Khí hư có mùi chua là hiện tượng bất thường mà nhiều phụ nữ hiện đại đang phải đối mặt. Tình trạng này có thể cảnh báo các bệnh viêm nhiễm phụ khoa nguy hiểm. Do đó, ngay khi nhận thấy hiện tượng khí hư có mùi, chị em cần nhanh chóng tìm đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
Vì sao khí hư có mùi chua?
Khí hư (huyết trắng) là dịch tiết từ âm đạo có nhiệm vụ giữ ẩm, cân bằng độ pH và ngăn cản vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể. Khí hư bình thường có màu trắng, trong suốt và hơi dính như lòng trắng trứng gà. Đôi khi, khí hư có thể chuyển màu trắng hơi đục hoặc ngả vàng nhưng không có mùi bất thường.
Khí hư có mùi chua đa phần là do nhiễm nấm men âm đạo. Giai đoạn đầu nhiễm nấm, bệnh nhân có thể thấy huyết trắng có mùi hôi nhẹ tương tự như nhiều bệnh phụ khoa khác. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển nặng hơn, khí hư chuyển dần sang mùi chua kèm theo triệu chứng: ngứa, rát âm đạo, đau khi quan hệ.
Dựa trên quan sát thực tế, các bác sĩ cho biết, hiện tượng khí hư có màu trắng đục, đặc hoặc vón cục kèm theo mùi chua nặng thường xuất hiện trong bệnh viêm âm đạo. Trường hợp khí hư chuyển màu nâu hoặc xanh kèm mùi chua thì khả năng cao viêm nhiễm đã ảnh hưởng đến cổ tử cung.
Để chắc chắn vấn đề mình đang gặp phải, các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân nên chủ động thăm khám sớm, tránh tự đoán bệnh và điều trị theo liệu trình.
Khí hư có mùi chua cảnh báo bệnh gì?
Khí hư có mùi chua cảnh báo nhiều bệnh lý phụ khoa khác nhau. Sau khi được kiểm tra lâm sàng và xét nghiệm, bệnh nhân sẽ biết chính xác nguyên nhân và bệnh lý mình đang gặp phải.
Viêm âm đạo
Bệnh viêm âm đạo thường xuất hiện khi có sự xâm nhập của các vi khuẩn từ môi trường bên ngoài vào âm đạo. Điều này tạo điều kiện cho hại khuẩn phát triển mạnh mẽ và lợi khuẩn bị ức chế. Kết quả là gây viêm nhiễm âm đạo.
Người bệnh thường gặp phải các triệu chứng như: ngứa ngáy, khí hư có mùi chua, kinh nguyệt không đều, đau quặn bụng dưới… Vi khuẩn gây viêm âm đạo nếu không được kiểm soát có thể dịch chuyển sang các cơ quan khác và gây bệnh: viêm cổ tử cung, viêm nội mạc cổ tử cung, viêm vòi trứng,….
Viêm cổ tử cung
Dịch tiết từ cổ tử cung được thoát ra tại âm đạo. Do đó, khi cổ tử cung bị viêm nhiễm cũng khiến màu sắc và mùi của khí hư bị thay đổi. Viêm cổ tử cung là một trong những căn bệnh đe dọa trực tiếp đến sức khỏe sinh sản của chị em.
Bạn có thể nhận biết viêm cổ tử cung thông qua triệu chứng khí hư có mùi chua, màu vàng, xám và lẫn mủ. Cùng với đó, người bệnh thường xuyên gặp phải cơn đau quặn bụng và tình trạng ngứa ngáy, đau rát.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung
Viêm lộ tuyến cổ tử cung xảy ra khi vùng lộ tuyến cổ tử cung bị vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng tấn công. Khi mắc bệnh, bạn có thể nhận thấy: khí hư có mùi chua, màu xám, xanh, có mủ kết hợp với đau lưng, đau bụng, đau khi quan hệ. Viêm lộ tuyến cổ tử cung có thể tiến triển thành ung thư cổ tử cung nếu không điều trị kịp thời.
Khí hư có mùi chua do viêm vùng chậu
Viêm vùng chậu là bệnh lý xảy ra do viêm nhiễm tại các cơ quan như: tử cung, buồng trứng, vòi trứng, âm đạo. Theo các bác sĩ, viêm vùng chậu là bệnh phức tạp và nguy hiểm. Do đó, bệnh nhân cần được phát hiện và điều trị sớm.
Khí hư mùi chua có nguy hiểm không?
Trên thực tế, khí hư có mùi chua là biểu hiện của bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Tình trạng này có thể lan rộng và gây biến chứng nguy hiểm nếu không được khắc phục kịp thời. Dưới đây là một số nguy cơ chị em cần đặc biệt lưu tâm:
- Hiếm muộn: Các bệnh viêm nhiễm phụ khoa có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chuyện làm tình, quá trình rụng trứng hay thụ tinh. Tình trạng này kéo dài khiến chị em khó có thai hoặc dễ bị sinh non.
- Vô sinh: Nếu bị viêm phụ khoa nặng, phái nữ có thể phải cắt bỏ tử cung hoặc buồng trứng. Điều này gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tâm lý của chị em.
Ngoài ra, phụ nữ trong thời kỳ mang thai cần thận trọng khi gặp tình trạng khí hư có mùi chua. Viêm nhiễm phụ khoa trong thai kỳ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của hai mẹ con. Những tác động được ghi nhận từ bệnh phụ khoa gồm:
- Dọa sảy thai/ sảy thai.
- Sinh non
- Dị tật thai nhi
- Biến chứng thai sản
Cách xử lý tốt nhất cho mẹ bầu là đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra và hướng dẫn điều trị. Như vậy, người mẹ sẽ có một phác đồ chuẩn, không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi mà vẫn chữa khỏi bệnh.
Cách điều trị khí hư có mùi chua
Để giải quyết tình trạng khí hư có mùi chua, chị em có thể lựa chọn một số phương pháp điều trị như: Đông y, Tây y hoặc mẹo dân gian áp dụng tại nhà.
Điều trị khí hư mùi chua bằng Tây y
Tây y áp dụng 2 phương pháp chính bao gồm: Điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa. Việc lựa chọn cách chữa được dựa trên mức độ bệnh và tình trạng sức khỏe của từng đối tượng.
Điều trị nội khoa
Thuốc Tây có thể kiểm soát triệu chứng nhanh chóng. Tuy nhiên, tân dược tiềm ẩn tác dụng phụ và có thể xảy ra tương tác khi dùng chung các thuốc khác. Do đó, bệnh nhân cần cẩn trọng và chỉ sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
- Viên đặt âm đạo trị nấm Nystatin/ Clotrimazol: Chỉ định trong trường hợp viêm âm đạo do nhiễm nấm Candida. Thời gian sử dụng liên tục trong 6 ngày hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Người bệnh có thể phối hợp với thuốc uống Fluconazole hoặc Itraconazole để tăng cường hiệu quả.
- Thuốc uống Metronidazol: Điều trị khí hư có mùi chua do nhiễm trùng roi Trichomonas. Bạn chỉ cần sử dụng duy nhất 1 liều 2g theo chỉ định của bác sĩ. Sau 1 tuần, người bệnh cần tái khám theo lịch hẹn để chắc chắn đã loại bỏ hoàn toàn trùng roi. Việc điều trị nên tiến hành đồng thời cùng chồng để hạn chế nguy cơ tái nhiễm.
- Kháng sinh đường uống Cephalosporin: Trường hợp khí hư có mùi chua do vi khuẩn hiếu khí gây ra, bệnh nhân sẽ sẽ được chỉ định loại kháng sinh này.
Sau khi uống thuốc, đa số trường hợp bệnh nhân sẽ thấy triệu chứng cải biến rõ rệt sau một vài ngày. Tuy nhiên, bạn không tự ý ngưng thuốc khi chưa có hướng dẫn từ bác sĩ.
Điều trị bằng Đông y
Theo quan niệm Đông y, khí hư có mùi chua xảy ra do các yếu tố ngoại nhân, tức vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng từ bên ngoài. Dựa trên nguyên nhân và sức khỏe của người bệnh, thầy thuốc sẽ phân nhóm thể bệnh và kê thuốc điều trị. Một số bài thuốc Đông y trị khí hư có mùi chua như:
- Bài thuốc từ hương phụ chế: Thành phần gồm có: Hương phụ chế 12g, Bạch đồng nữ thái mỏng sao vàng 20g, Chi tử 10g, Đan bì 10g, Huyết đằng 20g, Thủ ô chế 16g, Ích mẫu 16g, Chó đẻ răng cưa 20g.
- Bài thuốc từ Bạch truật: Bài thuốc sử dụng các thảo dược: Bạch truật 12g, Biển đậu 12g, Nga truật 10g, Rễ cỏ xước (sao rượu) 16g, Rễ bạch đồng nữ (sao vàng) 20g, Ngũ gia bì 16g, Chích thảo 10g, Ngải diệp 20g, Quế 8g.
- Bài thuốc từ Đương quy: Nguyên liệu chế biến bài thuốc gồm: Hoàng bá, Đương quy, Ích mẫu, Trinh nữ hoàng cung, Kim ngân hoa, Bạch thược, Đan sâm. Thành phần thảo dược gia giảm tùy theo thể trạng và sức khỏe của người bệnh.
Các bài thuốc có trên có tác dụng hoạt huyết, thông kinh mạch, bổ huyết, tiêu viêm, kháng khuẩn và hỗ trợ bảo vệ buồng trứng, tử cung. Nhờ đó, nhanh chóng cải thiện các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa, khắc phục tình trạng khí hư có mùi chua.
Để chế biến thuốc, bạn chỉ cần sắc thuốc với khoảng 1,5 lít nước đến khi thuốc sắc còn khoảng 350ml thì chắt lấy nước chia làm 2 lần uống trong ngày. Mỗi liệu trình thuốc uống liên tục trong 10 ngày để đạt được hiệu quả.
Ưu điểm của Đông y là thành phần từ thảo dược giúp hạn chế tác dụng phụ và tương tác thuốc. Nhờ đó, thuốc nam phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau và có thể sử dụng liên tục trong thời gian dài. Một điểm cộng khác của Đông y là tăng cường sức khỏe tự nhiên để hạn chế bệnh tái phát.
Tuy nhiên, chị em cần lưu ý thuốc Đông y tác dụng chậm nên cần điều trị trong thời gian dài. Thuốc cũng đáp ứng tốt hơn ở người bệnh nhẹ, mới chớm mắc. Ngoài ra, việc chế biến và sử dụng thuốc sẽ tốn nhiều công sức hơn phương pháp khác nên người bệnh cần cân nhắc.
Mẹo dân gian cải thiện tình trạng khí hư có mùi chua
Mẹo dân gian là phương pháp đã được lưu truyền từ lâu đời. Bằng việc sử dụng thảo dược dễ kiếm, các mẹo này giúp cải thiện triệu chứng và tiết kiệm chi phí cho người bệnh. Dưới đây là một số thảo dược đã được áp dụng rộng rãi để chị em tham khảo.
- Lá trà xanh: Chọn lá chè xanh khỏe mạnh, rửa sạch rồi đun sôi với nước. Sau đó, đợi nước nguội bớt thì dùng để rửa vùng kín. Nước lá trà giúp chống viêm, se bề mặt niêm mạc và kích thích các tổn thương nhanh chóng phục hồi.
- Xông gừng tươi: Bạn lấy một củ gừng tươi, rửa sạch, cạo vỏ rồi thái thành lát mỏng. Tiếp đó, cho gừng vào nước đun sôi và dùng để xông hơi vùng kín.
- Lá trầu không: Nước lá trầu không có thể sử dụng bằng cả 2 cách là xông và rửa. Chị em chọn 1 nắm lá trầu không đem rửa sạch rồi đun sôi với nước. Kết hợp xông và rửa vùng kín bằng loại nước này.
Các mẹo dân gian phải áp dụng thường xuyên để dễ dàng cảm nhận được hiệu quả. Tuy nhiên, chị em không nên phụ thuộc vào cách chữa tại nhà nếu bệnh đã chuyển nặng.
Các biện pháp phòng ngừa khí hư có mùi chua
Khí hư có mùi chua gây lo lắng và cảm giác tự ti cho phái nữ. Vì vậy, chị em nên chú ý những lời khuyên của chuyên gia để hạn chế tối đa nguy cơ tái phát:
- Lựa chọn đồ lót có chất liệu cotton và thấm hút tốt giúp ngăn chặn tình trạng bí bách, khó chịu cho “cô bé”.
- Vệ sinh vùng kín đúng cách và đều đặn mỗi ngày. Chị em cần rửa vùng kín ít nhất 1 lần/ ngày. Trong quá trình vệ sinh, bạn cần hạn chế việc thụt rửa quá sâu và mạnh. Bởi lẽ, thói quen này khiến vùng kín dễ bị tổn thương và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
- Lựa chọn dung dịch vệ sinh có độ pH trung tính. Bạn cần tránh lựa chọn dung dịch có tính kiềm mạnh để bảo vệ vùng kín khỏi tình trạng khô rát, khó chịu.
- Trong chu kỳ kinh nguyệt, chị em cần chú ý thay băng vệ sinh đúng giờ. Ngoài ra, các cặp đôi nên tránh quan hệ tình dục trong khoảng thời gian này.
- Quan hệ vợ chồng lành mạnh và điều độ. Các chuyên gia cho biết, nữ giới có nhiều bạn tình và quan hệ quá mức có tỷ lệ mắc bệnh phụ khoa cao hơn hẳn đối tượng khác. Do đó, bạn hãy làm tình đúng cách và sử dụng biện pháp sức khỏe cho bản thân.
- Chị em nên chủ động xây dựng một chế độ độ ăn khoa học. Các thực phẩm tươi sống, rau củ quả, sữa chua,… là lựa chọn phù hợp. Bên cạnh đó, chị em nên hạn chế nhóm thực phẩm giàu đường, chất béo và chế phẩm chứa chất kích thích.
- Tập luyện thể dục mỗi ngày giúp bạn có cơ thể săn chắc và hạn chế nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa.
- Cân đối thời gian làm việc, bạn cần dành thời gian để thư giãn mỗi ngày. Áp lực và stress kéo dài là những tác nhân có hại cho sức khỏe.
- Không lạm dụng các loại thuốc, sản phẩm chăm sóc vùng kín. Bạn nên tránh sử dụng nước hoa, gel bôi, kem dưỡng,… không có nguồn gốc rõ ràng. Những sản phẩm này có thể gây mất cân bằng pH, nhiễm khuẩn sinh dục, thậm chí làm tổn thương vùng kín. Nếu có ý định sử dụng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc người có chuyên môn.
- Chị em nên chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường. Thói quen này giúp bạn phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn sớm. Nhờ đó, bạn có thể tránh những ảnh hưởng xấu và tiết kiệm được chi phí, thời gian cho việc điều trị sau này.
Khí hư có mùi chua cảnh báo nhiều nguy cơ về sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, chị em không nên vì vậy mà lo lắng tự ý mua thuốc về điều trị. Điều cần làm là tìm gặp các chuyên gia để được thăm khám tìm ra nguyên nhân, hướng điều trị phù hợp.