Thoái Hóa Khớp Gối: Dấu Hiệu, Chẩn Đoán, Giai Đoạn Bệnh

Thoái hóa khớp gối là bệnh lý phức tạp, tiến triển âm thầm từ từ nên rất khó phát hiện. Đến khi bệnh trở nặng sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Trước đây bệnh chỉ phổ biến ở người lớn tuổi, nhưng do lối sống thụ động, ít vận động, chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học nên bệnh đang có xu hướng trẻ hóa. Hiểu về bệnh là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của bạn.

Tổng quan về bệnh thoái hóa khớp gối

Cấu tạo và vai trò của khớp gối

Đầu gối là khớp lớn nhất và khỏe nhất của cơ thể, có cấu tạo rất phức tạp. Khớp gối được tạo thành từ đầu dưới của xương đùi, đầu trên của xương ống chân (xương chày) và xương bánh chè. Ba đầu xương này được bao phủ bởi sụn khớp – là một chất trơn, giúp khớp linh hoạt hơn, bảo vệ xương khi bạn vận động đầu gối.

Ngoài ra còn có 2 miếng sụn hình chữ C (sụn chêm giữa và sụn bên) đóng vai trò như “bộ giảm xóc” giữa xương đùi và ống chân của bạn, giúp khớp được ổn định. Bao quanh khớp gối là màng hoạt dịch, nơi tiết ra chất lỏng bôi trơn sụn khớp và giảm ma sát.

Tại khớp gối có 4 dây chằng:

  • Dây chằng chéo trước: Ngăn xương đùi trượt ra sau trên xương chày hoặc xương chày trượt lên trước xương đùi.
  • Dây chằng chéo sau: Ngăn xương đùi trượt lên trước xương chày hoặc xương chày trượt ra sau xương đùi.
  • Dây chằng chéo giữa và dây chằng bên: Ngăn xương đùi trượt từ bên này sang bên kia.

Khi khớp gối bị thoái hóa, các bộ phận cấu thành khớp đều có nguy cơ bị tổn thương, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.

Thoái hóa khớp gối là gì?

Thoái hóa khớp gối (còn được gọi là thoái hóa sụn khớp gối) xảy ra khi lớp đệm tự nhiên giữa các khớp (sụn) bị mài mòn, lượng dịch nhầy khớp giảm nhiều do quá trình tái tạo sụn khớp không theo kịp tốc độ phân hủy sụn khớp. Khi thoái hóa sụn xảy ra, các đầu xương cọ xát với nhau nhiều hơn dẫn đến đau, sưng, cứng khớp, giảm khả năng vận động và đôi khi hình thành các gai xương ở vùng gối.

Nếu không xử lý kịp thời và đúng cách, chính chúng ta có thể vô tình trở thành thủ phạm đẩy nhanh quá trình thoái hóa khớp gối.

Tỷ lệ người mắc thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối là bệnh lý phổ biến nhất trong tất cả các bệnh lý thoái hóa khớp. Theo thống kê toàn cầu vào năm 2020, tỷ lệ thoái hóa khớp gối ở người trẻ từ 15 tuổi trở lên là 14,3-17,8% và ở người từ 40 tuổi trở lên là 19,8-26,1%. Tương ứng với khoảng 654,1 triệu người từ 40 tuổi trở lên bị thoái hóa khớp.

Dấu hiệu thoái hóa khớp gối

Người bệnh có thể nhận biết thoái hóa khớp gối thông qua các triệu chứng thông thường của bệnh:

  • Đau mặt trước hoặc trong đầu gối, đau tăng khi vận động co, duỗi hoặc khi chuyển tư thế từ ngồi sang đứng. Và cơn đau thuyên giảm khi nghỉ ngơi.
  • Theo thời gian, cơn đau sẽ tăng cả về mức độ và thời gian.
  • Cứng khớp gối, mất linh hoạt, khó cử động khi mới ngủ dậy vào sáng sớm hoặc sau khi ở yên một chỗ lâu (thường kéo dài khoảng 30 phút).
  • Khớp gối có thể bị sưng to do phản ứng viêm hoặc do tràn dịch khớp. Đau nhức sẽ giảm nếu được chọc hút dịch ra, nhưng triệu chứng này có thể tái phát vài ngày sau đó.
  • Các mảnh sụn bị bong ra, trôi nổi trong ổ khớp có thể cản trở chuyển động của khớp. Đầu gối có thể bị khóa hoặc dính trong khi vận động, phát ra tiếng kêu lục khục, lách tách.
  • Cảm giác yếu hoặc oằn ở đầu gối.
  • Triệu chứng đau nhức, cứng khớp có thể tăng lên khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là thời tiết lạnh.
  • Chân bị lệch trục kiểu vòng kiềng (kiểu chân chữ O) hoặc kiểu chân chữ X, thậm chí mất chức năng vận động.

Một số hình ảnh thoái hóa khớp gối

4-giai-doan-thoai-hoa-khop-goi
Hình ảnh X-Quang thoái hóa khớp gối qua 4 giai đoạn
thoai-hoa-khop
Hình ảnh khớp gối bình thường (bên trái) và khớp gối bị thoái hóa (bên phải)

Nguyên nhân thoái hóa khớp gối

Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, thoái hóa khớp gối được chia thành 2 loại là thoái hóa khớp gối nguyên phát và thoái hóa khớp gối thứ phát.

Thoái hóa khớp gối nguyên phát

Đây là nhóm nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất. Bao gồm:

  • Tuổi tác: Tuổi càng cao, quá trình tổng hợp sụn khớp bị suy giảm, tế bào sụn cũng không còn khả năng sinh sản và tự tái tạo..
  • Di truyền: Các đột biến về di truyền có thể khiến sụn khớp bị thoái hóa sớm.
  • Do nội tiết và sự chuyển hóa của cơ thể (mãn kinh, đái tháo đường): Khi nội tiết tố (nữ) suy giảm có thể gây ra nhiều bệnh lý về xương khớp, trong đó có bệnh thoái hóa khớp gối.

Thoái hóa khớp gối thứ phát

Thoái hóa khớp gối thứ phát có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân:

  • Bị thừa cân: Trọng lượng cơ thể sẽ tạo áp lực lên hai khớp gối, khiến sụn khớp nhanh hao mòn và hư dần theo thời gian.
  • Giới tính: Phụ nữ từ 55 tuổi trở lên có nguy cơ bị thoái hóa khớp gối cao hơn nam giới vì dây chằng trước của khớp gối ở phụ nữ yếu hơn và thói quen đi giày cao gót.
  • Các cử động lặp đi lặp lại thời gian dài: Như ngồi xổm, nâng vật nặng,…
  • Chấn thương: Các chấn thương làm gãy xương bánh chè, đầu dưới xương đùi, đứt dây chằng,… có thể khiến trục khớp thay đổi.
  • Sử dụng thuốc corticoid sai cách: Nếu quá lạm dụng, thuốc có thể đẩy nhanh quá trình thoái hóa khớp gối.
  • Lười vận động: Thói quen lười vận động, ít tập thể dục thể thao có thể khiến các cơ bị lỏng lẻo, khớp xương thiếu độ linh hoạt, cấu trúc cơ, gân, xương, dây chằng dễ bị sai lệch.
  • Ăn uống không đủ chất: Chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học có thể khiến bao hoạt dịch tiết ra ít dịch nhờn, sụn khớp bị hủy hoại nghiêm trọng.
  • Các bất thường bẩm sinh tại khớp: Khớp gối quá duỗi (genu recurvatum), Khớp gối quay ra ngoài (genu valgum), Khớp gối quay vào trong (genu varum),…
  • Các tổn thương viêm tại khớp: Viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm mủ, bệnh gút, lao khớp, chảy máu trong khớp (hemophilia).

Các yếu tố nguy cơ

Nhìn chung, có một số yếu tố nguy cơ khiến bạn dễ bị thoái hóa khớp, bao gồm:

  • Lớn tuổi;
  • Giới tính nữ;
  • Thừa cân;
  • Gia đình có tiền sử bị thoái hóa khớp;
  • Công việc nặng nhọc, đòi hỏi sử dụng khớp gối nhiều;
  • Vận động sai tư thế;
  • Sinh hoạt thiếu khoa học;
  • Có dị tật bẩm sinh hoặc chấn thương ảnh hưởng đến cấu trúc khớp gối.

Các giai đoạn thoái hóa khớp gối

Tình trạng thoái hóa khớp gối không bùng phát tức thì mà tiến triển dần dần theo thời gian. Dựa theo mức độ thương tổn, thoái hóa khớp gối được chia thành 4 mức độ để dễ theo dõi và điều trị. Cụ thể:

Thoái hóa khớp gối độ 1

Là giai đoạn nhẹ, lớp sụn khớp chỉ vừa bị bào mòn một ít nên người bệnh chưa cảm thấy đau nhức, khó chịu ở gối. Khe khớp chưa bị thu hẹp, nhưng gai xương đã bắt đầu hình thành.

Thoái hóa khớp gối độ 2

Gai xương hình thành rõ ràng, dễ dàng quan sát trên phim chụp X-Quang. Khe khớp chưa hẹp đến mức khiến các đầu xương cọ xát trực tiếp vào nhanh. Lượng dịch nhờn bao hoạt dịch tiết ra vẫn đủ để khớp gối hoạt động trơn tru.

Giai đoạn này, người bệnh bắt đầu cảm thấy một số triệu chứng:

  • Đau nhức đầu gối sau một ngày dài đi bộ hoặc chạy.
  • Khớp gối có xu hướng bị cứng nếu bạn không hoạt động trong vài giờ.
  • Cảm thấy đau và khó chịu khi đứng lên ngồi xuống và quỳ.

Thoái hóa khớp gối độ 3

  • Qua phim chụp X-Quang có thể quan sát thấy dấu hiệu sụn khớp bị bào mòn, thương tổn rõ rệt.
  • Khe khớp đã hẹp đáng kể, gai xương phát triển nhiều hơn.
  • Mô mềm tại khớp gối có thể bị viêm, dẫn đến tình trạng viêm bao hoạt dịch, đầu gối sưng đau dữ dội.
  • Người bệnh có biểu hiện cứng khớp khi ngồi quá lâu hoặc vào buổi sáng thức dậy.

Thoái hóa khớp gối độ 4

Thoái hóa khớp gối độ 4 là giai đoạn nghiêm trọng, những hoạt động nhẹ nhàng như đi lại cũng có thể khiến người bệnh bị đau và khó chịu. Biểu hiện sưng, viêm và cứng khớp cũng nặng nề hơn.

Nguyên nhân gây ra các triệu chứng đó là do khe khớp hẹp đi nhiều, tình trạng xơ xương dưới sụn. Qua các phương pháp chẩn đoán hình ảnh bác sĩ có thể quan sát thấy:

  • Lớp sụn khớp gối gần như bị bào mòn hoàn toàn.
  • Gai xương hình thành nhiều, kích thước lớn.
  • Đầu xương có thể bị biến dạng.

Ngoài ra, lượng dịch bôi trơn khớp cũng giảm đáng kể, các đầu xương cọ xát vào nhau trong các cử động khớp gối, dẫn đến đau nhức. Khả năng vận động của khớp đã bị suy giảm.

Đối tượng nguy cơ

  • Người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ từ 55 tuổi trở lên.
  • Người thừa cân, béo phì.
  • Người có công việc tạo áp lực nhiều lên khớp gối, như vận động viên, công nhân bốc bác,…
  • Người có người thân trong gia đình bị thoái hóa khớp.
  • Người có tiền sử bị chấn thương gây lệch trục khớp gối.
  • Người có dị tật bẩm sinh ở khớp gối.
  • Người mắc các bệnh lý như tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm mủ, bệnh gút, lao khớp, chảy máu trong khớp (hemophilia) cũng có thể dẫn tới thoái hóa khớp.

Phương pháp chẩn đoán thoái hóa khớp gối

Bệnh thoái hóa khớp gối được bác sĩ chẩn đoán dựa trên khung tiêu chuẩn nhất định. Trong đó, phổ biến nhất là tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp gối theo ACR 1991.

Tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp gối theo ACR

Theo Hội thấp khớp học Mỹ – American College of Rheumatology, bệnh thoái hóa khớp gối được xác định dựa trên các tiêu chuẩn sau:

Kiểm tra lâm sàng

  • Phát hiện gai xương ở rìa khớp trên phim chụp X-Quang.
  • Dịch khớp là dịch thoái hoá.
  • Độ tuổi trên 38.
  • Cứng khớp dưới 30 phút.
  • Có tiếng kêu lục khục khi cử động đầu gối.

Bạn được xác định là thoái hóa khớp gối khi có yếu tố 1,2,3,4 hoặc 1,2,5 hoặc 1,4,5.

Các dấu hiệu khác:

  • Tràn dịch khớp gối: Khớp gối có thể bị tràn dịch do phản ứng viêm của màng hoạt dịch.
  • Biến dạng khớp gối: Xảy ra do sự xuất hiện của gai xương, thoát vị màng hoạt dịch hoặc do lệch trục khớp

Chẩn đoán hình ảnh

  • Chụp X-Quang: Chụp X-Quang là phương pháp phổ biến để chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp gối, cho phép bác sĩ xác định tiến triển bệnh dựa trên hình ảnh thu được.
  • Siêu âm khớp: Cho phép quan sát tình trạng gai xương, hẹp khe khớp tràn dịch khớp, độ dày sụn khớp, màng bao hoạt dịch, tìm kiếm những mảnh sụn bong vào trong ổ khớp do thoái hóa.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Giúp bác sĩ quan sát rõ ràng ổ khớp trong không gian 3 chiều, phát hiện chính xác vị trí và mức độ tổn thương sụn khớp, dây chằng, màng hoạt dịch.
  • Nội soi khớp: Chẩn đoán các tổn thương do thoái hóa sụn khớp ở các mức độ khác nhau. Có thể kết hợp nội soi và sinh thiết màng hoạt dịch để phân biệt bệnh thoái hóa khớp với các bệnh lý khác có triệu chứng tương đồng.

Các xét nghiệm khác

  • Xét nghiệm máu và sinh hoá: Cho kết quả tốc độ lắng máu bình thường.
  • Xét nghiệm dịch khớp: Tế bào dịch khớp < 1000 tế bào/1mm3.

Tiêu chuẩn chẩn đoán theo EULAR

Ngoài tiêu chuẩn chẩn đoán trên, bệnh thoái hóa khớp gối cũng có thể được chẩn đoán dựa trên tiêu chuẩn của EULAR. Người bệnh được xác định mắc thoái hóa khớp gối khi có 3 triệu chứng cơ năng và 3 triệu chứng thực thể. Bao gồm:

  • Ba triệu chứng cơ năng: Đau khớp, cứng khớp, hạn chế chức năng khớp.
  • Ba triệu chứng thực thể: Âm thanh lạo xạo hoặc lục khục, hạn chế vận động khớp, có gai xương.

Phân biệt với viêm khớp dạng thấp

Thoái hóa khớp gối và viêm khớp dạng thấp tại gối đều gây ra đau nhức nhưng khác nhau về nguyên nhân gây bệnh, vị trí cơn đau và phương pháp điều trị. Vì vậy, việc phân biệt thoái hóa khớp gối và viêm khớp dạng thấp là quan trọng.

Viêm khớp dạng thấp khác thoái hóa khớp ở các điểm sau:

  • Nguyên nhân gây bệnh: Viêm khớp dạng thấp liên quan đến hệ miễn dịch, xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm các tế bào trong cơ thể. Từ đó dẫn đến đau nhức, sưng viêm khớp.
  • Triệu chứng: Tình trạng cứng khớp sau khi ngủ dậy do viêm khớp dạng thấp gây ra có thể kéo dài tới vài giờ. Bệnh nhân có thể cảm thấy sốt nhẹ, mệt mỏi toàn thân, trầm cảm, đau cơ, khô mắt, miệng,… có thể dẫn tới bệnh tim, bệnh ung thư.
  • Độ tuổi: Thoái hóa khớp có ở mọi độ tuổi, phổ biến nhất trong độ tuổi 30 đến 50.
  • Vị trí cơn đau: Viêm khớp dạng thấp thường ảnh hưởng đến khớp nhỏ trước, từ cổ tay, bàn tay đến ngón chân.

Thoái hóa khớp gối có nguy hiểm không?

Thoái hóa khớp gối nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc của người bệnh. Chẳng hạn như:

  • Suy giảm chức năng vận động: Đi lại khó khăn, hạn chế tầm vận động, thậm chí phải sử dụng nạng, xe lăn.
  • Tăng nguy cơ chấn thương gối: Gặp khó khăn trong các hoạt động thường ngày, khó giữ thăng bằng, dễ bị tai nạn gây thương tích.
  • Mất xương: Sụn khớp bị mài mòn hoàn toàn dẫn đến mất xương. Cần can thiệp phẫu thuật để loại bỏ các phần xương bị tổn thương.
  • Tăng nguy cơ bị gout: Người bệnh thoái hóa khớp có nồng độ axit uric trong máu cao, dễ bị bệnh Gout (một dạng khác của viêm khớp).
  • Tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý: Béo phì, đái tháo đường, tim mạch, ung thư.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa xương khớp ngay khi bạn cảm thấy triệu chứng bất thường ở khớp gối, như: Đau khớp, cứng khớp, khó khăn khi vận động, khớp kêu lục cục,… Những cơn đau nhẹ cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn mắc bệnh và cần được điều trị.

Bạn cần cung cấp các thông tin sau khi tới gặp bác sĩ:

  • Mô tả chi tiết về các triệu chứng bạn gặp phải và thời điểm bắt đầu xuất hiện.
  • Thông tin y tế của bạn và người thân trong gia đình.
  • Các loại thuốc và thực phẩm chức năng mà bạn đang sử dụng.

Ngoài ra, bạn cũng cần đến gặp bác sĩ nếu tình trạng thoái hóa khớp gối của bạn tiến triển nặng, không đáp ứng các phương pháp điều trị hiện tại hoặc bạn gặp tác dụng phụ trong quá trình điều trị.

Lời khuyên từ chuyên gia xương khớp

Cách phòng tránh bệnh

  • Tập thể dục thường xuyên: Luyện tập với cường độ vừa phải (khoảng 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần). Có thể lựa chọn các môn thể thao như bơi lội, đi bộ, chạy bộ, đạp xe đạp,…
  • Áp dụng chế độ ăn uống khoa học: Đảm bảo chế độ dinh dưỡng giàu canxi và khoáng chất. Nên ăn những thực phẩm chứa nhiều acid béo Omega-3. Hạn chế tiêu thụ chất béo, đồ ăn nhanh, rượu bia và các chất kích thích thần kinh gây co cứng cơ.
  • Kiểm soát cân nặng: Duy trì cân nặng ở mức hợp lý (chỉ số BMI < 23).
  • Xoa bóp đầu gối: Nên xoa bóp khớp gối đều đặn mỗi ngày, vào buổi sáng và buổi tối. Việc xoa bóp giúp các cơ được thư giãn, tăng cường lưu thông máu.
  • Kiểm soát lượng đường trong máu: Hàm lượng glucose cao gây ảnh hưởng không tốt đến cấu trúc và chức năng của sụn khớp.
  • Giảm nguy cơ chấn thương: Không mang vác vật nặng, vận động và chơi thể thao đúng kỹ thuật, mang đồ bảo hộ trong lúc luyện tập, mang giày vừa vặn, hạn chế sử dụng giày cao gót.
  • Tránh hoạt động quá sức: Hãy nghỉ ngơi khi bạn cảm thấy mệt mỏi. Nhân viên văn phòng sau cần nghỉ ngơi sau mỗi 1–2 giờ ngồi làm việc và nên thay đổi tư thế sau mỗi 20 phút.
  • Hạn chế căng thẳng: Ngủ đủ giấc, thư giãn, kiểm soát căng thẳng.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ và chủ động tìm hiểu các thông tin về bệnh thoái hóa khớp.

Cách sống chung với bệnh

Một chế độ chăm sóc tốt có thể giúp người bệnh thoái hóa khớp gối cải thiện được các triệu chứng sưng, đau vùng gối. Bạn có thể tự chăm sóc cho mình hoặc người thân như sau:

  • Chườm đá hoặc chườm nóng giúp giảm đau nhức, giảm sưng tấy cho vùng gối.
  • Tạo điều kiện cho bệnh nhân nghỉ ngơi, nhất là sau khi tập thể dục hoặc đi bộ đường dài.
  • Loại trừ các nguy cơ té ngã: Lắp thêm bệ ngồi bồn cầu, tay vịn hành lang, loại bỏ các chướng ngại vật trên lối đi,…
  • Kiểm soát cơn đau mà không dùng thuốc: Khi người bệnh bị đau nhức, có thể thử đánh lạc hướng họ bằng cách mở nhạc, tivi, trò chuyện với họ.
  • Tăng cường bổ sung thực phẩm chứa các loại dưỡng chất tốt cho phần sụn khớp gối bị thoái hóa, chẳng hạn như trái cây, rau xanh, các loại cá béo,…

Một số câu hỏi thường gặp

Thoái hóa khớp gối tiếng Anh là gì?

Thoái hóa khớp gối tiếng Anh là Knee Osteoarthritis, là một chứng bệnh phổ biến ở người già với triệu chứng điển hình là đau khớp, cứng khớp, đi lại khó khăn, cản trở sinh hoạt.

Thoái hóa khớp gối có chữa được không?

Thoái hóa khớp gối là bệnh lý mãn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, có nhiều phương pháp để ngăn chặn, làm chậm quá trình thoái hóa sụn khớp và kiểm soát đau nhức. Bệnh thoái hóa khớp gối càng được phát hiện và điều trị sớm càng tốt, có thể ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm.

Mã ICD thoái hóa khớp gối là gì?

Bệnh thoái hóa khớp gối có mã ICD là M17. ICD là bảng phân loại quốc tế thống kê bệnh tật và những vấn đề liên quan đến sức khỏe. ICD dùng để mã hóa chẩn đoán và các vấn để về sức khỏe thành các mã ký tự, giúp công tác lưu trữ thông tin, khai thác và phân tích số liệu dễ dàng hơn.

Thoái hóa khớp gối có quan hệ được không?

Người bệnh thoái hóa khớp gối có quan hệ tình dục được nhưng có thể gặp một số trở ngại nhất định trong đời sống chăn gối vợ chồng. Các triệu chứng đau khớp, cứng khớp, hạn chế vận động có thể làm giảm ham muốn của bạn. Tuy nhiên, bạn có thể khắc phục những nỗi lo trên nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Đó là:

  • Nghỉ ngơi đầy đủ và lựa chọn thời điểm tốt nhất để làm “chuyện ấy”.
  • Tắm nước nóng trước khi quan hệ khoảng 30 phút.
  • Tìm ra tư thế quan hệ khiến bạn bớt đau.
  • Tăng cường luyện tập, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh xa những thực phẩm không tốt cho sức khỏe.

Bị thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không?

Có thể đi bộ nhưng cần đi đúng cách. Nên đi bộ quãng ngắn và trước khi đi bộ cần khởi động nhẹ nhàng, xoa bóp khớp gối. Việc đi bộ giúp tăng cường sức mạnh cho cơ, khớp. duy trì cân nặng hợp lý. Luyện tập đi bộ một cách hợp lý, triệu chứng thoái hóa khớp gối sẽ được cải thiện đáng kể.

Bài viết đã tổng hợp đầy đủ những thông tin hữu ích nhất về bệnh thoái hóa khớp gối. Mong rằng bạn đã có được cho mình những kiến thức cần thiết để biết phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe khớp gối. Đừng quên đi khám nếu bạn có triệu chứng đau, cứng, lục cục khớp gối để được phát hiện bệnh và điều trị đúng cách.

GỢI Ý XEM THÊM

Cập nhật lúc: 1:45 PM , 16/11/2023

Tin liên quan

Phác Đồ Điều Trị Thoái Hóa Khớp Bộ Y Tế

Thông tin bài viết dựa theo “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp”, được ban hành kèm theo Quyết định số 361/QĐ-BYT Ngày 25 tháng...

cau-tao-khop-co-tay

Thoái Hóa Khớp Cổ Tay: Triệu Chứng Và Cách Phòng Ngừa

Thoái hóa khớp cổ tay là bệnh lý khá phổ biến, xảy ra khi sụn khớp cổ tay bị hao mòn, ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong ổ...

bai-tap-thoai-hoa-khop-vai

Hướng Dẫn 4 Bài Tập Thoái Hóa Khớp Vai Tăng Cường Vận Động

Thoái hóa khớp vai là bệnh lý xương khớp khá phổ biến ở người cao tuổi và đang có xu hướng trẻ hóa. Bệnh gây đau, cứng khớp vai, gây...

bi-thoai-hoa-khop-goi-nen-an-gi

Người bị thoái hóa khớp gối nên ăn gì và cần tránh những gì?

Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp không chỉ hỗ trợ giảm triệu chứng thoái hóa khớp gối mà còn giúp cải thiện sức khỏe toàn diện. Vậy người bị...

Thoái hóa khớp vai: Dấu hiệu và cách điều trị dứt điểm

Chẩn đoán thoái hóa khớp vai, dấu hiệu và cách điều trị tốt nhất

Thoái hóa khớp vai là bệnh lý xương khớp gây đau nhức ảnh hưởng đến chuyển động của cánh tay, bả vai. Lâu dần sẽ tác động tiêu cực đến...

thoai-hoa-khop-co-chan

Triệu chứng thoái hóa khớp cổ chân, chẩn đoán và điều trị

Thoái hóa khớp cổ chân thường gặp ở người lớn tuổi nhưng cũng có thể xuất hiện ở đối tượng người trẻ. Bệnh gây đau nhức, hạn chế vận động...

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *