Răng sữa có vai trò quan trọng trong những năm tháng đầu đời của trẻ, giúp bé nhai nghiền thức ăn để dễ tiêu hóa và tạo điều kiện phát triển cho xương hàm. Vậy trường hợp răng bé mọc không đúng vị trí thì nên xử lý như thế nào? Có nên nhổ răng sữa mọc lệch cho bé hay không? Bài viết dưới đây sẽ đưa ra những thông tin bổ ích nhằm giải đáp vấn đề này.
Nguyên nhân khiến răng của bé mọc lệch
Răng trẻ em bị mọc lệch thường xảy ra trong giai đoạn thay răng, điều này thường bắt nguồn từ các nguyên nhân sau đây:
- Di truyền từ người thân trong gia đình: Người thân trong gia đình từng bị mọc lệch răng, răng thừa, mất răng, răng lớn, cung hàm quá rộng hoặc quá nhỏ,… thì trẻ có nguy cơ cao bị di truyền. Trường hợp sai khớp cắn là do xương hàm thì có thể có sự hiện diện của yếu tố di truyền nhưng nếu chỉ là những lệch lạc của răng thuần túy thì thường do ảnh hưởng của môi trường.
- Thói quen của trẻ: Những chiếc răng mọc không thẳng hàng có thể bắt nguồn từ các thói quen xấu của trẻ như mút ngón tay cái, đẩy lưỡi, nghiến răng. Thói quen nằm sấp 1 bên trong thời gian dài cũng dễ khiến mầm răng mọc lệch.
- Các chấn thương vùng mặt: Trẻ nhỏ thường hay bị ngã, những va chạm mạnh có thể làm răng bị xô lệch hoặc gây biến dạng xương hàm. Có vài trường hợp hy hữu xảy ra khi trẻ chịu các chấn thương từ lúc còn là bào thai trong bụng mẹ. Hay trong quá trình sinh nở, mẹ bị khó sinh phải sử dụng kềm forcep ở phần đầu trẻ sơ sinh cũng có thể gây ra tổn thương khớp thái dương hàm.
- Cung hàm hẹp: Khung hàm quá nhỏ sẽ khiến cho các răng không đủ chỗ mọc, bị thiếu không gian phát triển khiến răng mọc chen chúc không đều.
- Chăm sóc răng miệng sai cách: Đôi khi, việc không thăm khám răng miệng thường xuyên có thể khiến bé gặp phải một số bệnh về nướu hoặc sâu răng. Khi trẻ không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến răng xô lệch và các bệnh lý về răng khác.
- Thiếu chất dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng kém có thể dẫn đến phát triển răng miệng kém ở trẻ. Đây là tiền đề tiềm ẩn của răng mọc lệch lạc, không đúng vị trí.
Có nên nhổ răng sữa mọc lệch cho trẻ hay không?
Việc nhổ răng sữa mọc lệch cho bé không ảnh hưởng gì đến cấu trúc xương hàm như nhiều người vẫn truyền tai nhau.
Vậy có nên nhổ răng sữa mọc lệch cho trẻ hay không? Câu trả lời là nên nhổ răng sữa mọc lệch cho trẻ. Việc này tạo điều kiện tốt nhất cho răng vĩnh viễn mọc thẳng hàng, đều đặn. Thời điểm lý tưởng nhất để nhổ răng sữa mọc lệch cho trẻ là khi răng vĩnh viễn đã trồi lên nhưng răng sữa mọc lệch vẫn chưa rụng hoặc chiếc răng sữa đã lung lay mạnh.
Tuy nhiên, có vài trường hợp đặc biệt cần nhổ răng sữa mọc lệch cho trẻ càng sớm càng tốt mặc dù răng chưa có dấu hiệu lung lay như:
- Răng sữa mọc lệch ngầm, gây viêm sưng, đau nhức cho trẻ.
- Răng sữa mọc lệch có các mô vùng chân răng bị viêm nhiễm, có thể gây ra viêm tủy răng.
- Răng sữa mọc lệch bị sún răng nặng, ăn sâu vào nướu.
Nhổ răng sữa cho bé trong trường hợp răng mọc lệch đúng thời điểm là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe răng miệng về lâu dài của trẻ. Vậy nên, cha mẹ cần quan tâm đến quá trình thay răng của con để có phương pháp xử lý răng mọc lệch kịp thời.
Bác sĩ chuyên khoa tư vấn thêm cho bạn:
Nhổ răng mọc lệch cho trẻ có đau không?
Nhổ răng mọc lệch có đau không là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm, tìm hiểu hiện nay. Việc tác động vào răng sẽ không tránh khỏi cảm giác đau và chảy máu. Tuy nhiên với bác sĩ có tay nghề cao cùng thiết bị nha khoa hiện đại, chiếc răng sữa sẽ nhanh chóng được đưa ra khỏi nướu một cách an toàn.
Cùng với đó, khi răng sữa đã đến thời điểm rụng thì chân răng đã gần như rời ra toàn bộ, thế nên việc nhổ bỏ những chiếc răng này sẽ hạn chế cảm giác đau nhức cho trẻ. Ngược lại, với những răng sữa bị sâu bệnh cần nhổ trước thời hạn sẽ gây đau nhức hơn bởi chân răng vẫn còn cứng chắc.
Đối với những trường hợp nhổ răng sữa bị bệnh cần phải đưa con đến nha khoa để bác sĩ trực tiếp nhổ răng nhằm hạn chế tổn thương lợi và đau nhức cho con. Tuyệt đối cha mẹ không tự ý nhổ răng sữa cho bé mọc lệch tại nhà nếu chiếc răng đó không phải là rụng tự nhiên. Tốt nhất, phụ huynh nên đưa con đến gặp nha sĩ thăm khám trực tiếp để xác định chính xác thời điểm nào nhổ răng sữa mọc lệch là hợp lý nhất.
Cách ngăn ngừa và khắc phục sớm tình trạng răng sữa bị mọc lệch.
Phụ huynh không cần quá lo lắng nhưng không có nghĩa là lơ là tình trạng răng sữa bị mọc lệch ở trẻ. Để ngăn ngừa tình trạng này, hãy tập cho bé thói quen đánh răng đúng cách ít nhất 2 lần 1 ngày sau bữa ăn, hạn chế cho trẻ ăn đêm, ăn bánh kẹo ngọt và nên tăng cường bổ sung thực phẩm và sữa có chứa các loại vitamin và canxi giúp răng bé chắc khỏe hơn.
Đến gặp bác sĩ nha khoa thăm khám thường xuyên
Sự quan tâm của phụ huynh đến tình trạng sức khỏe răng miệng của con ngay từ khi còn nhỏ là vô cùng quan trọng. Hãy cho bé đi thăm khám nha sĩ thường xuyên khoảng 6 tháng/lần từ lúc bắt đầu mọc răng sữa nhằm kiểm soát tốt tình trạng phát triển của răng miệng. Điều này giúp hỗ trợ phát hiện sớm các vấn đề bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm lợi, mầm răng lệch lạc… nhằm đưa ra phương án giải quyết kịp thời, tránh ảnh hưởng tới sự phát triển khớp cắn sau này của trẻ.
Sửa thói quen xấu
Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ thường có một số thói quen tưởng như vô hại nhưng về lâu dài sẽ tác động xấu tới sự phát triển của răng và hàm. Cụ thể:
- Ngậm núm ti giả và núm vú nhân tạo trong thời gian dài.
- Mút ngón tay, cắn móng tay, cắn bút…
- Thói quen dùng lưỡi chơi đùa với răng, đẩy lưỡi khi nuốt, nói.
- Ăn nhai lệch về một bên má.
- Nằm sấp, úp mặt nghiêng về một bên lâu ngày.
Những thói quen này lâu dài sẽ khiến cơ hàm biến đổi khiến răng không mọc thẳng, ví dụ như núm vú giả có thể làm dịu em bé và thậm chí cung cấp lợi ích cho sự phát triển trí não của trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, khi được hai tuổi cần cai núm cho bé để hạn chế tình trạng răng và hàm biến đổi.
Cách tốt nhất để xác định thói quen xấu và sửa chúng một cách hiệu quả là kết hợp với sự tư vấn của các bác sĩ nha khoa tại Hà Nội. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề các nha sĩ sẽ giúp trẻ thay đổi dần thói quen, nắm bắt được tâm lý và biết cách động viên để trẻ thay đổi.
Theo dõi quá trình mọc và phát triển răng của trẻ
Trong những giai đoạn tăng trưởng ban đầu răng trẻ mọc lên lệch khá nhiều và lộn xộn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp khi các răng khác mọc lên đủ hoàn toàn thì răng sẽ tự điều chỉnh và đẩy các răng lệch về vị trí phù hợp. Vì vậy, sau khi răng vĩnh viễn của con mới thay bị lệch hàng thì các bậc cha mẹ không cần quá hoảng sợ. Hãy bình tĩnh đưa con đến thăm khám nha khoa để các nha sĩ cung cấp thông tin chính xác về quá trình này cũng như phương pháp điều trị cần thiết.
Điều trị chỉnh nha ngay khi trẻ nguy cơ ảnh hưởng khớp cắn
Đối với những trẻ có dấu hiệu, nguy cơ ảnh hưởng tới khớp cắn hoặc cần nhiều khoảng rộng để các răng đủ chỗ mọc thẳng hàng, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị sớm nhằm khắc phục khớp cắn của trẻ dễ dàng hơn và ít tốn kém hơn. Nha sĩ sẽ bắt đầu điều trị từ những vấn đề nhỏ, thay vì chờ chúng trở thành vấn đề lớn hơn.
Cùng với đó, việc điều chỉnh nha sẽ chia thành 02 giai đoạn sau đây:
Giai đoạn 1 (giai đoạn tiền chỉnh nha)
Thông thường, can thiệp chỉnh răng cho bé trong độ tuổi từ 6 – 12 tuổi được gọi là tiền chỉnh nha. Giai đoạn này sử dụng kỹ thuật nắn chỉnh hướng và vị trí của răng, đồng thời tác động kìm hãm hoặc kích thích sự phát triển của xương hàm sao cho phù hợp, nhằm đem đến cho bé hàm răng đều, đẹp và chuẩn khớp cắn.
Điều trị đầu tiên sẽ bắt đầu sớm, khi trẻ vẫn còn nhiều hoặc hầu hết răng sữa. Nha sĩ có thể sử dụng niềng răng mắc cài cố định hoặc cho trẻ đeo 1 khí cụ chỉnh nha tháo lắp trong giai đoạn này.
Giai đoạn 2 (giai đoạn chỉnh nha)
Giai đoạn điều trị này xảy ra khi trẻ đã có hầu hết hoặc toàn bộ răng vĩnh viễn. Nha sĩ sẽ sử dụng một số khí cụ chuyên dụng phù hợp lứa tuổi để hạn chế các thói quen xấu, giúp việc điều trị chỉnh nha dễ dàng và nhanh chóng. Chẳng hạn, khí cụ nong hàm hỗ trợ tạo không gian cho răng mọc đúng vị trí hoặc khí cụ chặn lưỡi làm giảm chuyển động lưỡi, ngăn chặn việc mút ngón tay cái khiến răng bị vẹo.
Đồng thời, các khí cụ cố định như mắc cài gần như chắc chắn được sử dụng để chỉnh sửa răng xô lệch và chỉnh sai khớp cắn. Điều quan trọng là bé cần chăm sóc răng miệng đúng cách và tuân thủ quy trình niềng răng, bởi khi giữ gìn tốt thì thời gian chỉnh nha sẽ được rút ngắn.
Cách chăm sóc sau khi nhổ răng sữa mọc lệch
Theo lời khuyên của chuyên gia, sau khi nhổ răng sữa mọc lệch phụ huynh cần chú ý một số vấn đề như sau nhằm đảm bảo hiệu quả cũng như giữ an toàn răng miệng cho bé:
- Sau khi nhổ răng, hãy cho bé cắn một miếng bông hoặc gạc vô trùng ngay để cầm máu trong vòng 30 phút. Thay miếng bông mới nếu răng bé vẫn rỉ máu hoặc bỏ miếng gạc đi nếu máu ngừng.
- Cho bé uống thuốc giảm đau răng, chống viêm theo kê toa của bác sĩ. Đồng thời phụ huynh cũng nên áp túi chườm đá vào bên má nhổ răng để giúp bé giảm sưng.
- Phụ huynh cho bé súc miệng nhẹ nhàng với nước súc miệng diệt khuẩn chuyên dụng để vệ sinh răng miệng, loại bỏ máu ứ đọng.
- Tuyệt đối không cho bé súc miệng bằng nước muối sau khi nhổ răng, bởi nước muối làm máu khó đông, tính sát khuẩn của muối có thể làm chết hoặc rửa trôi tế bào mới hình thành.
- Giữ môi trường miệng của trẻ sạch sẽ sau nhổ răng. Người lớn cần theo dõi và nhắc nhở trẻ không chọc ngoáy hay nhai trên vùng răng vừa nhổ, việc này sẽ gây đau, chảy máu hoặc nguy hiểm hơn là nhiễm trùng.
- Hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm nhiều đường, quá nóng, quá lạnh… mà nên cho bé ăn nhiều rau và các thực phẩm mềm, lỏng.
- Nghiêm túc tuân thủ theo lời dặn của nha sĩ sau quá trình nhổ răng để giúp bé mau lành lặn, hồi phục chức năng ăn nhai.
Lưu ý đặc biệt là không nên tự ý nhổ răng mọc lệch cho trẻ tại nhà bằng chỉ hoặc bằng tay. Nếu răng chưa lung lay cần đưa trẻ đến các nha khoa có uy tín để đưa ra hướng giải quyết thích hợp nhất.
Bài viết trên đã giải đáp vấn đề có nên nhổ răng sữa mọc lệch cho bé hay không cũng như cung cấp những thông tin hữu ích trong quá trình thay răng sữa của trẻ. Hy vọng bậc phụ huynh có thêm thông tin để chăm sóc sức khỏe răng miệng của con luôn khỏe mạnh và đều đẹp.
Cập nhật lúc: 10:01 AM , 17/03/2023