Nướu răng là bộ phận quan trọng có chức năng bảo vệ răng và các cấu trúc xung quanh răng. Chính vi khuẩn và mảng bám là nguyên nhân gây tổn thương cho nướu và dẫn đến các bệnh lý về răng miệng. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nướu răng là gì và những vấn đề liên quan bạn nên biết.
Nướu răng là gì?
Nướu răng hay lợi chính là một phần của niêm mạc miệng, bao gồm các niêm mạc mô nằm ở hàm trên và hàm dưới bên trong miệng. Nướu bao bọc quanh răng và quanh xương ổ răng. Đồng thời ôm sát cổ răng và trải dài từ cổ răng đến đáy hành lang miệng (hay lằn tiếp hợp niêm mạc di động).
Khác những mô mềm bao quanh phần má và môi, đa phần các mô nướu đều liên kết chặt chẽ, dính chặt với khung xương bên dưới. Điều này giúp răng chống lại lực ma sát của thức ăn đi qua. Chính vì thế, nướu khỏe mạnh cũng đóng góp trong việc cải thiện, ngăn ngừa các bệnh lý về răng miệng.
Đặc điểm của nướu răng khỏe mạnh thường có màu hồng san hô (đối với những người da sáng) hoặc sẫm màu hơn với sắc tố melanin (đối với những người có làn da sẫm màu) và có hình dạng cong giống hình vỏ sò xung quanh mỗi nướu răng. Việc vệ sinh nướu với những người có hàm răng khấp khểnh hoặc tại vị trí răng khôn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Cấu tạo của nướu răng
Cấu tạo của nướu răng được chia làm hai phần gồm nướu rời và nướu dính:
Nướu rời (nướu tự do)
Được gọi là nướu rời hay nướu tự do vì có thể dùng cây thăm dò tách nướu ra khỏi mặt răng. Nướu rời là phần nướu viền bao quanh cổ răng, tuy nhiên chúng không dính vào răng và được giới hạn với nướu dính bởi rãnh nhỏ gọi là rãnh nướu rời. Phần nướu rời có chiều rộng khoảng 1mm, đóng vai trò làm thành vách mềm của khe nướu.
Khe nướu là rãnh nhỏ hẹp có hình chữ V, có chiều sâu bình thường từ 0 – 3,5mm , nơi tiếp xúc giữa nướu rời và mặt răng. Do biểu mô khe nướu mỏng và không được sừng hóa nên đây chính là điểm xuất phát cho vi khuẩn dễ xâm nhập gây ra viêm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong khe nướu vẫn thường xuyên tiết ra một chất dịch để sát trùng và rửa sạch khe nướu.
Nướu kẽ răng (gai nướu) chính là phần nướu giữa hai răng và có hình tháp. Trong trường hợp gai nướu quá to hoặc không có gai tạo hốc trong kẽ răng, thức ăn dễ bị đọng lại tại vị trí này. Từ đó, tạo điều kiện cho các vi khuẩn có hại phát triển và gây ra các bệnh về răng miệng như viêm nha chu.
Nướu dính
Là phần kế tiếp với nướu rời và có chiều rộng từ 0,5 – 6mm. Nướu dính trải dài đến niêm mạc di động hay còn gọi là lằn tiếp hợp nướu. Đồng thời áp vào răng, không di động được, bám chặt vào xi măng và xương ổ răng. Đặc biệt, cấu tạo và vị trí của nướu dính sẽ không bị thay đổi bởi sức nhai.
Còn chiều cao của nướu dính thay đổi từ 1 – 9mm, có khuynh hướng tăng theo tuổi. Vùng răng cửa, nướu dính có chiều cao lớn nhất và giảm dần ở vùng răng nanh, các răng sau, ngắn nhất ở vùng răng cối nhỏ.
Tìm hiểu:
- Răng cửa: Đặc điểm, vai trò và cách chăm sóc hiệu quả bạn nên biết
Các chức năng của nướu
Nướu răng là bộ phận cấu thành mô nha chu, có nhiệm vụ nâng đỡ răng và giúp răng đứng vững trên cung hàm:
- Nướu răng bám dính và giữ ổn định vị trí cho các răng trong mỏm xương ổ răng.
- Có vai trò liên kết các răng riêng lẻ trên một hàm thành cung răng liên tục.
- Nhờ biểu bì mô, nướu răng giúp duy trì sự liên tục của niêm mạc miệng.
- Tạo phòng tuyến ngoại vi hạn chế vi khuẩn xâm nhập gây bệnh.
Chính vì vậy, khi nướu bị tổn thương thì các răng cũng không thể đứng vững được nữa.
Các bệnh thường gặp ở nướu và cách điều trị
Dưới đây là các bệnh lý thường gặp ở nướu răng:
Viêm nướu
Hay còn gọi là viêm lợi, là bệnh lý phổ biến thường gặp ở nướu răng. Do mảng bám, vi khuẩn tích tụ xung quanh nướu, theo thời gian dẫn đến tình trạng viêm nướu. Ngoài ra viêm nướu còn do một số nguyên nhân khác, cụ thể:
- Hút thuốc lá.
- Do thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ mang thai và sau sinh.
- Một số trẻ ở độ tuổi dậy thì.
- Người bị HIV hay mắc các bệnh như đái tháo đường, ung thư,… có hệ miễn dịch yếu.
- Do tác dụng phụ của một số thuốc làm giảm tiết nước bọt, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Các triệu chứng của bệnh viêm nướu bao gồm:
- Dấu hiệu đầu tiên là nướu bị đổi sang màu đỏ thẫm hoặc tím thẫm.
- Sưng to hơn bình thường, mềm gây khó chịu.
- Dễ bị chảy máu khi đánh răng hay dùng chỉ nha khoa.
- Hơi thở có xuất hiện mùi hôi.
- Cảm giác hơi đau khi nhai.
Đối với trường hợp bị viêm nướu giai đoạn đầu, bạn có thể điều trị tại nhà bằng cách chăm sóc răng miệng thường xuyên, kỹ lưỡng. Đánh răng kết hợp với chỉ nha khoa, tăm nước để vệ sinh răng miệng, loại bỏ mảng bám hiệu quả và sử dụng nước súc miệng sát khuẩn.
Đối với tình trạng viêm nướu nặng hơn, bạn nên đến gặp bác sĩ để điều trị kịp thời, vì để lâu có thể dẫn đến viêm nha chu, chân răng bị lung lay.
Tụt nướu
Hay còn gọi là teo cơ nướu, viền nướu hay phần rìa nướu bao quanh răng bị mòn đi hoặc bị kéo lùi lại. Khi nướu bị teo lại sẽ tạo khoảng trống giữa răng và đường viền nướu tạo điều kiện cho vi khuẩn tích tụ dẫn đến một số bệnh lý khác như viêm lợi, viêm nha chu.
Tụt nướu là tình trạng phổ biến, nhưng hầu hết mọi người lại không nhận biết được và lầm tưởng sang các bệnh khác. Dấu hiệu của tụt nướu có thể là:
- Mỗi khi đánh răng dễ bị chảy máu chân răng.
- Nướu bị thu hẹp, tụt về phía chóp răng dẫn đến lộ chân răng.
- Răng bị ê buốt, nhức khi ăn uống do men răng đã bị ăn mòn.
Tụt nướu cũng có thể dẫn đến nhiều rủi ro và tăng nguy cơ mất răng. Với trường hợp bệnh ở mức độ nhẹ, bạn nên chăm sóc răng đúng cách, đánh răng thường xuyên kết hợp sử dụng chỉ nha khoa và nước súc miệng. Ngoài ra, bạn nên đến gặp bác sĩ nha khoa để vệ sinh răng miệng.
Áp xe nướu răng
Là tình trạng xuất hiện túi mủ ở nướu và các cấu trúc xung quanh răng. Áp xe nướu răng gây đau nhức và có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng. Do đó bạn nên đến gặp bác sĩ ngay nếu có những dấu hiệu sau:
- Sốt nhẹ, chóng mặt, nóng bừng hoặc lạnh, đổ mồ hôi.
- Vùng áp xe có hiện tượng sưng đỏ.
- Răng nhạy cảm với đồ ăn quá nóng hoặc lạnh.
- Túi áp xe bị vỡ có mùi hôi.
- Đau nhức vùng bị áp xe.
Trong quá trình chờ điều trị, bạn có thể sử dụng thuốc kháng sinh, giảm đau, hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ, đồng thời chăm sóc răng miệng kỹ lưỡng, đúng cách kết hợp súc miệng bằng nước muối để sát khuẩn.
Việc răng bị nhiễm trùng có thể cứu được không còn tùy thuộc vào mức độ bệnh. Trường hợp răng bị tổn thương quá nặng, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ và tư vấn các phương pháp phục hình, thay thế răng mất phù hợp với bạn.
Viêm nha chu
Là tình trạng nhiễm trùng nướu răng nghiêm trọng, làm tổn thương các mô mềm. Chính vì bị viêm nướu thời gian dài không được chữa trị kịp thời nên dẫn đến bệnh viêm nha chu.
Bệnh tiến triển qua bốn giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1: Hình thành vôi răng, cao răng do vệ sinh không sạch sẽ, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển từ những mảng bám tích tụ ở răng dẫn đến viêm lợi.
- Giai đoạn 2: Lợi bị sưng phồng, chảy máu đặc biệt là khi nhai hay đánh răng.
- Giai đoạn 3: Những ổ vi khuẩn có chứa mủ ở nướu, do viêm lợi lâu ngày dẫn đến viêm nha chu.
- Giai đoạn 4: Bệnh gây phá hủy xương của ổ răng, dẫn đến tụt lợi, răng bị lung lay và dễ gây mất răng.
Triệu chứng của viêm nha chu:
- Vôi răng đóng thành mảng ở răng.
- Nướu bị sưng đỏ.
- Chảy máu khi nhai thức ăn hay đánh răng.
- Vùng nướu bị sưng xuất hiện mủ, ấn vào có thể thấy mủ chảy ra.
- Kẽ răng dần trở nên thưa hơn, thậm chí là bị xô lệch do chân răng yếu.
- Hơi thở có mùi hôi.
Khi phát hiện các dấu hiệu viêm nha chu, bạn nên đến gặp bác sĩ nha khoa sớm nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời. Tùy vào mức độ bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, có thể là không phẫu thuật nếu mức độ nhẹ hoặc phải phẫu thuật nếu ở mức độ nặng.
Đối với trường hợp không cần phẫu thuật, bác sĩ sẽ bôi thuốc chống viêm, sát khuẩn ở vùng nướu bị sưng và lấy vôi răng. Tiếp đến là cố định các răng lung lay nếu có hoặc nhổ những răng không thể giữ được nữa.
Còn đối với trường hợp phải phẫu thuật được áp dụng khi đã thực hiện các phương pháp điều trị khác nhưng không hiệu quả. Điều trị phẫu thuật gồm các kỹ thuật như: Phẫu thuật bỏ túi nha chu, phẫu thuật tái tạo và phẫu thuật ghép mô mềm.
Ngoài ra, người bệnh nên thăm khám định kỳ theo dõi để kịp thời phát hiện bệnh, phòng trường hợp bệnh tái phát hay tiến triển xấu hơn.
Cách chăm sóc và bảo vệ nướu răng khỏe mạnh
Như bạn đã biết, nướu răng chính là hàng rào để bảo vệ răng. Khi nướu bị viêm có thể gây ảnh hưởng xấu đến xương răng và dẫn đến các bệnh lý về răng miệng. Do đó, để phòng ngừa và bảo vệ nướu răng được khỏe mạnh bạn cần chú ý đến cách chăm sóc răng miệng, cụ thể:
- Đánh răng thường xuyên, đúng cách với bàn chải lông mềm và kem đánh răng phù hợp. Đặc biệt là sau bữa ăn để hạn chế thức ăn tích tụ tạo thành vôi răng.
- Nên thay bàn chải mới sau 3 tháng sử dụng hoặc khi lông bàn chải bị sờn.
- Sử dụng bàn chải đánh răng đôi khi chưa loại bỏ sạch được mảng bám, vì thế bạn nên kết hợp với chỉ nha khoa và máy tăm nước để làm sạch răng.
- Không nên hút thuốc lá vì đây là một trong những nguyên nhân gây các bệnh lý về răng miệng và khiến răng bị xỉn màu.
- Làm sạch lưỡi bằng các đồ dùng chuyên dụng để loại bỏ vi khuẩn gây hôi miệng.
- Lấy vôi răng và kiểm tra răng định kỳ 6 tháng/lần, ngoài ra nếu thấy có những dấu hiệu của bệnh bạn cần đến gặp bác sĩ nha khoa sớm để được điều trị kịp thời, tránh tình trạng phải nhổ bỏ răng.
- Ăn uống khoa học để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Bài viết cung cấp những thông tin về nướu răng là gì và những vấn đề liên quan. Hy vọng có thể giúp bạn hiểu rõ được tầm quan trọng của nướu đối với sức khỏe hàm răng. Đồng thời nhận biết được các dấu hiệu về bệnh lý răng miệng để từ đó có hướng chữa trị kịp thời và đúng cách.
Cập nhật lúc: 8:02 AM , 14/03/2023Đọc ngay:
- [Giải đáp ngay] Răng khểnh là gì? Có nên niềng răng khểnh không?