Nổi mẩn ngứa có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là dấu hiệu của các bệnh lý ngoài da và bên trong cơ thể. Tất cả thông tin về nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, cách điều trị hiệu quả và phòng tránh nổi mẩn ngứa sẽ có trong bài viết dưới đây.
Nổi mẩn ngứa là gì?
Tình trạng nổi mẩn ngứa là hiện tượng da nổi lên nhiều nốt sần, mẩn đỏ, gây ngứa ngáy khó chịu. Các vết mẩn ngứa không có kích thước, hình dáng nhất định. Hiện tượng này thường xuất hiện ở đầu, mặt, cổ, lưng, tay, chân hoặc lan ra toàn thân.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây mẩn ngứa mà tính chất nốt mẩn đỏ sẽ khác nhau. Chúng có thể ẩm, khô ráp, mấp mô, nhẵn, nứt nẻ hoặc phồng rộp gây đau, ngứa hoặc làm thay đổi màu sắc da.
Bạn có thể bị nổi mẩn ngứa trong vài giờ rồi tự hết hoặc kéo dài liên tục trong nhiều ngày, tháng.
Khi các nốt mẩn ngứa xuất hiện, người bệnh thường có xu hướng dùng tay để gãi cho bớt ngứa. Tuy nhiênn càng gãi sẽ càng ngứa và nốt mẩn xuất hiện càng nhiều hơn. Da của bạn sẽ bị tổn thương, nhiễm trùng hoặc để lại sẹo thâm mất thẩm mỹ.
Triệu chứng của nổi mẩn ngứa
Các triệu chứng điển hình, dễ nhận thấy của chứng nổi mẩn ngứa là:
- Đỏ da, ngứa dữ dội, đau rát, sưng nóng.
- Da khô nứt nẻ.
- Nổi mụn nước, đặc biệt nếu xuất hiện ở vùng da quanh miệng, mắt hoặc bộ phận sinh dục.
- Dịch chảy ra màu vàng hoặc xanh lá cây, hơi ấm hoặc vệt đỏ ở khu vực nổi mẩn ngứa, nhiễm trùng.
- Bị sốt vì nhiễm trùng do vi rút hoặc vi khuẩn. Thường bao gồm bệnh ban đỏ, bệnh sởi, zona,…
- Sốc phản vệ xuất hiện do tác động của phản ứng dị ứng.
Các dạng nổi mẩn ngứa có thể có các dấu hiệu tương tự hoặc khác nhau phụ thuộc vào nguyên nhân phát ban.
Nguyên nhân nổi mẩn ngứa
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến da bị nổi mẩn ngứa, trong đó chủ yếu là do:
Bệnh viêm da tiếp xúc
Là dạng tổn thương da khi da có tiếp xúc với các yếu tố kích ứng như mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, hóa chất, côn trùng cắn, …. Triệu chứng thường thấy nhất là da nổi mẩn đỏ, sần lên so với bề mặt da, viêm hoặc phát ban.
Tổn thương da thường có diện tích nhỏ nhưng nếu có cơ địa nhạy cảm thì rất dễ lan rộng hoặc nổi mẩn ngứa toàn thân. Trường hợp yếu tố gây kích ứng là mủ thực vật, nọc độc côn trùng hoặc hóa chất thì có thể khiến da nổi mụn mủ, mụn nước hoặc lở loét.
Nổi mề đay
Mẩn ngứa do nổi mề đay là một loại phản ứng viêm của mao mạch trung bì do phản ứng dị ứng với tác nhân nội hoặc ngoại sinh. Dấu hiệu của bệnh lý này là da nổi sẩn cục chắc giống như vết muỗi đốt gây ngứa ngáy và nóng rát.
Phát ban
Nguyên nhân chủ yếu gây phát ban là do ma sát quá mức, phản ứng với nhiệt độ cao, nhiễm trùng,… Triệu chứng thường gặp là da có các đốm hoặc mảng màu đỏ hoặc hồng nổi lên rõ so với bề mặt da hoặc bằng phẳng như vùng da lành. Có trường hợp phát ban gây ngứa nhưng cũng có trường hợp không ngứa, có thể đi kèm châm chích và nóng rát.
Dị ứng thời tiết
Dị ứng thời tiết xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng quá mức với sự thay đổi nóng lạnh bất thường của thời tiết. Người bị mẩn ngứa do dị ứng thời tiết có biểu hiện đỏ mắt, da nổi mẩn đỏ, ngứa dữ dội hoặc âm ỉ, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu,…
Nhiễm trùng
Nhiễm trùng do vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc nấm cũng là nguyên nhân gây nổi mẩn ngứa. Các phát ban, mẩn ngứa sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại nhiễm trùng. Nếu nhiễm bệnh nấm Candida, phát ban, ngứa ngáy thường xuất hiện ở các nếp gấp da.
Mẩn ngứa do dị ứng thuốc
Hiện tượng này xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng quá mức với thành phần có ở một số loại thuốc. Đây có thể là phản ứng dị ứng do tác dụng phụ của thuốc.
Da đỏ, nổi mẩn ngứa ở một số khu vực hoặc toàn thân. Nếu chỉ bị dị ứng thuốc ở mức độ nhẹ thì những triệu chứng này sẽ tự hết sau vài ngày. Ở mức độ nghiêm trọng sẽ gây khó thở, nổi hồng ban, da đỏ ửng toàn cơ thể, phù Quincke,… nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bên cạnh đó, có một số loại thuốc, bao gồm một số thuốc kháng sinh, có thể làm cho người bệnh bị nhạy cảm hơn với ánh sáng mặt trời. Thường sẽ có các biểu hiện trên da tương tự như bị cháy nắng.
Dị ứng thực phẩm
Nổi mẩn ngứa do dị ứng thực phẩm là kết quả của việc hệ miễn dịch phản ứng với protein có trong thực phẩm, làm gia tăng kháng nguyên (IgE) trong huyết tương. Người bệnh thường cảm thấy đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, ngứa cổ họng, da nổi mẩn đỏ, chảy nước mắt, ngứa mũi,…
Nhiệt
Nếu cơ thể của bạn quá nóng, các tuyến mồ hôi có thể bị tắc nghẽn gây phát ban nhiệt. Rôm sảy hay mẩn ngứa do nhiệt thường xảy ra khi thời tiết nóng ẩm. Mẩn ngứa, phát ban do nhiệt ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, phổ biến nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Bệnh lý tiềm ẩn
Bệnh tự miễn: Tình trạng này xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh. Lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn gây phát ban trên mặt, làm ảnh hưởng đến một số hệ thống của cơ thể.
Suy giảm chức năng thận: Do chức năng thận kém, không thể đào thải độc tố ra ngoài. Các độc tố tích tụ trong cơ thể tạo cảm giác ngứa ngáy, bứt rứt, nổi mẩn ngứa, đỏ da, phù nề.
Các bệnh lý về gan: Các bệnh rối loạn chức năng gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ,… cũng gây mẩn ngứa ngoài da. Tế bào gan bị tổn thương sẽ làm suy giảm khả năng đào thải độc tố cho cơ thể. Từ đó khiến các chất độc bị ứ đọng trong cơ thể và gây nhiều vấn đề về da. Bệnh gan càng nặng thì tình trạng mẩn ngứa càng tăng nặng, thường đi kèm với hiện tượng vàng da.
Giun sán: Nổi mẩn ngứa do giun sán là kết quả của việc ấu trùng làm tắc nghẽn quá trình lưu thông mật, các độc tố tồn tại trong cơ thể làm hệ miễn dịch phát sinh phản ứng quá mức. Kết quả là da nổi mẩn đỏ, gây ngứa ngáy khó chịu.
Rối loạn tuyến giáp: Bệnh lý này làm toàn bộ hoạt động trao đổi chất của cơ thể bị ảnh hưởng, gây rối loạn quá trình chuyển hóa đường đạm, mất cân bằng điện giải,… Sự mất cân bằng làm hệ miễn dịch kích hoạt phản ứng quá mức gây nổi mẩn ngứa trên da.
Tiểu đường: Lượng đường trong máu tăng cao là nguyên nhân chính gây tổn thương các mạch máu dưới da, ảnh hưởng đến quá trình cung cấp dưỡng chất cho da. Kết quả là da trở nên khô sần, thường xuyên bị ngứa ngáy toàn thân.
Thay đổi hormone: Tình trạng mất cân bằng hormone, thay đổi nội tiết tố xảy ra những cơn bốc hỏa, đổ mồ hôi, làm ngứa da nghiêm trọng. Đối tượng thường xuyên bị mẩn ngứa do thay đổi hormone là phụ nữ mang thai, phụ nữ mãn kinh và tiền mãn kinh.
Bệnh xã hội: Những bệnh lây qua đường tình dục như HIV, lậu, giang mai,… gây mẩn ngứa toàn thân. Ngoài ra, trong quá trình điều trị bệnh, người bệnh có thể bị ngứa da do tác dụng phụ của thuốc kháng virus.
Nguyên nhân khác
Nổi mẩn ngứa do bệnh chàm, vảy nến, bệnh thủy đậu, bệnh sởi, zona, vệ sinh kém, căng thẳng kéo dài, đa hồng cầu, thiếu sắt,…
Bị nổi mẩn ngứa khi nào cần khám bác sĩ?
Người bị nổi mẩn ngứa nên đến khám bác sĩ khi có triệu chứng:
- Phát ban đỏ ngứa nổi ngày càng nhiều.
- Da đỏ, nổi mẩn ngứa kèm sưng đỏ, sốt, xuất huyết, đau khớp,…
- Mẩn ngứa ảnh hưởng đến giấc ngủ, cuộc sống thường ngày.
Chẩn đoán
Chẩn đoán lâm sàng
Trong chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ sẽ đặt ra các câu hỏi liên quan đến yếu tố gia đình, bệnh sử, tình trạng sức khỏe, lối sống, môi trường làm việc, sinh hoạt. Bác sĩ quan sát, chạm vào những vị trí tổn thương trên da và cơ thể để đưa ra chẩn đoán.
Chẩn đoán cận lâm sàng
Trong nhiều trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm da, xét nghiệm máu để xác định nguyên nhân gây mẩn ngứa.
Trong đó, xét nghiệm máu nhằm xác định lượng bạch cầu ái toan có liên quan đến mức độ dị ứng và nhiễm ký sinh trùng.
Xét nghiệm da giúp xác định dị nguyên gây dị ứng bằng cách tìm IgE thông qua phản ứng kháng nguyên kháng thể giải phóng tế bào mast.
Cách điều trị mẩn ngứa
Tùy vào thể trạng và mức độ mẩn ngứa, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và hướng dẫn những phương pháp điều trị hiệu quả, phù hợp.
Mẹo làm giảm mẩn ngứa tại nhà
- Dưỡng ẩm cho da: Da khô là một trong những nguyên nhân gây nổi mẩn ngứa. Bạn nên dùng các sản phẩm dưỡng ẩm an toàn, lành tính, không gây kích ứng và phù hợp với loại da.
- Chườm khăn lạnh: Bạn có thể dùng khăn lạnh chườm lên vùng da bị ngứa. Đây là phương pháp giúp giảm nhanh chóng tình trạng ngứa ngáy, nóng rát, tổn thương da.
- Tắm nước lá: Dùng nước lá trà xanh, lá bạc hà hoặc lá trầu không để tắm, ngâm rửa giúp làm dịu, sát khuẩn da và giảm ngứa ngáy khó chịu hiệu quả.
- Dùng nha đam: Bôi gel nha đam lên vùng da bị mẩn ngứa có khả năng làm dịu da, cấp ẩm, lành tổn thương.
Tuy nhiên các cách này chỉ giúp làm giảm tạm thời cơn ngứa ngoài da, không thể điều trị dứt điểm tình trạng mẩn ngứa.
Sử dụng thuốc kê đơn điều trị mẩn ngứa
- Thuốc kháng Histamin H1: Thuốc có công dụng ức chế quá trình sản xuất histamin của cơ thể, làm giảm triệu chứng ngứa ngáy khó chịu.
- Thuốc chẹn thụ thể H2: Có khả năng thu hẹp các mạch máu, giảm viêm, phù nề các vết ngứa trên da.
- Thuốc chứa Corticoid: Làm giảm ngứa bằng cách điều hòa phản ứng của hệ thống miễn dịch, cắt cơn ngứa tức thì.
- Thuốc bổ gan, hạ men gan, giải độc gan: Dành cho người nổi mẩn ngứa do bệnh gan. Có thể kết hợp thuốc thảo dược như cà gai leo, mật nhân để tăng hiệu quả điều trị.
- Thuốc hạ đường huyết: Metformin, Gliclazide,.. giúp điều trị mẩn ngứa do bệnh tiểu đường. Người bệnh có thể sử dụng thêm các cây thuốc nam như hoa cúc, tâm sen, cỏ ngọt,… để kiểm soát đường huyết.
- Kem chống nấm: Dùng cho trường hợp nổi mẩn ngứa, phát ban do nhiễm nấm Candida.
Lưu ý:
- Người bệnh cần dùng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ về liều lượng, thời gian dùng thuốc.
- Không tự ý mua, sử dụng các loại thuốc này.
- Cần thông báo ngay cho bác sĩ khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường.
Cách phòng tránh nổi mẩn ngứa
Những thói quen sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng có thể giúp hạn chế tiến triển của nổi mẩn ngứa, cụ thể:
- Xác định và cách ly khỏi tác nhân gây dị ứng.
- Vệ sinh da, dưỡng ẩm đều đặn.
- Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, chất liệu mỏng nhẹ, thấm hút mồ hôi tốt.
- Sử dụng quạt hoặc điều hòa để cơ thể không bị quá nóng hay quá lạnh.
- Có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi điều độ, tránh căng thẳng, làm việc quá sức.
- Tập yoga, thiền định, vận động nhẹ nhàng để tăng cường sức khỏe.
- Uống đủ nước, thực hiện chế độ ăn uống, dinh dưỡng khoa học.
- Không sử dụng chất kích thích, rượu bia, thuốc lá,…
- Không tắm nước quá nóng vì sẽ gây ngứa, khô da hơn.
- Hạn chế gãi ngứa, chà xát mạnh vì sẽ làm tổn thương da và cơn ngứa trở nên dữ dội hơn.
- Không tiếp xúc trực tiếp với hóa chất; đeo găng tay khi rửa bát, giặt đồ.
- Ngừng dùng các loại thuốc có nghi ngờ bị dị ứng.
- Thăm khám và kiểm tra định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe, tiến triển của bệnh.
Mẩn ngứa là tình trạng ngoài da phổ biến. Tuy nhiên bạn tuyệt đối không nên chủ quan. Cần hiểu rõ nguyên nhân gây ra tình trạng mẩn ngứa, phát hiện những triệu chứng để điều trị từ sớm, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể bị nổi mẩn ngứa, đặc biệt là trẻ em, người suy giảm hệ miễn dịch,...
Nổi mẩn ngứa có xu hướng thuyên giảm nhanh sau vài ngày đến một vài tuần. Tuy nhiên, tình trạng mẩn ngứa mãn tính sẽ lâu khỏi, thường xuyên tái phát, gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp, phổi, gây nhiễm trùng da,...
Phần lớn các trường hợp da nổi mẩn ngứa không gây nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng nếu nguyên nhân do bệnh lý không được phát hiện điều trị kịp thời sẽ dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe như: Mệt mỏi, sốt cao, rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng, khó thở, giảm huyết áp đột ngột, sốc phản vệ,...
Khi các triệu chứng mẩn ngứa trở nên nặng hơn, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị từ sớm.
- Thực phẩm chứa nhiều vitamin A, C, E: Cam, chanh, dâu tây, chuối, kiwi, đu đủ, dưa hấu, ổi, cà rốt, cà chua, rau cải, củ cải, rau diếp cá, rau mồng tơi, bí ngô, khoai lang, dầu thực vật,..
- Các loại hạt khô, ngũ cốc: Quả óc chó, hạnh nhân, hạt điều, hạt mắc ca, ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỏ,...
- Các loại cá giàu Omega 3: Cá mòi, cá trích, cá hồi,…
- Uống đủ nước, sữa chua, nước trái cây, nước trà xanh, nước rau má,...
Một số loại thực phẩm gây hại cho gan thận, suy yếu hệ miễn dịch cần kiêng là:
- Món ăn nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán: Khoai tây chiên, hamburger, pizza, gà rán, cá viên chiên,...
- Thức ăn giàu đạm hoặc dễ gây dị ứng: Thịt bò, thịt cừu, thịt trâu,...
- Hải sản dễ gây dị ứng: Cua, tôm, ốc, ghẹ,...
- Thực phẩm chế biến sẵn, hải sản đông lạnh.
- Hạn chế đồ ăn cay nóng, nhiều gia vị.
- Thức ăn ngọt, nhiều đường: Bánh ngọt, kẹo, bánh quy, socola, bơ lạc, nước ngọt có ga,...
- Thức ăn quá mặn, nhiều muối.
- Hạn chế uống rượu, bia, sử dụng các chất kích thích. Thậm chí bạn cần kiêng tuyệt đối khi điều trị mẩn ngứa.