Thoái Hóa Khớp Cổ Tay: Triệu Chứng Và Cách Phòng Ngừa

Thoái hóa khớp cổ tay là bệnh lý khá phổ biến, xảy ra khi sụn khớp cổ tay bị hao mòn, ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong ổ khớp, gây đau nhức và sưng tấy. Đây là hệ quả sau nhiều năm bệnh âm ỉ tiến triển. Nếu không được kiểm soát và điều trị kịp thời, bệnh thoái hóa khớp cổ tay có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như mất khả năng cử động tay, bại liệt. Hiểu về bệnh là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của bạn.

Thoái hóa khớp cổ tay là gì?

Cổ tay là một khớp phức tạp nối cẳng tay và bàn tay, bao gồm 8 xương nhỏ hình vuông, bầu dục và tam giác. Các xương này nối bàn tay với 2 xương dài ở cẳng tay (xương quay và xương trụ). Bề mặt khớp của mỗi xương được bao phủ bởi sụn khớp – một chất mịn và trơn giúp bảo vệ và đệm xương khi bạn di chuyển bàn tay và cổ tay.

Khi sụn ở đầu xương cổ tay bị mòn đi, các xương có thể cọ xát vào nhau, gây sưng đau. Theo thời gian, khớp cổ tay có thể bị biến dạng, khiến đau nhức nghiêm trọng hơn, giảm phạm vi chuyển động ở cổ tay và bàn tay.

cau-tao-khop-co-tay
Cấu tạo khớp cổ tay

Mức độ phổ biến của bệnh

Thoái hóa khớp cổ tay cùng các bệnh thoái hóa khớp liên quan (như thoái hóa khớp ngón tay, thoái hóa khớp khuỷu tay, thoái hóa khớp bàn tay) là một trong những bệnh về khớp thường gặp ở người cao tuổi. Tại Việt Nam, thoái hóa khớp tay chiếm 14% các vị trí thoái hóa khớp thường gặp, đứng ở vị trí thứ 4.

Triệu chứng thoái hóa khớp cổ tay

Thoái hóa khớp cổ tay là bệnh lý tiến triển âm ỉ, thường mất nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm trước khi cảm nhận được triệu chứng. Các triệu chứng thường gặp của bệnh thoái hóa khớp cổ tay bao gồm:

  • Đau nhức âm ỉ sâu bên trong khớp cổ tay.
  • Các cơn đau tăng lên khi thực hiện một số cử động nhất định. Chẳng hạn như: Mở nắp lọ và lon, cầm bút hoặc dao kéo, cài nút áo, đếm tiền, đánh răng, cạo râu,…
  • Cổ tay phát ra âm thanh lục cục hoặc lách tách khi cử động.
  • Đau khi thực hiện các động tác mạnh như yoga, chống đẩy, mang vác,…
  • Cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng hoặc sau một thời gian không hoạt động. Cứng khớp thường đi kèm với đau và sẽ biến mất khi bạn bắt đầu vận động.
  • Thay đổi hình dạng khớp, cổ tay dày lên và sưng tấy.
  • Đôi khi, thời tiết lạnh có thể khiến triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.

Một số hình ảnh về bệnh

4-giai-doan-thoai-hoa-khop-co-tay
4 giai đoạn tiến triển của bệnh thoái hóa khớp cổ tay
thoai-hoa-khop-co-tay
Khớp cổ tay bình thường (trái) và khớp cổ tay bị thoái hóa (phải)

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp cổ tay

Nguyên nhân nguyên phát

Sau nhiều năm sử dụng cổ tay, đến một thời điểm nào đó sụn khớp và xương dưới sụn dần bị lão hóa. Dưới tác động của lực cơ học, lớp sụn ở khớp cổ tay sẽ dần bị bào mòn, vỡ ra thành các mảnh sụn nhỏ. Khi đó, sự tái tạo sụn khớp không bù đắp được phần thương tổn, làm sụn mòn dần rồi biến mất.

Ngoài ra, các mảnh sụn vỡ ra, trôi nổi trong ổ khớp có thể gây viêm, khiến sụn khớp, xương dưới sụn, bao hoạt dịch suy giảm chất lượng nhanh hơn. Từ đó, phá vỡ cấu trúc khớp cổ tay, gây thoái hóa khớp.

Nguyên nhân thứ phát

  • Cử động lặp đi lặp lại: Các hoạt động hàng ngày như đánh máy, vận động, hoạt động thể thao như quần vợt, cầu lông, có thể gây tổn thương cổ tay dẫn đến thoái hóa.
  • Chấn thương: Những chấn thương như gãy xương, bong gân, đứt dây chằng có thể thay đổi cấu trúc của khớp cổ tay, tăng nguy cơ thoái hóa.
  • Nguyên nhân khác: Một số yếu tố khác như di truyền, vận động sai tư thế,  các bệnh hội chứng đặc biệt liên quan đến cổ tay (hội chứng ống cổ tay, hội chứng De Quervain) cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.

Các yếu tố nguy cơ

Có một số yếu tố khiến bạn có nguy cơ bị thoái hóa khớp cổ tay cao hơn người khác, bao gồm:

  • Tuổi cao
  • Giới tính nữ
  • Gia đình có người bị thoái hóa khớp
  • Gặp chấn thương ở cổ tay
  • Tiền sử mắc bệnh xương khớp tại cổ tay
  • Công việc yêu cầu thực hiện động tác lặp đi lặp lại ở tay

Các giai đoạn tiến triển bệnh thoái hóa khớp cổ tay

Thoái hóa khớp cổ tay tiến triển theo 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Sụn khớp cổ tay bắt đầu có dấu hiệu thương tổn. Tuy nhiên người bệnh hầu như chưa cảm nhận được triệu chứng đau nhức, khó chịu nào.
  • Giai đoạn 2: Ở mức độ nhẹ, có thể xuất hiện các triệu chứng như đau nhẹ và cảm giác bí tay. Khớp có thể còn linh hoạt và không gây ra hạn chế nghiêm trọng trong việc vận động.
  • Giai đoạn 3: Ở mức độ này, đau và cảm giác bí tay trở nên rõ ràng hơn. Khớp có thể bị hạn chế về độ linh hoạt và gây khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày.
  • Giai đoạn 4: Ở mức độ nặng, bệnh có thể gây đau nghiêm trọng, viêm sưng và hạn chế nghiêm trọng về việc di chuyển, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.

Đối tượng nguy cơ

Nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh thoái hóa khớp cổ tay bao gồm:

  • Phụ nữ trên 50 tuổi.
  • Công việc yêu cầu thực hiện động tác lặp đi lặp lại: Nhân viên văn phòng, nhân viên bưng bê. công nhân làm việc theo dây chuyền, bốc vác,…
  • Người mắc hội chứng ống cổ tay, hội chứng De Quervain…
  • Người mang gen gây thoái hóa khớp (trong gia đình có người bị thoái hóa khớp). 
  • Người từng bị tai nạn, té ngã, va đập làm tổn thương tay, như là trật khớp, gãy tay,…
  • Người có dị tật bẩm sinh làm biến đổi cấu trúc xương ở tay.

Các bệnh lý liên quan

Các bệnh lý thoái hóa khớp tay

Bàn tay là bộ phận để con người thực hiện những hoạt động đòi hỏi sự tinh vi, phức tạp, như cầm bút để viết, vẽ, may vá,… Chính vì thế, đây là bộ phận có cấu tạo hết sức phức tạp. Riêng 1 bàn tay đã có 27 cái xương, bao gồm 8 xương ở cổ tay, 5 xương ở bàn tay và 14 xương ở 5 ngón tay.

Do vận động nhiều nên không chỉ riêng cổ tay, các khớp khác trên cánh tay đều có thể bị thoái hóa và có biểu hiện khá tương đồng. Cụ thể:

Thoái hóa khớp ngón tay

Khớp ngón tay là phần nối giữa xương đốt ngón tay và xương đốt bàn tay. Khớp này cho phép chúng ta gập, duỗi ngón tay một cách dễ dàng. Thoái hóa khớp ngón tay xảy ra khi phần sụn bọc ngoài các khớp ngón tay bị mòn đi, bong tróc, không còn láng mịn như trước. Tình trạng này xảy ra phổ biến tại khớp ngón tay út và khớp ngón tay cái.

Người bệnh có thể cảm thấy một số triệu chứng điển hình như: Đau khớp ngón tay, đau tăng khi cầm nắm đồ vật, cứng ngón tay, biến dạng ngón tay, biến dạng khớp liên đốt, sưng nóng ở gốc ngón tay, tay không đủ lực để cầm nắm.

Thoái hóa khớp khuỷu tay

Khớp khủy tay cho pháp cơ thể thực hiện động tác co, duỗi cánh tay, xoay cẳng tay và cổ tay. Đây là khớp thường xuyên phải thực hiện liên tục nên cũng khá dễ bị thoái hóa. Triệu chứng điển hình của bệnh thoái hóa khớp khuỷu tay là đau và cứng ở khuỷu tay. Lúc đầu cơn đau chỉ xuất hiện khi cử động khớp, biến mất khi nghỉ ngơi. Sau khi bệnh tiến triển, người bệnh có thể cảm thấy đau cả trong khi ngủ.

Bạn cũng có thể nhận biết bệnh thông qua một số triệu chứng khác, như: Đau nhức âm ỉ vùng khuỷu rồi lan xuống cẳng tay, bàn tay; Sưng viêm, nóng đỏ tại khuỷu tay; Cứng khớp khuỷu vào buổi sáng; Khuỷu tay phát ra tiếng lục cục khi vận động; Hạn chế khả năng vận động của khuỷu tay.

Hội chứng ống cổ tay

Thoái hóa khớp cổ tay và hội chứng ống cổ tay (CTS) là hai bệnh lý dễ bị nhầm lẫn với nhiều triệu chứng tương đồng. Tuy nhiên 2 căn bệnh này có cơ chế gây bệnh hoàn toàn khác nhau. Và hội chứng ống cổ tay có thể là biến chứng của bệnh thoái hóa khớp cổ tay. Việc phân biệt là cần thiết để xác định phương án điều trị phù hợp.

Thoái hóa khớp cổ tay gây đau cục bộ, cứng và sưng quanh khớp cổ tay. Cơn đau nằm ở nếp gấp cổ tay và thường đau khi chạm vào. Hội chứng ống cổ tay cũng có thể gây đau và cứng ở cổ tay, nhưng nó gây nhiều triệu chứng liên quan đến bàn tay hơn. Căn bệnh này ảnh hưởng đến dây thần kinh ở bên trong cổ tay, thường gây ra cảm giác châm chích, tê và yếu ở bàn tay, đặc biệt là ở ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa. Các triệu chứng thường nặng hơn vào ban đêm. Nếu bạn gặp những triệu chứng này thường xuyên, nên tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán kịp thời.

Phương pháp chẩn đoán thoái hóa khớp cổ tay

Để chẩn đoán chính xác bệnh thoái hóa khớp cổ tay và giai đoạn bệnh, bác sĩ cần kết hợp kiểm tra triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm.

Kiểm tra lâm sàng

Kiểm tra lâm sàng cung cấp cho bác sĩ cái nhìn tổng quan và chi tiết về tình trạng khớp cổ tay để có cơ sở đánh giá và lên phác đồ điều trị phù hợp. Bao gồm:

  • Lịch sử bệnh án: Tìm hiểu về lịch sử y tế, đặc biệt là các vấn đề về khớp cổ tay và các triệu chứng mà bạn đang gặp phải.
  • Kiểm tra vật lý: Kiểm tra về độ linh hoạt, tình trạng đau nhức, sưng tấy và các triệu chứng khác (nếu có).
  • Xác định khả năng vận động: Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn thực hiện một số động tác đơn giản để kiểm tra khả năng di chuyển và vận động của khớp cổ tay.
  • Đánh giá mức độ đau: Bác sĩ hỏi cụ thể về cảm giác đau, vị trí, mức độ và thời gian mà bạn cảm thấy đau.
  • Tác động của bệnh lên cuộc sống: Bác sĩ cần tìm hiểu các triệu chứng bệnh ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, công việc, hoạt động thể chất của bạn như thế nào.

Các xét nghiệm

  • Chụp X-Quang: Cung cấp hình ảnh về cấu trúc xương và sụn, giúp bác sĩ xác định vị trí chính xác và mức độ thoái hóa khớp cổ tay.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: Cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về những mô mềm quanh ổ khớp, giúp xác định rõ hơn các tổn thương liên quan.
  • Xét nghiệm máu: Để loại bỏ khả năng bạn mắc các bệnh khác về khớp có triệu chứng tương tự thoái hóa khớp cổ tay.

Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp cổ tay

Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp cổ tay hiện nay tập trung vào cải thiện triệu chứng, hạn chế tác động của bệnh đến vận động và sinh hoạt của người bệnh. Đồng thời làm chậm quá trình thoái hóa khớp. Cụ thể:

Điều trị tại nhà

Giảm áp lực lên khớp cổ tay

  • Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh để tay phải làm việc liên tục.
  • Duy trì hoạt động cổ tay nhưng tránh những hoạt động mạnh và lặp đi lặp lại, như: tập xà, chống đẩy,…
  • Dùng cả 2 tay để thực hiện cho một số công việc mà bạn thường làm bằng 1 tay, như bưng bê, cầm điện thoại,…
  • Sử dụng ba lô hoặc xe đẩy hàng thay vì xách đồ ở tay.

Tập luyện

Các bài tập nhẹ nhàng, kéo giãn cơ có thể cải thiện chứng đau nhức, cứng ở cổ tay, duy trì chức năng vận động của khớp. Có một số bài tập rất đơn giản mà người bệnh có thể tự thực hiện ở nhà, chẳng hạn như: Gập và duỗi cổ tay, uốn ngón tay, căng ngón tay, nắm tay,…

Thực hiện các bài tập ít nhất 3 lần/tuần. Trong 2 tuần đầu, mỗi động tác thực hiện lặp lại 10 lần. Trong 2 tuần tiếp theo tăng lên 12 lần và sau đó là 15 lần.

Chườm nóng hoặc chườm lạnh

Chườm nóng giúp giảm đau và cứng khớp. Bạn có thể thực hiện đơn giản bằng cách đặt cổ tay lên chai nước nóng hoặc ngâm bàn tay vào nước ấm. Không chườm nóng khi khớp đang sưng nóng vì sẽ khiến các triệu chứng tồi tệ hơn.

Chườm lạnh là giải pháp thích hợp khi khớp bị đau và sưng tấy. Chườm lạnh khiến mạch máu co lại, giảm sưng và viêm. Bạn có thể bọc viên đá trong một miếng vải và chườm trực tiếp lên vùng bị đau. Lưu ý rằng không chườm đá trực tiếp trên da vì có thể gây bỏng lạnh, dừng lại nếu đau quá mức, tê hoặc ngứa ran.

Dùng nẹp cổ tay hoặc giá đỡ

Hiện nay có nhiều loại nẹp giúp bảo vệ cổ tay của bạn:

  • Nẹp nghỉ: Giữ cho bàn tay và cổ tay ở đúng vị trí khi đang nghỉ ngơi.
  • Nẹp hoạt động: Hỗ trợ cổ tay, giúp bạn thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách dễ dàng hơn.

Bạn có thể nua nẹp tại các hiệu thuốc, cửa hàng vật dụng y tế. Để chắc chắn loại nẹp nào phù hợp với mình thì bạn nên xin ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi quyết định mua.

Quản lý cân nặng và chế độ ăn uống

Tình trạng thừa cân sẽ làm gia tăng phản ứng viêm, gây đau nhức nghiêm trọng hơn. Vì vậy bạn nên có chế độ ăn uống điều độ để duy trì cân nặng ở mức hợp lý. Tuy nhiên bạn cũng không nên kiêng khem quá đà, cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để cơ thể khỏe mạnh. Một số loại thực phẩm cần hạn chế như: Đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều giàu mỡ, chất phụ gia, đồ ăn nhiều đường, các chất kích thích, rượu bia,…

Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu giúp cải thiện các cơn đau nhức ở vùng cổ tay và cải thiện khả năng vận động khớp. Khi thực hiện các bài tập này cần có sự hướng dẫn trực tiếp từ bác sĩ vì nếu làm sai động tác, bệnh có thể tiến triển nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Có một số phương pháp vật lý trị liệu dành cho người bệnh thoái hóa khớp cổ tay như:

  • Kích thích dòng điện qua da
  • Liệu pháp siêu âm
  • Massage giảm đau

Tuy vật lý trị liệu tốn nhiều thời gian nhưng là phương pháp điều trị duy trì hiệu quả. Người bệnh có thể lấy lại sự linh hoạt của khớp mà không gặp tác dụng phụ nhờ phương pháp này.

Điều trị bằng thuốc

Với những trường hợp thoái hóa khớp cổ tay nặng hơn, các biện pháp trên có thể là không đủ. Khi đó, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để giúp người bệnh giảm đau nhức, cứng khớp. Để đạt hiệu quả tốt nhất, người bệnh cần duy trì áp dụng các phương pháp trên trong khi dùng thuốc.

Một số loại thuốc thường dùng trong điều trị thoái hóa khớp cổ tay:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Bao gồm ibuprofen, diclofenac, ketoprofen,… Loại thuốc này được bào chế dưới dạng thuốc bôi hoặc viên nén để uống, có tác dụng giảm đau, viêm, sưng tấy. Một số loại thuốc ibuprofen được bán rộng rãi tại các hiệu thuốc. Các loại thuốc có dược tính mạnh hơn thì được bán theo đơn.
  • Kem capsaicin: Hoạt chất này được chiết xuất từ ớt, giúp điều trị các cơn đau tại khớp.
  • Thuốc giảm đau: Có loại thuốc giảm đau không kê đơn, như acetaminophen. Các loại thuốc giảm đau mạnh hơn thường được dùng trong thời gian ngắn và cần sử dụng cẩn thận theo chỉ định của bác sĩ.
  • Tiêm steroid: Tiêm steroid là phương pháp hữu ích khi khớp cổ tay bị viêm nhiều, các phương pháp giảm đau khác không đáp ứng được hiệu quả điều trị. Việc tiêm steroid có thể được lặp lại một vài lần nếu cần thiết và cách nhau vài tháng.

Lưu ý: Không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà mà cần thăm khám và mua thuốc theo sự kê đơn của bác sĩ. Việc tự ý dùng thuốc có thể gây tình trạng nhờn thuốc, phụ thuộc thuốc và các tác dụng phụ không mong muốn.

Phẫu thuật

Phẫu thuật được xem là giải pháp điều trị cuối cùng khi các biện pháp khác không phát huy hiệu quả hoặc khi bệnh thoái hóa khớp cổ tay tiến triển nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định một trong số các phương pháp phẫu thuật sau đây:

  • Phẫu thuật dự phòng: Mục tiêu căn bằng tình trạng khớp cổ tay, duy trì khả năng vận động của khớp.
  • Phẫu thuật bảo tồn: Can thiệp vào các khớp chưa bị tổn thương nghiêm trọng để khôi phục một số chức năng cơ học của khớp, cải thiện khả năng vận động khớp, tránh gây ra những tổn thương nghiêm trọng hơn.
  • Phẫu thuật thay thế: Bác sĩ sẽ thay thế một số khớp bị tổn thương bằng khớp nhân tạo. Phương pháp này được áp dụng khi các khớp bị tổn thương nghiêm trọng, không thể áp dụng biện pháp trên.

Biến chứng bệnh thoái hóa khớp cổ tay

Tương tự như các bệnh thoái hóa khớp khác, thoái hóa khớp cổ tay là bệnh lý tiến triển chậm trong thời gian dài. Càng để lâu bệnh càng biểu hiện nghiêm trọng và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Biến chứng thường gặp là:

  • Hội chứng ống cổ tay: Thoái hóa khớp cổ tay có thể gây hội chứng ống cổ tay khi tình trạng sưng khớp, hẹp khe khớp khiến gân chèn ép dây thần kinh dẫn đến bàn tay. Hội chứng này khiến bàn tay, ngón tay bị tê, yếu, cảm giác như kim châm. Các triệu chứng biểu hiện trầm trọng hơn vào ban đêm.
  • Biến dạng, thay đổi cấu trúc khớp: Thoái hóa khớp cổ tay có thể dẫn đến hẹp khe khớp, hình thành các gai xương. Theo thời gian, phạm vi chuyển động của khớp cổ tay bị thu hẹp, gai xương mọc xung quanh đầu xương gây biến dạng khớp.
  • Cản trở các hoạt động hàng ngày: Những người bị thoái hóa khớp cổ tay có thể không tự mình thực hiện được các hoạt động hết sức đơn giản, như mở nắp lọ, rót nước,… Thậm chí, người bệnh nặng có thể bị tê liệt, trở thành gánh nặng của người thân.

Khi nào bạn nên gặp bác sĩ?

Bạn nên đi khám bác sĩ nếu:

  • Cảm giác đau, cứng, sưng bất thường ở khớp cổ tay.
  • Không có khả năng di chuyển bàn tay, cổ tay hoặc ngón tay của bạn.
  • Đau hoặc phạm vi chuyển động hạn chế cản trở cuộc sống hàng ngày.
  • Đang tiến hành điều trị nhưng các triệu chứng không được cải thiện hoặc trở nên nghiêm trọng hơn.

Bị thoái hóa khớp cổ tay nên ăn gì, kiêng gì?

Nhóm dưỡng chất cần bổ sung

  • Chất chống oxy hóa

Các chất chống oxy hóa như vitamin A, vitamin C, vitamin E,… là những dưỡng chất quan trọng giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác động của các gốc tự do gây hại, giảm phản ứng viêm.

Vitamin A có nhiều trong hải sản, thịt, gia cầm, sữa và chế phẩm từ sữa, gan động vật,…

Vitamin C có nhiều trong các loại trái cây như cam, quýt, hạt hạnh nhân, hạt óc chó,…

Vitamin E có trong nhiều trong hạt hướng dương, rau bina, bơ, bí, quả kiwi, cá hồi, tôm, dầu ô liu, hạnh nhân, mầm lúa mì và bông cải xanh.

  • Dưỡng chất chống viêm

Omega-3 và curcumin là những dưỡng chất chống viêm mạnh mẽ. Omega-3, có trong cá hồi, hạt chia, hạt lanh,… giúp làm giảm viêm đau khớp cổ tay. Curcumin chủ yếu có trong nghệ, cũng được biết đến với khả năng giảm viêm và giảm đau mạnh mẽ.

  • Canxi và Vitamin D

Canxi và vitamin D là dưỡng chất quan trọng để bảo vệ xương khớp chắc khỏe. Sữa và các sản phẩm từ sữa là nguồn canxi tốt. Vitamin D cơ thể có thể tự tổng hợp nhờ ánh sáng mặt trời tự nhiên hoặc hấp thụ từ cá hồi, mỡ cá hồi.

  • Collagen

Collagen đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự linh hoạt và độ đàn hồi của khớp cổ tay. Cua, thịt gà, cá hồi và dầu cá là nguồn thực phẩm giàu collagen, hỗ trợ tốt quá trình tái tạo và phục hồi mô, khớp bị thương tổn.

  • Kẽm

Kẽm có nhiều trong hải sản, thịt gia cầm, hạt bí,… đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái tạo mô, giúp cải thiện sức khỏe chung của khớp.

  • Protein

Protein là yếu tố quan trọng giúp duy trì cấu trúc và chức năng của các cơ và khớp. Thịt gia cầm, cá, đậu nành, và thực phẩm từ sữa là những nguồn protein tốt, giúp duy trì sức khỏe của khớp cổ tay.

Thực phẩm cần tránh

  • Thực phẩm nhiều chất béo

Người bệnh không nên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa, vì chúng có thể tăng sự viêm nhiễm trong cơ thể, gây đau nhức cổ tay nghiêm trọng hơn. Chẳng hạn như đồ ăn chiên rán, đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp,…

  • Thực phẩm nhiều đường

Đối với người bệnh thoái hóa khớp cổ tay, việc kiểm soát lượng đường trong chế độ ăn là vô cùng quan trọng. Đường có thể gây tăng cân, làm tăng cảm giác đau và sưng tại khu vực cổ tay.

  • Thực phẩm chứa gluten

Nhiều nghiên cứu cho thấy, giảm gluten trong chế độ ăn hàng ngày có thể giảm triệu chứng thoái hóa khớp. Vì vậy, bạn nên hạn chế tiêu thụ những loại thực phẩm chứa nhiều gluten như bột mì và các thực phẩm chế biến từ bột mì, ngô,…

  • Thực phẩm chứa nhiều purin

Thực phẩm có hàm lượng purin cao như thịt đỏ, hải sản, socola,… khiến cơ thể tăng cường sản xuất axit uric, nguy cơ gây ra các vấn đề về khớp.

  • Cà phê và các chất kích thích

Người bệnh không nên sử dụng cà phê, rượu bia, các chất kích thích. Tránh xa các loại thực phẩm này có thể giúp giảm tình trạng sưng đau tại cổ tay.

  • Thực phẩm dễ gây dị ứng

Một số người có thể bị dị ứng với một vài loại thực phẩm nhất định, chẳng hạn như thịt đỏ, hải sản, hoặc đậu nành. Nếu bị dị ứng với loại thực phẩm nào thì bạn nên tránh chúng trong bữa ăn hàng ngày.

Lưu ý: Người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để tìm ra chế độ ăn phù hợp nhất với bản thân. Tránh kiêng khem quá đà gây thiếu chất, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tổng thể.

Biện pháp phòng ngừa

  • Điều chỉnh ghế và bàn làm việc phù hợp với bản thân để ngồi làm việc đúng tư thế.
  • Thực hiện các bài tập nhẹ nhàng giúp giãn cơ và cải thiện sự linh hoạt của cổ tay.
  • Tập luyện để tăng cường sức mạnh cơ bắp xung quanh khớp cổ tay để hỗ trợ khớp khi vận động, giảm áp lực lên khớp.
  • Đảm bảo thời gian nghỉ ngơi đầy đủ, thực hiện bài tập giãn cách để giảm căng thẳng và áp lực trên cổ tay.
  • Hạn chế sử dụng điện thoại di động và máy tính trong thời gian dài mà không nghỉ ngơi.
  • Đeo dụng cụ bảo vệ cổ tay như dây đeo hoặc nẹp bảo vệ để giảm áp lực, hỗ trợ khớp.
  • Thực hiện kiểm tra y tế định kỳ để theo dõi tiến triển bệnh và điều trị các vấn đề y tế liên quan.
  • Duy trì cân nặng ổn định, tránh thừa cân, béo phì.
  • Ăn uống cân đối, đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là canxi và vitamin D để duy trì sức khỏe của xương khớp.

Một số câu hỏi thường gặp

Thoái hóa khớp cổ tay tiếng Anh là gì?

Thoái hóa khớp cổ tay tiếng Anh là Osteoarthritis of the wrist – Một tình trạng xảy ra khi lớp sụn ở đầu xương tại khớp cổ tay bị mòn đi, gây ma sát gây sưng, đau, hạn chế khả năng vận động.

Thoái hóa khớp cổ tay có khỏi được không?

Không. Thoái hóa khớp cổ tay là một bệnh lý mãn tính, không có biện pháp chữa khỏi dứt điểm. Tuy nhiên hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị giúp giảm đáng kể các triệu chứng khó chịu, đặc biệt là đau nhức, duy trì tầm vận động. Đó có thể là các phương pháp điều trị tại nhà, dùng thuốc, vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật. Tìm hiểu kỹ thông tin về bệnh, duy trì lối sống khỏe mạnh là giải pháp hữu hiệu giúp bạn ngăn ngừa căn bệnh này.

Độ tuổi nào dễ mắc thoái hóa khớp cổ tay?

Bất cứ ai cũng có thể bị thoái hóa khớp cổ tay, nhưng nó trở nên phổ biến hơn khi chúng ta già đi, đặc biệt là sau 50 tuổi.

Tập thể dục có làm chậm thoái hóa khớp cổ tay không?

Nhiều nghiên cứu y học đã chứng minh tập thể dục ở mức độ nhẹ đến trung bình có lợi cho người bệnh thoái hóa khớp, trong đó có bệnh thoái hóa khớp cổ tay. Tuy nhiên, do tình trạng của mỗi người bệnh là khác nhau nên để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất, người bệnh nên xin tư vấn của bác sĩ. Với chuyên môn của mình, bác sĩ có thể tư vấn cho bạn bài tập và cường độ luyện tập phù hợp.

Không hoạt động có giúp cải thiện bệnh không?

Câu trả lời là không. Không cử động khớp bị thoái hóa sẽ giúp cải thiện bệnh là suy nghĩ sai lầm của nhiều người. Mặc dù nghỉ ngơi là quan trọng nhưng nếu bạn ít vận động khớp sẽ làm quá trình thoái hóa khớp diễn ra nhanh hơn, làm tăng các triệu chứng bệnh, đặc biệt là đau nhức và cứng khớp.

Trên đây là những kiến thức hữu ích nhất về bệnh thoái hóa khớp cổ tay. Mong rằng qua bài viết này bạn đã biết cách để cải thiện tình trạng bệnh tại nhà. Dù thoái hóa khớp cổ tay không phải bệnh lý đe dọa trực tiếp đến tính mạng nhưng bạn vẫn nên đi khám bác sĩ nếu phát hiện các biểu hiện bất thường để tránh biến chứng nguy hiểm.

GỢI Ý XEM THÊM

Cập nhật lúc: 10:55 AM , 14/11/2023

Tin liên quan

bai-tap-thoai-hoa-khop-vai

Hướng Dẫn 4 Bài Tập Thoái Hóa Khớp Vai Tăng Cường Vận Động

Thoái hóa khớp vai là bệnh lý xương khớp khá phổ biến ở người cao tuổi và đang có xu hướng trẻ hóa. Bệnh gây đau, cứng khớp vai, gây...

Thoái Hóa Khớp Gối Có Nên Đi Bộ Không? Giải Đáp Cùng Chuyên Gia

Thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không là thắc mắc của nhiều người đang gặp tình trạng này. Thoái hóa khớp là bệnh lý thường gặp và cần...

Cách Điều Trị Thoái Hóa Khớp Hiệu Quả [NÊN BIẾT]

Cách điều trị thoái hóa khớp hiệu quả, phổ biết hiện nay

Để đạt hiệu quả cao trong việc điều trị thoái hóa khớp, cần tiến hành ngay từ giai đoạn sớm để tránh những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe...

Phác Đồ Điều Trị Thoái Hóa Khớp Bộ Y Tế

Thông tin bài viết dựa theo “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp”, được ban hành kèm theo Quyết định số 361/QĐ-BYT Ngày 25 tháng...

thoái hóa khớp gối có triệu chứng theo giai đoạn

Thoái Hóa Khớp Gối: Dấu Hiệu, Chẩn Đoán, Giai Đoạn Bệnh

Thoái hóa khớp gối là bệnh lý phức tạp, tiến triển âm thầm từ từ nên rất khó phát hiện. Đến khi bệnh trở nặng sẽ gây ảnh hưởng nhiều...

bi-thoai-hoa-khop-goi-nen-an-gi

Người bị thoái hóa khớp gối nên ăn gì và cần tránh những gì?

Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp không chỉ hỗ trợ giảm triệu chứng thoái hóa khớp gối mà còn giúp cải thiện sức khỏe toàn diện. Vậy người bị...

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *