Niềng răng mắc cài mặt trong là thuật ngữ nha khoa đang ngày càng trở nên phổ biến. Đây được cho là phương pháp niềng răng mang lại hiệu quả và có tính thẩm mỹ cao. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin chi tiết về ưu nhược điểm, chi phí và những lưu ý khi thực hiện phương pháp chỉnh nha này.
Niềng răng mắc cài mặt trong là gì?
Niềng răng mắc cài mặt trong là một biện pháp chỉnh nha mới trong nha khoa. Giống như phương pháp niềng răng kim loại truyền thống, niềng răng mặt trong cũng sử dụng mắc cài và dây cung. Tuy nhiên, mắc cài sẽ được gắn ở mặt trong của bề mặt răng, bác sĩ cũng sẽ tiến hành thực hiện kéo và điều chỉnh lực từ bên trong.
Ưu điểm có thể nhận thấy rõ nhất của biện pháp này là không ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ, vì người khác sẽ khó có thể nhận ra là bạn đang niềng răng. Tuy nhiên, đây cũng là một phương pháp có thể mang lại cả rủi ro lẫn nhiều phiền toái.
Trả lời cho câu hỏi khi nào thực hiện niềng răng mắc cài mặt trong, các bác sĩ nha khoa cho rằng có bốn trường hợp phù hợp với phương pháp chỉnh nha này:
- Răng bị móm, vẩu, hô.
- Răng bị thưa, khoảng cách giữa các răng xa nhau
- Răng mọc chen chúc, không thẳng hàng hoặc số lượng răng mọc ra nhiều hơn bình thường.
- Sai khớp cắn, khớp cắn không đúng có thể là do khớp cắn ngập (không thấy hàm răng dưới), khớp cắn ngược (không thấy hàm răng trên) hoặc khớp cắn chéo. Tình trạng này kéo dài sẽ gây khó khăn trong việc ăn uống, và khiến cho răng dễ bị sâu, dễ bị mài mòn và mắc các bệnh về răng miệng.
Với tất cả các trường hợp trên, niềng răng mặt trong sẽ giúp bạn có một hàm răng đều đẹp hơn. Đồng thời đảm bảo chức năng nhai và thuận tiện trong việc vệ sinh răng miệng.
Ưu và nhược điểm của phương pháp niềng răng mặt trong
Niềng răng mặt trong là phương pháp chỉnh nha được nhiều người lựa chọn hiện nay bởi những ưu điểm vượt trội mà nó mang lại.
Ưu điểm
Ưu điểm cần phải kể đến đầu tiên đó chính là đảm bảo tính thẩm mỹ. Do toàn bộ mắc cài nằm bên trong của hàm răng, người niềng răng cũng sẽ cảm thấy tự tin hơn. Đặc biệt là với những ai thường xuyên phải giao tiếp, gặp gỡ nhiều người hoặc làm các công việc liên quan đến hình ảnh như người mẫu, diễn viên, biên tập viên sẽ rất phù hợp.
Thông thường, trong thời gian niềng răng bạn sẽ phải đối mặt với một số vấn đề như răng bị sâu, xuất hiện đốm trắng. Tuy nhiên, nếu niềng răng bằng mắc cài mặt trong, bề mặt răng bên ngoài sẽ được giữ nguyên vẹn, đảm bảo được tính bảo tồn cho răng.
Ngoài ra phương pháp này cũng ít gây tổn thương khi tháo niềng. Bởi so với việc tháo mắc cài mặt ngoài, quá trình tháo mắc cài mặt trong sẽ ít phải tác động đến phần nướu và bề mặt răng. Đồng thời, khi niềng mặt trong việc làm sạch bề mặt ngoài của răng cũng dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Nhược điểm
Cũng giống như các phương pháp chỉnh nha thông thường, ban đầu khi gắn mắc cài mặt trong sẽ gây đau nhức và vướng víu khi ăn uống cho người niềng răng. Tình trạng này là do lưỡi chạm vào mắc cài gây khó chịu. Do đó, bạn cần phải có thời gian để có thể làm quen và ăn uống bình thường trở lại.
Ngoài ra, niềng răng mặt trong cũng sẽ gây ra một số bất tiện khi nói chuyện và phát âm của bạn sẽ không được tròn chữ. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ được cải thiện dần sau khoảng 1 đến 4 tuần.
Một nhược điểm khác của mắc cài mặt trong đó là rất khó để vệ sinh mắc cài sau khi ăn uống bởi khá khó để nhìn thấy bên trong răng. Điều này khiến nhiều trường hợp mắc bệnh răng miệng và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả niềng.
Xem thêm: Niềng răng nên ăn gì, kiêng gì? Xem ngay gợi ý của chuyên gia
Quy trình thực hiện niềng răng mắc cài mặt trong
Hiện nay niềng răng mặt trong thường được thực hiện với quy trình 4 bước nghiêm ngặt. Các bước thực hiện phải đảm bảo tính an toàn và đảm bảo cao nhất.
Bước 1: Khám tổng quát, tư vấn điều trị
Bác sĩ sẽ tiến hành khám tổng quát, chụp phim cần thiết để có những thông tin dữ liệu về tình trạng răng của bệnh nhân. Từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Bước 2: Lấy mẫu răng và thiết kế mắc cài
Sau khi đã trao đổi cụ thể và thống nhất về phương pháp điều trị với bệnh nhân, bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu hàm răng thạch cao để thiết kế mắc cài. Vì đây là biện pháp niềng mặt trong của răng, nên mắc cài cũng sẽ được thiết kế riêng cho từng bệnh nhân.
Bước 3: Gắn mắc cài bằng kim loại lên mặt sau của răng
Trong bước này gồm nhiều công đoạn nhỏ sẽ được thực hiện để đảm bảo tính chính xác tối đa. Công đoạn đầu tiên chính là đánh bóng nhẹ bề mặt răng. Sau đó, bác sĩ sử dụng banh kéo hai má sang bên để làm khô và bôi keo nha khoa lên bề mặt răng, giúp mắc cài được giữ chắc trên răng.
Tiếp theo bác sĩ tiến hành gắn mắc cài lên răng, keo sẽ được làm khô bằng cách chiếu ánh sáng quang trùng hợp. Cuối cùng là đặt dây cung lên rãnh mắc cài và sử dụng dây thu chuyên dụng để cố định mắc cài.
Trong quá trình niềng răng, bạn cần đến phòng khám định kỳ từ tháng từ 1 – 2 lần để thay dây cung, thun và tăng lực siết. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng sẽ giúp bạn vệ sinh và cạo vôi răng định kỳ để đảm bảo răng miệng của bạn vẫn khỏe mạnh.
Bước 4: Tháo niềng
Sau khi quá trình niềng kết thúc, các bác sĩ sẽ thực hiện tháo niềng răng và đeo hàm duy trì. Tuy nhiên, bạn vẫn cần đi khám định kỳ để kiểm tra độ ổn định của răng.
Niềng răng mắc cài mặt trong hết bao nhiêu tiền?
Chi phí là vấn đề được nhiều người quan tâm nhất khi tiến hành chỉnh nha niềng răng mắc cài mặt trong. Nắm rõ chi phí niềng răng sẽ giúp bạn chuẩn bị tài chính tốt nhất trước khi thực hiện.
Hiện nay niềng răng mắc cài mặt trong có giá khoảng từ 60 – 110 triệu đồng, tùy thuộc vào tình trạng răng của bệnh nhân. Mức giá này so với các phương pháp niềng răng mắc cài kim loại là cao hơn rất nhiều.
Ngoài ra chỉ ở những cơ sở nha khoa có đội ngũ bác sĩ giỏi và đầy đủ trang bị máy móc mới đủ điều kiện thực hiện phương pháp chỉnh nha mắc cài thế hệ mới này. Do vậy, bạn nên cân nhắc điều kiện kinh tế của mình trước khi thực hiện.
Sở dĩ chi phí niềng răng mặt trong khá cao là do phương pháp này yêu cầu kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi bác sĩ thực hiện cũng cần phải có trình độ chuyên môn. Cùng với đó là thiết bị chỉnh nha hiện đại để có thể hỗ trợ quá trình điều trị diễn ra an toàn và đúng lộ trình.
Hiện nay trên thế giới, niềng răng mắc cài mặt lưỡi và niềng răng trong suốt invisalign là hai phương pháp chỉnh nha được đánh giá cao về mặt thẩm mỹ và hiệu quả. Niềng răng mặt trong cũng sử dụng mắc cài, dây cung tương tự như mắc cài kim loại truyền thống. Tuy nhiên, phương pháp này mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả tốt hơn so với niềng răng truyền thống.
Một số vấn đề cần biết khi thực hiện niềng răng mắc cài mặt trong
Để đem lại kết quả niềng răng như mong muốn, khi niềng răng mắc cài kim loại mặt trong bạn cần lưu ý một số điều như sau:
- Trẻ em chưa thay hết răng sữa không được thực hiện liệu pháp này
- Có thể thực hiện niềng răng mặt trong cho cả hàm trên và hàm dưới.
- Trong quá trình niềng, đầu lưỡi sẽ có cảm giác ê buốt khi nói khiến cho âm phát ra không rõ, thậm chí là dẫn tới nói ngọng. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ diễn ra trong một vài tuần đầu do bạn cần thời gian để từ từ làm quen. Khi gắn mắc cài, các nhân viên y tế đã tính toán thật kỹ để việc gắn mắc cài không ảnh hưởng quá nhiều đến sinh hoạt và giúp quá trình thích nghi diễn ra nhanh hơn.
- Khi mới gắn mắc cài sẽ xảy ra tình trạng răng bị ê buốt nhẹ, đau khó chịu và thậm chí lưỡi bị rách chảy máu. Đây là việc hoàn toàn bình thường gần như ai cũng gặp phải khi mới gắn mắc cài, sau khoảng 2 – 4 tuần bạn sẽ dần thích nghi và tình trạng đau nhức cũng giảm bớt.
Kinh nghiệm chăm sóc và vệ sinh răng miệng sau khi niềng răng
Khi lựa chọn phương pháp niềng răng mắc cài mặt trong, việc làm sạch răng miệng ương đối khó khăn. Để giải quyết những bất cập này, bạn chỉ cần thực hiện các thao tác vệ sinh răng tỉ mỉ hơn và sử dụng đúng các sản phẩm chuyên dụng.
Mỗi ngày đánh răng 2 – 3 lần và tiến hành chải răng nhẹ nhàng trong vòng từ 3 – 5 phút để loại bỏ hoàn toàn thức ăn thừa và mảng bám trên mắc cài. Ngoài ra, bạn cũng thể sử dụng nước súc miệng hoặc chỉ nha khoa để hỗ trợ làm sạch các kẽ răng.
Dưới đây là một số mẹo giúp bạn chăm sóc vệ sinh răng miệng đúng cách và làm quen nhanh hơn với việc niềng răng:
- Súc miệng bằng nước muối để làm sạch miệng và giảm cảm giác khó chịu
- Tập dần cách ăn không đẩy lưỡi về đằng trước.
- Tập nói to, rõ ràng và chậm rãi.
- Trong những ngày đầu hoặc sau khi chỉnh nha định kỳ, bạn nên ăn thực phẩm mềm và đã được cắt nhỏ.
- Thường xuyên đến phòng khám để kiểm tra sức khỏe răng miệng, tuân theo các chỉ dẫn mà bác sĩ đưa ra.
Trên đây là những chia sẻ về ưu nhược điểm, giá niềng mắc cài mặt trong cũng như những lời khuyên khi thực hiện phương pháp này. Hy vọng những thông tin vừa rồi đã giúp ích cho bạn khi tìm hiểu về vấn đề này cũng như quyết định xem có thực hiện biện pháp này hay không.
Cập nhật lúc: 6:14 AM , 14/03/2023Hữu ích cho bạn: