Viêm da cơ địa ở trẻ em thường xuất hiện ở thời điểm bé vài tháng tuổi cho đến khi đi học. Bệnh không gây nguy hiểm, nếu điều trị tốt bệnh sẽ khỏi và không để lại di chứng. Số ít trường hợp có thể tiến triển thành mãn tính, gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và dẫn đến biến chứng nặng nề. Bài viết dưới đây sẽ giúp phụ huynh hình dung cụ thể nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh hiệu quả.
Viêm da cơ địa ở trẻ em là gì?
Viêm da cơ địa còn được gọi là bệnh chàm thể tạng (eczema). Đây là bệnh viêm da mãn tính, tái phát từng đợt, có liên quan đến cơ địa dị ứng.
Bình thường trên da có một lớp màng bảo vệ ngăn nước bốc hơi, đồng thời bảo vệ da khỏi những tác nhân xấu từ môi trường. Với trường hợp viêm da cơ địa ở trẻ em, lớp màng bảo vệ bị tổn thương làm da khô, mất nước. Da bé dễ bị các vi khuẩn xâm nhập gây mụn đỏ, ngứa rát.
Bệnh viêm da cơ địa thường khởi phát từ sớm. Có khoảng 60% trường hợp khởi phát bệnh trong năm những năm đầu đời. Trong đó có 30% trẻ phát bệnh trong 5 năm đầu và 10% trẻ khởi phát bệnh sau 5 tuổi.
Thông thường có hơn 90% trường hợp các bé ổn định bệnh sau 2 tuổi. Chỉ 5% bé tiến triển thành viêm da cơ địa ở trẻ lớn. Không hiếm trường hợp bệnh tái phát nhiều lần cho đến tuổi trưởng thành.
Tại các nước đang phát triển, số trẻ em bị viêm da cơ địa chiếm khoảng 10 – 30% và ở trẻ vị thành niên chiếm từ 5 – 10%. Tại Việt Nam, theo một vài thống kê, tỷ lệ viêm da ở địa ở trẻ 1 tháng tuổi – 1 năm tuổi là 26,6% và trẻ dưới 5 tuổi là 16%.
Biểu hiện viêm da cơ địa ở trẻ em
Viêm da cơ địa ở trẻ em có đặc trưng: Da đỏ, khô ngứa, bong vảy, có mụn nước chảy dịch. Với mỗi độ tuổi sẽ có dấu hiệu nhận biết riêng biệt.
Viêm da cơ địa ở trẻ em dưới 2 tuổi:
- Trường hợp này khá phổ biến ở trẻ từ 2 – 3 tháng tuổi.
- Chủ yếu xuất hiện mụn nước, thường tập trung thành từng cụm ở 2 má, trán, cằm. Tổn thương có thể lan ra tay, chân, bụng, lưng,…
- Tổn thương có tính chất đối xứng, gây ngứa rất nhiều.
Viêm da cơ địa ở trẻ em từ 2 – 12 tuổi:
- Thường thấy ở trẻ em từ 2 – 5 tuổi.
- Da có các sẩn nổi cao và mụn nước xuất hiện rải rác hoặc tập trung thành mảng.
- Tổn thương đối xứng 2 bên.
- Da dày hơn, lichen hóa, ngứa rát dữ dội.
- Bệnh hay gặp ở mặt duỗi hay vùng nếp gấp khuỷu tay, gối, khoeo chân, cổ, mi mắt.
Trẻ bị viêm da cơ địa có biểu hiện tùy theo giai đoạn bệnh. Cụ thể:
Giai đoạn cấp tính: Mụn nước vỡ trên nền dát đỏ, chảy dịch, đóng vảy tiết, phù nề,…
Giai đoạn bán cấp: Có các dát sần nổi trên nền da đỏ, giảm xuất tiết, da khô hơn, ngứa nhiều, tạo thành vảy.
Viêm da cơ địa giai đoạn mãn tính: Da bé khô, có vết nứt trên da, chàm hóa,…
Ngoài ra, trẻ bị viêm da cơ địa có thể có các biểu hiện khác như: Chàm vú, quầng thâm quanh mắt, dày sừng nang lông, dấu hiệu vẽ nổi, vảy phấn trắng, mặt xanh xao, dễ bị dị ứng thực phẩm, viêm môi, viêm kết mạc,…
Nguyên nhân dẫn đến viêm da cơ địa ở trẻ em
Nguyên nhân gây bệnh viêm da cơ địa rất phức tạp. Chủ yếu có liên quan đến các yếu tố sau:
- Yếu tố di truyền: Trẻ có nguy cơ mắc bệnh nếu trong gia đình có tiền sử bệnh viêm da cơ địa, dị ứng hoặc hen suyễn.
- Yếu tố miễn dịch: Thường do hệ miễn dịch bị rối loạn, không hoạt động dưới sự kiểm soát thông thường.
- Hàng rào bảo vệ da: Hệ thống này bị suy yếu, không hoạt động đúng cách dẫn tới da mất nước, khô nhăn nheo và gây ra các biểu hiện của bệnh.
- Tác nhân bên ngoài: Dị ứng thời tiết, tắm nước nóng, thiếu ngủ, căng thẳng kéo dài, mặc quần áo chật, nhựa độc từ cây, phấn hoa, nấm mốc, lông chó mèo, côn trùng cắn, hóa chất, nước hoa, chất tẩy rửa, môi trường ô nhiễm,…
Biến chứng nguy hiểm
Một số biến chứng có thể gặp nếu viêm da cơ địa ở trẻ em không được điều trị kịp thời:
- Bé bị nứt da chảy dịch, bong tróc da mặt, toàn thân.
- Bé bị nhiễm trùng, bội nhiễm da, tổn thương sâu.
- Một số trường hợp bội nhiễm không được điều trị đúng cách, kịp thời có thể gây viêm cầu thận, nhiễm khuẩn huyết,…
- Viêm da cơ địa lan rộng tay chân và toàn thân, vảy dày.
- Bé ngứa rát, đau và quấy khóc, ăn kém, ngủ ít, ảnh hưởng đến sự phát triển.
- Tổn thương để lại sẹo, bệnh tái đi tái lại, tiến triển thành viêm da cơ địa mãn tính khi trưởng thành.
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Trẻ bị viêm da cơ địa ở trẻ thường được chăm sóc và điều trị tại nhà. Tuy nhiên phụ huynh cần đưa bé đến bệnh viện trong trường hợp:
- Bé trong tình trạng bệnh nặng, có dấu hiệu nhiễm trùng da. Điển hình như có mẩn đỏ, nóng, sưng nề, loét da hoặc chảy dịch nhiều hơn.
- Bé bị nhiễm khuẩn thứ phát nặng, cần dùng thuốc kháng sinh đường tĩnh mạch.
- Có bất cứ triệu chứng bất thường như: Sốt cao, nôn trớ, tiêu chảy,…
- Phụ huynh chưa biết cách chăm sóc nên đưa bé đến bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và lên phác đồ điều trị hiệu quả.
Điều trị viêm đa cơ địa ở trẻ em bằng cách nào?
Trẻ em có hệ miễn dịch còn non yếu nên không thể áp dụng các phương pháp điều trị như người lớn. Nguyên tắc khi điều trị viêm da cơ địa ở trẻ em là:
- Loại trừ triệu chứng, giảm ngứa, tiêu viêm, chống nhiễm trùng.
- Làm dịu da, dưỡng ẩm, ngăn khô da.
- Ổn định từng đợt bùng phát bệnh.
- Duy trì hiệu quả trong thời gian dài.
Tùy theo từng trường hợp cụ thể sẽ có phương pháp điều trị phù hợp. Để cải thiện các triệu chứng viêm da cơ địa ở trẻ, bố mẹ có thể áp dụng một số cách sau:
Chăm sóc trẻ bị viêm da cơ địa tại nhà
Viêm da cơ địa ở trẻ em cần điều trị ngay từ khi bắt đầu có dấu hiệu. Với trường hợp bệnh nhẹ, triệu chứng xuất hiện ít, chưa có dấu hiệu nhiễm trùng, bố mẹ có thể áp dụng một số phương pháp sau:
- Giữ vệ sinh sạch sẽ: Tắm hàng ngày với nước ấm và xà phòng có ít chất kiềm hoặc sữa tắm dành cho trẻ bị viêm da cơ địa.
- Không để bé gãi ngứa: Phụ huynh nên cắt ngắn móng tay cho trẻ để tránh cho bé cào gãi nhiều. Việc gãi ngứa, chà xát sẽ làm xước da, gây nhiễm trùng và tổn thương lan rộng.
- Dưỡng ẩm: Thực hiện bôi kem dưỡng ẩm cho bé 3 – 4 lần/ngày. Nên thoa sau khi tắm 3-5 phút để duy trì độ ẩm có trên da. Duy trì thói quen này kể cả khi các triệu chứng viêm da đã hết.
- Chườm lạnh: Dùng 1 chiếc khăn mềm bọc đá để chườm vào các vị trí da bị bệnh. Cách này giúp cải thiện triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu nhanh chóng.
- Dùng máy tạo độ ẩm: Nhiệt độ khô hanh hoặc nóng ẩm đều là tác nhân khiến tình trạng viêm ngứa nặng thêm. Nên dùng máy tạo độ ẩm kết hợp với điều hòa để cân bằng độ ẩm môi trường, tránh cho trẻ đổ mồ hôi,…
- Mặc đồ thoáng mát: Phụ huynh nên cho trẻ mặc những bộ đồ rộng rãi, có chất liệu mềm, thấm hút mồ hôi tốt, không bó sát người.
Mẹo dân gian chữa viêm da cơ địa cho bé tại nhà
Có nhiều loại thảo dược tự nhiên có đặc tính sát khuẩn, kháng viêm rất tốt trong điều trị viêm da cơ địa. Một số loại thảo dược chữa viêm da cơ địa ở trẻ em phổ biến bố mẹ có thể tham khảo là:
Tắm nước cây sài đất: Lấy cây sài đất, kim ngân hoa, bồ công anh rửa sạch, nấu với 2 lít nước. Để nước nguội bớt, lọc bỏ cặn, pha thêm nước sạch. Dùng nước này tắm hàng ngày giúp kháng khuẩn, giảm đỏ, ngứa da, dưỡng ẩm và phục hồi da rất tốt.
Tắm lá muồng trâu: Lấy 1 nắm lá muồng trâu to, vò hoặc giã nát lấy nước tắm. Cách này có tác dụng tiêu viêm, cải thiện triệu chứng ngứa rát, ban đỏ, sưng,… của bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em.
Tắm lá đơn đỏ: Rửa sạch, cho lá đơn đỏ vào nồi nước sôi, nấu khoảng 5 phút. Pha thêm nước mát để ngâm rửa vùng da bị bệnh có thể giúp cải thiện triệu chứng, làm chậm tốc độ tiến triển của bệnh.
Bôi nước lá bàng: Rửa sạch 4 – 5 lá bàng non, giã nát hoặc xay nhuyễn với một ít muối hạt, chắt lấy nước cốt. Dùng bông hoặc khăn vải mềm thấm nước cốt và thoa lên vị trí tổn thương trong 15 – 20 phút. Sau đó rửa sạch bằng nước ấm. Thực hiện 2 lần chia sáng, tối.
Tắm nước lá khế: Rửa sạch 1 nắm lá khế tươi, nấu cùng 2 lít nước trong 20 phút. Pha thêm nước mát để tắm mỗi ngày 1 – 2 lần.
Tắm nước lá trầu không: Lấy 10 lá trầu không tươi, đun sôi cùng một ít muối với lượng nước vừa đủ trong 5 – 10 phút. Pha thêm nước sạch và lấy để tắm cho trẻ. Để tăng hiệu quả điều trị, có thể lấy bã trầu không đắp lên vùng da bị bệnh.
Lưu ý:
- Các phương pháp dân gian này cần kiên trì sử dụng trong thời gian dài.
- Bố mẹ cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Lưu ý đảm bảo vệ sinh, tránh gây nhiễm trùng cho bé.
- Nếu áp dụng phương pháp này một thời gian mà không thấy có hiệu quả hoặc bệnh diễn tiến nghiêm trọng hơn thì hãy dừng lại và chuyển sang phương pháp khác.
- Chỉ nên sử dụng mẹo dân gian như một biện pháp hỗ trợ điều trị, giảm bớt triệu chứng. Bố mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế uy tín để bác sĩ thăm khám và đưa phác đồ điều trị hiệu quả, phù hợp.
Thuốc kê đơn
Tùy theo từng trường hợp, bác sĩ có thể cho trẻ dùng các loại thuốc bôi hoặc uống sau:
Thuốc kháng sinh: Được bác sĩ kê đơn để chống nhiễm trùng cho trẻ bị viêm da cơ địa.
Kem hoặc thuốc corticoid: Dùng bôi trực tiếp lên da, có công dụng làm giảm ngứa và sưng tấy hiệu quả. Sử dụng loại thuốc này cần lưu ý lựa chọn loại phù hợp với đặc điểm, vị trí tổn thương, độ tuổi của trẻ.
Thuốc dị ứng: Giúp giảm ngứa, cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Thuốc kháng Histamin: Nhóm thuốc kháng histamin H1 có tác dụng giảm ngứa.
Thuốc mỡ Crisaborole: Là một loại thuốc ức chế phosphodiesterase-4 dạng bôi. Có thể sử dụng với trẻ trên 2 tuổi. Nhóm thuốc này có công dụng cải thiện hệ thống miễn dịch.
Thuốc ức chế calcineurin: Tác dụng giúp giảm ngứa và sưng tấy da.
Thuốc sinh học: Được sử dụng trong trường hợp trẻ bị bệnh từ trung bình đến nặng. Tiêm loại thuốc này hàng tháng làm giảm viêm và cải thiện triệu chứng viêm của viêm da cơ địa.
Thuốc điều hòa miễn dịch: Thường được sử dụng khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Có đi kèm một số tác dụng phụ.
Lưu ý:
- Khi sử dụng các loại thuốc trên cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về liều lượng, thời gian sử dụng.
- Nếu sử dụng ngắn hơn thời gian được chỉ định, bệnh sẽ dễ tái phát. Nếu lạm dụng dùng có thể làm mỏng da.
- Tuyệt đối không tự ý mua, dùng thuốc để hạn chế nguy cơ gặp phải những phản ứng phụ nguy hiểm.
Cơ chế điều trị bệnh viêm da cơ địa theo Đông y tập trung thanh nhiệt, giải độc, bồi bổ và tăng cường chức năng các cơ quan trong cơ thể bằng các bài thuốc thảo dược tự nhiên. Đây là phương pháp được nhiều phụ huynh tin dùng vì tính hiệu quả, an toàn cho trẻ em.
Biện pháp phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa viêm da cơ địa ở trẻ em bùng phát, bố mẹ cần lưu ý các vấn đề sau:
- Loại trừ thức ăn gây dị ứng: Phụ huynh cần theo dõi xem loại sữa, thực phẩm nào khiến trẻ có phản ứng dị ứng hay làm triệu chứng bệnh gia tăng.
- Cho trẻ tắm tối đa 10 phút. Tắm lâu có thể làm mất độ ẩm trên da bé.
- Không tắm bằng nước quá nóng. Nên tắm bằng nước ấm không quá 30 độ C hoặc mát hơn tùy theo thời tiết.
- Chọn sữa tắm thích hợp cho bé, không làm khô da, không chứa các thành phần gây kích ứng da.
- Vệ sinh sạch sẽ vùng tã lót để tránh hăm da.
- Tránh cho con mặc các loại vải cứng, đồ len dạ, vải sợi, vì có thể gây khó chịu, ngứa ngáy, kích ứng da.
- Khuyến khích cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời để đảm bảo sức khỏe và tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên.
- Không cho bé tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, bụi bẩn, lông động vật, côn trùng,…
- Giữ phòng ngủ thoáng mát, sạch sẽ, có độ ẩm phù hợp.
- Không cho trẻ cào, gãi làm tổn thương da.
- Uống đầy đủ nước và bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A, B, C, Omega-3 để tăng cường sức đề kháng, chống viêm từ bên trong cơ thể bé.
Bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em có thể kiểm soát và khỏi bệnh nếu áp dụng đúng phương pháp kết hợp chế độ chăm sóc khoa học. Với trường hợp viêm da cơ địa thể nặng đi kèm nhiều triệu chứng bất thường, bố mẹ nên cho trẻ đi khám và can thiệp y tế kịp thời.
Câu hỏi thường gặp
Bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em thường xuất hiện khá sớm. Phần lớn bệnh sẽ khỏi sau 18 - 24 tháng. Nhiều trường hợp trẻ sẽ bị bệnh kéo dài liên tục đến năm 10 tuổi, tuổi vị thành niên hoặc khi trưởng thành. Tuy nhiên tỉ lệ này khá hiếm.
Phụ huynh có thể lấy lá chè xanh, lá trầu không, lá khế, lá đơn đỏ, lá bàng,... để tắm cho trẻ. Các loại lá này có công dụng làm giảm ngứa, kháng khuẩn, hỗ trợ điều trị triệu chứng viêm da cơ địa ở trẻ em hiệu quả tại nhà.
- Uống nhiều nước: Uống đủ nước, các loại nước bổ sung khoáng chất, vitamin,… giúp đào thải độc tố, tăng cường miễn dịch cho cơ thể trẻ.
- Rau củ xanh, trái cây tươi: Các loại rau có màu xanh, dứa, cam, ổi, xoài, dâu tây,... chứa nhiều chất xơ, vitamin, chất xơ và khoáng chất giúp da tái tạo làn da khỏe mạnh, ngăn ngừa và cải thiện triệu chứng viêm da cơ địa ở trẻ em.
- Thực phẩm giàu Omega 3: Omega có trong cá hồi, cá trích, cá ngừ, cá thu, ngũ cốc, quả óc chó,… giúp kháng viêm, hỗ trợ hệ thống miễn dịch chống lại các loại vi khuẩn gây hại.
- Thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn: Trong sữa chua và các thức uống lên men chứa nhiều lợi khuẩn probiotic. Bổ sung lợi khuẩn có lợi cho da giúp đẩy nhanh tốc độ tái tạo da sau tổn thương, ngừa thâm sẹo, nâng cao miễn dịch cho trẻ.
- Thực phẩm chống viêm: Bổ sung vào thực đơn dầu cá, thịt lợn, cà chua, dầu ô liu, giúp chống viêm, giảm ngứa rát, tăng cường liên kết các mô dưới da.
- Thực phẩm gây dị ứng: Không nên cho trẻ ăn những thực phẩm dễ gây dị ứng như thực phẩm thịt trâu, thịt cừu, sữa bò, đậu phộng, mè, hải sản,…
- Thức ăn chế biến sẵn: Các loại thực phẩm chứa chất phụ gia, chất bảo quản, màu nhân tạo, hương liệu,... đều có thể khiến trẻ bị dị ứng.
- Thực phẩm dầu mỡ, nhiều gia vị: Những thực phẩm nhiều dầu mỡ, muối, gia vị cay nóng sẽ làm bít tắc lỗ chân lông. Tiêu thụ nhiều khiến tình trạng viêm da, ngứa rát nghiêm trọng hơn, làm tăng nguy cơ tái phát bệnh.
DÀNH CHO BẠN