Khớp háng là khớp chịu trọng lượng lớn thứ hai trong cơ thể, chỉ sau đầu gối. Dù không phổ biến như một số loại thoái hóa khớp khác nhưng thoái hóa khớp háng lại thuộc nhóm bệnh nguy hiểm và khó điều trị. Tìm hiểu thông tin về bệnh là cách tốt nhất để bạn bảo vệ sức khỏe của mình.
Cấu tạo và chức năng của khớp háng
Khớp háng là một trong những khớp lớn nhất của cơ thể. Cấu tạo khớp háng gồm 2 phần chính, là chỏm xương đùi hình cầu và ổ cối xương chậu hình lõm. Bề mặt chỏm xương đùi và ổ cối được bao phủ bởi sụn khớp, một chất trơn, mịn giúp bảo vệ, làm đệm cho xương, giúp khớp cử động dễ dàng hơn. Ngoài ra, bề mặt khớp háng còn được bao phủ bởi bao hoạt dịch. Đây là nơi tạo ra chất lỏng bôi trơn khớp, hỗ trợ chuyển động.
Khớp háng đóng vai trò như trụ đỡ cho phần thân trên của cơ thể, điểm trụ trung tâm để thực hiện những cử động. Đồng thời khớp háng còn giúp chống đỡ trọng lượng cơ thể, hấp thụ lực tác động lên cơ thể khi đứng hay chạy nhảy.
Khi khớp háng bị suy yếu, những chức năng trên dần suy giảm, khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và công việc.
Tìm hiểu thoái hóa khớp háng
Thoái hóa khớp háng là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh xảy ra khi lớp sụn ở khớp háng bị bào mòn, trở nên thô ráp. Sự mỏng đi của sụn khiến khoảng cách giữa các xương bị thu hẹp. Trong trường hợp nghiêm trọng, các đầu xương trực tiếp cọ xát vào nhau, xảy ra cứng khớp, đau dữ dội tại khớp.
Không những vậy, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, thoái hóa khớp háng có thể gây biến đổi cấu trúc khớp, dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.
Mức độ phổ biến bệnh
Trong 30 năm qua, bệnh thoái hóa khớp háng đã gia tăng ở hầu hết các quốc gia. Tỷ lệ mắc bệnh đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong tình cảnh dân số thế giới già đi nhanh chóng.
Thoái hóa khớp háng là nguyên nhân gây đau nhức vùng háng phổ biến nhất ở người trên 50 tuổi. Có 25% người trên 85 tuổi có nguy cơ mắc thoái hóa khớp háng,
Triệu chứng thoái hóa khớp háng
Triệu chứng thoái hóa khớp tiến triển dần theo thời gian. Ban đầu chỉ có triệu chứng đau nhức nhẹ khi cử động, lâu dần cơn đau có thể xảy ra thường xuyên hơn, kể cả trong lúc ngủ hay nghỉ ngơi. Dưới đây là một số triệu chứng và dấu hiệu nhận biết bệnh thoái hóa khớp háng:
- Đau nhức: Đau khớp háng, vùng đùi ngoài và vùng mông trên. Cơn đau có thể trở nên trầm trọng hơn sau khi nghỉ ngơi hoặc đứng hoặc đi bộ trong một thời gian dài. Cảm giác đau hơn khi hoạt động mạnh.
- Cứng khớp: Cảm giác cứng khớp háng vào buổi sáng sau khi thức dậy. Điều này khiến việc vận động trở nên khó khăn, kể cả những hành động đơn giản như đi tất và giày.
- Âm thanh lạo xạo: Khi cử động, khớp háng phát ra âm thanh lục cục, lạo xạo hoặc lách cách.
- Gai xương: Xuất hiện các gai xương ở khớp háng.
- Giảm phạm vi chuyển động của khớp háng: Gây khập khiễng, đi lại khó khăn.
Một số hình ảnh về bệnh
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp háng
- Tuổi: Nguy cơ sụn khớp ở háng bị mài mòn gia tăng theo độ tuổi.
- Cân nặng: Tình trạng thường cân hoặc béo phì khiến khớp háng phải chịu áp lực nhiều hơn, đẩy nhanh tình trạng thoái hóa.
- Chấn thương: Một số chấn thương nghiêm trọng tại khớp háng (hư gãy xương, rách sụn chêm) có thể gây thoái hóa khớp nhiều năm sau đó.Một số công việc và
- Vận động quá sức: Vận động quá sức, thực hiện những chuyển động lặp đi lặp lại tại khớp háng sẽ làm tăng áp lực lên khớp, gây thoái hóa khớp.
- Giới tính: Phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ bị căn bệnh này cao hơn nam giới 10%.
- Bất thường về cấu trúc xương: Những bất thường về cấu trúc xương tại khớp háng, chẳng hạn như chứng loạn sản xương, có thể tạo áp lực bất thường lên sụn khớp háng. Điều đó khiến mô sụn tại đó dễ bị tổn thương hơn.
- Di truyền học: Có nghiên cứu khoa học xác định rằng một số gen có liên quan đến thoái hóa khớp háng. Người mang những gen này có nguy cơ mắc thoái hóa khớp háng cao hơn người bình thường. Có 60% các cặp song sinh cùng mắc căn bệnh này.
Các yếu tố nguy cơ
Nhìn chung, có một số yếu tố nguy cơ khiến bạn dễ bị thoái hóa khớp háng. Bao gồm:
- Lớn tuổi
- Tiền sử gia đình mắc bệnh thoái hóa khớp
- Chấn thương khớp háng
- Thừa cân, béo phì
- Dị tật bẩm sinh khớp háng
- Vận động, lao động nặng nhọc
Các giai đoạn của bệnh thoái hóa khớp háng
Bệnh thoái hóa khớp háng tiến triển theo 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Lớp sụn ở khớp háng bị bào mòn nhẹ, có gai xương nhỏ. Lúc này thường chưa xuất hiện triệu chứng đau, nếu có thì rất ít.
- Giai đoạn 2: Sụn khớp chưa tổn thương nhiều. Đã có thể quan sát thấy gai xương thông qua phim chụp X-Quang. Lúc này, người bệnh đã cảm thấy đau, khó chịu và cứng khớp háng.
- Giai đoạn 3: Sụn khớp bị bào mòn nghiêm trọng, khoảng cách giữa xương háng ngày càng thu hẹp lại. Các hoạt động bình thường như đi bộ, quỳ hoặc ngồi xổm đều gây đau, sưng tấy.
- Giai đoạn 4 (giai đoạn nặng nhất): Sụn khớp gần như biến mất, hầu như lúc nào người bệnh cũng cảm thấy đau và cứng khớp. Khớp háng kém ổn định, giảm tầm vận động, biến dạng khớp,…
Đối tượng dễ mắc bệnh
- Người lớn tuổi
- Phụ nữ sau mãn kinh
- Người thừa cân, béo phì
- Vận động viên thể thao
- Người lao động nặng nhọc như công nhân, nông dân,…
- Người từng bị chấn thương tại khớp háng
- Người có tiền sử gia đình mắc bệnh thoái hóa khớp hoặc mắc dị tật bẩm sinh về xương khớp.
Phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp háng, bác sĩ sẽ kết hợp kiểm tra triệu chứng lâm sàng và thực hiện một số xét nghiệm.
Triệu chứng lâm sàng
- Đau quanh hông.
- Phạm vi chuyển động khớp háng bị thu hẹp.
- Cảm giác lạo xạo bên trong khớp khi cử động.
- Bị đau cử động hoặc ấn vào khớp háng.
- Dáng đi không bình thường, có thể đi khập khiễng.
- Dấu hiệu tổn thương các cơ, gân, dây chằng xung quanh.
Các xét nghiệm hình ảnh
- Chụp X-Quang: Đây là xét nghiệm hình ảnh thường được áp dụng nhất. Tia X cung cấp hình ảnh chi tiết về cấu trúc xương khớp, cho thấy sự thu hẹp không gian khớp háng và những thay đổi trong xương, sự hình thành các gai xương.
- Một số xét nghiệm hình ảnh khác: Đôi khi bác sĩ có thể chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp vi tính (CT) để xác định chính xác hơn tình trạng xương và các mô mềm ở vùng khớp háng của bạn.
Các xét nghiệm lâm sàng khác
Nhằm xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả và phù hợp nhất, bác sĩ sẽ yêu cầu tiến hành một số xét nghiệm chuyên sâu. Có thể bao gồm:
- Siêu âm mạch máu và động mạch đồ.
- Xét nghiệm máu.
- Định lượng mức đường trong máu ở bệnh nhân trên 50 tuổi, có tiền sử đái tháo đường và chỉ số BMI > 25.
- Xét nghiệm men gan và định lượng creatinin.
- Điện giải đồ, điện tâm đồ.
Phương pháp điều trị thoái hóa khớp háng
Mục tiêu chính trong điều trị thoái hóa khớp háng là giảm đau, cải thiện khả năng vận động và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:
Điều chỉnh lối sống
Một số thay đổi trong cuộc sống hàng ngày có thể bảo vệ khớp háng, làm chậm quá trình thoái hóa, như:
- Hạn chế các hoạt động tạo áp lực lên khớp háng, chẳng hạn leo cầu thang, lao động quá sức, chạy bộ, chơi quần vợt, đi lại thường xuyên,…
- Tập luyện bài tập có cường độ nhẹ nhàng, vừa hạn chế ảnh hưởng tới khớp, vừa cải thiện sức khỏe khớp (như bơi lội, đạp xe, yoga,…).
- Áp dụng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý.
Dùng thuốc
Có một số loại thuốc giúp giảm đau, cứng khớp. Nếu tình trạng thoái hóa khớp háng của bạn khá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày thì bác sĩ có thể bổ sung vào phác đồ điều trị một số loại thuốc:
- Thuốc giảm đau không kê đơn: Chẳng hạn như paracetamol. Đây là nhóm thuốc có hiệu quả giảm đau nhẹ. Tùy vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ có thể kê đơn loại thuốc giảm đau mạnh hơn.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Bao gồm naproxen, ibuprofen,… Có tác dụng giảm đau, giảm sưng viêm.
- Corticosteroid (còn được gọi ngắn gọn là steroid): Đây là hoạt chất chống viêm mạnh, giảm đau hiệu quả. Thuốc được sử dụng qua đường uống hoặc tiêm vào mô mềm cạnh khớp háng.
- Tiêm axit hyaluronic: Acid hyaluronic là chất cao phân tử, được tiêm trực tiếp vào khớp háng để làm chậm quá trình thoái hóa khớp.
LƯU Ý: Các loại thuốc giảm đau, chống viêm đều có thể gây tác dụng phụ và tương tác với loại thuốc khác người bệnh đang sử dụng. Vì vật, không tự ý sử dụng thuốc, cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
Phương pháp hỗ trợ khác
- Vật lý trị liệu: Một số bài tập có thể giúp cải thiện phạm vi chuyển động, tính linh hoạt của khớp háng. Đồng thời tăng cường sức mạnh cơ bắp ở hông và chân. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bạn một số bài tập phù hợp dựa trên mức độ bệnh và thể trạng của bạn.
- Châm cứu: Là phương pháp dùng những chiếc kim rất nhỏ tác động vào một số huyệt đạo. Phương pháp này giúp lưu thông khí huyết, thông kinh hoạt lạc, có thể hỗ trợ giảm đau.
- Kích thích dây thần kinh bằng điện qua da (TENS): Một thiết bị sẽ tạo ra những cú sốc điện nhỏ thông qua các miếng đệm đặt trên da của bạn, giúp giảm đau hiệu quả.
- Liệu pháp nhiệt: Chườm nóng hoặc chườm lạnh có khả năng làm giảm cơn đau, cứng khớp háng. Chườm lạnh giúp làm tê bì thần kinh cảm giác, giảm đau tạm thời. Chườm nóng giúp khí huyết lưu thông tốt hơn, hỗ trợ giảm đau, cải thiện vận động. Lưu ý rằng phải bọc đá hoặc túi chườm nóng vào một chiếc khăn, không nên chườm trực tiếp lên da.
- Dùng thiết bị hỗ trợ: Người bệnh thoái hóa khớp háng có thể sử dụng gậy, nạng hoặc khung tập đi như một công cụ hỗ trợ giúp đi lại dễ dàng hơn. Ngoài ra, tay cầm dài cũng giúp bạn nhặt đồ vật, hạn chế đứng lên ngồi xuống.
- Dùng thực phẩm chức năng: Dầu cá, nghệ, glucosamine và chondroitin có thể cải thiện bệnh thoái hóa khớp háng, hạn chế phản ứng sưng viêm gây đau, làm chậm quá trình thoái hóa.
Phẫu thuật
Các phương pháp trên không còn hiệu quả hoặc thoái hóa khớp háng tiến triển nghiêm trọng, gây biến chứng nặng nề thì phẫu thuật được xem là phương pháp điều trị cuối cùng. Có nhiều phương pháp phẫu thuật trong điều trị thoái hóa khớp kháng, mỗi loại phẫu thuật giúp khắc phục một số tổn thương nhất định. Bao gồm:
- Thay khớp háng toàn phần: Bác sĩ sẽ loại bỏ cả ổ cối và chỏm xương đùi bị tổn thương. Sau đó thay thế bằng khớp nhân tạo làm từ kim loại, nhựa hoặc gốm để khôi phục chức năng của khớp háng. Phương pháp này giúp giảm đau và cải thiện tầm vận động ở hông.
- Tái tạo bề mặt khớp háng: Với thủ thuật này, phần xương và sụn bị tổn thương ở ổ cối sẽ được loại bỏ và thay thế bằng vỏ kim loại. Đầu xương đùi không bị loại bỏ mà được bọc bằng một lớp kim loại mịn. Phương pháp này ít phổ biến hơn vì bề mặt kim loại mới có thể gây tổn thương cho các mô mềm xung quanh khớp háng.
- Cắt xương: Đầu xương đùi hoặc ổ cối bị cắt bỏ và căn chỉnh lại để giảm áp lực lên khớp hông. Thủ thuật này rất hiếm khi được bác sĩ chỉ định.
Phẫu thuật là phương pháp tiềm ẩn nhiều rủi ro với nhiều biến chứng có thể xảy ra, như: Nhiễm trùng, mất máu quá nhiều, đông máu, trật khớp háng, lệch chiều dài chi, tổn thương mạch máu hoặc động mạch,… Bác sĩ sẽ tư vấn kỹ về ưu điểm và nhược điểm của phương pháp này cho người bệnh trước khi thực hiện.
Thoái hóa khớp háng có nguy hiểm không?
Thoái hóa khớp háng không trực tiếp đe dọa tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, nếu không được điều trị và kiểm soát kịp thời, bệnh có thể gây ra một số biến chứng:
- Các cơn đau nhức xảy ra thường xuyên, kéo dài dai dẳng ảnh hưởng tới giấc ngủ, gây rối loạn giấc ngủ, lo âu, trầm cảm.
- Teo cơ vùng cạnh khớp háng, hạn chế khả năng vận động, thậm chí mất khả năng xoay người, gập người hay dạng chân.
- Biến dạng khớp khiến người bệnh không thể đi lại được, có khả năng bị tàn phế, trở thành gánh nặng cho người thân.
- Không vận động gây dư thừa năng lượng, tăng cân, béo phì, tăng nguy cơ mắc bệnh về tim mạch, huyết áp,…
Ngoài ra, triệu chứng đau nhức cũng làm giảm năng suất làm việc ảnh hưởng rất lớn tới công việc và cuộc sống của người bệnh.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Điều trị thoái hóa khớp háng kịp thời là phương pháp kiểm soát bệnh hiệu quả, giúp làm chậm quá trình thoái hóa. Vì vậy, ngay khi phát hiện biểu hiện bất thường tại vùng háng bạn cần tới gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và chẩn đoán. Chỉ một cơn đau nhẹ cũng có thể là biểu hiện sớm của căn bệnh này.
Ngoài ra, trường hợp bạn đang điều trị thoái hóa khớp háng tại nhà mà triệu chứng không cải thiện hoặc có dấu hiệu tiến triển nhanh thì cũng cần xin tư vấn của bác sĩ để tìm kiếm giải pháp phù hợp hơn.
Lời khuyên từ chuyên gia xương khớp
Cách chăm sóc người bệnh tại nhà
Người bệnh thoái hóa khớp háng cần sự chăm sóc từ người thân trong giai đoạn điều trị bệnh để nâng cao hiệu quả, mau chóng phục hồi. Để giúp đỡ bệnh nhân cải thiện chất lượng sống, bạn cần:
- Hiểu rõ về tình trạng bệnh của bệnh nhân để có sự giúp đỡ phù hợp. Ví dụ bệnh nhân bị thoái hóa khớp háng chuyển biến nặng sẽ cần sự trợ giúp khi chuyển tư thế từ ngồi sang đứng.
- Cố gắng cởi mở, thể hiện quan tâm, chăm sóc của mình đối với bệnh nhân.
- Chỉ nên hỗ trợ người bệnh thoái hóa khớp háng khi thực sự cần thiết, đừng quan tâm, giúp đỡ quá mức. Người bệnh vẫn muốn tự mình thực hiện các hoạt động sinh hoạt thường ngày.
- Hỗ trợ người bệnh uống thuốc đúng giờ, đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.
- Tìm hiểu cách sử dụng một số thiết bị hỗ trợ, ví dụ như nạng, khung tập đi lại…, để hỗ trợ người bệnh sử dụng chúng.
- Khuyến khích bệnh nhân vận động, tập thể dục với cường độ phù hợp.
Biện pháp phòng ngừa thoái hóa khớp háng
- Duy trì cân nặng hợp lý giúp bảo vệ các khớp, tránh tạo áp lực quá mức.
- Tập thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường sức khỏe cho các mô cơ xung quanh khớp, ngăn ngừa quá trình bào mòn sụn khớp xảy ra. Ngoài ra, tập thể dục đều đặn cũng giúp cải thiện sức khỏe của tim và phổi, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường – một yếu tố gây viêm khớp.
- Cần kiểm soát lượng đường trong máu vì lượng đường trong máu cao làm tăng tốc độ hình thành các phân tử khiến sụn giòn hơn, dễ bị nứt, bào mòn.
- Không hút thuốc lá. Thuốc lá làm tăng nguy cơ gãy xương, loãng xương, gia tăng nguy cơ bị viêm khớp.
Thoái hóa khớp háng nên ăn gì và kiêng gì?
Nhóm thực phẩm nên bổ sung
- Sụn động vật: Có hàm lượng Glucosamine, Chondroitin cao, giúp giảm đau, cải thiện thoái hóa.
- Thực phẩm giàu Omega-3: Cá thu, cá hồi, cá ngừ,… Giúp giảm đau xương khớp, kháng viêm, xương khớp linh hoạt hơn.
- Thực phẩm giàu Canxi: Trứng, sữa, đậu nành, thủy sản,…
- Thực phẩm giàu vitamin C: Cam quýt, dứa, ổi, cải xoăn, đu đủ,… Giúp cải thiện chức năng sụn khớp.
- Thực phẩm giàu vitamin D: Tôm, cua, cá mòi, trứng,… Giúp cơ thể tổng hợp canxi hiệu quả hơn, nâng cao sức khỏe xương khớp.
- Các loại nấm: Nấm lim xanh, nấm hướng,… Giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện tình trạng viêm, có các chất ức chế hình thành khối u, tốt cho xương khớp, tim mạch.
- Thực phẩm giàu beta carotene: Cà rốt, củ cải, khoai lang, măng tây, đậu hà lan, cải bó xôi,… Có khả năng chống oxy hóa, ức chế quá trình lão hóa, ngừa ung thư,…
- Gừng và tỏi: Trong tỏi có chứa diallyl disulfide giúp làm chậm quá trình thoái hóa sụn khớp. Còn trong gừng có nhiều men zingibain, giữ ấm khớp bị tổn thương, giảm đau nhức.
Nhóm thực phẩm cần hạn chế
- Thực phẩm nhiều dầu mỡ: Là loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe, có nguy cơ dẫn đến thừa cân, béo phì, tạo áp lực lên khớp háng, làm trầm trọng hơn các triệu chứng.
- Thực phẩm nhiều purin: Nội tạng động vật, thịt đỏ,… Nhóm thực phẩm này khiến hàm lượng axit uric trong máu tăng cao, làm phản ứng viêm trở nên nghiêm trọng, sụn khớp khó phục hồi.
- Cà phê và đồ uống có gas: Khiến quá trình hấp thụ canxi, sắt, kẽm và magie bị cản trở, làm xương suy yếu.
- Đồ uống có cồn: Khiến hiện tượng sưng, viêm, đau nhức dữ dội hơn. Các mao mạch khớp, tế bào xương, mô sụn bị ảnh hưởng nặng nề.
- Thức ăn quá mặn, quá ngọt: Tạo gánh nặng cho thận, dẫn đến tiêu thị nhiều canxi và khoáng chất cho hoạt động bài tiết, giảm lượng chất dinh dưỡng cung cấp cho khớp.
Lưu ý: Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện chế độ ăn kiêng. Bởi vì kiêng cữ thực phẩm không có lợi là cần thiết, nhưng kiêng khem quá mức có thể khiến cơ thể bị thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu. Điều này sẽ vô tình gây hại đến sức khỏe của bạn.
Câu hỏi thường gặp
Thoái hóa khớp háng tiếng Anh gọi là Hip Osteoarthritis hoặc Degenerative Arthritis of the Hip, chỉ một dạng tổn thương viêm khớp háng do sụn khớp bị tổn thương, bào mòn.
Đạp xe là môn thể thao nhẹ nhàng, phù hợp với người bị thoái hóa khớp háng. So với nhiều bài tập khác, đạp xe dễ dàng tác động đến khớp háng, giúp duy trì và tăng khả năng vận động, làm chậm quá trình thoái hóa, ngăn ngừa biến dạng khớp háng. Tuy nhiên, cường độ và thời gian luyện tập cần điều chỉnh phù hợp với tình trạng của bệnh nhân, tránh gây tổn thương không mong muốn. Người bệnh nên xin hướng dẫn của bác sĩ trước khi lựa chọn luyện tập môn thể thao này.
Người bệnh thoái hóa khớp háng nên tránh các bài tập có sự thay đổi đột ngột về hướng và chuyển động, bài tập trên địa hình không bằng phẳng, bài tập yêu cầu đứng lâu, bài tập nâng tạ, bài tập yêu cầu nhảy cao.
Trên đây là những kiến thức hữu ích nhất về bệnh thoái hóa khớp háng. Có thể thấy, biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát căn bệnh này là hãy duy trì một lối sống khoa học và tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ khi cần thiết. Vì vậy khi phát hiện vùng quanh khớp háng có biểu hiện bất thường, bạn hãy tới ngay cơ sở y tế uy tín để thăm khám nhé!
Nguồn tham khảo:
- https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases–conditions/osteoarthritis-of-the-hip/
- https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/hip-arthritis
- https://physio-pedia.com/Hip_Osteoarthritis