Phác Đồ Điều Trị Viêm Họng Hiệu Quả Nhất

Viêm họng điển hình với những cơn đau ở cổ họng, có kèm ho, mặc dù không nguy hiểm tới tính mạng nhưng nếu không được điều trị triệt để có thể gây ra những phiền toái cho cuộc sống. Xây dựng phác đồ điều trị viêm họng là một bước quan trọng được thực hiện sau khi có kết quả chẩn đoán bệnh. Tùy theo mức độ viêm họng ở giai đoạn nào và các triệu chứng gặp phải mà mỗi bệnh nhân sẽ có một phác đồ điều trị phù hợp.

Viêm họng là bệnh gì?

Viêm họng là tình trạng viêm tại tổ chức niêm mạc và dưới niêm mạc ở họng. Viêm họng cấp tính là viêm cấp tính ở niêm mạc vùng mũi – họng – miệng thường kèm theo viêm amidan khẩu cái, viêm xoang, viêm mũi một số ít trường hợp kết hợp với viêm amidan đáy miệng. Vì thường xuyên có sự kết hợp này nên viêm họng cấp còn được gọi là viêm họng – amidan cấp. Bệnh cũng có thể xuất hiện đồng thời với các bệnh nhiễm khuẩn lây qua đường hô hấp như cảm cúm, sởi.

Bệnh gặp phải ở cả người lớn và trẻ em, trong đó chủ yếu là trẻ em do sức đề kháng kém hơn, thường xuất hiện vào mùa thu – đông khi thời tiết thay đổi. Bệnh thường khởi phát bằng nhiễm virus. Sự kết hợp giữa độc tố của virus, sức đề kháng của cơ thể, cùng các vi khuẩn hội sinh có sẵn ở vòm họng (liên cầu khuẩn, phế cầu) gây ra tình trạng bội nhiễm.

Viêm họng lây lan qua dịch tiết ra ở vùng mũi, họng, miệng như nước bọt, giọt bắn qua giao tiếp, chảy nước mũi.

Chẩn đoán bệnh viêm họng 

Tìm dấu hiệu bệnh qua thăm khám

Bệnh nhân viêm họng cấp có biểu hiện sốt, nhiệt độ từ 38 – 39 độ C, có lúc cao 40 độ C thường gặp ở trẻ nhỏ, ớn lạnh nhức đầu, mệt mỏi, kém ăn, đau mỏi toàn thân, khó làm việc. Hạch góc hàm nổi lên, có di động và sờ thấy đau.

Họng có đau nhiều, nhất là khi nuốt, kể cả chỉ nuốt chất lỏng. Khi bệnh nhân nuốt, ho hoặc nói chuyện đôi lúc có cảm giác đau nhói lên tai. Người bệnh có ho từng cơn, lúc đầu ho khan sau đó ho có đờm, thường có ngạt mũi, chảy mũi nước, lúc đầu trong nhầy, sau đục. Tiếng nói bị mất dần hoặc có khan nhẹ gây khó khăn khi giao tiếp.

Quan sát vòm họng thấy niêm mạc họng đỏ, có xuất tiết. Tổ chức bạch huyết ở thành sau của họng đỏ lên, có mao mạch nổi rõ. Hai amidan khẩu cái sưng to lên, có khi có những chấm mủ trắng hoặc lớp bựa trắng phủ trên bề mặt amiđan. Niêm mạc mũi sung huyết, xuất tiết chất nhầy. Hạch góc hàm sưng nhẹ, đau khi ấn vào.

Xét nghiệm chẩn đoán viêm họng cấp tính

Triệu chứng bệnh của viêm họng cấp đặc trưng, dễ quan sát nên thường không cần đến xét nghiệm cũng có thể chẩn đoán chính xác bệnh. Tuy nhiên, với các trường hợp bệnh chuyển biến nặng thì xét nghiệm lại đóng vai trò quan trọng trong việc xác định chính xác nguyên nhân và mức độ nặng của bệnh.

  • Xét nghiệm công thức máu: Giai đoạn đầu bạch cầu trong máu không tăng, nhưng đến giai đoạn bội nhiễm thì bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao.
  • Phết dịch họng nuôi cấy vi khuẩn: Xét nghiệm này dùng để xác định loại vi khuẩn gây bệnh. Từ đó, điều trị dựa vào kháng sinh đồ để đạt hiệu quả cao hơn.

Bệnh được chẩn đoán xác định dựa trên các biểu hiện lâm sàng sau:

  • Đột ngột biểu hiện sốt, đau mỏi toàn thân
  • Đau rát họng, có thể có ho khan hoặc ho có đờm
  • Niêm mạc họng đỏ, amidan sưng nề có chấm mủ trắng
  • Khám hạch góc hàm di động, ấn đau

Phác đồ điều trị viêm họng hiệu quả

Mọi trường hợp viêm họng đỏ cấp đơn thuần ở bệnh nhân trên 3 tuổi đều phải được điều trị như một viêm họng đỏ cấp do liên cầu khi không có xét nghiệm định loại virus hoặc vi khuẩn.

  • Dùng kháng sinh nhóm beta lactam hoặc các nhóm khác.
  • Điều trị triệu chứng: giảm viêm, giảm đau, hạ sốt.
  • Điều trị tại chỗ: bôi họng, xúc họng, khí dung họng.

Thuốc chống viêm 

Nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm hiện tượng viêm đỏ, sưng đau, phù nề, xung huyết tại niêm mạc họng. Hiện nay có 3 nhóm thuốc chống viêm chính được dùng trong điều trị viêm họng là:

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Thường dùng Ibuprofen, Diclophenac, Aspirin… Cơ chế tác dụng của nhóm thuốc này là ức chế sinh tổng hợp Prostaglandin – một chất trung gian hóa học gây viêm và ngăn chặn thần kinh cảm nhận tín hiệu đau. Ngoài tác dụng chống viêm, các thuốc thuộc nhóm này còn có tác dụng hạ sốt, giảm đau.

Chú ý:

  • Không phối hợp các thuốc kháng viêm không Steroid với nhau vì có thể gây quá liều, làm tăng tác dụng phụ
  • Không sử dụng Aspirin cho trẻ dưới 18 tuổi vì có thể gây hội chứng Reye – một hội chứng não gan hiếm gặp nhưng có tỷ lệ tử vong cao.

Thuốc chống viêm Steroid – Corticosteroid

Thường dùng Prednisolon, Methylprednisolon, Dexamethason, Betamethason… trong điều trị viêm họng nặng. Nhóm thuốc điều trị và cải thiện tình trạng viêm sưng, nóng đỏ ở cổ họng theo cơ chế giảm hoạt động của bạch cầu, giảm sản xuất cytokine, ức chế giãn mạch máu và tăng tính thấm mao mạch tại tổ chức viêm. Từ đó làm ức chế và giảm hoạt tính của các phản ứng viêm.

Nhóm thuốc này mang lại tác dụng chống viêm, giảm đau nhanh, mạnh. Tuy nhiên thuốc chỉ được sử dụng trong các trường hợp viêm nặng và dùng trong thời gian ngắn (1 – 2 tuần). Một số tác dụng phụ có thể gặp trong đợt điều trị ngắn ngày gồm: kích ứng, tăng nguy cơ viêm loét dạ dày, mất ngủ, phát ban…

Tác dụng phụ nguy hiểm dễ xảy ra hơn với những người dùng thuốc trong thời gian dài hoặc dùng ngắn ngày nhưng lặp lại nhiều đợt. Một số tác dụng phụ nguy hiểm người bệnh viêm họng có thể gặp nếu lạm dụng corticoid trong điều trị:

  • Loãng xương
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng
  • Tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim
  • Tăng đường huyết
  • Loét dạ dày, tá tràng
  • Đục thủy tinh thể, Glocom(tăng nhãn áp)
  • Mỏng da, chậm lành vết thương
  • Chậm lớn ở trẻ nhỏ
  • Hội chứng Cushing (khuôn mặt trăng tròn, gù trâu do rối loạn phân bố mỡ)

Nhìn chung, liều Corticoid càng cao, thời gian dùng càng dài, nguy cơ tác dụng càng lớn. Do vậy, người bệnh cần tuân thủ đúng thời gian và liều lượng dùng thuốc theo đơn thuốc điều trị viêm họng của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng, không tái sử dụng đơn thuốc cũ trong các đợt cấp tiếp theo của bệnh.

Thuốc chống viêm giảm phù nề nhóm Enzyme

Còn được gọi là các men chống viêm như Alphachymotrypsin, Serratiopeptidase… Các men này có nguồn gốc từ tự nhiên do một số tuyến của cơ thể người, động vật hoặc vi sinh vật tiết ra. Các men này có đặc tính chống viêm, giảm phù nề, làm tan đờm….

Alphachymotrypsin là men chống viêm thường được dùng nhất, điều chế từ tuyến tụy của bò. Thuốc có tác dụng chống viêm, thúc đẩy sự tiêu tan các chỗ phù viêm do đó làm giảm sự xung huyết tại vị trí niêm mạc họng bị tổn thương.

Thuốc chống viêm dạng men có thể dùng dạng đường uống, tiêm hoặc ngậm. Tuy nhiên, với bệnh viêm họng, các bác sĩ khuyến cáo sử dụng dạng ngâm để tăng hiệu quả điều trị.

Khi sử dụng các men chống viêm, người bệnh cần thận trọng với một số tác dụng phụ như phù giác mạc, tăng nhãn áp, viêm màng bồ đào…

Điều trị viêm họng bằng thuốc Tây – Thuốc giảm đau, hạ sốt

Các thuốc giảm đau, hạ sốt thường dùng là Paracetamol và các thuốc thuộc nhóm chống viêm không chứa Steroid kể trên, phổ biến là Ibuprofen. 

Liều dùng:

  • Paracetamol: 10 – 15mg/kg cân nặng, tối đa không quá 75mg trong 24 giờ
  • Ibuprofen: 200 – 400mg, cách nhau 4 – 6 giờ/lần, tối đa là 1,2g/ ngày. Trẻ em dùng với liều 20 – 30mg/kg thể trọng/ngày, chia làm nhiều liều nhỏ.

Cả Paracetamol và Ibuprofen đều chuyển hóa qua gan và thải trừ qua thận nên cần thận trọng khi dùng cho bệnh nhân có vấn đề tại gan và thận. 

Tác dụng phụ thường gặp của nhóm thuốc này là mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ, phát ban… Đôi khi người bệnh có thể bị rối loạn thị giác, rối loạn đông máu. 

Thuốc súc họng

Mục đích của việc sử dụng nhóm thuốc này là làm sạch đường thở, thay đổi môi trường pH vùng họng để tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh. Để giảm các triệu chứng bệnh viêm họng, các bác sĩ thường sử dụng các dung dịch súc họng có tính kiềm để kiềm hóa pH môi trường họng. Thành phần của các dung dịch súc họng này thường chứa NaCl, NaF, acid boric, xylitol, kẽm sulfat, tinh dầu thơm, menthol…

Người bệnh nên sử dụng thuốc súc họng sau khi đánh răng để có hiệu quả cao và kéo dài hơn. Mỗi ngày thực hiện súc họng từ 1 – 3 lần. Ngoài ra, thuốc súc họng cũng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như phát ban, toát mồ hôi, ngứa họng, phồng rộp môi, mặt đỏ, thậm chí có thể sốc phản vệ và tử vong. Do vậy, người bệnh cần thận trọng khi lựa chọn và sử dụng các thuốc súc họng.

Lưu ý: Các loại thuốc súc họng (trừ nước muối sinh lý) chỉ nên dùng tối đa dưới 10 ngày. Nếu dùng kéo dài thuốc có thể gây mất cân bằng vi sinh tại họng, tăng nguy cơ gây bệnh nấm họng, viêm loét họng, làm nặng hơn tình trạng viêm loét họng.  

Thuốc trị ho

Thuốc giảm ho có tác dụng trung tâm ho như Dextromethorphan, Codein, Pholcodin… với các biệt dược như Neocodion, Atussin, Rhumenol… 

Ho là phản xạ giúp tổng dị vật hoặc đờm ra khỏi đường hô hấp, làm thông thoáng đường thở, giúp dễ thở hơn. Các thuốc nhóm này chỉ nên dùng cho các trường hợp ho khan, ho nhiều gây mệt mỏi, kiệt sức.

Lưu ý:

  • Thuốc chứa codein có thể gây ức chế hô hấp, không dùng cho trẻ em dưới 18 tuổi, người vừa được cắt amidan hoặc nạo VA. 
  • Không dùng thuốc ho cho người suy hô hấp, hen suyễn, trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú.

Điều trị bằng thuốc kháng sinh

Kháng sinh điều trị viêm họng chỉ sử dụng trong các trường hợp viêm do nhiễm trùng hoặc bội nhiễm vi khuẩn sau virus. Thông thường, các kháng sinh hay sử dụng trong điều trị viêm họng gồm: Nhóm Penicillin (amoxicillin, penicillin,..), nhóm Cephalosporin (cephalexin, cefixim…), nhóm Macrolid (erythromycin, clarithromycin, roxithromycin… )

Các kháng sinh này có tác dụng tiêu diệt hoặc ức chế vi khuẩn gây bệnh, từ đó làm giảm các phản ứng viêm tại niêm mạc họng.

Liệu trình điều trị bằng kháng sinh thường kéo dài khoảng 7 ngày. Trường hợp, sau 7 ngày triệu chứng viêm do vi khuẩn không được cải thiện, các bác sĩ có thể cân nhắc tăng liều hoặc đổi thuốc.

Lưu ý:

  • Kháng sinh được lựa chọn theo kết quả kháng sinh đồ hoặc theo kinh nghiệm của bác sĩ
  • Người bệnh không được tự ý mua và sử dụng kháng sinh khi không có y lệnh
  • Người bệnh không dừng sử dụng kháng sinh sau 2 – 3 ngày khi các triệu chứng bệnh thuyên giảm vì có thể gây kháng thuốc.

Thuốc điều trị viêm xoang

Nếu viêm họng do bệnh viêm xoang mãn tính, người bệnh có thể được sử dụng một số thuốc:

  • Thuốc xịt mũi chứa corticoid: Chứa các thành phần như mometasone furoate, fluticasone… có tác dụng giảm nhanh các triệu chứng ngứa, chảy nước mũi, nhức sống mũi. Loại thuốc này hầu như chỉ cho tác dụng tại chỗ, ít hấp thụ toàn thân nên ít gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, nếu dùng kéo dài, thường xuyên, thuốc có thể gây hiện tượng phụ thuộc và nhờn thuốc.  Một số tác dụng phụ kèm theo bao gồm: chảy máu cam, viêm họng, rát mũi và kích ứng mũi…
  • Thuốc khác: Thuốc giảm đau, chống dị ứng… dùng điều trị kết hợp như trên.

Thuốc điều trị trào ngược dạ dày

Trào ngược dạ dày thực quản là một trong những nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây bệnh viêm họng. Nếu viêm họng do hội chứng trào ngược dạ dày, các bác sĩ thường chỉ định một số thuốc điều trị sau:

  • Kháng sinh diệt HP (Helicobacter Pylori): Thường dùng amoxicillin, clarithromycin, metronidazol…dạng đơn độc hoặc kết hợp nhiều kháng sinh.
  • Thuốc ức chế bơm proton: Omeprazole, Lansoprazole, Rabeprazole… làm giảm triệu chứng ợ nóng, trào ngược, khó nuốt và ho kéo dài. Trong đó, Omeprazole là thuốc có tác dụng ức chế tiết acid nhanh và mạnh, nên dùng ít nhất 1 giờ trước khi ăn. Thuốc có thể gây một số tác dụng không mong muốn như tiêu chảy, táo bón, đau đầu, buồn nôn… 
  • Thuốc kháng histamin H2: Gồm cimetidin, ranitidin, nizatidin, famotidin… Nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm hoạt động tiết acid dịch vị dạ dày. Từ đó, cải thiện tình trạng ợ nóng, ợ hơi ở người bệnh trào ngược thực quản – dạ dày và nhanh chóng làm liền những ổ loét trong niêm mạc tá tràng. Một số tác dụng phụ thường thấy của thuốc: đau đầu, mệt mỏi, ban đỏ, chóng mặt, tiêu chảy, tụt huyết áp, giảm tiểu cầu, rối loạn nhịp tim, độc gan…

Những lưu ý khi điều trị viêm họng 

Trong quá trình điều trị viêm họng bằng thuốc Tây, người bệnh cần chú ý những vấn đề sau để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị:

  • Thực hiện nghiêm chỉnh các hướng dẫn về liều lượng và thời gian dùng thuốc ghi trong đơn thuốc của bác sĩ
  • Hạn chế tối đa sử dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích có thể làm nặng hơn tình trạng bệnh
  • Tránh sử dụng các thực phẩm cay nóng, nhiều gia vị, nhiều đường, muối và dầu mỡ
  • Vệ sinh răng miệng, đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày, sau ăn và trước khi đi ngủ
  • Không lạm dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh và corticoid trong điều trị
  • Không tự ý tăng liều thuốc để đẩy nhanh tốc độ điều trị
  • Không tái sử dụng đơn thuốc cũ trong các lần điều trị đợt cấp của viêm họng tiếp theo

Vậy là bài viết trên đã chia sẻ phác đồ điều trị viêm họng hiệu quả nhất. Hy vọng qua những thông tin trên bạn có thể lựa chọn các sản phẩm phù hợp để giảm nhanh bệnh viêm họng.

 

ĐỪNG BỎ QUA

Cập nhật lúc: 6:41 PM , 21/04/2023

Tin liên quan

Viêm Họng Mãn Tính: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

Viêm họng mãn tính là một bệnh lý về hô hấp với các triệu chứng bệnh kéo dài. Tình trạng này có thể gây ra các biến chứng khá nguy...

Viêm Họng Hạt: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách Điều Trị Hiệu Quả

Bệnh viêm họng hạt thực chất là thể chuyển biến phức tạp hơn của bệnh viêm họng, đây là chứng bệnh phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, không ít người...

Top 10 Bác Sĩ Chữa Viêm Họng Giỏi Được Bệnh Nhân Tin Tưởng

Tỉ lệ mắc bệnh viêm họng ngày càng tăng cao, nhất là tình trạng viêm họng kéo dài, viêm họng mủ, viêm họng hạt. Những bệnh này thường khó điều...

Bé Bị Viêm Họng Uống Thuốc Gì Hiệu Quả Và Nhanh Khỏi

Bé bị viêm họng uống thuốc gì để nhanh khỏi mà vẫn đảm bảo an toàn là một vấn đề được các bậc phụ huynh hết sức quan tâm. Hiện...

Viêm họng

Bệnh Viêm Họng: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách Chữa Hiệu Quả

Viêm họng là chứng bệnh dễ gặp nhất ở các đối tượng bệnh nhân trẻ tuổi. Bệnh gây ra các triệu chứng đau rát, khó chịu ở vùng cổ họng...

Viêm Họng Nên Làm Gì Để Nhanh Khỏi: Chuyên Gia Tư Vấn Các Cách Điều Trị Hiệu Quả

Khi bị viêm họng nên làm gì là câu hỏi của nhiều người bệnh. Các phương pháp điều trị hiện nay phổ biến là dùng thuốc tây y, đông y...

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *