Mổ thoát vị đĩa đệm bao lâu thì hồi phục và chăm sóc sau mổ như thế nào là câu hỏi của nhiều bệnh nhân khi được bác sĩ chỉ định mổ thoát vị đĩa đệm. Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời trong bài viết dưới đây
Có nhiều phương pháp mổ thoát vị đĩa đệm khác nhau: Mổ hở; mổ nội soi; mổ vi phẫu; mổ bằng robot… Tùy theo mức độ bệnh lý của bệnh nhân, phương pháp mổ thoát vị đĩa đệm được lựa chọn mà thời gian tiến hành khác nhau.
Thông thường một ca mổ sẽ được thực hiện trong vòng vài giờ đồng hồ. Tình trạng bệnh nhân càng phức tạp, thời gian mổ càng kéo dài. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được giữ lại ở bệnh viện 4 – 5 ngày để theo dõi, đánh giá mức độ phục hồi, dự phòng và xử lý kịp thời những rủi ro có thể xảy ra.
Mổ thoát vị đĩa đệm bao lâu thì hồi phục?
Thời gian hồi phục sau mổ thoát vị đĩa đệm phụ thuốc rất nhiều vào tình trạng vết mổ, thể lực, chế độ dinh dưỡng và chăm sóc hậu phẫu của bệnh nhân. Muốn biết mổ thoát vị đĩa đệm bao lâu thì hồi phục, người bệnh cần nắm rõ quá trình hồi phục sau mổ. Quá trình này được chia thành 2 giai đoạn sau:
Giai đoạn hồi phục ở bệnh viện
Sau khi mổ, bệnh nhân cần tiến hành theo dõi tại bệnh viện một thời gian. Nếu không có vấn đề gì đáng ngại sẽ được chuyển về nhà tự chăm sóc.
- Giai đoạn 24 giờ đầu sau mổ
Đây là thời gian mà cơ thể bệnh nhân sẽ rất yếu. Người bệnh không thể tự thực hiện được các thao tác sinh hoạt hằng ngày như đi lại, ăn uống, vận động… và bắt buộc cần có sự hỗ trợ của bác sĩ và người nhà.
Trong giai đoạn này, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân tiêm truyền hoặc sử dụng một số loại thuốc giảm đau và kháng sinh để đẩy lùi cơn đau và phòng ngừa nhiễm trùng vết mổ. Đây là giai đoạn nhạy cảm, dễ xuất hiện các biến chứng nếu bệnh nhân không được chăm sóc đúng cách.
Một số biến chứng có thể xảy ra như nhiễm trùng, chảy máu sau mổ, vết mổ bị sưng hoặc chảy dịch,… Khi có các dấu hiệu bất thường cần báo ngay với cán bộ y tế để được xử trí kịp thời.
Thời gian này, bệnh nhân cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để cung cấp năng lượng và tăng sức đề kháng cho cơ thể. Bác sĩ có thể truyền đạm hoặc cho bệnh nhân ăn những thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa như sữa, cháo, sinh tố,…
- Giai đoạn 4 – 5 ngày sau mổ
Khoảng thời gian này bệnh nhân vẫn cần ở lại bệnh viện để tiếp tục theo dõi tình trạng vết mổ, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Trong thời gian này vết mổ bắt đầu lành lại, đồng thời sức khỏe bệnh nhân cũng tiến triển tốt hơn, khả năng ăn uống cũng được cải thiện.
Để hạn chế biến chứng và tăng lưu thông máu, chóng liền sẹo, có thể cho người bệnh vận động nhẹ nhàng như trở mình, xoa bóp tại giường bệnh. Bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số hoạt động cơ bản kết hợp với chụp chiếu để đánh giá cụ thể hơn về thể trạng bệnh và mức độ phục hồi. Nếu kết quả chẩn đoán tốt, không có biến chứng gì xảy ra, bệnh nhân có thể về nhà và tiếp tục chăm sóc.
Chế độ chăm sóc, theo dõi ở giai đoạn này rất quan trọng, quyết định tới thời gian hồi phục của vết mổ.
Giai đoạn hồi phục tại nhà
Là một giai đoạn quan trọng không kém, quyết định phần lớn hiệu quả chăm sóc sau mổ. Người bệnh và người nhà phải hết sức chỉn chu, cẩn thận và đảm bảo tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong giai đoạn này.
- Giai đoạn 1 – 2 tháng sau mổ
Theo các chuyên gia, đây là thời gian mà vết mổ sẽ lành rất nhanh. Bệnh nhân được chăm sóc tại nhà tinh thần sẽ thoải mái, vui vẻ, không còn tâm lý sợ bệnh viện hay sợ bác sĩ. Kết hợp với chế độ dinh dưỡng đầy đủ và ngủ nghỉ hợp lý. Điều này sẽ giúp cho vết thương nhanh chóng hồi phục.
Đồng thời, ở giai đoạn này, bệnh nhân cũng được khuyên tập một số bài tập nhẹ nhàng như gấp duỗi các khớp xương, xoa bóp bấm huyệt hoặc đi bộ. Mục đích để tăng lưu thông máu, giúp linh hoạt xương khớp và rút ngắn quá trình phục hồi bệnh.
- Giai đoạn 3 – 6 tháng sau mổ
Sau khoảng 3 – 6 tháng tùy cơ địa vết mổ gần như hồi phục hoàn toàn, bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường trở lại. Tuy nhiên, để cột sống bình phục hẳn, tránh để bệnh thoát vị đĩa đệm tái phát, bệnh nhân không nên lao động quá sức, tránh mang vác các vật nặng hoặc chơi những môn thể thao cường độ lớn như quần vợt, bóng chày,…
Kết luận, mổ thoát vị đĩa đệm bao lâu thì hồi phục?
Từ những phân tích về quá trình hồi phục mổ thoát vị đĩa đệm trên, có thể thấy rằng thời gian bệnh nhân hồi phục hoàn toàn thường là 3 – 6 tháng. Tùy theo phương pháp phẫu thuật mà thời gian hồi phục nhanh hay chậm. Chẳng hạn như mổ bằng robot sẽ chóng hồi phục hơn so với mổ nội soi, mổ nội soi sẽ chóng hồi phục hơn phương pháp mổ hở.
Thể trạng bệnh nhân, chế độ chăm sóc cũng đóng vai trò quyết định rất lớn đến khả năng hồi phục của người bệnh. Có những bệnh nhân thể trạng tốt kết hợp với chăm sóc đúng cách, chỉ sau 3 tháng đã khỏi hẳn. Nhưng cũng có bệnh nhân sau 6 tháng, thậm chí 1 năm mới khỏi hoàn toàn.
Lưu ý cho bệnh nhân sau khi mổ thoát vị đĩa đệm
Để chăm sóc vết mổ cũng như rút ngắn thời gian bình phục sau mổ thoát vị đĩa đệm, bệnh nhân cần lưu ý đến những vấn đề sau:
Chăm sóc sau mổ ở viện
- Sau mổ, bệnh nhân được chuyển vào phòng hậu phẫu để theo dõi trong 24 giờ đầu. Lúc này, bệnh nhân có thể bị choáng, tụt huyết áp, trụy mạch. Do đó cần chú ý di chuyển bệnh nhân nhẹ nhàng bằng xe đẩy, tránh thay đổi tư thế đột ngột.
- Nghiêm chỉnh thực hiện theo phác đồ điều trị và những chỉ định cụ thể mà bác sĩ đưa ra.
- Trong 3 ngày đầu sau mổ, giữ cho vết thương luôn sạch và khô thoáng, hạn chế tiếp xúc với nước làm kéo dài thời gian liền sẹo và gây đau đớn.
- Nên xoa bóp nhẹ nhàng, đặc biệt xung quanh vùng phẫu thuật để máu được lưu thông đều, tránh tình trạng ứ máu và tê bì.
- Nếu bệnh nhân cảm thấy đau có thể sử dụng thuốc giảm đau. Tuy nhiên nếu đau quá mức cần báo với bác sĩ chuyên khoa để can thiệp đúng cách.
Chăm sóc sau mổ tại nhà
- Trong thời gian chăm sóc tại nhà, cần chú ý thường xuyên vệ sinh vết mổ để tránh nguy cơ nhiễm trùng. Bệnh nhân cũng cần chú ý đến các dấu hiệu của nhiễm trùng: sưng, nóng, đỏ, đau, có thể kèm theo sốt cao để đưa đến cơ sở y tế xử lí.
- Chế độ ăn uống phải đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng nhằm giúp bệnh nhân nâng cao sức khỏe, tăng miễn dịch và sức đề kháng. Thực đơn trong bữa ăn nên bao gồm đủ 4 nhóm: glucid, protid, lipid, vitamin và chất khoáng. Ngoài ra có thể bổ sung thêm các thực phẩm giàu omega 3, canxi, vitamin D,… để hỗ trợ cho quá trình điều trị thoát vị đĩa đệm.
- Tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích gây hại cho sức khỏe như rượu, bia, thuốc lá,…
- Cần xây dựng chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, lao động vừa sức, không bưng bê hay mang vác vật nặng.
- Điều chỉnh các tư thế nằm, ngồi, đứng sai lệch dẫn đến thoát vị đĩa đệm.
- Các chuyên gia cũng khuyên bệnh nhân sau phẫu thuật nên áp dụng các bài tập trị liệu nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe… với cường độ vừa phải để rút ngắn thời gian phục hồi.
- Giữ cho tinh thần luôn vui vẻ, tâm trạng thoải mái để tình trạng bệnh có chuyển biến tốt.
- Đặc biệt, khi có bất cứ chuyển biến xấu hay dấu hiệu bất thường nào cần báo ngay với bác sĩ để can thiệp kịp thời.
Trên đây là những thông tin giải đáp về vấn đề “Mổ thoát vị đĩa đệm bao lâu thì hồi phục” cùng những lưu ý cần thiết khi chăm sóc người bệnh sau mổ. Hy vọng qua bài viết này, người bệnh có thể hiểu rõ hơn và tuân thủ đúng nguyên tắc điều trị để quá trình hồi phục được rút ngắn tối đa.