Viêm mũi xoang dị ứng xảy ra thường xuyên, đặc biệt mỗi khi thời tiết thay đổi, không khí ẩm thấp. Bệnh gây suy giảm chất lượng cuộc sống và có thể gây biến chứng phức tạp về các bệnh đường hô hấp.
Định nghĩa
Viêm mũi xoang dị ứng là tình trạng viêm niêm mạc mũi xoang với các triệu chứng hắt hơi, ngạt, ngứa và chảy mũi, qua trung gian kháng thể và xảy ra do tiếp xúc với các dị nguyên trong không khí.
Phân loại: gồm 2 loại
- Viêm mũi xoang dị ứng quanh năm
- Viêm mũi xoang dị ứng theo mùa (có chu kì)
Nguyên nhân
Nguyên nhân chủ yếu gây viêm mũi xoang là do cơ địa nhạy cảm, hệ miễn dịch phản ứng thái quá với các tác nhân gây dị ứng trong môi trường sống, bao gồm:
- Thay đổi thời tiết
- Phấn hoa, lông động vật
- Bụi mịn
- Ô nhiễm không khí
- Hóa mỹ phẩm như xà bông, mỹ phẩm, dầu gội, sữa tắm
- Nấm mốc
Triệu chứng
Triệu chứng nhận biết của bệnh viêm mũi xoang dị ứng bao gồm:
- Ngứa mũi, chảy nước mũi trong
- Hắt hơi liên tục từng tràng
- Ngạt tắc mũi
Các triệu chứng thực thể phát hiện khi soi mũi như:
- Niêm mạc mũi nhợt màu
- Cuốn mũi phù nề, đặc biệt là cuốn dưới
- Có nhiều dịch xuất tiết, dịch nhầy và trong
Tiên lượng và biến chứng
Viêm xoang mũi dị ứng hay tái phát đòi hỏi bệnh nhân phải tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ. Nếu không điều trị đúng cách và kịp thời, các biến chứng có thể gặp là:
- Các bệnh dị ứng khác như viêm kết mạc dị ứng, hen phế quản,… có diễn tiến nặng hơn
- Bệnh diễn tiến nặng hơn, gây viêm mũi xoang mạn tính: polyp mũi, viêm thanh khí phế quản,…
Chẩn đoán
Viêm mũi xoang dị ứng được xác định sau khi khai thác tiền sử dị ứng của bản thân như dị ứng thuốc, mày đay, chàm, hen phế quản,…; tiền sử dị ứng trong gia đình và các triệu chứng lâm sàng.
Các phương pháp chẩn đoán theo cận lâm sàng bao gồm:
- Test xác định dị ứng mũi xoang: test nội bì, test lấy da, test kích thích mũi, các phản ứng in vitro
- Các phương pháp trực tiếp định lượng kháng thể dị ứng: RAST (Radio allergo sorbent test), RIST (Radio immuno sorbent test), PRIST (Paper Radio immuno sorbent test)
- Các phương pháp gián tiếp định lượng kháng thể dị ứng: Phản ứng phân hủy mastocyte, Phản ứng ngưng kết bạch cầu, Phản ứng tiêu bạch cầu đặc hiệu
Điều trị
Điều trị viêm mũi xoang dị ứng phụ thuộc vào mức độ triệu chứng cũng như tình trạng viêm xoang kèm theo. Do đó, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để xác định mức độ bệnh và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Nguyên tắc điều trị
Bệnh phụ thuộc nhiều vào cơ địa người bệnh vào các tác nhân gây dị ứng nên mỗi người khác nhau sẽ có các triệu chứng khác nhau. Việc điều trị sẽ thay đổi theo từng người bệnh, từng hoàn cảnh, từng giai đoạn:
- Điều trị tập trung vào dị nguyên và kháng thể dị ứng
- Điều trị tập trung vào các hoạt chất trung gian và triệu chứng lâm sàng
Điều trị viêm xoang mũi dị ứng tại nhà
Ngoài việc tránh các tác nhân gây dị ứng thì việc sử dụng các mẹo dân gian dưới đây cũng giúp cải thiện triệu chứng:
- Cây cỏ hôi: Rửa sạch cây cỏ hôi, sau đó đem xay nhuyễn, vắt lấy nước cốt. Lấy bông y tế sạch nhúng với nước cốt hoa ngũ sắc tươi rồi thấm vào mũi liên tục trong 15 – 20 phút, sau đó hỉ sạch và rửa mũi với nước sạch
- Mật ong: Uống nước chanh pha mật ong hoặc mật ong ngâm với gừng 2 – 3 lần mỗi ngày
- Cây vòi voi: Giã hoặc xay nhuyễn hỗn hợp gồm 10 cây vòi voi và 5 – 6 nhánh cây ngũ sắc. Chắt lấy nước cốt cho vào một bình xịt, pha thêm một ít nước muối sinh lý để làm loãng. Dùng dung dịch trên rửa hai bên mũi, thực hiện 7 – 10 ngày
- Trầu không: Xông hơi mũi với nước lá trầu không. Thực hiện khoảng 15 – 20 phút, làm 2 lần mỗi ngày.
Sử dụng thuốc Tây y
Sử dụng thuốc Tây y điều trị các triệu chứng viêm mũi xoang dị ứng được là phương pháp điều trị không đặc hiệu, thường bao gồm:
- Thuốc kháng histamin H1 đường uống: tác dụng vào trung ương và ngoại vi
- Thuốc xịt mũi chứa corticoid làm giảm viêm và giảm các triệu chứng, ức chế miễn dịch
- Thuốc co mạch: thuốc có tác dụng co mạch tại chỗ, điều trị ngạt mũi
- Thuốc ức chế leukotriene
- Liệu pháp miễn dịch (tiêm thuốc chống dị ứng)
Dùng thuốc Đông y
Đông y cho rằng viêm xoang mũi dị ứng do phế khí suy yếu, thận hư bởi tà khí phong nhiệt, phong hàn ngưng tụ hỏa uất sinh bệnh. Nguyên tắc điều trị cần tác động vào triệu chứng, khôi phục các tỳ, phế, thận và nâng cao miễn dịch, cải thiện cơ địa. Điều này có thể giúp ổn định tình trạng bệnh, hạn chế tái phát.
Phòng bệnh
Việc phòng bệnh viêm mũi xoang dị ứng cần được thực hiện thường xuyên với các lưu ý:
- Tránh, giảm tiếp xúc với các dị nguyên: phấn hoa, lông động vật, hải sản, đồ tanh sống,…
- Vệ sinh môi trường sống xung quanh: nơi ở, làm việc
- Thường xuyên rèn luyện, nâng cao sức khỏe bằng cách tập thể dục, chạy bộ,…
- Không dùng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, thuốc lào,…
Viêm mũi xoang dị ứng rất dễ tái phát. Ngoài việc tránh các tác nhân gây dị ứng thì người bệnh cần nâng cao miễn dịch và sức đề kháng, rèn luyện thể lực mỗi ngày để hạn chế bệnh tái phát.
XEM THÊM