách Điều Trị

Vảy nến là bệnh da liễu phổ biến, với khoảng 2% – 3% dân số mắc bệnh. Bệnh vảy nến gây ngứa ngáy, đau rát, ửng đỏ, bong tróc da, xảy ra chủ yếu ở đầu gối, khuỷu tay, thân mình và da đầu. Vảy nến tái đi tái lại nhiều lần có thể gây nhiễm trùng da, vảy nến mủ, viêm khớp, đỏ da toàn thân,…

Bệnh vảy nến là gì?

Vảy nến là sự gia tăng các tế bào da quá mức, tạo thành vảy và các mảng da bong tróc. Thông thường các tế bào da được tạo ra và thay thế sau 3 – 4 tuần, nhưng với bệnh nhân vảy nến, quá trình này chỉ kéo dài 3 – 7 ngày.

Bệnh vảy nến là một bệnh mãn tính, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất ở độ tuổi 20 – 30 hoặc 50 – 60. Đa số người bệnh vảy nến chỉ bị tổn thương do các vảy nhỏ trên da, tuy nhiên một số trường hợp có triệu chứng ngứa da, đau rát đi kèm.

Dấu hiệu nhận biết bệnh vảy nến

  • Da dày lên, xuất hiện các mảng vảy trên bề mặt da.
  • Phát ban loang lổ, các tổn thương có hình dạng khác nhau, từ những nốt vảy nhỏ giống như vảy gàu đến nốt ban lớn khắp cơ thể.
  • Ban có màu khác nhau: Sắc tím ở người da nâu, da đen, sắc hồng hoặc đỏ với vảy bạc ở người ds trắng.
  • Da khô ráp, nứt nẻ có thể chảy máu.
  • Ngứa da, đau da, rát da, đau khớp.
  • Triệu chứng xuất hiện theo chu kỳ, thường bùng phát và giảm dần trong vài tuần hoặc vài tháng.

9 loại bệnh vảy nến thường gặp

Dựa trên đặc điểm mô học, bệnh vảy nến được phân chia thành các dạng sau:

Bệnh vảy nến mảng bám (bệnh vảy nến thông thường)

Là thể bệnh vảy nến thông thường, chiếm khoảng 90% trường hợp. Các mảng da tổn thương có vảy trắng, xuất hiện nhiều ở mặt sau cẳng tay, cẳng chân, vùng rốn và da đầu. Dấu hiệu điển hình của bệnh là các mảng da khô, ngứa, phủ đầy vảy. Các mảng da tổn thương có màu sắc khác nhau, tùy thuộc vào màu da.

Bệnh vảy nến thể giọt

Còn gọi là bệnh vảy nến Guttate, các tổn thương là đốm nhỏ hình giọt nước, có vảy, xuất hiện trên cơ thể, cánh tay hoặc chân ở thanh niên và trẻ em. Bệnh vảy nến thể giọt thường khởi phát do vi khuẩn liên cầu (ở miệng họng hoăc quanh hậu môn), xảy ra trong vòng 1 – 3 tuần sau khi nhiễm trùng.

Bệnh vảy nến mụn mủ

Là thể bệnh hiếm gặp, đặc trưng bởi tổn thương dạng mụn nước nhỏ, không nhiễm trùng, các vết phồng rộp chứa đầy mủ. Bệnh vảy nến mụn mủ có thể lan rộng hoặc khu trú trong lòng bàn tay, lòng bàn chân.

Bệnh vảy nến nghịch đảo

Có tên gọi khác là bệnh vẩy nến đảo ngược, bệnh vảy nến nếp, có dấu hiệu đặc trưng là các mảng đỏ trên các nếp gấp trên da (mông, háng, vú, xung quanh bộ phận sinh dục). Các yếu tố nhiệt độ, chấn thương, nhiễm trùng là nguyên nhân gây ra dạng vảy nến không phổ biến này. Triệu chứng bệnh trở nên tồi tệ hơn khi da bị ma sát và đổ mồ hôi.

Bệnh vảy nến đỏ da toàn thân

Ít gặp, có thể phát triển từ bất kỳ loại vảy nến nào, xảy ra khi tổn thương lan rộng hơn 90% diện tích cơ thể. Da có thể bị khô, các mảng phát ban bong tróc, ngứa hoặc bỏng dữ dội. Bệnh vảy nến đỏ da toàn thân có thể tồn tại trong thời gian ngắn (cấp tính) hoặc kéo dài (mãn tính).

Bệnh vảy nến móng tay

Khiến móng tay, móng chân bị rỗ, móng đổi màu, phát triển bất thường, có thể bị lỏng ra và tách khỏi nền móng (nấm móng), nặng hơn có thể khiến móng vỡ vụn.

Bệnh vảy nến trẻ sơ sinh

Đặc trưng bởi các vết sẩn phù, đỏ da, có vảy bạc ở vùng quấn tã ở trẻ em, đôi khi lan ra toàn thân hoặc tay, chân.

Bệnh vảy nến ở miệng

Rất hiếm gặp, có thể không có triệu chứng rõ ràng, xuất hiện dưới dạng các mảng màu trắng hoặc vàng xám. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất ở người bị bệnh vảy nến miệng là nứt lưỡi.

Bệnh vảy nến tiết bã

Thường biểu hiện dưới dạng mảng đỏ, có vảy nhờn ở những vùng da tiết ra nhiều bã nhờn, như da đầu, nếp gấp da cạnh mũi, trán, da quanh miệng, da trên ngực phía trên xương ức, nếp gấp da,…

Nguyên nhân gây bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến xảy ra khi các tế bào da được thay thế nhanh hơn bình thường, dẫn tới gia tăng sản xuất tế bào da, tế bào da tích tụ tạo ra các mảng các mảng bong tróc, sần sùi phủ đầy vảy.

Có 2 nguyên nhân chính gây bệnh vảy nến:

  • Rối loạn hệ thống miễn dịch: Hiện tượng hệ miễn dịch tấn công nhầm các tế bào da khỏe mạnh.
  • Di truyền: Bệnh vảy nến có tính di truyền, khoảng 1/3 người mắc bệnh vảy nến có tiền sử gia đình mắc bệnh. Ở cặp song sinh, nếu một đứa trẻ mắc vảy nến thì 70% đứa trẻ còn lại cũng mắc bệnh.

Một số tác nhân khác:

  • Các tổn thương trên da, như trầy xước, vết cắt, bỏng nắng, bị côn trùng đốt.
  • Stress, căng thẳng quá độ
  • Sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá
  • Một số loại thuốc như thuốc chống sốt rét, lithium, thuốc ức chế men chuyển (thuốc điều trị cao huyết áp).
  • Viêm họng do liên cầu khuẩn.
  • Thời tiết lạnh, hanh khô.

Nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị vảy nến

Tỷ lệ mắc bệnh vảy nến thay đổi theo độ tuổi, vị trí địa lý, dân tộc, sự kết hợp của các yếu tố môi trường và di truyền.

  • Bệnh thường xảy ra trước 20 tuổi.
  • Người châu Âu có tỷ lệ mắc vảy nến cao hơn người châu Á.
  • Nguy cơ mắc vảy nến cao hơn nếu tiền sử gia đình có người mắc.
  • Người bị bệnh viêm ruột (như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng).
  • Người béo phì, rối loạn tim mạch, rối loạn chuyển hóa.

Biến chứng của bệnh vảy nến

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan (Nguyên Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện YHCT Trung ương, Giám đốc Chuyên môn Trung tâm Thuốc dân tộc), người bệnh vảy nến có nguy cơ cao mắc một số bệnh lý khác:

  • Viêm đau khớp, cứng khớp
  • Tiểu đường
  • Rối loạn lipid máu (tăng mỡ máu)
  • Đột quỵ
  • Đau thắt ngực
  • Bệnh về mắt: Viêm kết mạc, viêm bờ mi, viêm màng bồ đào
  • Bệnh tự miễn: Bệnh celiac, xơ cứng và viêm ruột (bệnh Crohn)
  • Ảnh hưởng lớn đến tâm lý

Phương pháp chẩn đoán vảy nến

Bác sĩ chẩn đoán bệnh vảy nến dựa trên các biểu hiện lâm sàng. Để củng cố chẩn đoán, bác sĩ có thể đưa ra một số câu hỏi liên quan tới:

  • Tiền sử mắc bệnh vảy nến của các thành viên trong gia đình.
  • Tiền sử mắc các bệnh da liễu hoặc các bệnh mạn tính khác.
  • Thời điểm xuất hiện triệu chứng bệnh.
  • Các phương pháp điều trị đã áp dụng, kể cả biện pháp tại nhà.

Nếu chẩn đoán lâm sàng không đủ để xác định bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện sinh thiết da (lấy mảnh da, soi dưới kính hiển vi) để chẩn đoán chính xác.

Nếu có dấu hiệu của viêm khớp do vảy nến, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp X-quang các khớp liên quan đến đưa ra kết luận.

LƯU Ý: Bệnh vảy nến dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý da liễu khác, như:  Chàm dạng đĩa, chàm tiết bã, nấm móng, u lympho tế bào T ở da, bệnh giang mai,…

Cách điều trị bệnh vảy nến

Vảy nến là tình trạng viêm da mãn tính nên không có phương pháp điều trị dứt điểm. Mỗi người bệnh cần có liệu trình điều trị vảy nến phù hợp và duy trì lâu dài. Nếu điều trị đúng cách, hoàn toàn có thể kiểm soát tốt triệu chứng bệnh, hạn chế tái phát, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Điều trị bệnh vảy nến được chia thành 2 giai đoạn:

  • Giai đoạn tấn công: Sử dụng phương pháp điều trị tại chỗ, toàn thân hoặc kết hợp cả 2 để khắc phục triệu chứng.
  • Giai đoạn duy trì: Tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, đảm bảo lối sống lành mạnh, ngăn ngừa bệnh bùng phát trở lại.

Dưới đây là các cách điều trị bệnh vảy nến phổ biến hiện nay:

Thuốc điều trị tại chỗ

Thuốc mỡ và kem bôi da giúp giảm nhẹ triệu chứng, thường dùng trong trường hợp bệnh vảy nến mức độ nhẹ đến vừa.

Các thuốc trị vảy nến tại chỗ thường được kê đơn:

  • Nhóm thuốc corticosteroid (Clobetasol, Betamethasone): Giảm viêm, giảm ngứa, giảm tốc độ tăng sinh tế bào da.
  • Kem dưỡng ẩm: Dưỡng ẩm da, hạn chế bong tróc, nứt nẻ da.
  • Thuốc làm chậm quá trình sản xuất tế bào da: Như dầu gội chứa anthralin, điều trị vảy nến da đầu rất hiệu quả.
  • Thuốc dẫn chất vitamin D3 (Calcitriol, Calcipotriol): Thường dùng điều trị vảy nến thể mảng hay vảy nến da đầu.

Thuốc điều trị toàn thân

Trường hợp bệnh vảy nến nghiêm trọng, các phương pháp khác không đạt được hiệu quả mong muốn, bác sĩ sẽ chỉ định dùng phương pháp điều trị toàn thân (có tác dụng trên toàn bộ cơ thể).

Có 2 loại thuốc điều trị chính

  • Thuốc phi sinh học (dạng viên nén, viên nang), gồm: Methotrexate, Cyclosporin, Acitretin, Apremilast, Dimethyl fumarate,…
  • Thuốc sinh học (dạng tiêm), gồm: Etanercept, Adalimumab, Infliximab, Ustekinumab, Guselkumab, Brodalumab,…

LƯU Ý: Các loại thuốc điều trị vảy nến toàn thân đều có lợi ích và tiềm ẩn những rủi ro. Chỉ sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Nếu bạn đang có kế hoạch sinh con, đang mang thai hay đang cho con bú, hãy trao đổi trước với bác sĩ.

Quang trị liệu

Phương này này sử dụng tia cực tím (UV) hoặc ánh sáng tự nhiên để điều trị vảy nến. Ánh sáng mặt trời giúp tiêu hủy các tế bào bạch cầu hoạt động quá mức, cản trở quá trình phát triển tế bào da. Cả 2 loại tia UVA và UVB đều hỗ trợ giảm các triệu chứng của bệnh vảy nến thể nhẹ đến vừa.

Liệu pháp ánh sáng LED

Sử dụng ánh sáng có những bước sóng khác nhau tác động vào các lớp tế bào da để giảm triệu chứng và làm chậm quá trình sản sinh tế bào da.

Phòng ngừa bệnh vảy nến

Vảy nến là bệnh lý mãn tính, đi theo người bệnh suốt đời nên cần kiên trì điều trị. Thế nhưng không ít người tự ti, mặc cảm, từ bỏ điều trị khiến bệnh bùng phát nặng, gây ra các biến chứng và ảnh nghiêm nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Dưới đây là một số lời khuyên từ Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan về cách phòng ngừa vảy nến:

  • Với người chưa mắc bệnh: Cần bổ sung dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh, hạn chế chấn thương, nhiễm trùng,… để tăng cường sức đề kháng, tránh ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.
  • Với người thuộc nhóm nguy cơ: Cần tầm soát bệnh định kỳ 6 tháng – 1 năm/lần, phát hiện sớm để điều trị sớm, tránh bệnh nặng hơn.
  • Với người đã bị vảy nến: Không hoang mang hay lo lắng, hãy trao đổi với bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn cách điều trị hiệu quả. Người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ, tránh ánh nắng mặt trời, vệ sinh da sạch sẽ, không hút thuốc lá, uống rượu bia, hạn chế ăn thực phẩm béo, nhiều dầu mỡ, tăng cường bổ sung thức ăn chứa omega 3, acid folic.

Câu hỏi thường gặp

Bệnh vảy nến KHÔNG lây. Nguyên nhân gây bệnh vảy nến do rối loạn hệ miễn dịch, tình trạng này không lây nhiễm từ người sang người.

Người bệnh vảy nến có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng, căng thẳng, tự ti, mắc bệnh celiac, viêm khớp, ung thư da không hắc tố, ung thư biểu mô tế bào vảy,… Bệnh nhân HIV/AIDS mắc vảy nến khả năng cao sẽ gặp phải những tổn thương nghiêm trọng hơn do hệ miễn dịch đã suy yếu.

Với người bệnh vảy nến sử dụng phương pháp điều trị toàn thân lâu dài:

  • Nguy cơ mắc ung thư phổi và phế quản tăng 52% so với người bình thường.
  • Nguy cơ bị ung thư đường tiêu hóa trên tăng 205%.
  • Nguy cơ mắc ung thư gan lên tăng 90%.
  • Nguy cơ phát triển ung thư tuyến tụy tăng 46%.

Khi trên da như xuất hiện lớp da dày, da chuyển đỏ không mất đi và các đặc điểm đi kèm như:

  • Tổn thương da ngày càng lan rộng, có thể lan khắp cơ thể.
  • Tổn thương da gây khó chịu, đau đớn.
  • Các lớp da dày không mất đi, việc điều trị không hiệu quả.

Bệnh vảy nến không thể chữa khỏi hoàn toàn. Áp dụng phương pháp điều trị khoa học có thể giảm nhẹ hoặc chữa lành triệu chứng bệnh. Tuy nhiên người bệnh cần điều trị duy trì để ngăn bệnh tái phát.

Bệnh vảy nến thể nhẹ chỉ cần điều trị tại chỗ bằng thuốc bôi, kem dưỡng. Bệnh mức độ trung bình sử dụng quang trị liệu với tia cực tím. Bệnh nặng cần dùng thuốc điều trị toàn thân. Bạn cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát hiệu quả căn bệnh này.

Người bệnh vảy nến cần kiêng các loại thực phẩm có thể gây phản ứng viêm, làm tăng nặng triệu chứng bệnh, như:

  • Thực phẩm chứa đường và tinh bột: Đường, bánh ngọt, kẹo, bánh mì, gạo trắng,...
  • Thực phẩm có gluten: Lúa mì, lúa mạch và lúa gạo.
  • Thực phẩm có chứa men: Bia, rượu, đồ uống lên men.
  • Thực phẩm có hàm lượng histamine cao: Hải sản, thịt chế biến, phô mai,...
  • Thực phẩm chứa các chất bảo quản và phẩm màu.
  • Trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa, thịt đỏ như thịt lợn, thịt bò.

Người bệnh vảy nến nên bổ sung các loại thực phẩm giúp cải thiện triệu chứng bệnh, nâng cao hệ miễn dịch, như:

  • Thực phẩm giàu omega-3: Cá hồi, hạt chia, hạt lanh,... giúp giảm viêm, dưỡng da khỏe mạnh.
  • Rau xanh: Rau cải, rau chân vịt, cần tây, cà rốt,... giúp bổ sung chất chống oxy hóa và dưỡng chất, hỗ trợ phục hồi da.
  • Quả bơ: Chứa axit béo chất lượng cao, bổ sung độ ẩm cho da và làm giảm viêm.
  • Các loại quả mọng: Nho, dâu tây, cherry, việt quất,... cung cấp nhiều loại vitamin và khoáng chất quan trọng, giúp nâng cao miễn dịch và làm giảm viêm.
  • Các loại hạt: Đậu nành, đậu đen, hạt hướng dương, hạt dẻ,... cung cấp protein và khoáng chất.
  • Uống đủ nước: Giúp da duy trì độ ẩm, loại bỏ độc tố.

Người bệnh vảy nến cần chú ý chăm sóc bản thân đúng cách, dùng thuốc phù hợp theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu có thắc mắc trong quá trình điều trị, hãy liên hệ với bác sĩ, thông báo tình những triệu chứng bất thường và tái khám thường xuyên.

TIN BÀI NÊN ĐỌC

Cập nhật lúc: 12:15 PM , 30/03/2024

Tin liên quan

Bệnh Vảy Nến Có Lây Không? Lây Như Thế Nào?

Bệnh vảy nến không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh. Bệnh vảy nến có lây không là thắc mắc của rất...

Bệnh Vảy Nến Ở Chân, Tay Do Đâu? Cách Điều Trị Hiệu Quả Nhất

Vảy nến ở chân gây ra bởi sự rối loạn hoạt động miễn dịch, khiến tế bào da tăng sản ở các vị trí lòng, mu bàn chân, bắp, khuỷu,...

Vảy nến đồng tiền nguy hiểm không? Cách điều trị bệnh tốt nhất

Bệnh vảy nến đồng tiền là một dạng viêm da cơ địa hiếm gặp của bệnh vảy nến. Bệnh không lây nhiễm từ người sang người nhưng các mảng da...

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *