Viêm nha chu là một chứng rối loạn răng miệng do sự tiến triển của viêm nướu, liên quan đến viêm và nhiễm trùng các xương nâng đỡ răng. Trong trường hợp cần thiết, nha sĩ có thể kê các thuốc điều trị viêm nha chu để cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa nguy cơ mất răng.
Các thuốc điều trị viêm nha chu phổ biến
Viêm nha chu là một bệnh nhiễm trùng nướu nghiêm trọng, gây tổn thương các mô mềm. Nếu không điều trị, tình trạng này có thể phá hủy xương nâng đỡ răng và gây mất răng. Việc điều trị thường bao gồm vệ sinh răng miệng phù hợp và áp dụng các chỉ định của nha sĩ.
Trong trường hợp cần thiết, nha sĩ có thể chỉ định các thuốc điều trị viêm nha chu để cải thiện các triệu chứng. Cụ thể, các loại thuốc bao gồm:
1. Nước súc miệng
Các loại nước súc miệng theo toa có thể giúp giảm vi khuẩn trong miệng và điều trị bệnh nha chu hiệu quả. Nước súc miệng hoạt động bằng cách tiêu diệt vi khuẩn, hỗ trợ điều trị viêm, sưng, chảy máu chân răng, viêm lợi liên quan đến viêm nha chu. Các loại nước súc miệng điều trị viêm nha chu phổ biến bao gồm:
+ Nước súc miệng điều trị viêm nha chu Chlorhexidine:
Chlorhexidine là nước súc miệng diệt khuẩn, theo toa được sử dụng để điều trị các triệu chứng viêm nha chu. Theo các đánh giá, đây được xem là nước súc miệng hiệu quả nhất để loại bỏ vi khuẩn trong miệng.
Cách sử dụng Chlorhexidine:
- Liều lượng sử dụng Chlorhexidine khác nhau ở mỗi bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
- Thông thường người bệnh có thể súc miệng với Chlorhexidine 2 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 15 ml, súc miệng trong khoảng 30 giây để hỗ trợ cải thiện viêm nha chu. Trẻ em cần trao đổi với nha sĩ về liều lượng an toàn, phù hợp.
Tác dụng phụ phổ biến:
- Gây vàng răng: Chlorhexidine có thể gây ố bề mặt răng, nướu và lưỡi. Đây cũng là tác dụng phụ phổ biến nhất.
- Thay đổi hương vị: Một số người có thể bị thay đổi hương vị hoặc vị giác sau khi sử dụng Chlorhexidine. Trong các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể thay đổi vị giác vĩnh viễn.
- Hình thành cao răng: Mặc dù không phổ biến, tuy nhiên Chlorhexidine có thể gây hình thành các mảng bám và cao răng.
Thận trọng khi sử dụng:
- Dị ứng: Một số người có thể có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với Chlorhexidine, mặc dù điều này không phổ biến.
- Đối với trẻ em: Thuốc súc miệng này được sử dụng cho người lớn và không dùng thuốc cho trẻ dưới 18 tuổi. Trao đổi với nha sĩ hoặc bác sĩ nhi khoa trước khi sử dụng thuốc cho trẻ em.
- Người lớn tuổi: Người lớn tuổi có thể có nguy cơ tác dụng phụ cao và cần trao đổi với nha sĩ để được hướng dẫn liều lượng phù hợp.
- Phụ nữ mang thai và đang cho con bú: Hiện tại, các bác sĩ không xác định được tác dụng của Chlorhexidine đối với thai nhi và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, trao đổi với nha sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
+ Nước súc miệng Peridex:
Peridex là một loại nước súc miệng diệt khuẩn làm giảm vi khuẩn trong miệng. Thuốc được sử dụng để điều trị viêm nướu với các triệu chứng chẳng hạn như sưng, đỏ, chảy máu chân răng. Trong một số trường hợp, nha sĩ có thể kê thuốc để hỗ trợ điều trị viêm nha chu.
Đây là sản phẩm kê đơn được chỉ định bởi nha sĩ có chuyên môn.
Cách sử dụng Peridex:
- Súc miệng bằng Peridex hai lần mỗi ngày sau khi đánh răng.
- Ngậm thuốc ít nhất 30 giây, sau đó nhổ ra. Không được nuốt nước súc miệng.
- Không thêm nước vào nước súc miệng và không súc miệng bằng nước hoặc các loại nước súc miệng khác ngay sau khi sử dụng Peridex.
- Sử dụng thuốc theo đúng thời gian quy định hoặc theo chỉ định của nha sĩ.
Tác dụng phụ của Peridex:
- Ngứa miệng
- Răng bị ố vàng
- Khô miệng
- Có mùi vị bất thường, khó chịu trong miệng hoặc gây giảm vị giác
Hiếm khi Peridex dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên hãy đến bệnh viện nếu người dùng gặp các triệu chứng như phát ban, thở khò khè, đổ mồ hôi lạnh, cảm thấy đau đầu, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng.
Thận trọng trước khi sử dụng:
Không sử dụng thuốc Peridex cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi. Thuốc có thể gây kích ứng nướu nghiêm trọng hoặc bóng rát do hóa chất mạnh.
Hiện tại không rõ tác dụng của Peridex đối với phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, tuy nhiên trao đổi với bác sĩ nếu cần sử dụng thuốc cho đối tượng mang thai hoặc có kế hoạch mang thai.
2. Thuốc bôi chữa viêm nha chu
Bên cạnh các loại thuốc súc miệng, thuốc bôi là một trong các loại thuốc điều trị viêm nha chu phổ biến. Cụ thể các thuốc bôi chữa viêm nha chu phổ biến bao gồm:
+ Thuốc bôi chữa viêm nha chu Metrogyl Denta:
Metrogyl Denta là kem kháng sinh được sử dụng để điều trị viêm nha chu mãn tính và các dạng viêm lợi nghiêm trọng. Bên cạnh đó, thuốc cũng được sử dụng để điều trị viêm nướu, sâu răng, viêm ống tủy răng, nhiễm trùng răng miệng, viêm loét miệng.
Cách sử dụng Metrogyl denta:
- Thuốc bôi chữa viêm nha chu được sử dụng bằng cách thoa trực tiếp lên vị trí tổn thương, không pha loãng hoặc kết hợp với các loại thuốc khác.
- Không súc miệng sau khi thoa thuốc.
- Sử dụng thuốc 2 lần mỗi ngày, liều lượng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và hướng dẫn của nha sĩ
Tác dụng phụ:
- Có vị đắng trong miệng
- Sưng tạm thời tại vị trí sử dụng thuốc
- Đau đầu nhẹ
Thận trọng khi sử dụng:
Trong một số trường hợp Metrogyl denta có thể tác dụng tương tự như disulfiram đối với việc chuyển hóa rượu, dẫn đến việc không dung nạp thuốc. Do đó, không sử dụng thuốc kết hợp với rượu.
+ Kem bôi viêm nha chu PerioKin:
PerioKin có thành phần chính là hoạt chất Chlorhexidine, có tác dụng kháng khuẩn gram dương, gram âm và virus nhóm lipophilic (virus cúm, RSV, HIV, viêm gan B, C…). Sản phẩm PerioKin thường được sử dụng để điều trị viêm nướu răng, viêm nha chu và một số triệu chứng khác.
Cách sử dụng kem trị viêm nha chu PerioKin:
- Thoa một lượng gel nhỏ lên vùng nướu răng bị tổn thương, 2 – 3 lần mỗi ngày, hiệu quả nhất là vào buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.
- Không súc miệng lại ngay sau khi sử dụng kem thoa.
- Sử dụng thuốc liên tục trong 2 – 3 lần hoặc theo hướng dẫn của nha sĩ chuyên môn.
3. Viêm nha chu uống thuốc gì?
Nếu các triệu chứng viêm nha chu nghiêm trọng, nha sĩ có thể kê các loại thuốc điều trị viêm nha chu đường uống. Các loại thuốc này thường có tác dụng chống lại các loại vi khuẩn trong cơ thể và cải thiện các triệu chứng bệnh nha chu. Các loại thuốc uống điều trị viêm nha chu phổ biến bao gồm:
+ Thuốc trị viêm nha chu Vibramycin:
Vibramycin là một loại kháng sinh tetracycline chống lại vi khuẩn trong cơ thể. Thuốc được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn trong cơ thể, chẳng hạn như viêm viêm nha chu, viêm lợi nghiêm trọng, mụn trứng cá, nhiễm trùng đường ruột, nhiễm trùng mắt, bệnh lậu và một số bệnh lý khác.
Cách sử dụng Vibramycin để điều trị viêm nha chu:
- Sử dụng Vibramycin với một cốc nước đầy.
- Sử dụng thuốc trước bữa ăn 1 giờ hoặc sau bữa ăn 2 giờ. Sử dụng kết hợp có thể dẫn đến rối loạn dạ dày, đặc biệt là khi sử dụng thuốc kết hợp với sữa và các sản phẩm chứa sữa.
Sử dụng thuốc đúng theo liều lượng quy định, không tự ý ngưng thuốc ngay cả khi các triệu chứng được cải thiện. Bỏ qua liều lượng có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng do kháng thuốc và dẫn đến các triệu chứng tương tự như cúm hoặc cảm lạnh thông thường.
Tác dụng phụ:
- Buồn nôn, nôn, khó chịu dạ dày hoặc chán ăn
- Tiêu chảy nhẹ
- Phát ban hoặc ngứa da
- Da sạm màu
- Ngứa hoặc tăng tiết dịch âm đạo (đối với phụ nữ)
Đôi khi thuốc Vibramycin có thể dẫn đến một số tác dụng phụ nghiêm trọng, chẳng hạn như ngứa họng, khó nuốt, đau ngực, nhịp tim không đều, cảm thấy khó thở, ít hoặc không đi tiểu và một số dấu hiệu khác. Đến gặp nha sĩ kê đơn nếu gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Thận trọng khi sử dụng:
Không sử dụng thuốc điều trị viêm nha chu Vibramycin nếu dị ứng với Vibramycin hoặc các kháng sinh tetracycline khác như demeclocycline, minocycline, tetracycline hoặc tigecycline. Bên cạnh đó, thông báo cho nha sĩ nếu:
- Bệnh gan
- Bệnh thận
- He suyễn
- Tăng áp lực nội sọ
- Đang sử dụng isotretinoin , thuốc co giật hoặc thuốc làm loãng máu như warfarin
Phụ nữ mang thai sử dụng thuốc Vibramycin có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển xương và răng của thai nhi. Sử dụng Vibramycin trong nửa cuối thai kỳ có thể gây đổi màu răng vĩnh viễn ở em bé. Do đó, không sử dụng thuốc hoặc trao đổi với nha sĩ kê đơn nếu người dùng đang mang thai. Bên cạnh đó, phụ nữ đang cho con bú cũng không nên sử dụng thuốc này.
Trẻ em dưới 8 tuổi không được sử dụng thuốc này và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi chỉ sử dụng thuốc dưới sự hướng dẫn của nha sĩ kê đơn.
+ Thuốc trị viêm nha chu Minocycline:
Minocycline được sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh nha chu. Thuốc hoạt động bằng cách giữ cho số lượng vi khuẩn trong miệng cân bằng và ngăn ngừa vi khuẩn có hại phát triển. Ngoài thuốc thuốc cũng được sử dụng để hỗ trợ giảm viêm, sưng và ngăn ngừa tình trạng chảy máu chân răng.
Thuốc được chỉ định bởi nha sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe răng miệng. Không sử dụng thuốc nếu không được nha sĩ có chuyên môn hướng dẫn.
Cách sử dụng thuốc Minocycline:
- Thuốc được sử dụng thông qua đường uống, trước bữa ăn ít nhất 1 giờ hoặc sau bữa ăn ít nhất 2 giờ.
- Sử dụng thuốc với một cốc nước đầy để giảm kích ứng và ngăn ngừa các nguy cơ viêm loét thực quản.
- Sử dụng thuốc với liều lượng 100 mg / lần, mỗi liều cách nhau 12 giờ
Tác dụng phụ:
- Chảy máu nướu răng
- Ớn lạnh
- Đau răng
- Sốt
- Đau, đỏ hoặc sưng bên trong miệng
- Có vị khó chịu trong miệng
- Tiết dịch từ nướu răng
- Hơi thở hôi
- Hình thành các vết loét trong miệng
Thận trọng trước khi dùng:
- Thuốc Minocycline có thể làm rối loạn dạ dày, dẫn đến đau cuống bao tử và tăng nguy cơ viêm loét dạ dày. Nếu xuất hiện các dấu hiệu này, người bệnh nên ngừng sử dụng thuốc.
- Đôi khi thuốc có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương, gây chóng mặt và buồn ngủ. Do đó, không sử dụng thuốc nếu cần lái xe hoặc vận hành máy móc.
- Thuốc Minocycline có thể làm giảm tác dụng của thuốc tránh thai đường uống. Do đó, người dùng nên có biện pháp tránh thai phòng ngừa khác.
- Không sử dụng thuốc cho phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 8 tuổi. Phụ nữ đang cho con bú nên trao đổi với nha sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
+ Thuốc trị viêm nha chu Doxycycline:
Thuốc Doxycycline là thuốc kháng sinh thuộc nhóm tetracycline, được sử dụng để điều trị bệnh viêm nha chu ở người lớn. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn có hại và ngăn ngừa các triệu chứng liên quan.
Cách sử dụng thuốc Doxycycline:
- Sử dụng thuốc với nhiều nước, trước bữa ăn 1 giờ hoặc sau bữa ăn 2 giờ. Sử dụng Doxycycline kèm bữa ăn hoặc sữa có thể gây kích ứng đường tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn và nôn.
- Người lớn uống 1 viên / lần, 2 / lần/ngày. Liều duy trì 1 viên / lần / ngày. Trong trường hợp viêm nha chu nghiêm trọng có thể uống 1 viên / lần, 2 lần/ngày cho liều duy trì.
- Trẻ em từ 8 tuổi trở lên uống 4 – 5 mg / kg thể trọng, 2 lần / ngày trong ngày đầu tiên. Ngày tiếp theo uống 2 – 2.5 mg / kg, một liều duy nhất trong ngày, nếu nhiễm khuẩn nặng uống 2 – 2.5mg / kg, 2 lần / ngày.
Tác dụng phụ không mong muốn:
- Viêm thực quản
- Biến đổi màu răng ở trẻ em
- Da mẫn cảm ánh sáng mặt trời
- Buồn nôn và tiêu chảy
- Trong một số trường hợp, thuốc có thể gây tăng áp lực nội sọ, thóp phồng ở trẻ em và gây hại cho gan.
Thận trọng khi sử dụng:
- Không dùng thuốc cho trẻ em dưới 8 tuổi để tránh gây biến đổi màu răng vĩnh viễn, giảm sản men răng và giảm tốc độ phát triển chiều dài của bộ xương.
- Không dùng doxycyclin trong thời gian dài để tránh nguy cơ bội nhiễm.
- Uống thuốc với một cốc nước đầy, và ở tư thế đứng. Điều này có thể tránh loét thực quản hoặc giảm kích ứng đường tiêu hóa.
- Tránh phơi nắng kéo dài, bởi vì thuốc có thể khiến da mẫn cảm với ánh sáng.
- Phụ nữ mang thai không sử dụng thuốc, đặc biệt là trong nửa cuối thai kỳ để tránh các rủi ro không mong muốn. Ngoài ra, thuốc có thể gây gan nhiễm mỡ ở phụ nữ mang thai.
- Phụ nữ cho con bú nên trao đổi với nha sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị viêm nha chu
Viêm nha chu có thể được điều trị với nhiều loại thuốc khác nhau để cải thiện tình trạng đau, sưng và các triệu chứng liên quan. Tuy nhiên, để sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, người bệnh nên lưu ý một số vấn đề, chẳng hạn như:
- Thông báo với nha sĩ về tình trạng dị ứng thuốc hoặc bất cứ phản ứng mẫn cảm nào với các loại thuốc.
- Trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi không sử dụng các loại thuốc điều trị viêm nha chu cho đến khi nhận được sự chỉ định của nha sĩ.
- Người lớn tuổi có thể cần thay đổi liều lượng để tránh các tác dụng phụ không mong muốn. Trao đổi với nha sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
- Phụ nữ mang thai và đang cho con bú không nên sử dụng thuốc mà không nhận được chỉ định của bác sĩ. Điều này có thể tăng nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đánh răng 2 lần mỗi ngày và sử dụng chỉ nha khoa 1 lần mỗi ngày để cải thiện các triệu chứng. Ngoài ra đến nha sĩ để làm sạch răng chuyên nghiệp 1 – 2 lần mỗi năm để phòng ngừa viêm nha chu.
Các loại thuốc điều trị viêm nha chu có thể loại bỏ vi khuẩn trong miệng và cải thiện các triệu chứng bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, các loại thuốc này thường được sử dụng dưới sự chỉ định của nha sĩ, do đó không tự ý sử dụng thuốc để tránh các rủi ro không mong muốn. Trao đổi với nha sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Cập nhật lúc: 3:58 PM , 30/05/2023Tham khảo thêm: 12 cách chữa bệnh nha chu tại nhà đơn giản, hiệu quả