Viêm khớp răng còn được gọi là bệnh viêm quanh chóp răng hay viêm cuống răng. Bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến những người chăm sóc vệ sinh răng miệng kém, có tiền sử bị viêm nướu hoặc hút thuốc lá hoặc mắc các bệnh lý gây suy giảm hệ miễn dịch. Bạn nên tìm cách điều trị viêm khớp răng ngay từ khi xuất hiện dấu hiệu ban đầu để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm.
Viêm khớp răng là gì?
Viêm khớp răng là bệnh lý được đặc trưng bởi sự xuất hiện của những ổ viêm nằm cố định tại một vị trí hoặc rải rác trong khoang miệng. Tổn thương gây đau nhức khó chịu và khiến người bệnh gặp khó khăn khi nhai thức ăn hoặc nói chuyện. Căn bệnh này còn có tên gọi khác là viêm chân răng, viêm cuống răng hay viêm quanh chóp răng.
Bệnh viêm khớp răng ảnh hưởng đến mọi đối tượng nhưng phổ biến hơn ở trẻ nhỏ và người cao tuổi. Khi không được điều trị tốt, bệnh còn gây ra nhiều biến chứng dẫn đến suy giảm sức khỏe cũng như chức năng nhai của hàm.
Dấu hiệu viêm khớp răng
Các triệu chứng có thể gặp khi bị viêm khớp răng bao gồm:
- Đau nhức hàm: Khớp răng bị viêm thường gây ra cảm giác đau nhức âm ỉ hoặc dữ dội ở một hay cả hai bên hàm. Cơn đau có thể lan sang tai khiến người bệnh cảm thấy đau nhói trong tai hay vùng xung quanh tai. Cơn đau có thể tăng lên khi cử động hàm.
- Khó khăn khi nhai thức ăn: Cảm giác khó chịu và đau thường xuất hiện khi nhai thức ăn. Điều này khiến cho việc ăn uống trở nên khó khăn.
- Cứng khớp: Khớp bị viêm có biểu hiện cứng khiến người bệnh khó có thể đóng mở miệng hay nói chuyện một cách bình thường.
- Sưng mặt: Kèm theo triệu chứng đau nhức, người bị viêm khớp răng còn bị sưng mặt ở bên khớp thái dương nơi có hàm bị ảnh hưởng. Do bị sưng to, khuôn mặt sẽ trở nên mất cân đối. Người bệnh có thể dễ dàng nhận thấy triệu chứng này khi soi gương. Quan sát từ phía trong miệng cũng thấy tổ chức mô xung quanh bị sưng phù, tấy đỏ.
- Thay đổi màu sắc nướu: Ở người khỏe mạnh bình thường, nướu răng có màu hồng, bám chắc vào chân răng. Tuy nhiên, khi bị bệnh phần nướu bị ảnh hưởng sẽ có màu đỏ hoặc nhạt màu hơn do bị viêm nướu răng.
- Chảy máu chân răng: Triệu chứng này có thể được bắt gặp trong các bệnh lý nha chu nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo viêm khớp mặt. Bệnh khiến cho các mạch máu dưới nướu bị sung huyết nên dẫn đến tình trạng chảy máu chân răng thường xuyên.
- Hơi thở có mùi hôi: Tổ chức viêm thường khiến hơi thở có mùi lạ, thậm chí gây hôi miệng. Nhất là khi có mủ kèm theo.
- Các triệu chứng viêm khớp răng khác: Một số dấu hiệu khác có thể gặp khi khớp răng bị viêm như đau răng, tê nhức chân răng, chóng mặt, nhức đầu, sốt, ù tai, giảm khả năng nghe. Trẻ bị bệnh còn hay quấy khóc, khó ngủ, mất ngủ, chán ăn, bỏ bú.
Nguyên nhân gây viêm khớp răng
Bệnh viêm khớp răng do nhiều nguyên nhân gây ra. Sự khởi phát của bệnh có liên quan đến các vấn đề về răng miệng, chế độ dinh dưỡng hàng ngày, sử dụng thuốc hay bệnh lý.
Dưới đây là các nguyên nhân gây viêm khớp răng thường gặp:
- Vệ sinh răng miệng không sạch sẽ: Răng miệng không được vệ sinh sạch sẽ, ít đánh răng, chải răng không kỹ đều có thể gây tổn thương cho nướu và chân răng. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn công vào bên trong gây nhiễm trùng.
- Mảng bám răng: Mảng bám quanh chân răng được tạo thành từ sự kết hợp giữa tinh bột hay đường có trong thức ăn kết hợp với vi khuẩn. Đây là môi trường lý tưởng để các tác nhân có hại phát triển và gây ra nhiều vấn đề về răng miệng như viêm lợi, sâu răng hay viêm khớp răng…
- Sử dụng sản phẩm chăm sóc răng không phù hợp: Lạm dụng kem tẩy trắng răng, nước súc miệng không rõ nguồn gốc hoặc dùng kem đánh răng chứa thành phần không phù hợp đều có thể gây kích ứng, tổn thương chân răng. Đây chính là mầm mống cho sự phát triển của bệnh viêm khớp răng.
- Tác dụng phụ của thuốc tây: Sử dụng thuốc kháng sinh tetracyclin hoặc thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau kéo dài đều có thể gây mất cân bằng hệ vi khuẩn trong khoang miệng và tác động xấu khớp răng. Ngoài ra, tình thói quen nghiền nhỏ hay nhai nát viên thuốc khi không được chỉ định khiến cho các hoạt chất trong thuốc được giải phóng ngay tại miệng và tiếp xúc trực tiếp với khớp răng, từ đó dẫn đến tình trạng kích ứng, sưng viêm.
- Viêm nướu: Nhiễm trùng nướu nếu không được điều trị sớm có thể lan tỏa đến chân răng gây áp xe, viêm khớp răng.
- Hút thuốc lá: Các chất độc trong khói thuốc lá không chỉ gây xỉn răng, hôi miệng mà còn khiến cho các mô mềm bị tổn thương, từ đó làm tăng nguy cơ bị viêm ở khớp răng.
- Uống nhiều bia rượu: Lạm dụng các thức uống có cồn khiến cho sức đề kháng bị suy giảm, đồng thời làm mòn men răng và tạo điều kiện cho vi khuẩn trong khoang miệng phát triển mạnh gây viêm tại khớp răng, viêm nha chu.
- Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học: Ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, đặc biệt là canxi và vitamin C khiến cho khớp răng ngày càng suy yếu và dễ bị các tác nhân gây hại tấn công dẫn đến viêm nhiễm.
- Do ảnh hưởng của các bệnh lý khác: Bệnh viêm khớp răng có thể phát triển sau khi gặp các vấn đề khác về sức khỏe như viêm khớp thái dương hàm, bệnh tiểu đường hay nhiễm HIV/AIDs.
Xác định được nguyên nhân gây viêm khớp răng sẽ giúp bạn lựa chọn được phương pháp dự phòng và điều trị viêm khớp răng phù hợp, hiệu quả hơn.
Bệnh viêm khớp răng có nguy hiểm không?
Ở giai đoạn nhẹ, bệnh viêm khớp răng chỉ gây đau nhức thoáng qua cùng một số triệu chứng khó chịu cho người bệnh nhưng chưa ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy nhiều người người chủ quan hoặc chỉ nghĩ mình bị viêm nướu thông thường nên không thăm khám và điều trị sớm.
Bệnh viêm khớp răng kéo dài sẽ ngày càng phát triển nặng hơn khiến người bệnh phải gánh chịu những cơn đau nhức dữ dội. Nghiêm trọng hơn, người bệnh còn phải đối mặt với nhiều biến chứng như:
- Giãn khớp, dính đĩa khớp
- Viêm tủy răng
- Hoại tử các mô mềm xung quanh chân răng
- Mất răng
- Mất khả năng mở hàm và nhai thức ăn
- Chèn ép, tổn thương dây thần kinh gây liệt mặt, méo mặt
- Suy dinh dưỡng, giảm cân do ăn uống khó khăn.
Chẩn đoán viêm khớp răng
Quy trình chẩn đoán viêm khớp răng được thực hiện thông qua quá trình thăm khám lâm sàng kết hợp với các xét nghiệm cần thiết. Cụ thể như sau:
– Chẩn đoán lâm sàng:
- Bác sĩ trao đổi với người bệnh về các triệu chứng đang gặp phải
- Khám bên ngoài hàm mặt và bên trong khoang miệng để tìm kiếm điểm đau và các dấu hiệu liên quan như sưng mặt, méo mặt, thay đổi màu sắc nướu.
- Đánh giá chức năng nhai, khả năng đóng, mở hàm.
- Khai thác tiền sử bệnh, nhất là các vấn đề về răng miệng.
- Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết tất cả các bệnh lý mình đang gặp phải cùng các loại thuốc đang sử dụng nếu có.
- Đo độ sâu của túi nướu nhằm xác định tình trạng răng miệng hiện tại.
– Xét nghiệm cận lâm sàng:
- Chụp X-quang: Xác định vị trí bị viêm và tình trạng tổn thương bên trong.
- Xét nghiệm máu: Sự gia tăng số lượng tế bào bạch cầu trong máu có thể cho thấy tình trạng nhiễm trùng.
Cách điều trị viêm khớp răng
Bệnh viêm khớp răng ở mức độ nhẹ và vừa thường được điều trị bằng thuốc bác sĩ kê đơn kết hợp với các mẹo tự nhiên hay vật lý trị liệu. Tuy nhiên, nếu bị nặng và không đáp ứng được với các phương pháp khác, người bệnh có thể được đề nghị làm phẫu thuật.
1. Mẹo chữa viêm khớp răng tại nhà
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh: Cả hai cách này đều có tác dụng giảm đau, tiêu sưng tốt. Tuy nhiên, chườm lạnh thích hợp hơn trong giai đoạn khớp hay mặt đang bị sưng to. Bạn chỉ cần lấy một bọc đá lạnh chườm vào vị trí bị ảnh hưởng trong 10 – 15 phút, cơn đau sẽ được xoa dịu đáng kể. Sau khi mặt đã bớt sưng thì có thể thay thế bằng chườm nóng nhằm kích thích lưu thông máu đến chữa lành vùng tổn thương.
- Dùng rượu cau: Rượu cau thường được dân gian sử dụng để chữa sâu răng, viêm nướu, chảy máu chân răng hay viêm khớp răng. Đặc tính kháng viêm, diệt khuẩn của loại rượu này sẽ giúp hỗ trợ cải thiện triệu chứng bệnh. Bạn chỉ cần lấy quả cau cắt nhỏ rồi ngâm chung với rượu trắng trong khoảng 10 ngày. Để điều trị viêm khớp răng, hãy lấy một ít rượu chấm vào vùng tổn thương hoặc pha loãng với nước ấm và ngậm trong miệng khoảng 5 phút. Áp dụng mỗi ngày 2 – 3 lần.
- Ngậm và súc miệng với nước muối: Với đặc tính sát trùng mạnh, muối có khả năng tiêu diệt vi khuẩn và thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương ở khớp răng. Bạn lấy 1/2 thìa muối trắng pha với 300ml nước, khuấy cho muối tan hoàn toàn. Dùng nước này ngậm và súc miệng 2 – 3 lần trong ngày để khoang miệng luôn sạch sẽ và nhanh hết viêm đau.
2. Thuốc trị viêm khớp răng
Nếu các mẹo tự nhiên không mang lại hiệu quả hoặc tình trạng viêm khớp răng có liên quan đến các bệnh lý khác, bạn nên đi khám và dùng thuốc bác sĩ kê đơn. Một số loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị viêm khớp răng như:
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Các thuốc Paracetamol hay Efferalgan có thể giúp xoa dịu cơn đau nhức khó chịu cho người bệnh. Thuốc đáp ứng tốt với các bệnh nhân bị đau ở mức độ nhẹ đến trung bình, đồng thời giảm sốt đối với các trường hợp đang bị sốt cao.
- Thuốc NSAIDs: Các thuốc kháng viêm không steroid cũng được chỉ định rộng rãi trong điều trị viêm khớp răng. Bao gồm: Celecoxib, Ibuprofen hay Meloxicam… Bệnh nhân có tiền sử bị đau dạ dày, viêm loét dạ dày nên thận trọng khi sử dụng các thuốc này.
- Thuốc kháng sinh: Các thuốc kháng sinh nhóm macrolid thường được bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân bị viêm khớp răng do nhiễm khuẩn. Phổ biến nhất là Rodogyl hay Naphacogyl…
- Thuốc giảm đau thần kinh: Một số trường hợp bệnh viêm khớp răng kích thích hoặc chèn ép thần kinh mạnh sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau thần kinh, chẳng hạn như Neurobion. Thận trọng khi dùng thuốc cho bệnh nhân bị đau thắt ngực hoặc tim đập nhanh.
3. Chữa viêm khớp răng bằng vật lý trị liệu
Đôi khi vật lý trị liệu có thể được thực hiện để phục hồi chức năng nhai của hàm, cải thiện tình trạng cứng khớp và giảm đau đớn cho người bệnh.
Các phương pháp vật lý trị liệu thường được áp dụng bao gồm:
- Thực hành các bài tập cho vùng mặt
- Rung cơ mặt bằng kim châm điện
- Tập ăn bằng máng giữ đối với các trường hợp mới làm phẫu thuật.
4. Điều trị viêm khớp mặt bằng phẫu thuật
Phẫu thuật là sự lựa chọn sau cùng dành cho bệnh nhân bị viêm khớp răng nặng, có biến chứng hoặc không thể điều trị khỏi bằng các phương pháp bảo tồn. Ca mổ được thực hiện nhằm các mục đích như:
- Nạo túi nướu
- Cấy ghép mô mềm
- Ghép xương…
Sau phẫu thuật, bệnh viêm khớp răng có thể được chữa khỏi nhưng nguy cơ gặp biến chứng hoặc tình trạng tái phát bệnh vẫn có thể xảy ra. Để ngăn ngừa viêm khớp răng tái phát, người bệnh cần chú ý vệ sinh, chăm sóc răng miệng đúng cách và khám nha khoa định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh.
Cập nhật lúc: 3:58 PM , 30/05/2023