Tình trạng trào ngược dạ dày ở bà bầu thường xuất hiện, nhất là vào giai đoạn đầu và cuối thai kỳ. Trào ngược kéo dài khiến mẹ bầu mệt mỏi, khó chịu, từ đó ảnh hưởng tới sức khỏe cả mẹ và thai nhi. Vậy nguyên nhân nào gây trào ngược dạ dày khi mang thai? Điều trị như thế nào để không ảnh hưởng đến em bé? Các chuyên gia của chuyên trang chúng tôi sẽ giải đáp tại bài viết dưới đây.
Trào ngược dạ dày ở bà bầu và nguyên nhân gây bệnh
Hiện tượng trào ngược dạ dày ở bà bầu là hiện tượng phổ biến mà hầu hết các chị em đều gặp phải. Tình trạng này xảy ra khi thức ăn cùng axit tiêu hóa bị trào ngược lên thực quản dẫn đến các biểu hiện ợ hơi, ợ chua, ợ nóng, khiến người bệnh bị hôi miệng làm bà bầu cảm thấy khó chịu, bứt dứt.
Nguyên nhân khiến chị em phụ nữ khi mang thai bị trào ngược dạ dày thường là do:
- Sự phát triển của thai nhi: Khi thai nhi có kích thước và cân nặng lớn dần sẽ làm tử cung giãn nở, tạo áp lực lên các vòng cơ thắt thực quản, dạ dày. Khi đó, cơ thắt hoạt động không hiệu quả, làm tăng cơ hội cho axit trào ngược lên thực quản, gây trào ngược dạ dày thực quản. Tình trạng này thường xuất hiện nhiều và thường xuyên hơn ở cuối thai kỳ.
- Nhiễm vi khuẩn Hp: Khuẩn Hp là thủ phạm chính của các bệnh về dạ dày. Cơ thể phụ nữ mang thai có nhiều thay đổi làm hệ miễn dịch suy giảm, tạo điều kiện cho vi khuẩn Hp lây lan, phát triển và gây trào ngược.
- Thay đổi hormone: Lượng hormone Progesterone trong thời kỳ mang thai thường rất cao làm cho vòng cơ thắt thực quản mềm, giãn ra và xuất hiện kẽ hở. Từ đó, axit dịch vị cùng thức ăn dễ bị trào ngược lên thực quản thông qua các vị trí hở này.
- Thừa cân, béo phì: Giai đoạn mang thai là giai đoạn bà bầu thường cố gắng ăn nhiều thực phẩm dinh dưỡng để giúp con phát triển. Tuy nhiên, ăn quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì, gây áp lực lên dạ dày, khiến mẹ bầu dễ bị trào ngược axit.
- Do thường xuyên mặc quần áo chật: Mặc quần áo chật không chỉ khiến bà bầu cảm thấy khó chịu mà còn khiến bụng bị bó hẹp gây chèn ép lên dạ dày, dễ dẫn đến hiện tượng trào ngược dạ dày.
- Lo lắng và căng thẳng kéo dài: Khi phụ nữ mang thai rất dễ gặp áp lực thần kinh. Điều này khiến cho nồng độ cortisol sản sinh nhiều hơn, làm giảm khả năng hoạt động của vòng cơ thắt thực quản dưới và kích thích tiết acid dịch vị nhiều hơn. Khi lượng acid dư thừa quá nhiều sẽ dẫn đến trào ngược lên thực quản.
- Nguyên nhân bệnh lý: Bà bầu cũng có thể bị trào ngược dạ dày nếu có tiền sử mắc bệnh hen suyễn, thoát vị Hiatal, bệnh trào ngược dạ dày.
- Nguyên nhân khác: Những phụ nữ thường xuyên sử dụng thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá cũng dễ bị trào ngược khi mang thai. Ngoài ra, việc sử dụng một số loại thuốc tây y như thuốc chống viêm, thuốc chống dị ứng, thuốc trị cao huyết áp, cũng có thể gây trào ngược dạ dày ở bà bầu.
Triệu chứng nhận biết bệnh trào ngược dạ dày ở mẹ bầu
Chứng trào ngược dạ dày có thể gây ra một số triệu chứng khó chịu cho mẹ bầu như:
- Ợ chua, nếm thấy vị chua trong miệng
- Ợ nóng
- Thường xuyên có cảm giác nóng rát ở cổ họng
- Hay bị viêm họng, đau họng
- Khó nuốt, có cảm giác nghẹn khi thức ăn đi tới thực quản bị mắc kẹt lại
- Có thể bị khàn tiếng, mất tiếng
- Thường xuyên bị nấc cụt
Ngoài ra, mẹ bầu bị trào ngược dạ dày cũng có thể gặp một số biểu hiện khác không được đề cập trong danh sách trên. Thảo luận với bác sĩ chuyên khoa sản khi đi khám thai nếu chị em gặp bất cứ biểu hiện nào nghi ngờ mắc bệnh.
Cách chữa trào ngược dạ dày cho mẹ bầu an toàn
Sử dụng thuốc trào ngược dạ dày cho bà bầu trong thời gian mang thai là điều tối kỵ. Chính vì vậy, khi mẹ bầu bị trào ngược dạ dày, các bác sĩ thường khuyên chị em nên điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống để có thể khắc phục bệnh một cách an toàn, không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Dưới đây là một số cách trị trào ngược dạ dày tự nhiên phụ nữ mang thai có thể áp dụng để đẩy lùi bệnh ngay tại nhà.
1. Cải thiện tâm trạng
Việc đối mặt với các triệu chứng khó chịu do bệnh trào ngược dạ dày gây ra sẽ khiến chị em không khỏi lo lắng. Tuy nhiên cũng đừng vì thế mà căng thẳng quá mức bởi stress cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến tiêu hóa và gây rối loạn hoạt động của các cơ co thắt ở thực quản dưới. Điều này càng khiến cho tình trạng trào ngược axit trở nên tồi tệ.
Do đó, thay vì suốt ngày ngồi lo âu, buồn bã mẹ bầu nên cố gắng giữ bình tĩnh để sớm tìm ra cách khắc phục bệnh. Luôn luôn giữ vững tinh thần lạc quan và nghĩ đến niềm vui sắp được làm mẹ. Ngoài ra, mẹ cũng có thể cải thiện tâm trạng bằng một số cách đơn giản như:
- Tập luyện bộ môn thiền định
- Thực hành các bài tập yoga phù hợp với mẹ bầu
- Xem phim, nghe nhạc
- Đọc sách báo tìm hiểu cách chăm sóc, nuôi dậy con cái sau này
- Nói chuyện hay ra ngoài ăn một bữa cơm chung với người thân…
Một khi tinh thần được thoải mái, mọi hoạt động của các cơ quan trong cơ thể sẽ dần ổn định, bao gồm cả dạ dày, thực quản.
2. Điều chỉnh chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống là yếu tố chính tác động đến hệ tiêu hóa của con người, do vậy việc điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý không chỉ trị chứng trào ngược mà còn giúp phòng bệnh rất tốt.
Nguyên nhân khiến phụ nữ khi mang thai bị trào ngược dạ dày đó là ăn uống bừa phứa, thiếu khoa học. Các mẹ hãy hình thành cho mình thói quen ăn uống khoa học và lành mạnh ngay từ bây giờ bằng cách:
- Uống nhiều nước: vừa thúc đẩy tiêu hóa vừa làm loãng lượng axit có trong dạ dày, ngoài nước lọc thì mẹ nên uống cả sữa hạt như hạnh nhân, óc chó, hạt điều, hạt lanh,… nước ép rau củ và quả tươi.
- Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày: bình thường mẹ ăn ngày 3 bữa thì giờ đây hãy chia lượng thức ăn đó thành nhiều bữa nhỏ, lượng thức ăn tiêu thụ trong mỗi bữa giảm sẽ giúp giảm áp lực lên dạ dày và cơ quan tiêu hóa.
- Loại bỏ những thực phẩm làm tăng lượng acid trong dạ dày như đồ ăn cay nóng, đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, tẩm ướt, chế biến sẵn, socola, bạc hà,…
- Ăn chậm, nhai kỹ, nuốt từ từ, không để bụng quá đói hoặc quá no
- Tránh tiêu thụ đồ uống có chứa chất kích thích, cafein như rượu bia, cà phê, trà, nước ngọt có gas.
- Bổ sung rau xanh, thức ăn giàu chất xơ và vitamin trong bữa ăn hàng ngày để tránh tình trạng khó tiêu hoặc táo bón.
- Không uống nhiều nước trước khi ăn, tuyệt đối không ăn trước khi đi ngủ, nếu thấy đói bạn có thể lót dạ bằng 1 cốc sữa ấm sẽ giúp ngủ ngon hơn.
- Ngồi dậy và vận động nhẹ nhàng sau khi ăn, tránh việc ngồi ì một chỗ hoặc vận động mạnh sau ăn.
3. Lựa chọn trang phục phù hợp, rộng rãi
Khi mang thai, sự gia tăng cân nặng cũng như kích thước 3 vòng khiến mẹ bầu không thể mặc vừa vặn được những bộ đồ cũ. Để không gây áp lực lên vùng bụng cũng như dạ dày, chị em nên lựa chọn những chiếc đầm bầu rộng rãi, thoải mái, có chất liệu nhẹ nhàng, thoáng mát. Chúng vừa giúp cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày, vừa giúp mẹ thoải mái hơn trong vận động, sinh hoạt hàng ngày.
Tránh mặc những bộ đồ ôm sát nếu không muốn tình trạng trào ngược axit ngày càng nặng hơn.
Lưu ý khi điều trị chứng trào ngược dạ dày ở bà bầu
Khi điều trị chứng trào ngược, lương y Tuấn nhấn mạnh bà bầu cần chú ý một số vấn đề sau:
- Không ăn quá no vì sẽ gây áp lực lên dạ dày, gây cảm giác buồn nôn, thay vào đó cần chia nhỏ các bữa ăn trong ngày.
- Không nên sử dụng các loại thực phẩm kích thích dạ dày gồm gia vị cay, chua, chocolate, chè, cà phê, đồ ăn chiên xào lắm dầu mỡ,…
- Nên ăn chậm rãi, nhai kĩ, không ăn uống vội vì sẽ làm cho không khí tràn vào nhiều bên trong dạ dày gia tăng hiện tượng trào ngược.
- Không nên vừa ăn vừa uống để giảm kích thích sản sinh acid dạ dày.
- Ăn khi đang nằm hoặc nằm ngay sau khi ăn no, thay vào đó nên đi dạo vài vòng, sau đó ngồi nghỉ để tiêu hóa tốt hơn.
- Nên vận động cơ thể đều đặn, nhẹ nhàng hàng ngày để giúp người mẹ khỏe mạnh hơn và hấp thu chất dinh dưỡng nuôi con tốt hơn.
Trên đây là những thông tin chi tiết nhất liên quan đến chứng trào ngược dạ dày ở bà bầu mà chúng tôi gửi đến những mẹ đang mang thai, chuẩn bị mang thai để có được thai kỳ khỏe mạnh.