Bọc răng sứ thẩm mỹ đang là một sự lựa chọn khá phổ biến cho những ai gặp khuyết điểm về răng ở cấp độ nhẹ đến trung bình. Với khả năng mang lại tính thẩm mỹ cao, tuổi thọ lâu bền và đảm bảo chức năng ăn nhai như răng thật, bọc răng thẩm mỹ thậm chí còn được xem là xu hướng làm đẹp cho mọi đối tượng hiện nay.
Bọc răng sứ là gì?
Bọc răng sứ hay còn gọi là chụp răng sứ là một phương pháp phục hình nha khoa sử dụng răng giả làm bằng sứ (và các chất liệu khác) để che lấp đi các khuyết điểm về răng như răng mẻ, răng vỡ, sâu răng nặng, mất răng,…
Răng sứ sẽ được thiết kế theo dấu răng của mỗi người để đảm bảo tương thích với hàm và có độ tự nhiên y như răng thật và được gắn cố định trên cùi răng thật và có thể ăn nhai như bình thường.
Các phương pháp bọc răng sứ phổ biến? Đối tượng phù hợp
Tùy theo tình trạng răng mỗi người sẽ có những phương pháp bọc răng sứ khác nhau. Điều này nhằm tăng khả năng tương thích với răng thật, giúp chức năng ăn nhai được đảm bảo một cách tốt nhất. Cụ thể, có các phương pháp bọc răng sứ phổ biến như sau:
Mão răng sứ
Là một chiếc “mũ giả” được thiết kế để phủ lên chân răng thật bị tổn thương. Mão răng sứ nào có công dụng bảo vệ cùi răng thật, giúp răng có được độ vững chắc và giúp che đậy những khuyết điểm trên răng nhờ được mô phỏng theo cấu trúc, hình dạng của một chiếc răng thật.
Mão răng sứ được cấu tạo từ 2 bộ phận:
- Lớp sườn trong: Được làm từ chất liệu cứng, chắc chắn với công dụng làm giá đỡ cho toàn bộ mão sứ. Lớp sườn này có thể được làm từ sứ hoặc kim loại.
- Lớp sứ phủ bên ngoài: Làm từ chất liệu tương thích tương ứng với lớp sườn bên trong để tuổi thọ được đảm bảo lâu bền nhất.
Mão răng sứ là loại được dùng phổ biến hơn cả, bởi phương pháp này có thể giúp người bệnh khắc phục được các khuyết điểm về răng như:
- Sâu răng nặng: Các trường hợp sâu răng phá hủy ở cấp độ nặng và việc hàn trám không thể đảm bảo phục hồi chức năng lâu dài cho răng. Lúc này lựa chọn gắn mão răng là cách tốt nhất để bảo vệ phần tủy răng sâu bên trong.
- Răng sứt, mẻ, vỡ, gãy: Những tổn thương cơ học có thể xảy ra do chấn thương, tai nạn hoặc do ăn nhai quá mạnh, vị trí thường bị sứt mẻ nhất là phần múi răng. Thường các vết vỡ chỉ có thể khắc phục bằng phương pháp bọc sứ.
- Răng chết tủy: Những răng bị viêm tủy dẫn đến chết tủy thường có phần mô răng còn lại yếu hơn so với bình thường nên thường được các bác sĩ khuyên nên bọc sứ. Nếu không có phương án bảo vệ, những răng này sẽ có nguy cơ nứt vỡ rất lớn.
- Răng sâu có miếng trám quá lớn: Những trường hợp sử dụng phương pháp trám răng sâu nhưng miếng trám quá lớn, răng lại quá yếu, nguy cơ sâu răng tái phát cao hoặc các vết trám có dấu hiệu bong hở,.. cần chọn bọc mão sứ để bảo vệ răng thay vì sửa chữa lại vết trám.
- Nứt răng: Nứt răng có thể khó phát hiện khi quan sát nhưng lại khiến răng ê buốt nặng và lâu dần nguy cơ vỡ răng là rất lớn. Sử dụng mão răng sẽ giúp giảm áp lực lên vết nứt. Tuy nhiên, việc chụp mão sứ có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào chiều sâu của vết nứt.
- Mòn răng: Tình trạng này xảy ra nếu một người thường xuyên có thói quen nghiến răng, siết răng hoặc do yếu tố acid ăn mòn. Răng mòn tức phần men răng không còn, ngà răng dần bị lộ ra ngoài gây nên hiện tượng ê buốt, khớp cắn có thể bị sụp gây biến dạng khuôn mặt. Mão sứ sẽ giúp ngăn chặn tình trạng mòn răng đồng thời nâng cao khớp cân.
- Men răng xỉn màu: Men răng bình thường có màu trắng ngà, nếu răng bị vàng hoặc xám đen tức là men răng đang bị xỉn màu do nhiều nguyên nhân khác nhau và khiến hàm răng rất mất thẩm mỹ. Để giúp hàm răng đều màu, đẹp hơn, phương pháp bọc răng sứ luôn được đề xuất lên hàng đầu.
Cầu răng sứ
Cầu răng sứ được sử dụng khi người bệnh bị mất một hoặc nhiều răng liên tiếp nhau, cầu răng sẽ được gắn cố định lên các răng thật hoặc răng implant xung quanh răng bị mất, từ đó tạo điểm tựa để lấp đầy khoảng trống này.
Việc gắn cầu răng thường chỉ cần 2 – 3 ngày để hoàn thành và chi phí cũng không quá cao. Tuy nhiên để lắp được cấu răng sứ, người bệnh bắt buộc phải mài các răng kế cận cho dù các răng này hoàn toàn khỏe mạnh. Điều này sẽ khiến các răng này dần yếu đi và làm giảm tuổi thọ cầu răng sứ. Việc sử dụng cầu răng sứ cũng không thể loại bỏ nguy cơ tiêu xương hàm hoàn toàn.
Cầu răng sứ sẽ phù hợp cho những trường hợp:
- Mất răng và không cần thiết trồng răng cố định: Theo tình trạng sức khỏe và mong muốn của một số bệnh nhân, cầu răng sứ sẽ được thực hiện khi mất răng và các răng kế cận có đủ điều kiện chịu lực nâng đỡ.
- Không thể trồng implant: Trồng implant cũng là một phương pháp khắc phục hiện tượng mất răng nhưng phương pháp này có thể ko phù hợp với một số trường hợp nhất định. Lúc này cầu răng là phương án tối ưu nhất.
- Những trường hợp khác: Cần phục hồi khớp cắn toàn hàm, muốn kết hợp giữa răng sứ thẩm mỹ với cầu răng.
Các chất liệu răng sứ điển hình
Các loại răng sứ được chế tác từ nhiều vật liệu khác nhau với nguyên tắc vật liệu đó phải tương thích với răng thật và thân thiện với người dùng. Sẽ có nhiều loại chất liệu khác nhau, tùy vào sự lựa chọn của mỗi người mà các bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng. Có 2 loại răng sứ chính đó là: Răng sứ kim loại và răng sứ toàn sứ.
Răng sứ kim loại
Có thể nói đây là chất liệu phổ biến và truyền thống được sử dụng rất nhiều khi phương pháp bọc răng mới được phát minh.
Răng sứ kim loại thường: Với phần khung sườn làm từ hợp kim của Nike –Crom (Ni-Cr) hoặc Coban-Crom (Co-Cr) và phù một lớp sứ mỏng bên ngoài.
- Ưu điểm: Loại răng này có chi phí khá thấp, khả năng chịu lực ở mức khá ổn và không gây cảm giác khó chịu khi ăn nhai
- Nhược điểm: Chất liệu này có thể khiến răng thật bị đổi màu, gây nên tình trạng đen cổ răng. Người bệnh sẽ cần mài khá nhiều răng thật và tuổi thọ cũng không quá cao thường từ 5 – 7 năm.
Răng sứ kim loại Titan: Có phần sườn làm từ chất liệu hợp kim titan và lớp ngoài hoàn toàn phủ bằng sứ.
- Ưu điểm: Răng có độ bền 7 – 10 năm và có tính thẩm mỹ cao hơn so với răng sứ kim loại thường. Chất liệu này cũng không gây kích ứng và tương thích sinh học cao. Chi phí cho phương pháp này không quá cao nên cũng khá phù hợp với nhiều đối tượng,
- Nhược điểm: Khả năng tương thích không phải là tuyệt đối, màu sắc hơi đục, phần khung sườn kim loại vẫn sẽ bị ánh đen dưới ánh sáng mạnh.
Răng sứ toàn sứ
Là một bước tiến mới trong công nghệ trồng răng sứ bởi vừa có khả năng tương thích gần như tuyệt đối và đảm bảo vẻ ngoài giống hệt răng thật. Do tính ứng dụng cao nên răng sứ toàn sứ là loại được ưa chuộng và ngày càng có nhiều loại được nghiên cứu ra, nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng sử dụng khác nhau. Một số loại răng toàn sứ phổ biến nhất phải kể đến:
Răng sứ Cercon: Là một dòng răng bọc sứ không kim loại có độ bền và tính thẩm mỹ cao.
- Ưu điểm: Không lo lắng về việc bị đen viền nướu và không thay đổi màu sắc dưới ánh sáng. Ngoài ra, Cercon đặc biệt có độ tương thích sinh học cao.
- Nhược điểm: Màu sắc của răng hơi đục, kém tự nhiên và có thể chưa che lấp được hoàn toàn trụ chân răng.
Răng sứ Venus: Là loại răng sứ thế hệ mới nhất được sản xuất bằng công nghệ CAD/CAM và có cấu tạo từ 100% phôi vật liệu có xuất xứ rõ ràng.
- Ưu điểm: Hoàn toàn tương thích sinh học nên đặc biệt an toàn cho mọi cơ địa. Răng Venus không gây nên tình trạng nướu bị đen. Đặc biệt loại răng này có mức giá thấp hơn so với nhóm răng sứ cao cấp.
- Nhược điểm: Độ cứng chỉ ở mức vừa phải, độ trắng sáng không thực sự ngang hàng với các dòng răng khác nên tuổi thọ của loại răng này cũng không cao. Răng sứ Venus có thân răng dày nên khi sử dụng người bệnh cần mài đi nhiều răng thật hơn.
Răng sứ E-Max: Với cấu tạo đặc biệt là những sợi gốm sứ thủy tinh công nghệ cao kết hợp cùng 5 lớp sứ bên ngoài nên có đặc tính thấu quang y hệt răng thật/
- Ưu điểm: Có màu sắc sinh động như răng thật, tuổi thọ cao nếu được chăm sóc đúng cách. Răng có khả năng tương thích sinh học cao, không gây kích ứng, không gây nhạy cảm, ngăn ngừa mảng bám.
- Nhược điểm: Độ cứng ở mức vừa phải và chi phí cao. Loại răng này cũng không phù hợp với việc làm cầu răng sứ dài.
Răng sứ Ceramill: Là loại răng được sản xuất từ Đức với tính thẩm mỹ cao và đáp ứng khả năng ăn nhai tốt.
- Ưu điểm: Màu sắc tự nhiên, không gây đen viền cổ chân răng. Loại răng này có thể thực hiện đối với mọi khuyết điểm răng và đặc biệt khi ăn nhai, người dùng vẫn có thể có được cảm giác như răng thật
- Nhược điểm: Độ cứng vừa phải, tuổi thọ chỉ khoảng 15 – 20 năm.
Ngoài ra còn có một vài loại răng sứ toàn sứ khác được sản xuất từ các nước có nền y khoa phát triển như Hoa Kỳ. Khi thăm khám tại nha khoa người bệnh sẽ được tư vấn cụ thể về từng loại răng sao cho phù hợp nhất với nhu cầu và cơ địa.
Ưu nhược điểm của phương pháp bọc sứ
Mỗi một phương pháp răng thẩm mỹ nào cũng sẽ có những ưu nhược điểm riêng phù hợp với từng nhóm đối tượng. Vì thế, trước khi lựa chọn sử dụng phương pháp nào, người bệnh cũng nên tham khảo dựa trên các khía cạnh sau đây
Ưu điểm:
- Giúp bảo vệ răng khỏi sự tấn công và tiến triển mạnh của sâu răng
- Ngăn chặn răng bị mòn, mòn thêm của răng, đặc biệt với những người có thói quen nghiến răng khi ngủ
- Bảo vệ các răng bị chết tủy, các răng sau điều trị tủy
- Đảm bảo việc các vết nứt không bị sâu hơn, ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào vết nứt
- Có tính thẩm mỹ cao, giúp hàm răng đều đẹp, đều màu
- Phục hồi chức năng ăn nhai cơ bản của các răng có khuyết điểm.
- Chi phí không quá cao so với cấy ghép implant
Nhược điểm:
- Cần tiến hành mài răng thật, điều này có thể gây nên cảm giác đau nhức, ê buốt và lớp mài đó không thể phục hồi
- Cảm giác ăn nhai không thể thật 100% như đối với răng thật, nhiều người có thể cảm thấy kênh, cộm khi ăn trong thời gian đầu
- Nếu sử dụng chất liệu sứ không đảm bảo, có thể dẫn tới hiện tượng mẻ sứ
- Mão răng có thể bị lỏng khiến vi khuẩn xâm nhập vào và tái phát bệnh sâu răng
- Số ít người bệnh cũng có tình trạng dị ứng với vật liệu răng sứ
- Tuổi thọ của mão răng sứ có thể kéo dài 5 – 15 năm, trong khi đó cầu răng sứ thường từ 5 – 7 năm và việc làm cầu răng sứ vẫn có thể khiến xương bị tiêu, về lâu dài không đảm bảo được chức năng ăn nhai.
- Người bệnh cần đảm bảo một số yêu cầu nhất định để có thể thực hiện làm cầu răng sứ.
Quy trình bọc răng sứ tiêu chuẩn
Tất cả mọi thao tác trong một quy trình bọc răng sứ đều có chức năng ý nghĩa riêng của nó. Không chỉ phải thực hiện đủ các bước mà còn phải thực hiện đúng theo thứ tự quy trình nếu muốn đảm bảo kết quả bọc răng sứ đẹp, hoàn hảo nhất và không gây rủi ro cho sức khỏe bệnh nhân. Quy trình bọc sứ chuẩn sẽ diễn ra theo các bước:
Bước 1: Khám tổng quát
Bước thăm khám giúp bác sĩ nhận định chính xác nhất về tình trạng khiếm khuyết của răng bệnh nhân và xác định xem tình trạng này có thể bọc răng sứ được hay không. Việc thăm khám bắt buộc phải thực hiện chụp X quang để nhìn thấy được chính xác xương răng và mức độ hư tổn của răng.
Sau đó bác sĩ và bệnh nhân sẽ có những trao đổi để đưa ra phương án cuối cùng phù hợp và mang lại hiệu quả nhất.
Bước 2: Mài răng
Công đoạn mài răng là một bước cực kỳ quan trọng trong quy trình bọc răng sứ, đòi hỏi phải được thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề chuyên môn giỏi. Trước khi mài răng, bệnh nhân sẽ được tiến hành gây tê để đảm bảo giảm thiểu tối đa cảm giác đau buốt.
Dụng cụ mài răng cần được vô trùng tuyệt đối trước khi sử dụng. Mỗi răng sẽ có tỷ lệ mài khác nhau, tỷ lệ này đã được các bác sĩ tính toán từ trước theo từng vị trí của răng và đảm bảo hạn chế xâm lấn tối đa. Thời gian thực hiện mài răng sẽ kéo dài khoảng 20 – 30 phút tùy thuộc vào số lượng răng cần mài.
Bước 3: Lấy dấu và thiết kế
Bước lấy dấu hàm sẽ giúp bác sĩ có được mô phỏng chính xác nhất về khuôn răng của người bệnh. Dấu hàm sẽ được chuyển về trung tâm chế tác để thiết kế nên các răng sứ vừa khít với khuôn miệng.
Thời gian đợi thiết kế, người bệnh sẽ được gắn răng tạm để đảm bảo tính thẩm mỹ.
Bước 4: Gắn mão sứ
Mão sứ chính là những chiếc bọc răng được thiết kế dựa trên dấu hàm. Các mão sứ này sẽ được gắn lên răng sao cho vừa khít, không kênh, cộm. Sau khi đảm bảo các mão sứ đã vừa vặn với răng, các bác sĩ sẽ tiến hành gắn cố định mão sứ với cùi răng thật bằng keo nha khoa và chiếu đèn laser để keo đông cứng lại.
Cuối cùng các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra độ chịu lực của răng, thường là bằng việc yêu cầu bệnh nhân ăn thử một món ăn nào đó. Khi đảm bảo răng đã hoàn toàn ổn định, người bệnh sẽ hoàn tất quy trình bọc răng sứ. Kết thúc quy trình sẽ là bước hướng dẫn chăm sóc răng miệng để bảo vệ răng sứ một cách tốt nhất.
Giá bọc răng sứ là bao nhiêu?
Giá bọc răng sứ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Ngoài các yếu tố như tay nghề bác sĩ, địa chỉ nha khoa thì chất liệu răng sứ gần như quyết định phần lớn mức giá này. Cụ thể bạn đọc có thể tham khảo giá một vài loại răng sứ điển hình như sau:
- Răng sứ kim loại: 1.000.000 vnđ/ răng
- Răng sứ Titan: 2.000.000 vnđ/ răng
- Răng sứ Crom Cobalt 3.5: 3.500.000 vnđ/ răng
- Răng sứ toàn sứ Zirconia: 5.000.000 – 5.500.000 vnđ/ răng
- Răng sứ Cercon; 5.500.000 – 6.000.000 vnđ/ răng
- Răng sứ toàn sứ ZoLid: 5.500.000 vnđ/ răng
- Răng sứ Lava Plus: 7.000.000 – 8.000.000 vnđ/ răng
Nói chung mức giá răng sứ rất đa dạng, loại bình dân rơi vào khoảng 800 – 3.500.000 vnđ/ răng, loại cao cấp cũng có thể lên đến hơn 10.000.000 vnđ/ răng. Nếu muốn thực hiện bọc sứ, tốt hơn hết người bệnh nên tìm hiểu thật kỹ càng về các loại răng sứ.
Lưu ý quan trọng cần ghi nhớ trước và sau khi bọc răng sứ
Nếu muốn thực hiện bọc răng sứ, bạn nên ghi nhớ những lưu ý quan trọng sau đây:
Lưu ý trước khi bọc răng sứ:
- Bọc răng sứ bắt buộc phải mài răng thật, một khi đã tiến hành mài răng tức là răng không thể phục hồi lại nguyên trạng ban đầu và bạn bắt buộc phải bọc sứ vĩnh viễn, hãy thực sự cân nhắc điều này.
- Chỉ những trường hợp răng bị sâu răng hoặc sứt mẻ gây lộ tủy mới cần tiến hành lấy tủy trước khi bọc răng.
- Chi phí của các loại răng sứ chênh nhau rất lớn, nó còn thể hiện tuổi thọ và tính thẩm mỹ của từng loại. Có những loại răng sứ chỉ có tuổi thọ 10 năm những cũng có những loại có thể dùng trọn đời nên bạn nhất định phải cân nhắc kỹ càng.
- Không phải răng sứ đắt nhất sẽ tốt nhất, điều này còn phụ thuộc vào khả năng tương thích và các yếu tố khác của từng người. Vì thế, thay vì lựa chọn loại đắt nhất, hãy lựa chọn loại phù hợp nhất
Lưu ý sau khi bọc răng sứ:
- Nếu không chăm sóc kỹ càng, răng sứ sẽ bị giảm tuổi thọ kéo theo việc người bệnh sẽ dễ mắc các bệnh lý răng miệng như viêm tủy răng, viêm nướu, viêm nha chu,…, khiến răng thật trở nên yếu hơn.
- Những trường hợp răng sứ bị lệch, bị cộm, bị hở chân răng, rơi răng sứ,… hoàn toàn có thể xảy ra nếu như kỹ thuật tại nha khoa không được đảm bảo. Bạn cần quay lại nha khoa càng sớm càng tốt nếu cảm thấy có những bất thường về răng.
- Đặc biệt chú ý đến chế độ chăm sóc và chế độ ăn uống sau khi làm răng sứ. Cần lựa chọn loại bàn chải có lông mềm và kết hợp sử dụng chỉ nha khoa mỗi ngày trong việc làm sạch răng. Với đồ ăn, nên tránh xa những món đồ ăn cứng, đồ ăn có màu có thể khiến răng bị ố vàng. Ưu tiên hàng đầu vẫn là các món ăn mềm.
- Tuyệt đối không nên bỏ qua việc thăm khám răng miệng định kỳ để được theo dõi và xử lý sớm các vấn đề từ khi mới khởi phát.
Nên bọc răng sứ ở đâu uy tín?
Lựa chọn địa chỉ bọc răng sứ vô cùng quan trọng vì quyết định đến 80% tỷ lệ thành công của các lộ trình bọc sứ. Nếu có ý định thực hiện phương pháp nha thẩm mỹ này, bạn đọc có thể tham khảo các địa chỉ sau:
- Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung Ương Hà Nội
- Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc Hà Nội
- Nha khoa quốc tế Việt Đức Hà Nội
- Nha khoa quốc tế Việt Pháp Hà Nội
- Trung tâm Nha khoa Thẩm Mỹ ViDental Hà Nội
- Nha khoa Paris Hà Nội
- Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung Ương TPHCM
- Nha khoa Việt Smile TPHCM
- Nha Khoa I-Dent TPHCM
- Bệnh viện thẩm mỹ – Răng hàm mặt WorldWide TPHCM
- Nha khoa Đông Nam
Thông thường mỗi nha khoa sẽ có những thế mạnh riêng của mình, đặc biệt mỗi nha khoa cũng sở hữu nhiều bác sĩ với cùng chuyên môn bọc răng sứ. Trải nghiệm bọc răng sứ của bạn sẽ phụ thuộc khá nhiều vào tay nghề bác sĩ. Vậy nên, song song với việc tìm hiểu về địa chỉ nha khoa ban cũng nên hỏi thăm về thông tin các bác sĩ và lựa chọn cho mình một người để gửi gắm.
Bọc răng sứ hiện nay vẫn là một phương pháp phục hình thẩm mỹ nha khoa được đánh giá cao và có tính ứng dụng phổ biến. Nếu không may có các khuyết điểm về răng, bạn cũng không nên quá lo lắng vì hiện tại đã có phương pháp bọc sứ có thể giải quyết hầu hết các khuyết điểm này.
Cập nhật lúc: 11:10 AM , 15/03/2023