Chàm Sữa: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu, Cách Điều Trị Hiệu Quả

Chàm sữa hay lác sữa là bệnh da liễu thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Nhiều ba mẹ sốt ruột vì tình trạng này tái đi tái lại, không biết xử lý thế nào cho đúng. Tuy nhiên ba mẹ đừng quá lo lắng, chàm sữa không phải là bệnh lý nguy hiểm. Nếu chăm sóc đúng cách, tổn thương trên da có thể lành, phục hồi làn da mềm mịn.

Tổng quan về chàm sữa

Chàm sữa là bệnh lý viêm da cơ địa, phổ biến nhất ở trẻ từ 2 tháng tuổi đến 2 tuổi. Chàm sữa thường xuất hiện ở 2 bên má, dần dần có thể lan ra chân tay và toàn bộ cơ thể.

Theo thống kê, có đến 20% trẻ mắc bệnh chàm sữa, kêt cả những trẻ khỏe mạnh. Bệnh thường khởi phát sớm:

  • 60% trường hợp trẻ khởi phát bệnh trong năm đầu đời.
  • 30% trường hợp trẻ khởi phát bệnh trong 5 năm đầu tiên.
  • 10% trường hợp trẻ khởi phát bệnh sau 5 tuổi.

Thông thường, hơn 90% trường hợp trẻ mắc chàm sữa sẽ ổn định sau 2 tuổi. Chỉ có 5% trường hợp chàm sữa ở trẻ kéo dài đến khi lớn, chuyển thành viêm da cơ địa mãn.

Chàm sữa dù không lây và không quá nguy hiểm, tuy nhiên bệnh dễ tái phát, có nguy cơ để lại sẹo, ảnh hưởng đến thẩm mỹ sau này.

Có mấy loại chàm sữa?

Có 3 loại chàm sữa:

  • Giai đoạn cấp tính: Mụn nước bị dập vỡ trên nền da dát đỏ, có rỉ dịch, đóng vảy tiết, tổn thương thường xuất hiện ở trán, má và cằm của trẻ. Trường hợp nặng hơn có thể nổi trên các chi và thân mình.
  • Giai đoạn bán cấp: Triệu chứng nhẹ hơn, các tổn thương tập trung trên nền da đỏ thành từng mảng hoặc nằm rải rác, rỉ dịch và ứ dịch nhiều, kèm theo ngứa, phù nề.
  • Giai đoạn mãn tính: Da dày và khô, nứt da gây đau, da đổi màu, tổn thương xuất hiện nhiều ở những nếp gấp lớn như lòng bàn tay, cổ tay, bàn chân, cổ chân,…

Nguyên nhân gây chàm sữa

Chưa nghiên cứu nào có thể chỉ ra chính xác nguyên nhân gây bệnh chàm sữa. Bệnh có thể đến do cơ địa của trẻ hoặc do các tác nhân dị ứng bên ngoài.

Một số yếu tố nguy cơ khiến trẻ bị chàm sữa:

  • Bẩm sinh cơ địa trẻ dễ bị dị ứng.
  • Cha mẹ có tiền sử các bệnh liên quan đến dị ứng, như hen suyễn, nổi mề đay, dị ứng thời tiết, dị ứng da,…
  • Các tác nhân gây dị ứng trong môi trường sống của trẻ, như: Lông chó, mèo, bụi bẩn, các loại ký sinh trùng, nấm mốc có trong chăn ga, đệm hay thảm,…
  • Một số hóa chất gây kích ứng da có thể có trong sữa tắm, dầu gội, bột giặt của trẻ.
  • Thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Trẻ uống sữa không đúng cách.
  • Mẹ tắm rửa quá lâu, nhiều lần, sử dụng nước quá nóng khiến da trẻ bị khô.

Dấu hiệu nhận biết chàm sữa

Nhận biết sớm tình trạng chàm sữa giúp cha mẹ sớm có phương án điều trị chăm sóc bé đúng cách, ngăn bệnh tái phát liên tục, tiến triển thành bệnh chàm thể tạng.

Trẻ bị chàm sữa thường có các dấu hiệu sau:

  • Hai má hoặc tay chân trẻ nổi những nốt mẩn đỏ, chuyển dần thành mụn nước màu đỏ.
  • Mụn nước vỡ ra, chảy dịch, đóng mày, tróc vảy.
  • Chạm vào vùng da bị chàm sữa thấy thô ráp, có vảy nhỏ li ti.
  • Chàm sữa thường xuất hiện ở da mặt và vùng da hay bị gập lại như cổ tay, khuỷu tay, mu bàn tay, sau đầu gối,…
  • Trẻ quấy khóc, khó ngủ, ngủ không ngon, ăn ít.
  • Các nốt chàm sữa gây ngứa nên trẻ thường bứt rứt, gãi liên tục khiến chàm sữa vỡ ra, chảy máu.
  • Có thể kèm theo triệu chứng bệnh viêm mũi dị ứng, hen suyễn,…

Phân biệt chàm sữa với các bệnh lý da liễu khác

Chàm sữa dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh lý da liễu khác vì có triệu chứng, biểu hiện tương đồng. Dưới đây là cách phân biệt:

  • Mề đay: Nổi mẩn và phù, xuất hiện rải rác toàn thân.
  • Chốc: Xuất hiện mụn nước hoặc bóng nước, tiến triển thành mụn mủ. Mụn mủ bị vỡ, không, đóng vảy dày màu vàng. Có thể nổi ở bất kỳ vị trí nào, thường liên quan đến ổ nhiễm trùng.
  • Rôm sảy: Thường xảy ra vào mùa hè, nổi mụn rộp rải rác toàn thân.
  • Viêm da tiếp xúc: Nổi mụn nước, bọng nước trên nền da đỏ, thường xuất hiện ở vùng da hở bên ngoài, vùng tiếp xúc với dị nguyên.

Bệnh chàm sữa có nguy hiểm không?

Chàm sữa không quá nguy hiểm vì không trực tiếp đe dọa tính mạng người bệnh. Tuy nhiên bệnh có thể để lại sẹo và tổn thương da nếu không chăm sóc, điều trị đúng cách, khiến bệnh tái đi tái lại.

Ngoài ra, hơn một nửa số trẻ mắc chàm sữa có thể phát triển thành bệnh hen suyễn, sốt cỏ khô vào năm 13 tuổi (sốt cỏ khô là một dạng viêm mũi dị ứng, triệu chứng giống cảm lạnh, như hắt hơi, chảy nước mũi, sung huyết, áp lực xoang).

Vì vậy nếu nhận thấy trẻ có biểu hiện của bệnh chàm sữa, hãy đưa trẻ đi khám để được bác sĩ chẩn đoán, tư vấn cách chăm sóc và điều trị hiệu quả, ngăn bệnh tái phát.

Cách điều trị chàm sữa trẻ em an toàn

  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.
  • Không nên tự ý điều trị tại nhà, hãy cho trẻ đi khám bác sĩ da liễu và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Không tự ý dùng các loại lá hay thuốc đắp theo kinh nghiệm dân gian, tránh gây tác dụng không mong muốn, khiến tình trạng bệnh nặng hơn.

Đi đôi với việc điều trị, cha mẹ cần lưu ý cách chăm sóc trẻ bị chàm sữa đúng cách, giúp triệu chứng nhanh chóng thuyên giảm, không tái phát. Cụ thể:

  • Chế độ dinh dưỡng: Nên cho trẻ uống sữa mẹ từ khi mới sinh đến 6 tháng tuổi, sau 6 tháng tuổi mẹ có thể tập cho trẻ ăn đa dạng các loại thức ăn. Tránh những loại thực phẩm dễ gây dị ứng, như thực phẩm lên men, hải sản,.. Trước khi cho trẻ ăn món mới thì nên cho trẻ ăn thử một ít trước, quan sát xem trẻ có bị dị ứng hay không.
  • Vệ sinh cá nhân cho trẻ: Nên tắm cho con bằng nước âm, hạn chế dùng xà phòng, sữa tắm. Nếu muốn sử dụng thì hãy chọn loại không gây kích ứng da, chuyên dùng cho trẻ sơ sinh. Đảm bảo cơ thể bé luôn khô thoáng, thay tã thường xuyên, mặc trang phục mềm mại, thấm hút mồ hôi tốt.
  • Môi trường xung quanh trẻ: Đảm bảo thoáng mát, đủ độ ẩm cần thiết, vệ sinh chăn gối của trẻ thường xuyên. Hạn chế để trẻ tiếp xúc với chó mèo, phấn hoa,…

Phòng ngừa bệnh chàm sữa ở trẻ

  • Cho bé bú sữa mẹ lâu nhất có thể để tăng sức đề kháng cho trẻ.
  • Cho bé ăn bổ sung các loại thực phẩm từ 6 tháng tuổi trở đi.
  • Không nên cho trẻ tắm lâu, tắm bằng nước quá nóng, sử dụng sữa tắm, xà phòng có hương liệu, chứa chất tẩy rửa mạnh dễ khô da và kích ứng.
  • Hạn chế cho bé ăn trứng, cá, thực phẩm lên men, trứng, đậu phộng,… là những thực phẩm dễ gây kích ứng.
  • Nên chọn loại xà phòng, sữa tắm, nước giặt quần áo dành riêng cho trẻ em.
  • Lựa chọn trang phục thoải mái, dễ chịu.
  • Giữ môi trường sống thoáng mát, độ ẩm hợp lý.

Câu hỏi thường gặp

Nếu trẻ bị chàm sữa vẫn đang bú mẹ thì mẹ cần kiêng một số loại thực phẩm sau:

  • Thực phẩm tanh: Tôm, tảo, cá, cua, vì đây là những thực phẩm dễ gây dị ứng.
  • Chất béo: Đồ chiên rán, thịt mỡ,... khiến trẻ bị chàm sữa dễ bị mọc thêm các nốt mụn chàm.
  • Đồ cay nóng: Chanh, tiêu, ớt,... dễ gây ngứa ngáy, kích thích toát mồ hôi, khiến trẻ bị chàm sữa ngày một nặng hơn.

Một số mẹo dân gian nổi tiếng được phụ huynh truyền tai nhau:

  • Lá ổi tươi: Có tính sát khuẩn tương đối cao. Các mẹ đun nước lá ổi, cho thêm một chút muối, dùng để rửa vùng da bị chàm của bé.
  • Lá trà xanh: Có nhiều chất chống oxy hóa, kháng viêm, sát khuẩn, tạo thành lớp màng bảo vệ da tự nhiên, bảo vệ bé khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh. Các mẹ chỉ cần đun nước trà xanh và dùng nước đó để tắm, rửa cho bé hằng ngày.
  • Lá trầu không: Tác dụng tương tự lá trà xanh. Mẹ nấu nước để tắm rửa cho bé, áp dụng hàng ngày.

Lưu ý: Các mẹo dân gian này chỉ có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng ở những trẻ bị chàm sữa nhẹ. Cha mẹ nên xin ý kiến của bác sĩ trước khi cho trẻ áp dụng phương pháp này.

Thông thường chàm sữa ở trẻ sơ sinh sẽ tự biến mất sau một thời gian. Đa số các bé khỏi bệnh trong giai đoạn từ 2 - 7 tuổi hoặc sớm hơn vì giai đoạn này hệ miễn dịch của bé đã ổn định, sức đề kháng được nâng cao. Tuy nhiên, có một số trường hợp bé bị bệnh đến trên 10 tuổi, thậm chí chuyển sang dạng mãn tính, tái đi tái lại nhiều lần.

Trên đây là những thông tin về bệnh chàm sữa. Mong rằng với những thông tin này, cha mẹ đã có sự hiểu biết nhất định về bệnh, biết cách chăm sóc con khỏe mạnh. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì, hãy gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn chi tiết.

DÀNH CHO BẠN

Cập nhật lúc: 11:29 AM , 30/03/2024

Tin liên quan

Bé bị chàm sữa bôi thuốc gì? – TOP 10 loại thuốc không nên bỏ qua

Bé bị chàm sữa bôi thuốc gì là vấn đề khiến nhiều bậc phụ huynh sầu não. Hiểu được tâm lý này, hôm nay trang tin sẽ tổng hợp lại...

Tổng hợp các loại thuốc trị chàm khô nhanh khỏi nhất hiện nay

Hiện nay, Tây y và Y học cổ truyền đều có rất nhiều loại thuốc trị chàm khô. Mỗi loại thuốc phù hợp với từng tình trạng bệnh và cơ...

Chàm Ngứa: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách Điều Trị

Bệnh chàm ngứa hay bệnh chàm (Eczema) không chỉ gây ngứa rát, khó chịu mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ, chất lượng cuộc sống của người mắc. Ngứa do...

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *