Công dụng thuốc Esomeprazole là gì? Thành phần và lưu ý sử dụng

Esomeprazole là một loại thuốc được sử dụng rộng rãi để điều trị các vấn đề liên quan đến dạ dày và dạ dày-tiêu hóa. Với công dụng trong việc giảm sản xuất axit dạ dày, Esomeprazole thường được chỉ định cho các bệnh nhân mắc các vấn đề như loét dạ dày, viêm thực quản, hoặc trào ngược dạ dày. Hãy cùng khám phá chi tiết về thành phần và lưu ý sử dụng của loại thuốc này để hiểu rõ hơn về cách nó hoạt động và cách sử dụng an toàn.

Thuốc Esomeprazole là gì?

Esomeprazole là hoạt chất thuộc nhóm ức chế bơm proton (PPI), được sử dụng để giảm các cơn đau dạ dày trong trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng, nhiễm khuẩn HP,…

Biệt dược đầu tiên của Esomeprazole là Nexium, được sản xuất bởi hãng dược phẩm nổi tiếng AstraZeneca (Thụy Điển). Hiện nay, thuốc được nhiều đơn vị sản xuất dưới dạng đơn chất với những tên biệt dược khác nhau.

Esomeprazole không ổn định trong môi trường acid thường được bào chế dưới dạng viên bao tan trong ruột. Một số dạng thuốc và hàm lượng phổ biến của Esomeprazole lưu hành trên thị trường:

  • Viên bao tan trong ruột (dạng muối magie): 20mg, 40mg.
  • Viên nang chứa các hạt bao tan trong ruột (dạng muối magie): 20mg, 40mg
  • Cốm pha hỗn dịch uống (dạng muối magie): 10mg/gói
  • Bột đông khô (dạng muối natri) pha tiêm: lọ 40mg/5ml hoặc 40mg/10ml.

Công dụng của thuốc esomeprazole

Khi đi vào cơ thể, esomeprazole hấp thu nhanh chóng vào máu (khả năng hấp thu lên khoảng 70 – 90% so với tiêm tĩnh mạch). Thuốc gắn chặt vào protein huyết tương (97%), sau đó được đưa tới dạ dày để phát huy tác dụng.

Esomeprazole sẽ gắn trực tiếp với enzyme H+/K+ ATPase (còn gọi là bơm proton) ở tế bào thành dạ dày. Từ đó, khiến hệ thống enzyme này bị bất hoạt, ngăn cản sự tiết acid vào lòng dạ dày.

Chính vì vậy, thuốc Esomeprazole ức chế tiết acid ở dạ dày do mọi nguyên nhân, thuốc có tác dụng mạnh, kéo dài.

Sau khi phát huy tác dụng, thuốc sẽ được chuyển hóa chủ yếu ở gan về dạng không còn hoạt tính và đào thải nhanh chóng ra ngoài.

Trong trường hợp bị nhiễm vi khuẩn Hp, Esomeprazole cũng như nhiều thuốc ức chế bơm proton khác sẽ được sử dụng kết hợp với các kháng sinh (amoxicillin, clarithromycin, levofloxacin,…) để ức chế tiêu diệt vi khuẩn này.

Hiệu quả khi sử dụng thuốc Esomeprazole

Có rất nhiều nghiên cứu được thực hiện trên thế giới về hiệu quả của thuốc Esomeprazole so với các thuốc điều trị khác và cho thấy kết quả:

Tỷ lệ tái phát

Khi điều trị bằng Esomeprazole, tỷ lệ tái phát trong vòng 6 tháng thấp hơn so với các thuốc khác.

Khả năng ức chế tiết acid

  • Duy trì pH dạ dày ở mức 4,0 của Esomeprazole cao hơn so với các PPI khác.
  • Vào ban đêm, tỷ lệ thời gian duy trì pH>4 trong dạ dày của esomeprazole là 85,4%, trong khi của pantoprazol chỉ 63,6%
  • Sự tăng đột ngột acid về đêm (độ pH trong dạ dày < 4 trong ít nhất 1 giờ liên tục tính từ 10h tối đến 6h sáng) xuất hiện ở 26,7% người dùng esomeprazole và 73,3% người dùng pantoprazole.

Chữa trào ngược dạ dày thực quản ăn mòn

  • Esomeprazole 40mg đạt tỷ lệ chữa lành chứng trào ngược dạ dày thực quản ăn mòn tốt hơn so với các thuốc cùng nhóm (PPI) tại liều điều trị tối ưu sau 4-8 tuần sử dụng.
  • Esomeprazole có tác dụng giảm các triệu chứng ợ nóng tốt hơn các thuốc điều trị khác.

Thuốc Esomeprazole chỉ định khi nào?

  • Điều trị trào ngược dạ dày thực quản
  • Phòng và điều trị viêm loét dạ dày tá tràng do dùng thuốc chống viêm không steroids (NSAIDs), stress kéo dài, nhiễm khuẩn Helicobacter pylori,…
  • Điều trị hội chứng Zollinger–Ellison.
  • Phối hợp với các thuốc kháng sinh trong phác đồ điều trị vi khuẩn Helicobacter pylori.
  • Dự phòng và điều trị xuất huyết do loét dạ dày tá tràng nặng, hoặc sau khi điều trị bằng nội soi (dự phòng xuất huyết tái phát).

Hướng dẫn dùng thuốc Esomeprazole

Cách dùng

  • Dạng viên bao tan trong ruột: Dùng đường uống, uống ít nhất 1h trước bữa ăn, nên nuốt nguyên viên với nước, không được nhai hay nghiền nát.
  • Dạng thuốc tiêm truyền: Tiêm tĩnh mạch chậm hoặc truyền tĩnh mạch trong khoảng 10-30 phút.

Liều dùng

Liều dùng áp dụng đối với người lớn:

  • Viêm loét dạ dày – tá tràng có Helicobacter pylori: Uống: 20mg x 2 lần/ngày x 7 ngày hoặc 40mg x 1 lần/ngày x 10 ngày
  • (Phối hợp dùng thêm các thuốc kháng sinh khác theo phác đồ)
  • Trào ngược dạ dày – thực quản nặng có viêm thực quản: Uống 20-40mg/lần x 4 – 8 tuần
  • (Có thể uống thêm 4 – 8 tuần nữa nếu vẫn còn triệu chứng hoặc biểu hiện của viêm qua nội soi)
  • Điều trị duy trì sau khi đã khỏi viêm thực quản: Uống 20mg/ngày, có thể kéo dài tới 6 tháng.
  • Dự phòng loét dạ dày ở những người có nguy cơ cao nhưng có yêu cầu phải tiếp tục điều trị bằng thuốc NSAIDs: Uống 20mg/ngày.
  • Trào ngược dạ dày – thực quản có triệu chứng nhưng không bị viêm thực quản: Uống 20mg/ngày x 4 tuần,
  • (Có thể uống thêm 4 tuần nữa nếu các triệu chứng chưa khỏi hoàn toàn.)
  • Hội chứng Zollinger – Ellison: Tuỳ theo cá thể và mức độ tăng tiết acid của dịch dạ dày, liều dùng mỗi ngày cao hơn trong các trường hợp khác, dùng một lần hoặc chia làm 2 lần trong ngày. Khi triệu chứng đã kiểm soát được, có thể dùng phẫu thuật để cắt u. Nếu không cắt bỏ u được hoàn toàn, phải dùng thuốc lâu dài.
  • Esomeprazole tiêm (dưới dạng muối natri): Liều dùng tương tự liều uống, có thể tiêm tĩnh mạch chậm ít nhất trong 3 phút hoặc truyền tĩnh mạch trong 10 – 30 phút

Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản nặng: 40 mg/ngày.

Bệnh trào ngược không có viêm thực quản: 20mg/ngày.

Ngừng dùng đường tiêm, truyền khi người bệnh có thể uống được.

Lưu ý:

  • Người suy gan nặng không dùng quá 20mg/ngày.
  • Không cần phải giảm liều ở người suy gan nhẹ và trung bình, người suy thận hoặc người cao tuổi.
  • Không dùng thuốc cho trẻ em.

Bảo quản

Bảo quản ở nhiệt độ 25°C (nhiệt độ cho phép từ 15 – 30°C), đựng trong lọ kín.

Chống chỉ định Esomeprazole

Không sử dụng Esomeprazole trong các trường hợp quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc hay các thuốc ức chế bơm proton khác.

Chi phí điều trị bằng thuốc Esomeprazole

Chi phí khi sử dụng thuốc phụ thuộc vào loại biệt dược lựa chọn và thời gian điều trị:

  • Thuốc Nexium: 25.000 VNĐ/1 viên
  • Các thuốc Esomeprazole khác: Khoảng 2500-3000 VNĐ/viên

Giá thuốc thay đổi linh hoạt vào cửa hàng, thuốc thuộc các hãng sản xuất khác nhau.

Những tác dụng phụ của thuốc có thể gặp phải

  • Esomeprazole ức chế bài tiết acid nên sẽ làm tăng pH dạ dày. Từ đó, ảnh hưởng đến khả năng hấp thu của các thuốc phụ thuộc pH như ketoconazol, muối sắt, digoxin.
  • Sử dụng đồng thời esomeprazole, clarithromycin và amoxicilin trong phác đồ điều trị Hp làm tăng nồng độ esomeprazol và 14-hydroxyclarithromycin trong máu.
  • Sử dụng đồng thời esomeprazole và diazepam có thể làm giảm 45% độ thanh thải của diazepam và khiến nồng độ của thuốc tăng cao trong máu.
  • Dùng đồng thời esomeprazole với cilostazol làm tăng nồng độ cilostazol và chất chuyển hóa có hoạt tính của nó, xem xét giảm liều cilostazol.
  • Rifampicin có thể làm giảm nồng độ esomeprazole nên tránh sử dụng đồng thời 2 thuốc này.
  • Khi sử dụng esomeprazole với các thuốc lợi tiểu thiazide hoặc lợi tiểu quai có thể tăng nguy cơ hạ magnesi huyết.
  • Sử dụng thuốc ức chế bơm proton có thể làm giảm nồng độ trong huyết tương của chất chuyển hóa có hoạt tính của clopidogrel, giảm tác dụng kháng tiểu cầu.
  • Không nên sử dụng đồng thời thuốc PPI với atazanavir vì có thể làm giảm sự hấp thu atazanavir và giảm nồng độ của thuốc này trong huyết tương.
  • Sucralfate có thể ức chế hấp thu và làm giảm sinh khả dụng của thuốc ức chế bơm proton, nên cần sử dụng các PPI trước ít nhất 30 phút trước khi dùng sucralfate.

Lưu ý trong quá trình sử dụng esomeprazole

Thận trọng khi sử dụng

  • Trước khi sử dụng esomeprazole, người bệnh cần được loại trừ khả năng mắc ung thư dạ dày bởi các triệu chứng để chẩn đoán ung thư có thể bị che lấp sau khi sử dụng thuốc.
  • Cần thận trọng khi sử dụng thuốc cho người bị bệnh gan, người mang thai hoặc cho con bú.
  • Việc sử dụng Esomeprazole kéo dài có thể gây viêm teo dạ dày, cần thận trọng khi sử dụng.
  • Thận trọng khi sử dụng cho người dưới 18 tuổi vì chưa được kiểm chứng về độ an toàn và hiệu quả.
  • Không sử dụng thuốc cho trẻ em.
  • Esomeprazole có khả năng gây ra các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng ở trẻ bú mẹ, vì vậy cần cân nhắc giữa việc ngừng cho bú hoặc ngừng thuốc tùy thuộc vào tình trạng của mẹ.
  • Cẩn trọng khi sử dụng cho người cao tuổi vì có thể tăng nguy cơ gãy xương hoặc tiêu chảy.
  • Esomeprazole ít khi ảnh hưởng đến người lái xe hay vận hành máy móc, nhưng nếu xuất hiện tình trạng chóng mặt hoặc mờ mắt khi dùng thuốc thì người bệnh không nên lái xe hay vận hành máy móc trong thời gian điều trị.
  • Do esomeprazole có tương tác phức tạp với nhiều thuốc điều trị khác nhau nên trong quá trình thăm khám, bạn cần liệt kê các vấn đề sức khỏe mà bản thân đang gặp phải cũng như những thuốc điều trị đang sử dụng để bác sĩ có thể kê đơn điều trị phù hợp.

Chuyện gì xảy ra khi sử dụng quá liều

Hiện nay, chưa có báo cáo ghi nhận về trường hợp sử dụng quá liều esomeprazole ở người.

Một nghiên cứu trên chuột cống với liều dùng 510mg/kg (gấp 103 lần liều dùng trên người theo diện tích bề mặt cơ thể) đã gây chết ở chuột.

Triệu chứng ngộ độc cấp tính: Giảm vận động, thay đổi tần số hô hấp, run, mất điều hòa vận động, co giật từng cơn.

Hoạt chất cùng nhóm với esomeprazole là omeprazole có ghi nhận báo cáo về hiện tượng quá liều ở mức 2400mg (gấp 120 lần so với liều dùng thông thường) với các triệu chứng như: lẫn lộn, buồn ngủ, nhìn kém, buồn nôn, toát mồ hôi, khô miệng, tim đập nhanh.

Hiện nay không có thuốc giải đặc hiệu khi bị quá liều esomeprazole. Các biện pháp sẽ tập trung vào điều trị triệu chứng và các biện pháp hỗ trợ. Phương pháp thẩm tách máu không có tác dụng vì thuốc gắn chặt vào các protein huyết tương.

Câu hỏi thường gặp

So với các thuốc cùng nhóm, esomeprazole được đánh giá là thuốc có tính an toàn và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng thuốc vẫn cần hết sức lưu ý bởi có thể xuất hiện những phản ứng không mong muốn trong thời gian sử dụng.

Càng sử dụng trong thời gian dài thì nguy cơ xuất hiện các tác dụng không mong muốn càng gia tăng và gây hại cho cơ thể. Hơn nữa, đây là thuốc kê đơn, do vậy, chỉ sử dụng khi có chỉ định từ bác sĩ.

Những tác dụng phụ nào xuất hiện khi dùng thuốc esomeprazole?

Thường gặp: Đau đầu, chóng mặt, phát ban ngoài da, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, táo bón.

Ít gặp: Mệt mỏi, mất ngủ, buồn ngủ, ngứa ngáy, rối loạn thị giác.

Hiếm gặp:

  • Sốt đổ mồ hôi, phù mạch ngoại biên, mẫn cảm với ánh sáng, phản ứng quá mẫn (nổi mề đay, co thắt khí phế quản, sốc phản vệ,...)
  • Kích động, trầm cảm, lú lẫn có hồi phục, ảo giác,...
  • Có hiện tượng giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt.
  • Tăng enzym gan, viêm gan, vàng da, suy giảm chức năng gan
  • Rối loạn vị giác.
  • Đau cơ, đau khớp.
  • Viêm thận kẽ.
  • Xuất hiện ban bọng nước, hội chứng Stevens - Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc, viêm da

Do tác dụng tăng pH dạ dày nên esomeprazole có thể làm tăng nguy cơ nhiễm độc đường tiêu hóa.

Người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc và liên hệ ngay với bác sĩ điều trị hoặc đưa tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu khi gặp phải bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào sau đây:

  • Chóng mặt, tim đập nhanh hoặc không đều.
  • Cơ co giật, cảm giác bồn chồn không yên
  • Tiêu chảy phân nước hoặc có máu.
  • Yếu cơ, đau cơ hoặc giảm trương lực cơ.
  • Động kinh, co giật.
  • Xuất hiện tình trạng nổi mề đay, phù mạch, sốc phản vệ,..

Khi quên sử dụng esomeprazole bạn nên uống thuốc càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu thời điểm đó quá gần với liều kế tiếp, bạn có thể bỏ qua và sử dụng liều kế tiếp như bình thường. Lưu ý, không sử dụng gấp đôi liều dùng bình thường vì quên thuốc.

Xác định rõ nguyên nhân chính gây ra tình trạng đau dạ dày: là do chế độ ăn không hợp lý, stress kéo dài, nhiễm khuẩn Hp, ăn nhiều đồ chua cay, do dùng thuốc... để tập trung loại bỏ nguyên nhân (thay đổi chế độ dinh dưỡng, điều trị vi khuẩn Hp, giảm sử dụng thuốc,...)

  • Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, đúng thời gian, đủ liều. Tránh tình trạng lúc đau thì dùng, lúc không đau lại thôi hay đang dùng thấy đỡ rồi là bỏ thuốc giữa chừng.
  • Duy trì chế độ ăn uống hợp lý:
    • Hạn chế đồ ăn kích thích, quá chua, quá cay hay quá nóng.
    • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng
    • Không uống rượu, hút thuốc lá
    • Ăn uống từ tốn, nhai kỹ
    • Ăn đúng giờ, đúng bữa, lượng thức ăn vừa phải, ăn trước khi đi ngủ ít nhất 4h.
    • Không ăn quá no một lúc hay nhịn đói quá lâu.
  • Nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức, căng thẳng, lo âu kéo dài.

Esomeprazole là một trong những chỉ định đầu tay của bác sĩ khi điều trị các bệnh viêm loét dạ dày tá tràng hay trào ngược dạ dày thực quản. Hiểu rõ về loại thuốc này sẽ giúp bạn dùng thuốc an toàn, hiệu quả hơn, mau chóng thoát khỏi cơn đau dạ dày đang hành hạ.

Cập nhật lúc: 9:51 AM , 02/03/2024

Tin liên quan

Bị đau dạ dày nên uống gì giảm đau nhanh chóng nhất

Khi ăn hoặc uống thì thức ăn sẽ đi qua dạ dày trước khi tiêu hóa thức ăn ở ruột. Vì thế khi uống gì sẽ rất quan trọng khiến...

Thuốc sulpiride có công dụng gì? Cách sử dụng trị đau dạ dày

Thuốc sulpiride là một loại thuốc được sử dụng trong điều trị một số tình trạng tâm thần như loạn thần kinh và hội chứng tăng prolactin. Tuy nhiên, ngoài...

Cách dùng thuốc đau dạ dày chữ Y và lưu ý sử dụng

Những người đang bị đau dạ dày chắc không còn quá xa lạ gì với thuốc đau dạ dày chữ Y nữa. Thuốc chữ Y là thuốc đặc trị bệnh...

Top 15 thuốc dạ dày được người bệnh tin dùng hiện nay

10 Thuốc Chữa Trị Đau Dạ Dày Hiệu Quả Tốt Nhất Hiện Nay

Đau dạ dày uống thuốc gì là câu hỏi được nhiều người đặt ra. Hiểu được điều này, bài viết hôm nay sẽ thông tin đến quý vị một số...

16 cách chữa đau dạ dày không dùng thuốc tại nhà

Cách Chữa Đau Dạ Dày Tại Nhà Không Dùng Thuốc Hiệu Quả

Đau dạ dày là tình trạng mà không ít người gặp phải và càng để lâu bệnh càng trở nặng và nguy hiểm tới sức khỏe. Một vài mẹo chữa...

Đau dạ dày là căn bệnh phổ biến nhất là ở trẻ em, phụ nữ mnag thai hoặc người có thói quen xấu trong sinh hoạt

Bệnh Đau Dạ Dày: Triệu Chứng, Nguyên Nhân Và Phòng Ngừa

Đau dạ dày là bệnh lý phổ biến, ai cũng có thể gặp phải. Bệnh có thể hình thành nhiều biến chứng nguy hiểm. Việc phát hiện qua các triệu...

Suốt 4 năm, chú Vương Trí Thuận luôn mệt mỏi, thức trắng vì chịu đựng những cơn đau vùng thượng vị, trào ngược, ợ hơi, ợ chua,… Từ khi biết đến giải pháp Y học cổ truyền hiệu quả chú đã đẩy lùi được bệnh trào ngược và viêm dạ dày HP chỉ sau 2 tháng.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *