Tủy răng là một trong ba bộ phận quan trọng của răng, có mô liên kết lỏng lẻo chứa 75% nước và 25% các chất hữu cơ. Để hiểu rõ hơn về tủy răng và các bệnh lý thường gặp, bạn đọc cùng tham khảo thông tin hữu ích trong bài viết dưới đây.
Tủy răng là gì?
Răng có cấu tạo từ 3 bộ phận chính bao gồm men răng, ngà răng và tủy răng. Trong đó, tủy nằm sâu bên trong, đồng thời được bao bọc bởi hai bộ phận còn lại. Chúng có cấu trúc phức tạp và khác nhau ở từng răng, từng người và có thể thay đổi theo độ tuổi.
Đây là một tổ chức có liên kết đặc biệt chứa nhiều dây thần kinh, mạch máu và có cả ở thân răng và chân răng (còn gọi là buồng tủy và ống tủy). Phần ống tủy ở chân răng gồm những sợi mô nhỏ và mảnh, được phân nhánh từ buồng tủy phía trên thân răng xuống đến chóp của chân răng.
Xem thêm:
- Răng nanh là răng số mấy? Cấu tạo và chức năng của răng này như thế nào?
Cấu tạo của tủy răng
Cấu tạo bao gồm:
- Buồng tủy: Là thuật ngữ để chỉ phần khoang tủy nằm ở thân răng, trong buồng tủy có trần tủy và sàn tủy. Trần tủy có thể thấy những sừng tủy tương ứng với các núm răng ở mặt nhai. Hai bộ phận này là ranh giới để phân định giữa tủy buồng và tủy chân. Các hàng răng nhỏ có sàn tủy thường không rõ và các răng một chân không có sàn buồng tủy.
- Ống tủy: Gồm ống tủy chân răng, ống tủy phụ và ống tủy bên. Ống tủy chân răng bắt đầu từ sàn tủy và kết thúc ở lỗ cuống răng. Ở mỗi chân răng thường có một ống tủy và ngoài ống tủy chính còn có thể thấy nhiều ống tủy phụ, những nhánh phụ ở các bên có thể mở vào vùng cuống bởi các lỗ phụ.
- Lỗ cuống răng: Mỗi ống tủy có một lỗ cuống răng.
Một răng có từ 1 – 4 ống tủy, răng cối nhỏ có 2 ống tủy, răng cối lớn có 3 – 4 ống tủy và răng cửa thường có 1 ống tủy. Ở người già bộ phận này thường bị canxi hóa.
Về mặt hóa học, mô tủy chứa tới 75% là nước và 25% chất hữu cơ. Theo các chuyên gia, áp lực trong buồng tủy thông thường là 8 -15 mmHg được điều hòa bởi cơ chế vận mạch. Khi bị viêm áp lực buồng tủy có thể lên đến 35 mmHg hoặc cao hơn làm cho chúng như được “nhốt” hoàn toàn trong hộp kín, thiếu cấu trúc tuần hoàn bàng hệ, nó sẽ nhanh chóng bị hoại tử và không thể hồi phục được.
Theo cấu trúc mô học, bộ phần này bao gồm:
- Tế bào: Bao gồm nguyên bào ngà, nguyên bào sợi, tế bào trung mô chưa biệt hóa. Ngoài ra, chúng còn chứa một số tế bào khác như bạch cầu đơn nhân, lympho bào, mô bào,… Các tế bào này có khả năng sản xuất kháng thể và kích thích phản ứng viêm khi có vi khuẩn xâm nhập.
- Mạch máu: Mạch máu đi vào kẽ hở của chóp răng, sau đó đi vào ống tủy chân và buồng tủy. Mạch máu nhỏ trong bộ phận này có liên kết với nha chu.
- Mạch bạch huyết: Có thành nội mô rất mỏng, không có hồng cầu, không có màng đáy nhưng có van. Các ống mạch này đi vào lỗ chóp răng và tạo thành mạng lưới bên trong buồng tủy, sau đó thoát ra khỏi tủy qua lỗ chóp của ống tủy bên cạnh.
- Dây thần kinh: Chứa hai sợi dây thần kinh là sợi thần kinh có myelin và sợi thần kinh không có myelin. Các sợi dây thần kinh trong bộ phận này có vai trò điều hòa sự co mạch và dẫn truyền cảm giác đau đến não bộ. Trung bình mỗi tủy thường có 2 – 3 bó sợi thần kinh và mỗi bó có đến 1300 sợi.
- Các vùng mô của tủy: Bao gồm 3 lớp là lớp nguyên bào ngà, vùng thưa nhân dưới nguyên bào ngà và vùng lưỡng cực giàu tế bào. Các vùng mô này phân nhánh nhiều tạo thành mạng lưới ngoại vi ở buồng tủy (chính là khoang tủy).
- Thành phần sợi và các chất căn bản: Bao gồm các bó sợi collagen, lưới sợi ưa bạc và chất căn bản (nước, proteoglycan, dermantan sulfate, glycoprotein,…).
Mạch máu và các dây thần kinh của chúng có khả năng nuôi dưỡng và truyền cảm giác từ bên ngoài cho thân răng gồm cảm giác ê buốt và một phần cảm giác về lực.
Tủy răng có chức năng gì?
Có thể thấy, mặc dù bộ phận này có kích thước nhỏ nhưng lại có cấu trúc khá phức tạp. Vậy chúng có những chức năng gì?
Chức năng nuôi dưỡng và tái tạo ngà răng:
Ngà răng là cơ quan bao bọc buồng tủy và nằm bên trong men răng. Vai trò chính của bộ phận này là nuôi dưỡng các nguyên bào ngà, tạo ngà nguyên phát và thứ phát. Nhờ đó, chúng giúp duy trì hàm răng chắc khỏe và răng có độ cứng chắc nhất định.
Chức năng dẫn truyền cảm giác:
Như đã nói ở trên, tủy chứa hệ thống bó sợi thần kinh, mạch máu và mạch bạch huyết. Giúp cảm nhận và dẫn truyền cảm giác khi có kích thích tác động lên răng.
Cảm giác mà chúng mang lại bao gồm cảm giác ê buốt, nóng, lạnh, đau hay cảm giác về lực tác động như đau nhức, chấn thương, sâu răng nhờ sợi thần kinh có myelin.
Chức năng miễn dịch:
Mặc dù có liên kết lỏng lẻo, nằm sâu bên trong, được bảo vệ bởi ngà răng và men răng. Nhưng bộ phần này lại có chức năng miễn dịch và bảo vệ cơ thể.
Tủy chứa hệ thống mạch bạch huyết như tế bào lympho, bạch cầu đơn nhân,… Các tế bào này có vai trò bảo vệ cơ thể khi bị xâm nhập bởi vi khuẩn. Ngoài ra, hệ thống này còn đóng góp vào quá trình tạo ngà thứ phát thay thế cho các lớp nguyên bào ngà bị hư hại.
Các bệnh lý thường gặp
Với chức năng vốn có, tủy còn được ví như trái tim của răng. Chính vì thế, khi cơ quan này bị tổn thương thường dẫn đến một số nguy cơ như:
Viêm tủy răng
Là vấn đề thường gặp, xảy ra khi bị nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập vào, đặc biệt là các loại vi khuẩn lưu trú trong khoang miệng. Một số nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này có thể kể đến như:
- Sâu răng: Làm phá hủy men và ngà răng, làm mất đi lớp bảo vệ của tủy. Sau đó, vi khuẩn sẽ có cơ hội tiến sâu vào buồng tủy và gây ra tình trạng viêm nhiễm. Nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm tủy.
- Viêm nha chu: Các mạch máu ở tủy liên kết với mô nha chu như mô nướu, dây chằng nha chu, xương ổ răng,… Vì vậy, khi bị viêm nha chu, vi khuẩn có thể đi vào tuần hoàn máu rồi xâm nhập đến buồng tủy, đây cũng là nguyên nhân gây ra viêm tủy.
- Bị nhiễm trùng: Một số bệnh lý nhiễm trùng chính là nguyên nhân tạo điều kiện cho vi khuẩn lưu trú ở mạch máu. Khi có yếu tố thuận lợi, vi khuẩn sẽ nhân cơ hội vào sâu bên trong thông qua lỗ chóp dẫn đến bệnh lý viêm tủy.
- Răng sứt mẻ do chấn thương: Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm. Men răng có vai trò bảo vệ vi khuẩn tấn công vào ngà răng và tủy răng. Khi răng bị sứt mẻ nhưng không được trám kịp thời, tạo điều kiện cho vi khuẩn đi vào bên trong gây viêm.
Thông thường viêm tủy phát triển qua hai giai đoạn là viêm tủy hồi phục và không hồi phục. Giai đoạn đầu, người bệnh có thể cảm thấy đau nhức răng kèm theo ê buốt, ăn uống khó khăn, mệt mỏi, sưng góc hàm,…
Chết tủy
Là tình trạng tủy bị phá hủy nặng nề, thường do biến chứng viêm tiến triển nặng không được điều trị kịp thời. Lúc này chúng không còn tế bào sống và mất đi các chứng năng vốn có.
Khi bộ phận này bị hoại tử, răng sẽ mất khả năng cảm nhận cùng với đó là men răng bị ngả màu, chân răng suy yếu, răng giòn và dễ sứt mẻ. Đây là bệnh lý khá nguy hiểm, nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến nguy cơ mất răng vĩnh viễn và nhiều biến chứng khác.
Bị thoái hóa
Cũng giống như các cơ quan khác của cơ thể, bộ phận này có xu hướng bị thoái hóa khi về già. Các dấu hiệu của thoái hóa khoang tủy như:
- Giảm số lượng mạch máu.
- Ống tủy chân tăng bó sợi collagen.
- Diện tích và thể tích khoang tủy bị thu hẹp.
- Mật độ nguyên bào sợi ở buồng tủy giảm.
- Hình thành sạn tủy do sự lắng đọng của phosphate calcium.
Lưu ý trong cách chăm sóc răng để bảo vệ tủy răng
Để bảo vệ tủy, bạn cần chú ý đến cách chăm sóc răng miệng:
- Đánh răng với bàn chải lông mềm, kém đánh răng phù hợp và thay bàn chải đánh răng mới 3 tháng/lần.
- Đánh răng thường xuyên, đặc biệt là sau bữa ăn và trước khi đi ngủ để ngăn ngừa vi khuẩn tích tụ, hình thành lên cao răng.
- Sử dụng chỉ nha khoa, máy tăm nước để loại bỏ mảng bám ở kẽ răng, không dùng tăm truyền thống vì có thể làm mòn răng.
- Những người đã điều trị tủy, hạn chế đồ ăn quá nóng/lạnh hay đồ ăn quá cứng.
- Nên đi lấy vôi răng và khám răng định kỳ 6 tháng/lần để vệ sinh răng, phát hiện kịp thời các bệnh lý về răng miệng nếu có.
Tủy răng giúp duy trì sự sống và quyết định sức khỏe của răng. Để bảo vệ chúng, bạn nên vệ sinh răng miệng sạch sẽ, kiểm tra răng định kỳ, đồng thời chủ động điều trị các bệnh lý răng miệng ngay từ giai đoạn đầu để tránh gây biến chứng xấu.
Cập nhật lúc: 1:30 PM , 15/03/2023Đọc thêm:
- [Giải đáp ngay] Răng khểnh là gì? Có nên niềng răng khểnh không?