Thuốc ngủ hay thuốc an thần gây ngủ được sử dụng phổ biến trong điều trị rối loạn lo âu, mất ngủ, ngủ không ngon giấc. Tuy nhiên, ngoài tác dụng điều trị thuốc ngủ có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn, ảnh hưởng tới sức khỏe của bệnh nhân. Để sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả, việc tìm hiểu tác dụng phụ của thuốc ngủ là không thể thiếu.
Tìm hiểu chung về thuốc ngủ
Mất ngủ về đêm kéo dài là nỗi ám ảnh của nhiều người gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe, tinh thần cho người bệnh. Vì thế họ luôn mong muốn tìm ra cách chữa mất ngủ nhanh chóng, hiệu quả nhất.
Trong đó các loại thuốc ngủ tây y mang lại tác dụng nhanh chóng, giúp người bệnh dễ dàng đi vào giấc ngủ.
Thuốc ngủ là gì và có tác dụng gì?
Thuốc ngủ là loại thuốc thần kinh có chức năng ức chế hệ thần kinh, gây ra cảm giác buồn ngủ, thường được sử dụng trong điều trị mất ngủ hoặc gây mê phẫu thuật.
Hiện nay các nhà khoa học phát triển rất nhiều loại thuốc chữa mất ngủ thuộc nhiều dẫn xuất hóa học, nhưng hầu hết chúng đều tác động lên hệ thần kinh thông qua chất dẫn truyền – acid gamma aminobutyric (có tên viết tắt GABA). Đây là chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng tạo ra cảm giác thư giãn, gây mê, giảm đau cho người sử dụng.
Tác dụng của thuốc ngủ: Như chính tên gọi thì đây là những loại thuốc có tác dụng cải thiện tình trạng mất ngủ, thiếu ngủ, đêm trằn trọc, giúp bệnh nhân mất ngủ đi vào giấc ngủ nhanh chóng.
Ngoài ra, thuốc chữa mất ngủ còn có tác dụng an thần, ổn định tâm lý, giảm căng thẳng…
Những loại thuốc ngủ thường dùng
Hiện nay, các nhóm thuốc chữa mất ngủ vẫn tiếp tục được nghiên cứu và phát triển để nâng cao hiệu quả, giảm tác dụng phụ cho người dùng. Trong đó bao gồm các loại thuốc phổ biến dưới đây:
-
Thuốc chống trầm cảm: Nhóm thuốc thường được dùng để điều trị mất ngủ do trầm cảm, lo âu, có thể mang lại hiệu quả sau 2 – 4 tuần..
-
Benzodiazepines: Nhóm thuốc an thần, thường được chỉ định điều trị các vấn đề về giấc ngủ như mộng du, hay gặp ác mộng và sợ hãi vào ban đêm. Các thuốc điển hình trong nhóm bao gồm gồm temazepam, triazolam,… Tuy nhiên những loại thuốc trong nhóm này khi sử dụng lâu ngày có thể gây “nghiện” , vì thế, nó được khuyến cáo sử dụng trong thời gian ngắn.
-
Doxepine: Thuốc được chỉ định sử dụng cho người trầm cảm khó ngủ, có thể giúp duy trì giấc ngủ bằng cách ngăn chặn các thụ thể histamin.
-
Eszopiclone: Thuốc có thể giúp người bệnh đi vào giấc ngủ nhanh chóng, không nên dùng thuốc khi người bệnh có thể ngủ đủ giấc, vì sẽ gây ra cảm giác khó chịu.
-
Lemborexant: Thuốc được chỉ định cho người khó ngủ, hay trằn trọc và ngủ không sâu giấc, với cơ chế hoạt động là ngăn chặn sự gắn kết của chất dẫn truyền thần kinh orexin vào thụ thể, do đó duy trì chu kỳ thức ngủ, giúp ngủ nhanh và sâu hơn, hạn chế tỉnh giấc giữa đêm.
-
Ramelteon: Thuốc thường được kê đơn cho người khó đi vào giấc ngủ, hay tỉnh giấc giữa đêm. Loại thuốc này có thể được sử dụng lâu dài, ít gây tác dụng phụ, khi sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
-
Suvorexant: Đây là một loại thuốc sử dụng trong trường hợp không thể đi vào giấc ngủ hoặc không thể ngủ được, mất ngủ cả đêm. Cơ chế tác dụng của thuốc đó là ngăn chặn một loại hormone thúc đẩy sự tỉnh táo và gây mất ngủ.
-
Zolpidem: Đây là một loại thuốc ngủ mạnh có thể giúp người bệnh đi vào giấc ngủ, được sử dụng trong thời gian ngắn vì nó gây nhiều tác dụng phụ nhất là tình trạng buồn ngủ vào ngày hôm sau.
-
Thuốc kháng histamin thế hệ 1: Đây là nhóm thuốc chống dị ứng, có thể bán mà không cần kê đơn, thích hợp sử dụng cho người mất ngủ kèm dị ứng.
Mỗi loại thuốc điều trị mất ngủ nêu trên sẽ mang lại hiệu quả và những tác dụng không mong muốn khác nhau. Đặc biệt các thuốc này chủ yếu giúp cải thiện triệu chứng mất ngủ nhưng lại không điều trị tận gốc những nguyên nhân gây mất ngủ. Vì vậy chúng chỉ có hiệu quả tạm thời.
Thuốc ngủ có tác dụng bao lâu?
Thông thường, thuốc ngủ sẽ phát huy tác dụng sau 30 phút đến 2 tiếng kể từ khi bạn bắt đầu uống thuốc.
Thời gian tác dụng của thuốc ngủ là không cố định, nó sẽ phụ thuộc vào cơ địa người dùng, liều lượng và loại thuốc sử dụng. Trung bình, thuốc ngủ sẽ có tác dụng trong vòng từ 6 – 10 tiếng.
Vì vậy khi phải sử dụng thuốc điều trị mất ngủ bạn nên có sự tư vấn kỹ càng của bác sĩ trước khi uống thuốc.
Khi nào nên dùng thuốc ngủ?
Chắc hẳn hầu hết chúng ta đều đã từng mất ngủ ít nhất một lần do nhiều yếu tố khác nhau tác động, tuy nhiên nếu tình trạng này sẽ nhanh chóng biến mất thì không có gì đáng ngại.
Nhưng nếu mất ngủ kéo dài triền miên gây suy giảm sức khỏe, đời sống, công việc… khi đó bạn nên chủ động đến gặp bác sĩ để thăm khám và xác định nguyên nhân gây mất ngủ về đêm.
Các trường hợp cần sử dụng thuốc ngủ để cải thiện chất lượng giấc ngủ được bác sĩ chỉ định bao gồm:
-
Người mất ngủ do các vấn đề về thần kinh như rối loạn lo âu, trầm cảm, kích động…
-
Người bị mất ngủ do căng thẳng, mệt mỏi dẫn đến mất ngủ kéo dài, ngủ không sâu giấc dễ bị đánh thức bởi những tác động nhỏ.
-
Người bị rối loạn đồng hồ sinh học, thời gian thức – ngủ thay đổi thất thường
-
Người bị mất ngủ kéo dài không rõ nguyên nhân, gây mệt mỏi, uể oải, đau nhức cơ thể.
Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc ngủ
Các tác dụng phụ của các thuốc ngủ thường gặp có thể bao gồm: ngứa ran ở lòng bàn tay, cánh tay, bàn chân, cẳng chân, khó giữ thăng bằng, chóng mặt, buồn ngủ vào ban ngày, khô miệng. Ngoài ra, người bệnh còn cảm thấy thay đổi cảm giác ăn uống như thèm ăn hoặc chán ăn, ợ nóng, ợ hơi, táo bón hoặc tiêu chảy, đau dạ dày, đau đầu, suy nhược, tinh thần chậm chạp vào ngày hôm sau, có những giấc mơ bất thường, …
Đặc biệt, thuốc ngủ có thể cản trở việc thở bình thường và có thể gây nguy hiểm ở những người mắc một số vấn đề về phổi mãn tính như hen suyễn, khí phế thũng hoặc các dạng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
Parasomnias là một tác dụng phụ phức tạp của thuốc ngủ
Một số loại thuốc ngủ có tác dụng phụ phức tạp hơn, có thể gây ra những rối loạn xảy ra trong giấc ngủ gọi là Parasomnias. Mặc dù hiếm gặp, nhưng Parasomnias vô cùng nguy hiểm vì khi tỉnh dậy người bệnh không thể nhớ được chuyện đã xảy ra nên rất khó phát hiện. Cụ thể hơn, Parasomnias là những hiện tượng bất thường xảy ra bất chợt trong khi ngủ, là những cử động, hành vi không thể kiểm soát như mộng du và có thể bao gồm ăn uống, gọi điện thoại hoặc quan hệ tình dục trong trạng thái ngủ. Trong đó, việc lái xe trong khi tình trạng không hoàn toàn tỉnh táo là một tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc ngủ ảnh hưởng tới sự an toàn và tính mạng của người bệnh.
Trong quá trình điều trị, việc nhận biết được các tác dụng phụ của thuốc ngủ là rất quan trọng. Nếu nhận thấy người bệnh có những biểu hiện liên quan tới Parasomnias, hãy trao đổi với bác sĩ ngay để có hướng điều trị hợp lý.
Dị ứng có thể là một tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc ngủ
Dị ứng là một trong những tác dụng phụ của thuốc ngủ có thể xảy ra. Nếu bạn có tiền sử dị ứng với bất kỳ loại thuốc ngủ nào, hãy nói chuyện với bác sĩ để được lựa chọn loại thuốc phù hợp. Dưới đây là những dấu hiệu đầu tiên của việc dị ứng với thuốc ngủ:
- Gặp vấn đề về tầm nhìn như mờ mắt
- Đau ngực, khó thở hoặc khó nuốt
- Tim đập mạnh
- Nôn hoặc buồn nôn
- Khản tiếng, hụt hơi
- Ngứa, phát ban
- Sưng mắt, mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng
Ngoài ra, một phản ứng dị ứng cấp tính rất nghiêm trọng của thuốc ngủ có thể gây tử vong đó là sốc phản vệ. Một tác dụng phụ khác của thuốc ngủ là phản ứng dị ứng dẫn tới phù mạch và làm sưng mặt nghiêm trọng. Nếu gặp phải phản ứng dị ứng nghiêm trọng, hãy đưa bệnh nhân tới bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Những tác hại khi lạm dụng thuốc ngủ
Thuốc ngủ không chỉ gây ra các tác dụng phụ như đã nêu, mà khi làm dụng thuốc ngủ trong thời gian dài, người bệnh có thể gặp nhiều vấn đề nan giải hơn:
-
Nhờn thuốc (hay lờn thuốc): Bởi vì thuốc chữa mất ngủ thuộc nhóm thuốc an thần có tác động đến não. Khi lạm dụng thường xuyên có thể gây hại cho hệ thần kinh và gây nhờn thuốc. Ban đầu có thể bạn chỉ cần uống 1 viên thuốc là có thể đi vào giấc ngủ, nhưng dùng càng lâu bạn càng phải uống nhiều thuốc hơn mới có tác dụng.
-
Nghiện thuốc: Đây được coi là một tác dụng phụ của thuốc ngủ khiến nhiều người e ngại nhất. Tự ý sử dụng thuốc ngủ trong thời gian dài sẽ khiến người dùng không thể từ bỏ việc uống thuốc ngủ hàng ngày. Nếu giảm liều hoặc đổi thuốc sẽ sinh ra các dấu hiệu như tim đập nhanh, lo âu, thèm thuốc, nảy sinh suy nghĩ tự tử…
-
Rối loạn chức năng não bộ: Dù tác dụng của thuốc ngủ sẽ biến mất sau 8-10 tiếng, nhưng tình trạng buồn ngủ vẫn có thể kéo dài nếu bạn dùng thuốc liều cao. Đồng thời dùng thuốc ngủ liều cao có thể gây rối loạn chức năng não bộ, gây suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ ở người già…
-
Ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, tim mạch: Uống thuốc ngủ không chỉ ức chế hệ thần kinh mà nó còn có thể cản trở chức năng hô hấp, tim mạch gây ra các vấn đề cho người mắc bệnh mãn tính như hen suyễn, COPD…
Sử dụng thuốc ngủ như thế nào mới đúng?
Thuốc ngủ chỉ nên được sử dụng khi các phương pháp chữa mất ngủ tự nhiên không mang lại hiệu quả như yoga chữa mất ngủ, thiền hoặc sử dụng các bài thuốc dân gian chữa mất ngủ…
Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn sử dụng thuốc ngủ đúng cách và an toàn:
-
Khám bác sĩ: Bạn nên đi khám trước khi sử dụng và một vài tuần sau khi sử dụng thuốc ngủ để bác sĩ có thể đưa ra những lời khuyên hữu ích nhất.
-
Đọc hướng dẫn sử dụng thuốc: Đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng thuốc để biết rõ thời gian, cách dùng và tác dụng phụ của thuốc ngủ để biện pháp đề phòng.
-
Chỉ uống thuốc trước khi chuẩn bị đi ngủ: Thuốc ngủ có thể làm giảm khả năng nhận thức, tăng nguy cơ rơi vào các tình huống nguy hiểm, vì thế chỉ uống thuốc ngủ vào buổi tối khi đã hoàn tất mọi công việc.
-
Thông báo với bác sĩ về các tác dụng phụ mà bạn đang gặp phải để nhận được lời khuyên hữu ích nhất.
-
Không uống rượu trong thời gian uống thuốc: Không bao giờ được uống rượu chung với thuốc ngủ vì rượu sẽ làm tăng tác dụng của thuốc an thần, dẫn đến các tác dụng của thuốc ngủ trở nên nghiêm trọng hơn.
-
Chỉ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ: Hầu hết các toa thuốc ngủ chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn, khi hết thuốc bạn nên đi khám lại để bác sĩ theo dõi được tình hình và điều chỉnh thuốc phù hợp.
-
Tránh ngưng thuốc đột ngột: Một số loại thuốc ngủ phải giảm liều dần rồi mới dừng hẳn. Vì vậy bạn cần làm theo các hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ hoặc hướng dẫn trên nhãn để dùng thuốc đúng cách.
Trước khi tìm đến các loại thuốc chữa mất ngủ tây y, bạn có thể tìm hiểu các phương pháp chữa mất ngủ tự nhiên không cần dùng thuốc ví dụ như những thực phẩm giúp dễ ngủ, thảo dược chữa mất ngủ, thiền, yoga…
Trên đây là các thông tin cần biết về tác dụng phụ của thuốc ngủ, từ đó giúp bạn cân nhắc giữa lợi ích và tác hại trước khi quyết định có nên uống thuốc chữa mất ngủ hay không.
Cập nhật lúc: 4:04 PM , 26/04/2023