Thông tin bài viết dựa theo “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp”, được ban hành kèm theo Quyết định số 361/QĐ-BYT Ngày 25 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Phác đồ điều trị thoái hóa khớp của Bộ Y tế được xây dựng dựa trên triệu chứng và nguyên nhân của từng bệnh lý cụ thể, nhằm đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp nhất. Việc điều trị theo phác đồ giúp đạt hiệu quả cao, hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm. Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết phác đồ điều trị thoái hóa khớp của Bộ Y tế trong bài viết dưới đây.
Sơ lược về bệnh thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là bệnh lý phổ biến nhất trong các bệnh lý về xương khớp. Đó là tình trạng các mô sụn bị bào mòn, phần xương dưới sụn và các mô, dây thần kinh cạnh khớp bị thương tổn. Từ đó gây đau nhức, khó chịu và ảnh hưởng đến khả năng vận động của khớp.
Tại Việt Nam, tỷ lệ thoái hóa khớp ước tính theo độ tuổi là 30% với người trên 35 tuổi, 60% với người trên 65 tuổi và 85% với người trên 85 tuổi.
Theo vị trí thương tổn, thoái hóa khớp có thể chia thành nhiều loại. Trong đó có 3 loại thoái hóa khớp phổ biến nhất là thoái hóa khớp gối, thoái hóa cột sống thắt lưng và thoái hóa cột sống cổ. Phác đồ điều trị thoái hóa khớp của Bộ Y tế được xây dựng phù hợp với từng loại thoái hóa xương khớp cụ thể.
Phác đồ điều trị thoái hóa khớp gối của Bộ Y tế
Tổng quan
Thoái hoá khớp gối là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học gây mất cân bằng giữa tổng hợp và huỷ hoại sụn, xương dưới sụn. Sự mất cân bằng này có thể khởi phát do nhiều yếu tố, như: Di truyền, chuyển hóa, chấn thương, các bất thường bẩm sinh về xương,…
Biểu hiện cuối cùng của thoái hóa khớp là những thay đổi về hình thái, sinh hoá, phân tử, cơ sinh học của tế bào, chất cơ bản của sụn. Từ đó dẫn đến nhuyễn hoá, nứt loét và mất sụn khớp, xương dưới sụn bị xơ hóa, tạo gai xương và hốc xương dưới sụn.
Phương pháp chẩn đoán
Chẩn đoán xác định bệnh
Sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp của Hội thấp khớp học Mỹ – American College of Rheumatology năm 1991.
- Các triệu chứng lâm sàng:
- Có gai xương ở rìa khớp trên phim chụp X-Quang.
- Dịch khớp là dịch thoái hoá.
- Độ tuổi trên 38.
- Cứng khớp dưới 30 phút.
- Có dấu hiệu lục cục khi cử động khớp.
Xác định là bệnh thoái hóa khớp gối khi có yếu tố 1,2,3,4 hoặc 1,2,5 hoặc 1,4,5.
- Các dấu hiệu khác:
Tràn dịch khớp gối: Đôi khi xuất hiện triệu chứng này do phản ứng viêm của màng hoạt dịch.
Biến dạng khớp gối: Do xuất hiện gai xương, thoát vị màng hoạt dịch hoặc do lệch trục khớp.
- Phương pháp chẩn đoán hình ảnh:
X-Quang quy ước: Chẩn đoán dựa trên tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hoá khớp của Kellgren và Lawrence. Cụ thể: Giai đoạn 1 có gai xương nhỏ hoặc nghi ngờ có gai xương; Giai đoạn 2 khớp gối mọc gai xương không rõ; Giai đoạn 3 biểu hiện hẹp khe khớp vừa; Giai đoạn 4 hẹp khe khớp nhiều, kèm với xơ xương dưới sụn.
Siêu âm khớp: Để đánh giá tình trạng hẹp khe khớp, tràn dịch khớp, gai xương, đo độ dày sụn khớp, màng hoạt dịch khớp, tìm kiếm các mảnh sụn thoái hóa bong vào trong ổ khớp.
Chụp cộng hưởng từ (MRI): Để quan sát hình ảnh khớp một cách đầy đủ trong không gian ba chiều, giúp phát hiện những tổn thương sụn khớp, dây chằng, màng hoạt dịch.
Nội soi khớp: Cho phép quan sát trực tiếp được các tổn thương do thoái hoá của sụn khớp ở các mức độ khác nhau. Kết hợp nội soi và sinh thiết màng hoạt dịch để làm xét nghiệm tế bào giúp bác sĩ phân biệt thoái hóa khớp gối với các bệnh lý về khớp khác.
- Các xét nghiệm khác:
Xét nghiệm máu và sinh hoá: Kết quả tốc độ lắng máu bình thường.
Xét nghiệm dịch khớp: Tế bào dịch khớp ít hơn 1000 tế bào/1mm3.
Chẩn đoán phân biệt với viêm khớp dạng thấp
Thực hiện chẩn đoán phân biệt khi chỉ tổn thương tại khớp gối. Thường được chẩn đoán thông qua nội soi và sinh thiết màng hoạt dịch. Viêm khớp dạng thấp có các biểu hiện viêm rõ ràng, tốc độ lắng máu tăng, CRP tăng,…
Phác đồ điều trị bệnh
Nguyên tắc điều trị
- Giảm đau
- Phục hồi khả năng vận động của khớp gối, hạn chế và ngăn ngừa tình trạng biến dạng khớp.
- Tránh tác dụng phụ của thuốc, lưu ý tương tác thuốc và các bệnh lý kết hợp ở người cao tuổi.
- Cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Vật lý trị liệu
Sử dụng các phương pháp siêu âm, hồng ngoại, liệu pháp suối khoáng, bùn, chườm nóng mang lại hiệu quả cao.
Phương pháp điều trị nội khoa
- Thuốc điều trị triệu chứng tác dụng nhanh: Được chỉ định khi có triệu chứng đau khớp. Bao gồm:
- Thuốc giảm đau: Dùng Paracetamol: 1-2g/ngày. Một số trường hợp cần chỉ định các thuốc giảm đau bậc 2: Dùng Paracetamol kết hợp với Tramadol 1-2g/ngày.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Dùng một trong các đơn thuốc sau:
-
- Etoricoxib 30-60mg/ngày, Meloxicam 7,5-15mg/ngày, Celecoxib 200mg/ngày.
- Thuốc chống viêm không steroid khác: Piroxicam 20mg/ngày, Diclofenac 50-100mg/ngày,…
- Thuốc bôi ngoài da: Dùng các loại gel (như Voltaren Emulgel) bôi tại khớp bị đau 2-3 lần/ngày. Thuốc có tác dụng giảm đau, ít tác dụng phụ.
- Corticosteroid: Không có chỉ định cho toàn thân.
- Đường tiêm nội khớp:
-
- Hydrocortison acetat: Mỗi đợt tiêm cách nhau từ 5-7 ngày. Không tiêm quá 3 mũi mỗi đợt và không tiêm quá 3 đợt trong 1 năm.
- Các chế phẩm chậm: Methylprednisolone, Betamethasone dipropionate mỗi mũi tiêm cách nhau 6-8 tuần. Không tiêm quá 3 đợt một năm vì loại thuốc này có thể gây tổn thương sụn khớp nếu dùng quá liều.
- Acid hyaluronic dưới dạng hyaluronate: Kê đơn 1 ống/1 tuần, dùng 3-5 tuần liên tục.
- Thuốc điều trị triệu chứng có tác dụng chậm (SYSADOA): Nên chỉ định sớm, dùng kéo dài khi có đợt đau khớp và dùng kết hợp với các thuốc điều trị triệu chứng có tác dụng nhanh bên trên. Bao gồm:
-
- Piascledine 300mg (cao toàn phần không xà phòng hóa từ quả bơ và đậu nành): 1 viên/ngày.
- Glucosamine sulfate: Liều dùng 1,5g/ngày.
- Acid hyaluronic kết hợp với Chondroitin sulfate: Mỗi ngày uống 30ml.
- Thuốc ức chế Interleukin 1: Diacerein 50mg, dùng 2 viên/ngày.
- Huyết tương tự thân giàu tiểu cầu (PRP): Thực hiện lấy máu tĩnh mạch, chống đông, ly tâm tách huyết tương rồi bơm vào khớp gối 6-8ml PRP.
- Cấy ghép tế bào gốc (Stem cell transplantation): Sử dụng tế bào gốc chiết xuất từ mô mỡ tự thân (Adipose Derived Stem Cells-ADSCs) hoặc tế bào gốc từ nguồn gốc tủy xương tự thân.
Phương pháp điều trị ngoại khoa
- Điều trị dưới nội soi khớp: Có thể thực hiện các thủ thuật như:
- Cắt lọc, bào, rửa khớp.
- Cấy ghép tế bào sụn.
- Khoan kích thích tạo xương – Microfracture.
- Phẫu thuật thay khớp nhân tạo: Được chỉ định ở những trường hợp tiến triển nặng, suy giảm chức năng vận động nghiêm trọng, thường là với người bệnh trên 60 tuổi. Có thể thay một phần hoặc toàn bộ khớp gối.
Phác đồ điều trị bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng của Bộ Y tế
Tổng quan
Thoái hóa cột sống thắt lưng là bệnh mãn tính tiến triển từ từ, gây đau, hạn chế khả năng vận động, biến dạng cột sống thắt lưng, không có biểu hiện viêm. Tổn thương đặc trưng của bệnh là tình trạng thoái hóa sụn khớp và đĩa đệm cột sống cùng với những thay đổi ở phần xương dưới sụn, màng hoạt dịch.
Thoái hóa cột sống có thể do nhiều yếu tố gây ra, chẳng hạn như: Tuổi cao, nữ giới, người lao động nặng, có tiền sử chấn thương cột sống, tiền sử phẫu thuật cột sống, yếu cơ, di truyền, bất thường trục chi dưới, tư thế lao động sai,…
Tình trạng sụn khớp và đĩa đệm chịu áp lực lớn, lặp đi lặp lại kéo dài trong nhiều năm gây tổn thương sụn khớp và xương dưới sụn, đĩa đệm mất tính đàn hồi, dây chằng bao khớp bị xơ cứng. Từ đó gây ra những triệu chứng và biến chứng của bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng.
Phương pháp chẩn đoán
Triệu chứng lâm sàng
Có thể có biểu hiện cứng cột sống vào buổi sáng. Cột sống đau âm ỉ và có tính chất cơ học (đau tăng khi vận động, thuyên giảm khi nghỉ ngơi). Thoái hóa ở giai đoạn nặng còn có thể gây đau liên tục, ảnh hưởng tới giấc ngủ. Bệnh nhân có thể cảm thấy tiếng lục cục khi cử động cột sống.
Bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng không có biểu hiện triệu chứng toàn thân (ví dụ như sốt, thiếu máu, gầy sút cân). Nói chung, bệnh nhân bị đau khu trú tại cột sống. Một số trường hợp bị đau rễ dây thần kinh do thoát vị đĩa đệm hoặc hẹp lỗ liên hợp. Có thể có dấu hiệu biến dạng cột sống, như gù, vẹo cột sống.
Trường hợp bị hẹp ống sống, bệnh nhân đau theo đường đi của dây thần kinh tọa, đau khi đi lại, nghỉ ngơi đỡ đau.
Xét nghiệm cận lâm sàng
- Chụp X-Quang cột sống thẳng, nghiêng: Quan sát được hình ảnh hẹp khe đĩa đệm, mâm đĩa đệm nhẵn, gai xương mọc ở thân đốt sống, đặc xương dưới sụn, hẹp lỗ liên hợp đốt sống. Trong trường hợp bị trượt đốt sống, bác sĩ sẽ chỉ định chụp chếch 3/4 phải, trái để phát hiện tình trạng gãy cuống đốt sống.
- Xét nghiệm tế bào máu ngoại vi và sinh hóa: Kết quả bình thường.
- Chụp cộng hưởng từ cột sống: Được chỉ định khi có thoát vị đĩa đệm.
Tiêu chí chẩn đoán xác định bệnh
Chẩn đoán thoái hóa cột sống dựa trên các dấu hiệu như:
- Dấu hiệu đau cột sống có tính chất cơ học.
- Chụp X-Quang cột sống thắt lưng (thẳng – nghiêng – chếch 3/4 hai bên): Phát hiện hẹp khe khớp với bờ diện khớp nhẵn, đặc xương dưới sụn, mọc gai xương ở thân đốt sống, hẹp lỗ liên hợp đốt sống.
- Bệnh nhân không có các triệu chứng toàn thân như: sốt, thiếu máu, gầy sút cân,… Cần thực hiện xét nghiệm máu (bilan viêm, phosphatase kiềm..) để xác định là các chỉ số này bình thường. Trong trường hợp có các bất thường về lâm sàng (như đau quá mức, gầy sút cân, sốt…) hay tốc độ lắng máu tăng cao thì có thể bệnh nhân mắc bệnh lý khác.
- Thoái hóa cột sống thắt lưng hiếm khi tiến triển một cách đơn thuần, đa phần xuất hiện kèm theo thoái hóa đĩa đệm cột sống, thoát vị đĩa đệm cột sống, loãng xương, lún xẹp đốt sống.
Chẩn đoán phân biệt với bệnh lý khác
Trường hợp bệnh nhân bị đau cột sống có biểu hiện viêm với các triệu chứng toàn thân, bác sĩ cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý dưới đây:
- Bệnh lý cột sống huyết thanh âm tính (điển hình là viêm cột sống dính khớp): Xác định khi là nam giới, trẻ tuổi, bị đau và hạn chế các động tác của cột sống thắt lưng cùng, kết quả X-Quang có viêm khớp cùng chậu, xét nghiệm tốc độ lắng máu cho kết quả tăng.
- Viêm đốt sống đĩa đệm (nguyên nhân do nhiễm khuẩn hoặc do lao): Biểu hiện đau kiểu viêm, đau liên tục, kèm với dấu hiệu toàn thân. Phim chụp X-Quang có diện khớp hẹp, bờ khớp nham nhở không đều. Kết quả chụp cộng hưởng từ có hình ảnh viêm đĩa đệm đốt sống. Xét nghiệm bilan viêm dương tính.
- Ung thư di căn xương: Biểu hiện đau mức độ nặng, kiểu viêm; kèm với dấu hiệu toàn thân. Phim chụp X-Quang cho thấy có hủy xương hoặc kết đặc xương. Cần chụp cộng hưởng từ và xạ hình xương để chẩn đoán chính xác.
Phác đồ điều trị bệnh
Nguyên tắc điều trị
- Điều trị triệu chứng bệnh (dùng thuốc chống viêm, giảm đau, giãn cơ…) kết hợp với một số loại thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm.
- Nên kết hợp đồng thời các biện pháp điều trị nội khoa với vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Trường hợp người bệnh bị chèn ép rễ thần kinh thì có thể chỉ định ngoại khoa.
Vật lý trị liệu
Bài tập thể dục, xoa bóp bấm huyệt, kéo nắn, chiếu đèn hồng ngoại, chườm nóng, liệu pháp suối khoáng hoặc bùn nóng, paraphin, tập cơ dựng lưng….
Phương pháp điều trị nội khoa
- Thuốc giảm đau theo bậc của WHO: Lựa chọn loại thuốc dựa theo tình trạng của bệnh nhân.
- Bậc 1: Paracetamol 500 mg/ngày uống 4-6 lần và không quá 4g/ngày. Thuốc này có thể gây hại cho gan.
- Bậc 2: Paracetamol kết hợp cùng codein hoặc tramadol:
-
- Ultracet 2-4 viên/24giờ, thuốc này thường gây buồn nôn, chóng mặt.
- Efferalgan-codein 2-4 viên/24giờ.
- Bậc 3: Opiat và dẫn xuất của opiat.
- Thuốc chống viêm không steroid: Kê đơn một trong số các loại thuốc bên dưới. Tuyệt đối không phối hợp các loại thuốc trong nhóm vì sẽ không gia tăng hiệu quả điều trị mà còn gây nhiều tác dụng không mong muốn.
- Diclofenac viên 25mg, 50mg, 75mg: Dùng 50-150mg/ngày, uống sau khi ăn no. Có thể dùng dạng ống tiêm bắp 75mg/ngày trong khoảng 2-3 ngày đầu khi người bệnh đau nhiều, sau đó chuyển sang đường uống.
- Meloxicam viên 7,5mg: Liều 2 viên/ngày sau khi ăn no hoặc sử dụng dạng ống tiêm bắp 15mg/ngày trong 2-3 ngày nếu bệnh nhân đau nhiều. Sau đó chuyển sang đường uống.
- Piroxicam viên hoặc ống 20mg: Liều uống 1 viên/ngày uống sau khi ăn no. Hoặc tiêm bắp 1 ống/ngày trong 2-3 ngày đầu khi người bệnh đau nhiều, sau đó chuyển sang đường uống.
- Celecoxib viên 200mg: Liều 1-2 viên/ngày sau khi ăn no. Không nên sử dụng cho bệnh nhân có bệnh nền tim mạch và thận trọng ở người cao tuổi.
- Etoricoxib (viên 60mg, 90mg, 120mg): Liều 1 viên/ngày, thận trọng khi dùng ở người có bệnh lý tim mạch.
- Thuốc chống viêm bôi ngoài da: Diclofenac gel hoặc profenid gel, xoa 2-3 lần/ngày ở vị trí khớp bị đau.
- Thuốc giãn cơ: Dùng eperisone (viên 50mg) liều 3 viên/ngày. Hoặc dùng tolperisone (viên 50mg, 150mg) liều 2-6 viên/ngày.
- Thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm: Lựa chọn các loại thuốc sau:
- Piascledine 300mg (cao toàn phần không xà phòng hóa từ quả bơ và đậu nành): Liều 1 viên/ngày.
- Glucosamine sulfate và chondroitin sulfat: Uống trước khi ăn 15 phút, sử dụng kéo dài trong nhiều năm.
- Thuốc ức chế IL1: Diacerein (viên 50mg) dùng 1-2 viên/ngày, dùng kéo dài trong nhiều năm.
- Tiêm corticoid tại chỗ: Áp dụng tiêm ngoài màng cứng bằng hydrocortison acetat, hoặc dùng methylprednisolon acetat khi đau thần kinh tọa, tiêm cạnh cột sống, tiêm khớp liên mấu (dưới hướng dẫn của chụp cắt lớp vi tính hoặc dưới màn tăng sáng).
Phương pháp điều trị ngoại khoa
Được bác sĩ chỉ định khi bị thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống dẫn đến đau thần kinh tọa kéo dài, hoặc bị hẹp ống sống với các dấu hiệu thần kinh tiến triển nặng, gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống mà các biện pháp điều trị nội khoa bên trên không có hiệu quả. Trong trường hợp đĩa đệm thoái hóa nhiều, có thể phải thay đĩa đệm nhân tạo.
Phác đồ điều trị thoái hóa cột sống cổ của Bộ Y tế
Tổng quan
Thoái hóa cột sống cổ (Cervical spondylosis) là một bệnh lý mạn tính khá phổ biến, tiến triển chậm. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi và/hoặc liên quan trực tiếp đến tư thế vận động. Tổn thương đặc trưng của bệnh là tình trạng sụn khớp và/hoặc đĩa đệm ở cột sống cổ bị thoái hóa. Trong đó, thoái hóa đốt sống cổ C5-C6-C7 là thường gặp nhất.
Phương pháp chẩn đoán
Triệu chứng lâm sàng
Bệnh thoái hóa cột sống cổ có biểu hiện rất đa dạng, thường bao gồm 4 hội chứng chính:
- Hội chứng cột sống cổ: Triệu chứng đau, có thể kèm theo co cứng các cơ cạnh cột sống cổ cấp hoặc mạn tính. Cảm giác đau tăng lên ở tư thế cổ thẳng hoặc cúi đầu lâu, khi mệt mỏi, lao động nặng, căng thẳng, thay đổi thời tiết, nhất là khi bị nhiễm lạnh. Có điểm đau cột sống cổ. Hạn chế vận động cột sống cổ.
- Hội chứng rễ thần kinh cổ: Tùy thuộc vào vị trí rễ tổn thương bị tổn thương (1 bên hoặc cả 2 bên) mà đau lan từ cổ xuống tay bên đó. Có thể bị đau ở gáy, đau quanh khớp vai. Cảm giác đau sâu trong cơ xương, nhức nhối, kèm với cảm giác kiến bò, tê rần dọc cánh tay, có thể lan đến ngón tay. Đau tăng lên khi vận động cổ (cúi, ngửa, nghiêng, quay) hoặc khi hắt hơi, ho, ngồi lâu… Có thể bị chóng mặt, yếu cơ hoặc teo cơ ở vai và cánh tay.
- Hội chứng động mạch đốt sống: Biểu hiện nhức đầu vùng chẩm, thái dương, trán và hai hố mắt, thường xuất hiện vào buổi sáng. Có khi kèm theo chóng mặt, ù tai, mờ mắt, hoa mắt, nuốt vướng; đau tai, lan cả ra sau tai, đau khi giữ đầu ở một tư thế nhất định.
- Hội chứng ép tủy: Tùy theo mức độ và vị trí bị tổn thương mà xuất hiện triệu chứng ở chi trên hoặc cả thân và chi dưới. Nhận biết thông qua dáng đi không vững, đi lại khó khăn, bị yếu hoặc liệt chi, teo cơ ngọn chi, dị cảm. Phản xạ gân xương tăng.
Ngoài ra, người bệnh thoái hóa cột sống cổ còn dễ cáu gắt, thay đổi tính tình, rối loạn giấc ngủ, giảm hiệu quả công việc,…
Tùy theo vị trí cột sống cổ bị thoái hóa mà các triệu chứng trên có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc đồng thời.
Xét nghiệm cận lâm sàng
- Xét nghiệm dấu hiệu viêm và bilan phospho – calci: Ở mức bình thường. Xét nghiệm này nhằm loại trừ các bệnh lý về viêm nhiễm, bệnh lý ác tính.
- Chụp X-Quang cột sống cổ: Chụp ở các tư thế thẳng, nghiêng, chếch 3/4 hai bên. Hình ảnh thu được biểu hiện các dấu hiệu bất thường như mất đường cong sinh lí, mọc gai xương ở thân đốt sống, giảm chiều cao đốt sống và đĩa đệm, đặc xương dưới sụn, hẹp lỗ liên hợp,…
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Xác định cụ thể vị trí rễ thần kinh bị chèn ép, vị trí khối thoát vị cũng như mức độ thoát vị đĩa đệm, mức độ hẹp ống sống. Ngoài ra, bác sĩ còn có thể phát hiện một số nguyên nhân ít gặp khác (như viêm đĩa đệm đốt sống, khối u,…).
- Chụp CT-scan: Chỉ được chỉ định khi không thể chụp cộng hưởng từ.
- Điện cơ: Giúp bác sĩ phát hiện và đánh giá mức độ tổn thương các rễ thần kinh.
Tiêu chí chẩn đoán xác định bệnh
Hiện tại vẫn chưa có tiêu chuẩn cụ thể trong chẩn đoán thoái hóa cột sống cổ. Bác sĩ đưa ra kết quả chẩn đoán dựa trên triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng. Bao gồm:
- Đau tại vùng cột sống cổ và có một hoặc nhiều triệu chứng thuộc 4 hội chứng nêu trên.
- X-Quang cột sống cổ bình thường hoặc có dấu hiệu của thoái hóa.
- Chụp cộng hưởng từ hoặc CT-scan: Xác định vị trí, mức độ rễ thần kinh bị chèn ép và phát hiện nguyên nhân chèn ép (do thoát vị đĩa đệm, gai xương,…).
Các tiêu chí kèm theo:
- Thời gian gần không xuất hiện các biểu hiện bất thường toàn thân: Không sốt, không xuất hiện các rối loạn chức năng các cơ quan mới (như ruột, dạ dày, sản phụ khoa, phế quản phổi…).
- Không bị đau vùng cột sống khác: Như lưng, cổ, sườn, khớp khác.
- Xét nghiệm dấu hiệu viêm và bilan phospho-calci cho kết quả âm tính.
Chẩn đoán phân biệt với bệnh lý khác
Bác sĩ cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý sau đây:
- Các chấn thương vùng cột sống cổ dẫn đến tổn thương xương và đĩa đệm.
- Ung thư xương hoặc di căn xương, bệnh lý tủy xương lành tính hoặc ác tính.
- U nội tủy, u thần kinh,…
- Bệnh lý liên quan đến hệ động mạch sống nền.
Phương pháp điều trị
Nguyên tắc điều trị
- Phối hợp điều trị nội khoa và phục hồi chức năng, tập luyện, thay đổi lối sống nhằm bảo vệ cột sống cổ, ngừa tái phát.
- Sử dụng các liệu pháp giảm đau theo từng mức độ nhẹ – vừa – nặng, hạn chế sử dụng dài ngày.
- Tăng cường các nhóm thuốc điều trị bệnh dựa theo nguyên nhân.
Phương pháp điều trị nội khoa
- Paracetamol: Là lựa chọn ưu tiên hàng đầu vì thuốc này có sự cân bằng giữa tác dụng phụ và hiệu quả mong muốn. Có thể sử dụng riêng lẻ hoặc phối hợp với hoạt chất giảm đau trung ương như codein, dextropropoxyphen,…
- Tramadol: Chỉ được kê đơn khi người bệnh không đáp ứng với nhóm giảm đau nêu trên, không dùng kéo dài. Một vài trường hợp cực hãn hữu, khi cơn đau gia tăng có thể chỉ định dùng opioids ngắn ngày và liều thấp nhất có thể.
- Nhóm thuốc giảm đau chống viêm không steroid liều thấp: Sử dụng các dạng kinh điển (ibuprofen, diclofenac, naproxen…) hoặc các thuốc ức chế chọn lọc COX-2 (etoricoxib, celecoxib,…). Lưu ý rằng cần thận trọng ở bệnh nhân lớn tuổi, người có bệnh lý về ống tiêu hóa, tim mạch hoặc thận mạn tính. Có thể uống hoặc bôi ngoài da.
- Thuốc giãn cơ
- Nhóm thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm: Chọn 1 trong các thuốc sau:
- Piascledine 300mg/ngày.
- Glucosamine sulfate liều dùng 1500mg/ngày, dùng riêng lẻ hoặc phối hợp với chondroitin sulfate.
- Diacerein 50mg x 2 viên/ngày.
- Các thuốc khác: Khi người bệnh có biểu hiện đau kiểu rễ, bác sĩ có thể chỉ định bổ sung các thuốc giảm đau thần kinh, như:
- Gabapentin: 600-1200 mg/ngày (dùng bắt đầu từ liều thấp).
- Pregabalin: 150-300mg/ngày (dùng bắt đầu từ liều thấp).
- Vitamin nhóm B (gồm B1, B6, B12), mecobalamin.
- Tiêm Glucocorticoid cạnh cột sống: Phương pháp này có hiệu quả sau vài ngày đến vài tháng. Không nên tiêm quá 3 lần tại một khớp trong một năm. Cần thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Trường hợp bị chèn ép rễ, có thể tiêm thẩm phân corticosteroid tại khu vực rễ bị chèn ép dưới hướng dẫn của CT.
Phục hồi chức năng
- Thực hiện các bài tập vận động vùng cổ, nhất là với bệnh nhân đã mang nẹp cổ thời gian dài, người có công việc ít vận động vùng cổ.
- Nghỉ ngơi, giữ ấm cơ thể, tránh thay đổi tư thế cột sống cổ đột ngột.
- Sử dụng các liệu pháp vật lý trị liệu: Nhiệt, sóng siêu âm… Có thể kéo dãn cột sống cổ với mức độ tăng dần từ từ.
Phương pháp điều trị ngoại khoa
- Chỉ áp dụng trong các trường hợp:
Có biểu hiện chèn ép tủy sống hoặc chèn ép rễ thần kinh hoặc tủy sống tiến triển nặng. - Trượt đốt sống độ 3-4.
- Đã thất bại với phục hồi chức năng và điều trị nội khoa sau 3 tháng.
Chăm sóc và theo dõi trong và sau điều trị
Phác đồ điều trị thoái hóa khớp của Bộ Y tế đòi hỏi kết hợp nhiều phương pháp, khá phức tạp và kéo dài. Vì vậy, người bệnh cần được theo dõi sát sao, có chế độ chăm sóc phù hợp để phòng ngừa biến chứng và ngăn bệnh tái phát.
Theo dõi sức khỏe
Việc dùng các loại thuốc điều trị thoái hóa khớp (như thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, Corticosteroid, DMARDs,…) trong thời gian dài có khả năng gây ra hàng loạt tác dụng phụ có hại cho cơ thể. Điển hình là tình trạng viêm loét dạ dày, tăng nguy cơ loãng xương, gãy xương,…
Vì vậy, trong và sau khi áp dụng phác đồ điều trị thoái hóa khớp, bệnh nhân cần thường xuyên thực hiện thủ thuật nội soi, siêu âm đường ruột, chụp X quang, chụp MRI xương khớp, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu,… để phát hiện sớm các nguy cơ bệnh lý. Từ đó có hướng can thiệp kịp thời, hạn chế thấp nhất các rủi ro ngoài mong muốn.
Kiểm soát trọng lượng
Duy trì mức cân nặng hợp lý hoặc giảm cân nếu bị thừa cân, béo phì là phương pháp phòng ngừa bệnh thoái hóa khớp hiệu quả nhất. Bạn cần có một chế độ dinh dưỡng khoa học và rèn luyện thể chất đều đặn mỗi ngày.
- Chế độ ăn uống: Khẩu phần ăn hàng ngày của người bệnh thoái hóa khớp nên đảm bảo có đầy đủ các nhóm dưỡng chất: Vitamin D, vitamin C, canxi, axit béo omega-3,… từ các loại thực phẩm lành mạnh như hoa quả, rau xanh,… Tránh sử dụng đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp, đồ ăn có nhiều gia vị, dầu mỡ hay được chế biến dưới nhiệt độ cao, các chất kích thích,…
- Tập thể dục: Vận động, tập thể dục một cách khoa học không chỉ hỗ trợ cải thiện sức khỏe nói chung mà còn giúp tăng cường sức mạnh, sự linh hoạt, dẻo dai của cơ khớp. Lưu ý rằng người bệnh cần tập đúng kỹ thuật, cường độ hợp lý, tần suất điều độ để tránh phản tác dụng. Tốt nhất nên tập dưới sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc huấn luyện viên.
Hạn chế chấn thương
Nhiều trường hợp chấn thương là do hi hữu. Nhưng nếu chú ý một chút, bạn sẽ tránh được nhiều chấn thương ngoài ý muốn, hạn chế thấp nhất nguy cơ bị thoái hóa khớp hay ngừa bệnh tái phát. Cụ thể:
- Không uốn cong các khớp quá 90 độ, nhất là khớp đầu gối.
- Dù đứng hay ngồi đều phải đúng tư thế, giữ cho cột sống thẳng, bàn chân bằng phẳng.
- Khi thực hiện động bật nhảy, tiếp đất phải cong đầu gối.
- Khởi động cơ thể kỹ trước khi tham gia chơi thể thao hoặc thực hiện bất kỳ hoạt động đòi hỏi thể lực nào khác.
- Chơi thể thao hay tập thể dục tại những nơi rộng, bề mặt có ma sát, bằng phẳng. Tránh những bề mặt cứng như đường nhựa, đường bê tông, nhiều sỏi đá gồ ghề.
- Trường hợp vô tình bị chấn thương khớp, phải điều trị y tế ngay lập tức để ngăn tổn thương diễn tiến nặng thêm.
Trên đây là thông tin chi tiết về phác đồ điều trị thoái hóa khớp của Bộ Y tế. Đây là phác đồ điều trị chung, tùy theo từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ riêng biệt để có hiệu quả điều trị tốt nhất. Người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc về điều trị tại nhà. Đồng thời, cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, có ý thức chăm sóc và rèn luyện sức khỏe tại nhà để sớm phục hồi.
Nguồn tham khảo:
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp, được ban hành kèm theo Quyết định số 361/QĐ-BYT Ngày 25 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Chi tiết: https://benhvien103.vn/wp-content/uploads/8._HDDT-Co-Xuong-Khop.pdf
Cập nhật lúc: 1:53 PM , 15/11/2023