Bệnh tưa miệng không gây nguy hiểm nhưng lại khiến người bệnh rất khó chịu với cảm giác rát bỏng ở lưỡi. Các thông tin sau đây sẽ giúp bạn đọc hiểu đúng về bệnh để phát hiện, xử trí nhanh chóng và an toàn nhất.
Bệnh tưa miệng là gì? Dấu hiệu của bệnh
Bệnh tưa miệng, hay nấm miệng là tên gọi phổ biến của bệnh nhiễm trùng miệng do sự phát triển quá mức của nấm Candida gây nên. Bệnh là một dạng bệnh nhiễm trùng ở bề mặt có thể ảnh hưởng gây đến khóe miệng, các mô bên trong lưỡi, má, vòm miệng và cổ họng.
Trong trường hợp bệnh tiến triển nghiêm trọng, các tổn thương có thể lan vào thực quản hoặc ống tiêu hóa, gây ra cảm giác đau, khó nuốt, thức ăn như bị kẹt trong cổ họng hoặc giữa ngực, sốt, co giật,…
Ở giai đoạn đầu, tưa lưỡi nấm miệng có thể không có bất kỳ dấu hiệu nào. Khi tình trạng nấm phát triển mạnh mẽ hơn, bệnh nhân có thể xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng như:
- Xuất hiện các mảng màu trắng hoặc màu vàng nhạt giống phô mai ở má, lưỡi, amidan, lợi hoặc môi.
- Chảy máu khi bị chà xát nhẹ.
- Đau nhức hoặc nóng rát khoang miệng kèm theo cảm giác như ngậm bông trong miệng.
- Khô miệng, nứt nẻ khóe miệng, khó nuốt, mất vị giác.
Bệnh tưa miệng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện trong vòng 7 – 10 ngày sau khi sinh. Trẻ bị nhiễm bệnh có thể truyền bệnh cho mẹ trong khi bú, sau đó, mẹ và trẻ sẽ truyền bệnh qua lại.
Người mẹ lúc này có thể cảm thấy đau khi cho con bú. Cảm giác đau lan sâu bên trong vú. Núm vú có thể trở nên nhạy cảm hoặc có màu đỏ bất thường.
Nguyên nhân gây bệnh tưa miệng
Các nguyên nhân phổ biến gây nên bệnh tưa miệng bao gồm:
- Dùng thuốc kháng sinh kéo dài khiến số lượng lợi khuẩn trong khoang miệng và cơ thể suy giảm.
- Điều trị ung thư bằng các phương pháp xạ trị hay hoá trị, làm chết các tế bào lành tính.
- Sử dụng thuốc corticoid đường hít kéo dài trong bệnh hen phế quản mãn tính, COPD.
- Mắc các bệnh làm suy giảm hệ miễn dịch như bệnh tiểu đường, bệnh HIV, bạch cầu,…
- Nghiện thuốc lá lâu năm hay vệ sinh răng miệng kém.
- Thai phụ nhiễm nấm âm đạo có thể truyền bệnh sang trẻ trong quá trình sinh nở.
- Các tình trạng răng miệng khác như nghiện thuốc lá lâu năm, vệ sinh răng miệng kém hoặc đeo răng giả, đặc biệt là răng hàm trên có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh do nấm miệng Candida.
Chẩn đoán nấm tưa miệng
Bác sĩ thường chẩn đoán tưa miệng bằng cách quan sát bên trong khoang miệng của bệnh nhân. Bác sĩ sẽ cố gắng cạo sạch các mảng bám màu trắng bằng que đè lưỡi hoặc một miếng gạc. Sau đó gửi các mẫu này đến phòng thí nghiệm để làm xét nghiệm xem có sự xuất hiện của nấm Candida hay không.
Ở hầu hết các trường hợp, những bước trên là tất cả những việc cần được thực hiện để chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, nếu bị tưa miệng kéo dài thì cần phải chẩn đoán thêm các bệnh nội khoa có liên quan. Trong trường hợp này, người bệnh có thể cần phải thực hiện xét nghiệm máu hoặc các loại xét nghiệm khác. Bác sĩ sẽ hỏi về lịch sử bệnh án và liệu trình thuốc mà người bệnh sử dụng gần đây.
Các phương pháp điều trị bệnh tưa miệng
Tưa miệng không phải là một bệnh lý quá nghiêm trọng nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Dưới đây là các phương pháp điều trị bệnh phổ biến:
Điều trị bằng kinh nghiệm dân gian
Từ lâu, các bà các mẹ đã dùng các loại thảo dược dân gian để kiểm soát tình trạng tưa miệng cho bé. Tuy nhiên, các kinh nghiệm này chỉ nên áp dụng khi bệnh ở tình trạng nhẹ và có ý kiến của các bác sĩ chuyên môn.
Lá trà xanh
Lá trà xanh được biết đến với nhiều công dụng như: chống lão hóa, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư, và đặc biệt là có tác dụng tốt với bệnh tưa lưỡi ở trẻ nhỏ.
Cách sử dụng như sau: Đun lá trà xanh với một chút nước, thêm vài hạt muối. Dùng nước trà để nguội rồi lấy 1 miếng gạc mềm quấn lên đầu ngón tay, nhúng vào nước lá để lau nhẹ lên vùng lưỡi, khoang miệng và lợi của bé.
Phương pháp dùng lá trà xanh này chỉ nên áp dụng cho trẻ trên 6 tháng tuổi.
Rau ngót
Rau ngót là loại rau quen thuộc thường xuất hiện trên mâm cơm của nhiều gia đình. Theo Y học cổ truyền, lá rau ngót có rất nhiều tác dụng như tiêu độc, thông huyết, chữa ho và trị nấm miệng khá hiệu quả.
Cách sử dụng: Dùng 10g lá rau ngót tươi, rửa sạch, giã nát và vắt lấy nước. Sau đó lấy một miếng gạc mềm quấn lên đầu ngón tay, nhúng vào nước lá rau ngót vừa giã. Dùng gạc lau nhẹ lên vùng miệng bị tưa lưỡi 2 – 3 lần mỗi ngày. Sau khoảng 3 ngày, bệnh nấm miệng sẽ cải thiện đáng kể.
Cỏ nhọ nồi và mật ong
Cỏ nhọ nồi, hay cỏ mực, là loài cây dại dù rất dễ trồng, dễ kiếm nhưng lại mang đến nhiều công dụng tuyệt vời như: hạ sốt, cầm máu, chữa tóc bạc sớm, đau dạ dày…
Y học cổ truyền cũng đã ghi nhận tác dụng trị nấm miệng của cỏ nhọ nồi với bài thuốc: Lá cỏ nhọ nồi đem rửa sạch, giã lấy khoảng 10ml nước rồi với khoảng 1ml mật ong. Dùng bông hoặc vải mềm để bôi hỗn hợp trên vào lưỡi, lợi và vòm miệng của bé.
Điều trị bằng thuốc Tây y
Ở trẻ nhỏ nếu bệnh không quá nghiêm trọng thì có thể không cần điều trị, chỉ cần chú ý trong vệ sinh vùng miệng và lưỡi cho trẻ. Nếu bệnh lâu ngày chưa khỏi thì nên đưa trẻ tới bác sĩ chuyên khoa nhi để có hướng khắc phục phù hợp hơn.
Nếu trẻ đang bú sữa mẹ phải điều trị cho cả hai. Đối với người mẹ, có thể dùng kem bôi chống nấm bôi vào đầu vú, còn trẻ thì dùng các thuốc chống nấm.
Bác sĩ điều trị bệnh tưa miệng bằng một thuốc chống nấm như:
- Nystatin (Nilstat hay Mycostatin).
- Clotrimazole (Mycelex).
- Ketoconazole (Nizoral).
- Fluconazole (Diflucan).
Đối với những trường hợp nhẹ, người bệnh có thể sử dụng nước súc miệng nystatin hoặc viên ngậm clotrimazole. Đối với những trường hợp nặng hơn, sẽ được kê ketoconazole hoặc fluconazole một lần một ngày trong vòng 7 – 10 ngày. Các vết loét ở khóe miệng có thể được điều trị hiệu quả bằng thuốc mỡ nystatin.
Bên cạnh đó Itraconazole được dùng để điều trị bị tưa miệng ở người lớn không có phản ứng với các phương pháp điều trị khác và người nhiễm HIV. Đồng thời, Amphotericin B cung sẽ được chỉ định để điều trị nấm miệng nghiêm trọng.
Chế độ ăn uống cho người bị tưa miệng
Chế độ ăn uống có ảnh hưởng rất lớn đến sự cân bằng vi sinh trong cơ thể. Một chế độ ăn không phù hợp có thể làm mất đi sự cân bằng này và dẫn đến việc nấm miệng phát triển nặng hơn.
Dưới đây là danh sách các loại thực phẩm người bệnh tưa miệng nên bổ sung hàng ngày:
- Sữa chua không đường: Sữa chua được chứng minh là nguồn cung cấp lợi khuẩn dồi dào giúp hệ vi sinh trong khoang miệng được thiết lập cân bằng.
- Các thực phẩm giàu vitamin C: Ổi, rau ngót, cam, rau chùm ngây,… Vitamin C giúp nâng cao hệ miễn dịch cơ thể để chống lại sự phát triển của nấm Candida.
- Các loại rau có tính mát, thanh nhiệt: mồng tơi, dưa chuột, bí đao, rau dền, rau ngót, rau đay, mồng tơi sẽ giúp người bệnh nhanh chóng khắc phục các vết loét trong khoang miệng.
Bên cạnh đó, người bệnh cần hạn chế các nhóm thực phẩm sau đây:
- Thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột: bánh nướng, nước ngọt, bánh kẹo, nước trái cây đóng hộp,…
- Các loại hải sản: cua, mực, cá biển, tôm, bạch tuộc, sứa,…
- Các thức ăn cay nóng: ớt, tương ớt, hạt tiêu, mù tạt,…
- Đồ ăn nhiều chất béo: Đồ ăn nhanh, chế biến sẵn, mỡ động vật, đóng hộp, đồ xào/chiên rán …
- Chất kích thích: cà phê, nước có gas, rượu, bia,…
Khám chữa tưa miệng ở đâu?
Khi nhận thấy những dấu hiệu của bệnh tưa miệng, bạn đọc có thể lựa chọn điều trị tại một trong số những địa chỉ sau:
- Bệnh viện răng – hàm – mặt Trung Ương: Đây là địa chỉ thăm khám và điều trị các bệnh răng miệng hàng đầu của cả nước. Nơi đây chuyên chăm sóc và xử lý những vấn đề liên quan tới răng – hàm – mặt dành cho mọi lứa tuổi.
- Bệnh viện Đại học Y HN: Đội ngũ nha sĩ, bác sĩ tại phòng khám răng hàm mặt của bệnh viện Đại học Y HN đều sở hữu kiến thức chuyên môn giỏi, trên 10 năm kinh nghiệm thực tiễn và đã được đào tạo chuyên sâu. Bên cạnh đó, mức chi phí phải chăng cũng chính là yếu tố giúp phòng khám thu hút đông đảo khách hàng.
- Phòng khám Răng hàm mặt bệnh viện Đại học Y Dược 1 TPHCM: Phòng khám là nơi công tác của đội ngũ y bác sĩ đầu ngành. Cùng với đó, việc không ngừng nâng cao kỹ thuật tiên tiến nhất từ Pháp, Anh,Hàn, Nhật khiến nơi đây là địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy của người dân khu vực phía Nam.
- Bệnh viện răng hàm mặt TP HCM: Khi đến thăm khám tưa miệng tại đây, bạn đọc sẽ hoàn toàn yên tâm bởi đội ngũ chuyên môn có kiến có kinh nghiệm nhiều năm, từng nhiều năm công tác tại nước ngoài. Bên cạnh đó, chi phí tại bệnh viện luôn công khai minh bạch, luôn hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh theo chính sách bảo hiểm của nhà nước.
Một số biện pháp phòng và hỗ trợ điều trị bệnh
Để làm giảm nguy cơ mắc bệnh tưa miệng, các chuyên gia khuyến cáo nên thực hiện các biện pháp sau:
- Súc miệng hoặc đánh răng sau khi ăn ít nhất hai lần một ngày và nên dùng chỉ nha khoa hàng ngày.
- Khám răng thường xuyên, đặc biệt trong trường hợp bị tiểu đường hoặc đeo răng giả. Không nên đeo răng giả khi đi ngủ, đảm bảo răng giả vừa vặn, không gây kích ứng và cần làm sạch răng giả hàng ngày.
- Điều trị nhiễm nấm âm đạo hoặc tình trạng khô miệng càng sớm càng tốt.
- Với trẻ nhỏ: cần vệ sinh khoang miệng trẻ đúng cách bằng cách định kỳ đánh tưa lưỡi và cho trẻ uống nước sau mỗi lần bú sữa. Ngoài ra, cần vệ sinh đầu vú mẹ trước và sau khi cho trẻ bú, vệ sinh núm vú cao su trên bình sữa ngay sau mỗi lần dùng, bổ sung vitamin và các khoáng chất thiết yếu để trẻ có sức đề kháng tốt hơn.
Trên đây là các thông tin tổng hợp về bệnh tưa miệng. Bệnh không quá nghiêm trọng nhưng lại gây ra nhiều bất tiện cho người mắc, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Do vậy, tốt nhất là nên chú ý thực hiện các biện pháp phòng bệnh ngay từ sớm.
Cập nhật lúc: 1:50 PM , 14/03/2023