Viêm xoang cấp ở trẻ em là một trong những bệnh viêm đường hô hấp thường gặp mà cha mẹ cần cảnh giác. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm ở mắt và não, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Cùng tìm hiểu về bệnh viêm xoang cấp ở trẻ ngay trong bài viết dưới đây.
Nguyên nhân viêm xoang cấp ở trẻ em
Viêm xoang cấp là tình trạng nhiễm trùng hệ thống xoang – các khoang rỗng nằm bao quanh mũi có triệu chứng kéo dài dưới 4 tuần. Chức năng chủ yếu của chúng là làm ẩm không khí đi vào mũi, cung cấp oxy cho tuần hoàn máu và não bộ. Đây cũng là nơi dẫn lưu chất dịch trong cơ thể.
Các khoang rỗng xếp đều bên trái – phải, mỗi bên 4 xoang và gồm xoang trán, xoang sàng trước – sau, xoang hàm và xoang bướm. Ở trẻ nhỏ, xoang hàm và xoang sàng có ngay khi sinh. Còn xoang trán phát triển vào lúc 4-7 tuổi, xoang bướm thường phát triển hoàn chỉnh vào lúc 17-18 tuổi.
Các xoang được bao bọc bởi lớp niêm mạc tiết chất dịch có tác dụng chống lại các virus và vi khuẩn. Khi lớp lót bị viêm nhiễm thì chức năng sinh lý của hệ thống xoang sẽ bị ảnh hưởng và dẫn đến tình trạng tắc nghẽn mũi nghiêm trọng.
Theo thống kê của các Bệnh viện Nhi đồng, hàng năm có khoảng 20% trẻ bị viêm mũi xoang cấp. Độ tuổi thường gặp là trẻ dưới 6 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu khiến các bé bị viêm xoang là:
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp: Trẻ bị viêm tai mũi họng cấp (viêm họng, viêm amidan, viêm VA, viêm tai giữa…) hoặc vừa bị cảm cúm kéo dài trên 10 ngày rất dễ bị viêm xoang. Các virus, vi khuẩn theo đường tai mũi họng lây lan sang các xoang và gây nhiễm trùng tại đây.
- Không khí lạnh: Vào mùa đông hoặc khi nằm ở trong điều hòa lạnh nhiều, không khí lạnh và khô khiến cho chức năng của hệ thống lông chuyển trong mũi suy giảm. Khi đó mũi sẽ tiết nhiều dịch nhầy, các vi khuẩn, virus, bào tử nấm mốc cũng dễ dàng xâm nhập vào hệ thống xoang và gây bệnh.
- Tiếp xúc với nơi ô nhiễm, hóa chất độc, khói thuốc lá: Môi trường ô nhiễm và các nơi có nhiều hơi khí hóa chất độc có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các vi trùng gây nhiễm khuẩn thứ phát và hình thành bệnh viêm xoang ở trẻ.
- Dị hình mũi: Dị hình vách ngăn, polyp mũi, u mũi có thể làm thay đổi thông khí của xoang, gây tắc nghẽn cơ học và tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng phát triển khiến hệ thống xoang bị viêm nhiễm và mưng mủ.
Ngoài các nguyên nhân chính, trẻ còn dễ bị viêm xoang nếu có một trong các yếu tố sau:
- Suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể
- Dùng Corticoid kéo dài
- Có cơ địa dị ứng, mẫn cảm
- Có cha mẹ bị nhiễm HIV/AIDS
- Trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản nhiều
Triệu chứng trẻ bị viêm xoang cấp
Các triệu chứng viêm xoang cấp ở trẻ có thể bị nhầm lẫn với bệnh viêm mũi do virus hoặc viêm mũi dị ứng. Cha mẹ cần nhận biết rõ các biểu hiện điển hình của viêm xoang cấp để tránh tình trạng bỏ qua bệnh, điều trị sai cách gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Để nhận biết trẻ có bị bệnh hay không, cha mẹ căn cứ vào các dấu hiệu sau:
- Ngạt mũi, tắc mũi kéo dài: Trẻ bị viêm mũi do virus cũng có biểu hiện sổ mũi, ngạt mũi nhưng chỉ kéo dài 3-5 ngày. Nhưng sau điều trị, nếu trẻ vẫn bị tắc ngạt mũi kéo dài trên 10 ngày thì cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế để khám và điều trị sớm. Trẻ có thể bị ngạt tắc mũi ở 1 bên hoặc cả 2 bên.
- Dịch mũi có màu vàng – xanh, đặc: Dịch mũi do viêm mũi dị ứng hoặc cảm cúm thường có màu trong và lỏng hơn so với bị viêm xoang. Nếu dịch chuyển sang màu vàng – xanh tức là đã có tình trạng nhiễm khuẩn.
- Trẻ sốt nhẹ đến sốt cao, mệt mỏi, chán ăn: Nhiễm khuẩn thường khiến cho trẻ bị sốt cao bởi cơ thể đang tăng nhiệt độ nhằm tiêu diệt virus, vi khuẩn. Sốt thường ít thấy ở người lớn nhưng đây là một dấu hiệu điển hình với trẻ nhỏ bị viêm xoang.
- Trẻ kêu đau đầu, đau mặt: Khi bị viêm xoang, vùng mặt sẽ thường bị đau nhức. Nếu trẻ bị đau nhức vùng gáy lan đến đỉnh đầu thì đây là biểu hiện của viêm xoang sàng sau hoặc viêm xoang bướm, cùng với đó là biểu hiện khịt mũi – không xì mũi.
- Mắt bị sưng phù, tấy đỏ xung quanh: Đây là biểu hiện thường thấy ở trẻ bị viêm xoang sàng và xoang hàm. Bởi xoang sàng và xoang hàm nằm gần ổ mắt, dây thần kinh thị giác nên khi viêm nhiễm thường tác động mạnh đến mắt.
- Ho nhiều, đau rát họng: Do xoang bướm và xoang sàng thuộc nhóm xoang sau nên dịch xuất tiết thường chảy xuống thành họng chứ không đổ về mũi để ra ngoài. Dịch viêm sẽ mang theo các vi trùng gây viêm nhiễm tại họng và làm cho trẻ có biểu hiện viêm họng.
Các triệu chứng này khá giống với cảm lạnh, sốt nhẹ thông thường nên dễ gây ra tình trạng nhầm lẫn. Đặc biệt, trẻ nhỏ vẫn chưa ý thức được những biến đổi về sức khỏe trong cơ thể nên cha mẹ cần hết sức chú ý theo dõi trẻ.
Trẻ em bị viêm xoang cấp nguy hiểm không?
Mặc dù ở giai đoạn cấp nhưng viêm xoang có thể ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển toàn diện nên các vi trùng gây viêm xoang có thể di chuyển đến các cơ quan lân cận và dẫn đến các biến chứng:
- Nhiễm trùng mắt: Trẻ có thể bị viêm dây thần kinh thị giác sau nhãn cầu, viêm mí mắt – túi lệ, viêm tấy ổ mắt… bởi mắt là cơ quan được bao bọc bởi hệ thống xoang. Nguy cơ gặp biến chứng này có thể lên đến 85% và tỷ lệ mù lòa do không điều trị kịp thời là khá cao.
- Viêm tai mũi họng: Viêm tai giữa ứ dịch, viêm amidan, viêm họng, viêm VA… có thể dẫn đến viêm xoang ở trẻ em và ngược lại. Việc viêm nhiễm tại các cơ quan này có thể ảnh hưởng đến khả năng nghe nhìn, phát triển ngôn ngữ, trí tuệ của trẻ.
- Biến chứng nội sọ: Tuy biến chứng này ít gặp ở giai đoạn cấp nhưng không phải hoàn toàn không xảy ra. Viêm xoang sàng có thể khiến trẻ bị nhiễm trùng – áp xe mắt, hình thành túi mủ trong góc mắt. Nếu mủ vỡ có thể khiến mắt bị mù lòa và gây biến chứng nội sọ.
Phương pháp điều trị viêm xoang cấp ở trẻ an toàn, hiệu quả
Viêm xoang cấp ở trẻ em có thể chữa trị dứt điểm nếu cha mẹ cho trẻ thăm khám và điều trị với phác đồ phù hợp. Hiện nay, trẻ bị viêm xoang cấp có thể điều trị bằng các biện pháp:
Điều trị bằng bài thuốc dân gian
Bài thuốc dân gian được minh chứng hiệu quả qua nhiều đời, sở hữu tính an toàn cao, phù hợp với nhiều đối tượng trong đó có trẻ nhỏ.
Cụ thể một số bài thuốc chữa viêm xoang cấp ở trẻ em như sau:
- Xông mũi với tinh dầu: Tinh dầu tràm, bạc hà, khuynh diệp, sả chanh… là những loại tinh dầu có thể trị bệnh viêm đường hô hấp tốt. Cha mẹ có thể nhỏ 1-2 giọt tinh dầu vào trong một bát nước sốt và cho trẻ xông mũi trong khoảng 10 – 15 phút.
- Sử dụng lá trầu không: Cha mẹ lấy 1 nắm lá trầu không, rửa sạch, để ráo nước rồi cho lá trầu vào ấm đun sôi. Nước lá trầu sau khi đun được sử dụng để xông hơi cho trẻ. Mỗi ngày thực hiện từ 2 – 3 lần sẽ giúp thông thoáng đường thở và loại bỏ các vi khuẩn gây bệnh.
- Sử dụng nghệ vàng: Cha mẹ chuẩn bị một củ nghệ vàng, cạo vỏ, rửa sạch sau đó đem giã nhỏ và chắt lấy nước cốt. Tiếp theo, cha mẹ chỉ cần lấy bông thấm dung dịch nước nghệ vàng rồi thoa đều vào niêm mạc mũi cho trẻ. Mỗi ngày thực hiện từ 3 – 4 lần sẽ thấy tình trạng viêm xoang của trẻ suy giảm rõ rệt.
- Rửa mũi với nước muối sinh lý: Khi bé bị viêm xoang thì biện pháp rửa mũi bằng nước mũi sinh lý rất được các bác sĩ chuyên khoa khuyến khích. Đây là cách hỗ trợ diệt khuẩn vùng mũi hữu hiệu và áp dụng được cho cả trẻ sơ sinh. Để rửa mũi cho trẻ, cha mẹ cần một chiếc xi lanh hoặc bình nhỏ mũi và một chai nước muối sinh lý.
Lưu ý: Việc xông mũi với tinh dầu chỉ thích hợp dùng cho trẻ trên 2 tuổi. Riêng tinh dầu khuynh diệp được khuyến cáo không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi. Trước khi sử dụng cho trẻ cần tham vấn ý kiến của bác sĩ.
Mẹo dân gian chữa viêm xoang có dược tính thấp, chỉ có tác dụng thuyên giảm triệu chứng giúp trẻ đỡ bị tắc nghẹt mũi khi bị tiết dịch quá nhiều chứ không điều trị bệnh triệt để có thể khiến trẻ bị tái phát nhanh chóng khi cha mẹ lạm dụng thay thế thuốc đặc trị. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho trẻ, cha mẹ chỉ nên sử dụng phương pháp này như một cách thức hỗ trợ điều trị.
Chữa viêm xoang cấp cho trẻ em bằng Tây y
Trong tây y, nguyên tắc điều trị viêm xoang cấp cho trẻ là kiểm soát các yếu tố dẫn đến bệnh bao gồm: Triệt tiêu vi khuẩn, virus, nấm và phòng tránh các dị nguyên (phấn hoa, lông động vật, mạt bụi, khói thuốc lá…). Đồng thời tiến hành làm giảm các triệu chứng lâm sàng với các loại thuốc:
- Kháng sinh bao gồm nhóm beta-lactam, Cephalosporin, thế hệ 1, 2, Macrolide… và được sử dụng kéo dài trong khoảng 7-14 ngày tùy vào mức độ viêm nhiễm của trẻ.
- Thuốc xịt mũi chứa 0,05% Oxymethazolone hoặc Xylomethazoline có tác dụng chống xung huyết, làm giảm tiết dịch nhầy và tình trạng tắc nghẽn mũi. Thuốc chỉ được sử dụng trong 4 ngày và nhiều nhất là 7 ngày với trường hợp nặng.
- Thuốc kháng viêm chứa Corticoid có tác dụng giảm phù nề niêm mạc mũi xoang. Trẻ chỉ được dùng loại thuốc này khi được bác sĩ kê đơn và tuyệt đối phải tuân thủ về liều lượng, tần suất dùng để tránh nhiễm trùng nặng hơn.
Tất cả các loại thuốc trên đều phải sử dụng thận trọng và không được lạm dụng một cách bừa bãi. Với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi thì cần sử dụng chuẩn chỉnh về liều lượng bởi bất cứ tác dụng phụ nào của thuốc cũng nguy hiểm đối với trẻ.
Nếu trẻ không đáp ứng tốt với thuốc hoặc có sự bất thường về mặt cấu trúc mũi, bác sĩ sẽ cân nhắc về thủ thuật chỉnh hình hoặc dẫn lưu xoang. Trẻ bị viêm VA mắc viêm xoang sẽ cần thực hiện nạo VA và phẫu thuật dẫn lưu cùng lúc. Tuy nhiên, cả trước và sau phẫu thuật đều tiềm ẩn nhiều biến chứng nên cha mẹ cần cân nhắc kỹ trước khi ra quyết định.
Sử dụng thuốc nam trong điều trị viêm xoang ở trẻ
Điều trị viêm xoang cấp ở trẻ em bằng thuốc nam ngày càng được nhiều cha mẹ lựa chọn do mang lại hiệu quả cao và không gây bất cứ tác dụng phụ nào. Hơn nữa, thuốc nam chữa bệnh từ gốc và hỗ trợ tăng cường sức đề kháng nên có thể loại bỏ viêm xoang dứt điểm, tác dụng tốt với cả trường hợp viêm xoang do vi khuẩn lẫn virus.
Một số bài thuốc Đông y trị viêm xoang cấp phụ huynh có thể cho trẻ uống như:
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị: kim ngân hoa 16g, ké đầu ngựa 16g, chi tử 8g, mạch môn đông 12g, hạ khô thảo 16g, tân di 12g, hoàng cầm 12g, thạch cao 40g. Sắc thuốc uống mỗi ngày 1 thang gồm các vị thuốc trên. Chia ngày uống 2-3 lần để đạt được hiệu quả cao nhất.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị: kim ngân hoa 16g, sinh địa 12g, hà thủ ô 20g, huyền sâm 12g, hoàng cầm 12g, đan bì 12g, ké đầu ngựa 16g, mạch môn đông 12g, tân di 8g. Cũng tương tự đối với bài thuốc trên: mỗi ngày bệnh nhân sắc uống 1 thang, chia làm 2-3 lần/ngày.
- Bài thuốc 3: Chuẩn bị: tế tân 6g, quế chi 6g, táo tàu 6g, cam thảo 4g, đẳng sâm 16g, sinh khương 4g, bạch thược 12g, ma hoàng 6g, hà thủ ô 20g, tang bạch bì 10g, ngũ vị tử 4g, bạch chỉ 12g, bán hạ chế 8g, ké đầu ngựa 16g, phòng phong 6g, hoàng kỳ 16g, bạch truật 12g, xuyên khung 16g. Mỗi ngày sắc 1 thang, uống 2-3 lần mỗi ngày. Chỉ sau vài ngày thực hiện, các dấu hiệu viêm xoang dị ứng sẽ thuyên giảm đáng kể.
- Bài thuốc 4: Nguyên liệu: Hoàng kỳ 16g, Bạch truật 12g, Xuyên khung 16g, Tế tân 6g, Cam thảo 4g, Đẳng sâm 16g, Quế chi 6g, Táo tàu 6g, Sinh khương 4g, Bạch thược 12g, Ma hoàng 6g, Hà thủ ô 20g, tang bạch bì 10g, ngũ vị tử 4g, Bạch chỉ 12g, Bán hạ chế 8g, Ké đầu ngựa 16g, Phòng phong 6g. Đem sắc kĩ các vị thuốc trên, chia thành 2 -3 phần uống trong ngày.
Cách chăm sóc, phòng ngừa viêm xoang ở trẻ
Bên cạnh việc điều trị viêm xoang cho trẻ, cha mẹ cần chú trọng đến việc chăm sóc, phòng ngừa bệnh tái phát. Cha mẹ cần lưu ý các vấn đề sau:
- Thường xuyên sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh tai mũi họng cho trẻ.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây dị ứng là phấn hoa, hóa chất hoặc lông động vật.
- Nên để nhiệt độ phòng lý tưởng là 28 độ và không nên cho trẻ nằm quá lâu trong phòng điều hòa.
- Cần vệ sinh môi trường sống thường xuyên để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn, nấm mốc.
- Có thể sử dụng máy lọc không khí, máy tạo ẩm.
- Chú ý bảo vệ hệ hô hấp cho trẻ khi trời lạnh. Cần điều trị triệt để cảm lạnh, cảm cúm dứt điểm, không được để ủ bệnh.
- Cần tăng cường bổ sung khoáng chất, vitamin trong thực đơn cho trẻ.
- Quan sát các triệu chứng của trẻ và đưa trẻ đến bệnh viện khi có các triệu chứng bất thường.
Viêm xoang cấp ở trẻ em là bệnh lý hô hấp thường gặp, khá nguy hiểm và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ. Vì thế, các bậc cha mẹ cần quan tâm, chăm sóc trẻ đúng cách và đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị bệnh kịp thời.
XEM THÊM